Trung Quốc lợi dụng thế yếu của Miến Điện để thúc đẩy Con Đường Tơ Lụa (Trọng Nghĩa)

Do bị bao vây cấm vận nhiều năm, cơ sở hạ tầng kém, xung đột sắc tộc dai dẳng, nên dù đã mở cửa và cải tổ chính trị khá sâu rộng,  Myanmar vẫn không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.

Trong hoàn cảnh đó, chính quyền của bà Aung San Suu Kyi phải miễn cưỡng chấp nhận những khoản đầu tư từ ông hàng xóm xấu bụng Trung Quốc.

17/01/2020 - 16:20
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Miến Điện Win Myint trong lễ đón tiếp tại dinh tổng thống ở Naypyitaw, Miến Điện, ngày 17/01/2020
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và tổng thống Miến Điện Win Myint trong lễ đón tiếp tại dinh tổng thống ở Naypyitaw, Miến Điện, ngày 17/01/2020 REUTERS/Ann Wang

Trọng tâm hai ngày công du Miến Điện của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu từ hôm nay 17/01/2020 là thuyết phục láng giềng Đông Nam Á này ký kết những thỏa thuận quan trọng về hạ tầng cơ sở, cho phép Bắc Kinh đẩy mạnh thêm đề án Con Đường Tơ Lụa Mới.

Theo các nhà phân tích, thời cơ lúc này đang thuận lợi cho Trung Quốc cả về chính trị và kinh tế, cho dù sẽ vấp phải một số cản lực, kể cả từ phía quân đội Miến Điện, nổi tiếng là có tinh thần dân tộc cao.

Điều cần ghi nhận trước tiên là Miến Điện có một vị trí chiến lược tối quan trọng trong kế hoạch Con Đường Tơ Lụa của ông Tập Cận Bình. Cùng với Pakistan, Miến Điện là một trong 2 nước “thân thiện” có thể mở cho Trung Quốc con đường trực tiếp ra Ấn Độ Dương, tránh được vùng Biển Đông đang có tranh chấp và eo biển Malacca rất bận rộn, nơi mà phần lớn nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc phải đi qua.

Hành lang kinh tế Trung Quốc-Miến Điện CMEC, là một mắt xích quan trọng trong Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường, nhằm kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.

Giữa Trung Quốc và Miến Điện, quan hệ không phải là lúc nào cũng suôn sẻ, nhất là khi nhiều người Miến Điện lo ngại đất nước nhỏ bé của mình bị lệ thuộc vào láng giềng khổng lồ.

Tranh thủ thế yếu của bà Aung San Suu Kyi

Thế nhưng trong thời gian gần đây, Bắc Kinh đã biết lợi dụng hai chỗ yếu của chính quyền Miến Điện để lôi kéo nước láng giềng về phía mình.

Trước hết bất chấp các phản ứng công phẫn từ khắp nơi trên thế giới nhắm vào quân đội và chính quyền của bà Aung San Suu Kyi sau chiến dịch đàn áp, xua đuổi người Hồi Giáo Rohingya năm 2017 đã buộc hơn 730.000 người phải chạy qua tị nạn ở Bangladesh, Bắc Kinh tuyệt đối tránh lên án Miến Điện.

Không những thế, trong tư cách thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc không ngần ngại bảo vệ chính quyền Naypyidaw trước những cáo buộc của quốc tế. Vai trò này của Bắc Kinh được cho là trở ngại lớn nhất đối với mong muốn truy tố các lãnh đạo Miến Điện ra trước một tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh.

Mặt khác, Trung Quốc cũng biết khai thác việc lãnh đạo Miến Điện là bà Aung San Suu Kyi đang rất cần tiền để phát triển đất nước, nhằm thuyết phục được người dân tín nhiệm trở lại đảng cầm quyền nhân các cuộc bầu cử sắp tới đây.

Hiện nay, Trung Quốc đã vươn lên thành nhà đầu tư lớn thứ hai ở Miến Điện, chỉ sau Singapore, với thương mại hai chiều vượt mức 10 tỷ đô la. Một chuyên gia phân tích chính trị người Miến, làm việc tại Vân Nam cho rằng hiện “không có quốc gia nào khác đầu tư vào Miến Điện ngoại trừ Trung Quốc” do vậy, Bắc Kinh có thể dễ dàng lôi kéo Naypyidaw.

Nỗi lo ngại sập bẫy nợ

Tuy nhiên, nỗ lực đầu tư của Trung Quốc vào các đề án hạ tầng cơ sở to lớn tại Miến Điện đang vấp phải những phản ứng nghi ngại, đặc biệt là những đề án trong khuôn khổ Con Đường Tơ Lụa.

Lý do trước tiên luôn luôn được giới quan sát nêu bật là hỗ trợ phát triển của Bắc Kinh lại đến từ các khoản vay thay vì viện trợ không hoàn lại và buộc phải dùng công ty Trung Quốc. Điều này dễ dẫn đến trường hợp được gọi là bẫy nợ, khi nước nhận tiền không trả được nợ, phải gán tài sản quốc gia cho Trung Quốc để trả nợ, gây nên tình trạng mất chủ quyền.

Ví dụ về cảng Hambantota ở Sri Lanka là lời cảnh báo cho các nước về những gì có thể xảy ra khi không trả được các khoản vay của Trung Quốc. Sri Lanka bị buộc phải cho phía Trung Quốc thuê cảng của mình trong thời hạn 99 năm, có nghĩa là mất hẳn quyền điều hành cơ sở này.

Riêng trong trường hợp Miến Điện, nếu kịch bản bẫy nợ xẩy ra đối với công trình cảng Kyaukphyu, Bắc Kinh sẽ không chỉ có được một cảng có vị trí chiến lược mà còn có đường sắt và đường cao tốc nối liền với tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc.

Miến Điện đã bắt đầu lo ngại. Gần đây Naypyidaw đã bắt đầu giảm bớt chi phí và sự tham gia của Trung Quốc tại cảng Kyaukphyu và khu kinh tế lân cận.

Tâm lý bài Trung Quốc

Bên cạnh đó, sự hiện diện của Trung Quốc cũng ngày càng không được người dân Miến Điện chào đón, với phong trào phản đối đã nổ ra ở nhiều nơi, như ở Shwe Kokko, một dự án phát triển đô thị lớn của Trung Quốc trên sông Moei ở biên giới với Thái Lan, hay ở một mỏ đồng do Trung Quốc điều hành tại Monywa gần Mandalay, miền trung Miến Điện.

Đó là chưa kể đến đề án đập và nhà máy thủy điện khổng lồ tại Myitsone ở miền Bắc, đã bị dân cư địa phương phản đối dữ dội đến mức chính quyền phải hoãn lại, mặc dù Trung Quốc tiếp tục vận động để khởi động lại.

Sau cùng, giữa quân đội Miến Điện và Trung Quốc, mọi việc không phải hoàn toàn ổn thỏa, đặc biệt là với vai trò mập mờ của Bắc Kinh trong việc giúp hòa giải giữa quân đội đất nước với các nhóm phiến quân thuộc các sắc tộc thiểu số giáp giới với Trung Quốc.

Bắc Kinh không được bên nào xem là một nhà môi giới trung thực, nhất là khi vào lúc các nhà trung gian Trung Quốc hô hào hòa giải, thì một vài nhóm sắc tộc chống lại chính quyền trung ương lại được trang bị bằng vũ khí mới của Trung Quốc.