Tranh đấu thế nào để thắng lợi? (Việt Hoàng)
Trong cuộc vận động này vai
trò của trí thức Việt Nam rất quan trọng, không nhất
thiết họ phải tham gia vào một tổ chức chính trị nào nhưng dứt khoát họ phải
lên tiếng ủng hộ cho một tổ chức chính trị mà họ thấy là đứng đắn và có giải
pháp tốt nhất. Im lặng tức là đồng lõa với chính quyền và kéo dài thực trạng
tụt hậu và thua kém hiện nay của đất nước. Chỉ có các tổ chức dân chủ mạnh mới
hiệu triệu được quần chúng để gây sức ép lên đảng cộng sản buộc họ phải chấp
nhận luật chơi dân chủ. Không thể trông chờ vào các thế lực bên ngoài hay bất
cứ một may mắn nào mà tự chúng ta phải xây dựng cho chúng ta một tổ chức chính
trị hùng mạnh như thế. (Việt Hoàng)
Nếu bây giờ đặt
câu hỏi này cho những người Việt Nam đang đấu tranh cho dân chủ thì câu trả lời
sẽ là “tôi không biết” và sự thật là họ không biết. Quan sát và theo dõi các tổ
chức và các nhân sĩ đang tranh đấu cho dân chủ thì mọi người đều có thể thấy rõ
điều đó.
Tất cả những
người đang tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam đều là những người dũng cảm, mạnh
mẽ, có lòng yêu nước và quan tâm đến vận mệnh của dân tộc. Tuy nhiên họ lên tiếng
là vì bản chất lương thiện trong con người họ, họ không chấp nhận sự vô lý và bất
công đang diễn ra trong xã hội Việt Nam dưới thời cộng sản. Họ lên tiếng vì
lương tâm và trách nhiệm của một người có tấm lòng. Họ không nghĩ là họ có thể
đánh bại được đảng cộng sản Việt Nam. Họ lên tiếng vì lương tâm họ bắt họ phải
lên tiếng và để tâm hồn họ được thanh thản chứ họ không hề có ý định hay khả
năng đánh bại đảng cộng sản để lên cầm quyền và thay đổi xã hội Việt Nam.
Đến giờ này
thì có lẽ ai cũng hiểu đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức
chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Đảng cộng sản Việt Nam là một
tổ chức chính trị vì thế để chiến thắng nó thì phong trào dân chủ cũng phải có
một tổ chức chính trị ngang tầm. "Một tổ
chức chính trị là tập hợp của những người cùng chia sẻ một lý tưởng chính trị với
mong muốn tham gia vào chính trường, được nắm quyền để thay đổi xã hội theo những
giá trị mà tổ chức đó đề nghị và theo đuổi".
Phương pháp hay lộ trình tranh đấu của một tổ
chức chính trị để dành được chính quyền bằng phương pháp bất bạo động là gì?
Theo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì phương pháp đó là: "Mỗi một tổ chức
chính trị sẽ đưa ra một ‘giải pháp thay thế mới’ với những khác biệt so với
chính sách hiện hành, thuyết phục người dân, vận động tranh cử và cố gắng dành
chiến thắng trong các cuộc bầu cử công khai để trở thành đảng cầm quyền. Cuối
cùng là thực thi những giải pháp đã đề nghị".
Ngoài kịch bản
đưa đến thắng lợi của Tập Hợp thì quả thật là chúng tôi chưa thấy có một kịch bản
nào khác để tham khảo và học hỏi. Tập Hợp là một tổ chức chính trị không giống
bất cứ một tổ chức nào của Việt Nam từ xưa đến nay, kể cả đảng cộng sản. Chúng
tôi luôn minh bạch và công khai trong phương pháp đấu tranh của mình. Chúng tôi
không hề dùng thủ đoạn, bưng bít, dối trá hoặc dấu diếm bất cứ điều gì. Chúng
tôi đã trình bày rất rõ là sẽ làm những gì, tranh đấu như thế nào để dành chiến
thắng và sẽ làm những gì nếu được người dân Việt Nam lựa chọn là đảng cầm quyền.
Người dân Việt
Nam thấy lộ trình mà chúng tôi trình bày có vẻ “giản dị” và cởi mở quá nên nhiều
người đâm ra hoài nghi. Họ nhìn vào đảng cộng sản thì thấy rằng dù đã cầm quyền
tại Việt Nam suốt hơn 70 năm qua nhưng lúc nào đảng cộng sản Việt Nam cũng hành
động một cách mờ ám, dấu diếm và không minh bạch. Một ví dụ là cho đến bây giờ
họ vẫn dùng đến đội ngũ dư luận viên để đối phó với những tiếng nói bất đồng thay
vì dùng Ban tuyên giáo công khai đăng đàn trả lời các chất vấn của người dân
hay dùng hệ thống truyền thông khổng lồ của đảng để “đối thoại” và thuyết phục
quần chúng Việt Nam về “con đường đi lên xã hội chủ nghĩa”. Bất cứ ai không đồng
tình với chính quyền đều bị quy cho là “thế lực thù địch” và bị kết án rất nặng.
Các bài giảng và tập huấn cho cán bộ cao cấp của đảng luôn là bí mật và chưa
bao giờ được công khai cho người dân được biết.
Chúng tôi dù
chưa có phương tiện dồi dào như đảng cộng sản nhưng lúc nào cũng đàng hoàng,
công khai và minh bạch trong mọi chủ trương đường lối của mình. Tập Hợp sẵn
sàng giải thích bất cứ thắc mắc nào của quần chúng về dự án chính trị của mình một
cách đầy đủ và chân thành. Chúng tôi không hề dấu diếm bất cứ điều gì và công
khai gần như là mọi thứ, kể cả phương pháp đánh bại đảng cộng sản và thiết lập
dân chủ cho Việt Nam.
Trong Dự án
chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai chúng tôi trình bày rõ ràng và cụ thể từng
bước đi của mình, ví dụ làm thế nào để xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt, làm
sao tranh thủ sự hưởng ứng của quần chúng và sẽ đánh bại đảng cộng sản như thế
nào…chúng tôi luôn “chơi bài ngửa” chứ không dùng bất cứ thủ đoạn hay có âm mưu
gì.
Tập Hợp không
có bí mật vì chúng tôi cho rằng cách giữ bí mật tốt nhất là không có bí mật.
Theo quan điểm của chúng tôi thì chính trị là “việc chung” chứ không phải việc
riêng của từng người hay của các tổ chức chính trị vì vậy không có gì phải bí mật.
Sở dĩ chúng tôi chưa đạt được tầm vóc hùng mạnh như mong muốn là vì chưa nhận
được sự ủng hộ và tiếp tay của người dân. Chúng tôi không có ý định cướp chính
quyền làm của riêng cho mình và thực sự là chúng tôi không có khả năng đó.
Chúng tôi muốn mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam sau thời kỳ dựng nước
của Ngô Quyền (năm 939) đó là kỷ nguyên của dân chủ và tự do thật sự cho mọi
người Việt Nam. Chúng tôi sẽ không làm bất cứ điều gì nếu không nhận được sự ủng
hộ và đồng tình của người dân Việt Nam.
Cuộc tranh đấu
mà Tập Hợp đề nghị và theo đuổi “không nhằm
tiêu diệt hay hạ nhục bất cứ ai mà để tôn vinh mọi người, tôn vinh quyền làm
người và quyền được hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc ta rất xứng
đáng để có”. Chúng tôi sẽ hàn gắn những vết thương cũ chứ không tạo ra nỗi
đau mới dựa trên lập trường "hòa giải và hòa hợp dân tộc". Sẽ
không có bất cứ một sự thanh trừng hay phân biệt đối xử nào xảy ra trong thời
kỳ hậu cộng sản. Tất cả bộ máy công chức của chính quyền, trong đó có cả quân
đội và công an vẫn phải duy trì và giữ nguyên. Lý do cũng giản dị vì họ đã quen
việc và có kinh nghiệm. Mọi thay đổi nếu có thì cũng chỉ đơn thuần vì lý do kỹ
thuật, ví dụ những người không làm được việc hay những bộ phận phục vụ cho việc
kiểm soát tư tưởng của người dân. Một lý do nữa là đối lập dân chủ cũng không
lấy đâu ra người để thay thế toàn bộ bộ máy công chức hiện hành. Những người bị
buộc thôi việc cũng sẽ được đối xử tử tế và công bằng. Mọi quyền lợi của cán bộ
hưu trí, cựu quân nhân và lực lượng vũ trang sẽ được giữ nguyên và chỉ tăng chứ
không được giảm.
Muốn chiến thắng đảng cộng sản
và thiết lập dân chủ cho Việt Nam thì phong trào dân chủ phải có
một vài tổ chức chính trị thực sự có tầm vóc. Các tổ chức chính trị này phải có
một “giải pháp thay thế” khả thi để thuyết phục và động viên quần chúng. Quần
chúng cần một giải pháp mới và một niềm tin vào thắng lợi. Họ cần được hướng
dẫn và lãnh đạo, quan trọng nhất, quần chúng cần biết sau chế độ cộng sản sẽ là
gì? Nếu không hình dung được tương lai thì quần chúng sẽ không ủng hộ cho bất
cứ cuộc cách mạng nào.
Trong cuộc vận động này vai
trò của trí thức Việt Nam rất quan trọng, không nhất
thiết họ phải tham gia vào một tổ chức chính trị nào nhưng dứt khoát họ phải
lên tiếng ủng hộ cho một tổ chức chính trị mà họ thấy là đứng đắn và có giải
pháp tốt nhất. Im lặng tức là đồng lõa với chính quyền và kéo dài thực trạng
tụt hậu và thua kém hiện nay của đất nước. Chỉ có các tổ chức dân chủ mạnh mới
hiệu triệu được quần chúng để gây sức ép lên đảng cộng sản buộc họ phải chấp
nhận luật chơi dân chủ. Không thể trông chờ vào các thế lực bên ngoài hay bất
cứ một may mắn nào mà tự chúng ta phải xây dựng cho chúng ta một tổ chức chính
trị hùng mạnh như thế.
Cuộc cách mạng dân chủ đa
nguyên mà chúng ta đang theo đuổi sẽ là cuộc đổi đời lớn nhất và quan trọng
nhất vì vậy phải có một sự chuẩn bị đầy đủ và chu đáo về tư tưởng, lý luận lẫn một
đội ngũ nhân sự chính trị để thực hiện. Một dự án chính trị khả thi dựa trên
một tư tưởng đúng đắn là không thể thiếu. Nó cũng quan trọng như bản vẽ của một
ngôi nhà tương lai cho tất cả mọi người Việt Nam. Bản vẽ đó phải đẹp, khả thi,
nhân văn và quan trọng hơn cả là phải nhận được sự đồng thuận của đa số người
dân Việt Nam. Chúng ta không thể mạo hiểm và thực tế là không thể xây được một
“ngôi nhà chung” cho gần 100 triệu người người dân mà không có bản vẽ. Và bản
vẽ đó chính là một “dự án chính trị”. Mỗi một tổ chức chính trị đều phải có một
dự án chính trị để công bố cho người dân được biết và rồi chính người dân Việt
Nam sẽ quyết định chọn dự án nào để xây dựng và kiến thiết đất nước.
Đấu tranh chính trị cũng như
đánh cờ tướng (hay cờ vua), người chơi giỏi là người đi được nhiều nước cờ nằm trong
một kịch bản chiến thắng mà người khác không có (hoặc không biết). Ông Nguyễn
Gia Kiểng đã giải thích rất cụ thể trong bài viết “Kịch bản nào cho cuộc cờ
này?” (*)
Thời cơ đang rất thuận lợi cho
phong trào dân chủ khi Trung Quốc lấy quyết định co cụm lại thay vì bành trướng
ra bên ngoài. Sự kiện này khiến đảng cộng sản Việt Nam phải xoay
trục sang các nước dân chủ vì không còn trông chờ và dựa dẫm vào Trung Quốc
được nữa. Muốn hay không thì đảng cộng sản cũng phải nhượng bộ ngày càng nhiều
trên vấn đề nhân quyền bởi áp lực từ các nước dân chủ. Đảng cộng sản đang rất
bối rối nhưng dù khó khăn đến đâu thì họ vẫn giữ được quyền lực nếu phong trào
dân chủ không có tổ chức và một giải pháp mới cho đất nước.
Sự kiện đang
gây xúc động mạnh mẽ trong dư luận Việt Nam là vụ cảnh sát cơ động “tấn công”
vào làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội rạng sáng hôm 9/1/2020 khiến
ông Lê Đình Kình, cựu bí thư đảng ủy xã Đồng Tâm và là người “thủ lĩnh tinh thần”
của bà con thôn Hoành thiệt mạng cùng ba cảnh sát cơ động. Những vụ việc đau lòng
và gây chia rẽ như thế này tại Việt Nam vẫn còn tiếp diễn nếu đất nước không có
dân chủ. Vai trò và trách nhiệm của người trí thức Việt Nam là gì và ở đâu
trong sự kiện này? Họ phải làm gì để chấm dứt những nỗi đau như vậy? Chỉ có một
con đường duy nhất là tham gia hoặc ủng hộ cho những tổ chức đối lập dân chủ để
các tổ chức đó mạnh lên nhằm làm đối trọng với đảng cộng sản Việt Nam. Nên nhớ
vấn đề đất đai liên quan chặt chẽ đến thể chế chính trị và để giải quyết được gốc
rễ vấn đề thì phải có những giải pháp chính trị và các giải pháp chính trị chỉ
có thể đến từ các tổ chức dân chủ đối lập.
Việt Hoàng (15/1/2020)
Chung một giấc mơ Việt Nam
Nước ta có khả năng trở thành
một nước lớn và giàu mạnh nếu động viên được mọi trái tim, mọi khối óc, mọi bàn
tay trong sự nghiệp xây dựng tương lai chung. Tuy vậy thực tế đáng buồn là ngày
hôm nay chúng ta vẫn còn đang phải đấu tranh cam go để có được điều mà hầu hết
các dân tộc đã có : dân chủ.
Cuộc đấu tranh đã dài hơn
chúng ta mong muốn vì ngoài những khó khăn đã được nhận diện còn thêm một lý do
khác : đây là cuộc đấu tranh hoàn toàn mới trong lịch sử nước ta. Từ trước đến
nay chúng ta đã chỉ có những cuộc nội chiến tranh giành quyền lực giữa các thế
lực thống trị, hay những cuộc chiến chống ngoại xâm mà mục đích, xét cho cùng,
cũng chỉ là để đổi một ách nô lệ ngoại bang lấy một ách nô lệ bản xứ. Chúng ta
chưa bao giờ là một dân tộc tự do. Lần này chúng ta chiến đấu để mở ra cả một
kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thứ hai của lịch sử nước ta, kỷ nguyên của những con
người Việt Nam tự do và của một nước Việt Nam dân chủ.
Đó là cuộc chiến đấu để đưa
người Việt Nam và đất nước Việt Nam từ bóng đêm của nô lệ và nghèo khổ sang ánh
sáng của tự do và phồn vinh. Lần đầu tiên chúng ta có một cuộc chiến đấu thực
sự xứng đáng để chiến đấu. Như vậy những con người Việt Nam hôm nay cần ý thức
rằng họ đang đứng trước cơ hội để tạo ra biến cố lịch sử lớn nhất và vinh quang
nhất, cơ hội mà các thế hệ mai sau sẽ không thể có.
Thử thách trước mặt chúng ta
tuy rất lớn, nhưng hy vọng thôi thúc chúng ta còn lớn hơn bởi vì cuộc chiến đấu
này không chỉ xứng đáng và vinh quang mà còn tất thắng. Chúng ta được chuyên
chở và thúc đẩy bởi cả một làn sóng dân chủ toàn cầu và bởi nguyện ước chung
của một dân tộc đã dần dần hồi phục sau những thương tích. Chúng ta đang được
tiếp viện của cả một thế hệ mới đã tự khai phóng và quyết tâm làm những con
người tự do. Đằng sau những trở ngại là cả một tương lai rực sáng.
Chúng ta nhất định thành công.
Dân tộc Việt Nam đã thức tỉnh sau khi đã phải trả giá rất đắt cho hận thù và
chia rẽ, cho óc độc quyền lẽ phải, cho sự cuồng tín và tôn thờ bạo lực. Chúng
ta đã hiểu bằng máu và nước mắt và đã chấp nhận trong da thịt những giá trị
giản dị nhưng mầu nhiệm như tự do, dân chủ, hòa bình, công lý, bao dung, cố
gắng. Chúng ta đã nhuần thấm tình dân tộc nghĩa đồng bào trong sự tủi nhục
chung vì thua kém. Chúng ta đã nhận ra rằng tất cả mọi người Việt Nam đều ràng
buộc với nhau trong một số phận chung. Chúng ta đang có một đồng thuận dân tộc
lớn nhất kể từ ngày ông cha mở nước. Đồng thuận ấy sẽ là vũ khí vô địch giúp
chúng ta vượt mọi trở ngại.
Bài học lớn nhất của lịch sử
thế giới là một dân tộc muốn vươn lên chỉ cần ba yếu tố: một xã hội tự do,
những con người cần mẫn và đồng thuận dân tộc. Chúng ta là một dân tộc cần mẫn
đã có đồng thuận dân tộc và sắp có tự do. Chúng ta sẽ vươn lên. Chúng ta có
quyền lạc quan trong cuộc hành trình về tương lai.
Lạc quan và hãnh diện vì cuộc
đấu tranh của ta trong sáng. Nó không nhắm tiêu diệt hay hạ nhục một ai, nó là
cuộc đấu tranh để tôn vinh mọi người, tôn vinh quyền làm người và quyền được
hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc ta rất xứng đáng để có.
Chế độ độc tài này sẽ là chế
độ độc tài cuối cùng tại Việt Nam. Rũ bỏ được nó chúng ta sẽ vĩnh viễn đi vào
một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tự do, dân chủ, bao dung, đùm bọc, kỷ nguyên
vinh quang của những cố gắng chung và của thành công chung.
Chúng ta hãy nắm tay nhau cùng
cất cao một lời nguyền :
Nước Việt Nam sẽ là một nước
lớn.
Làm người Việt Nam cho tới nay
đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải
là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện.
Thế giới đã biết đến Việt Nam
như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới
sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một
mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ
nát.
Đó là lý tưởng của thời đại
chúng ta. Đó là di sản mà chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ mai sau. Đó là giấc
mơ Việt Nam mà các chí hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cùng theo đuổi và muốn
chia sẻ với mọi người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, hôm nay và ngày mai
!
(Dự án chính
trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)