Đại dịch 'Cúm Tây Ban Nha' vào năm 1918 đã biến đổi thế giới thế nào? (Laura Spinney)
Mời các bạn theo dõi một bài viết về dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra năm 1918, để có thêm hiểu biết về dịch bệnh trong bối cảnh nhân loại chúng ta đang đối mặt với chủng virus corona.
Getty Images
Bức tranh mà chúng ta có được về đại dịch cúm năm 1918 giờ đây chi tiết hơn nhiều so với 20 năm trước đây, và càng rõ hơn nữa nếu đem so với 50 hay 100 năm trước.
Nhưng nhiêu đó cũng chưa hề là đủ.
Nhà bệnh học Jeffery Taubenberger tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ - người mà hồi năm 2005 đã cùng với đồng nghiệp là Ann Reid công bố chuỗi di truyền của virus gây ra dịch cúm này - phát biểu tại một hội thảo mới đây rằng vẫn còn có nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời.
Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang làm việc vất vả để tìm kiếm câu trả lời. Tuy nhiên những gì mà họ đã phát hiện được có thể làm cho bạn kinh ngạc.
Người khỏe nhất lại dễ bị bệnh nhất
Nghệ sỹ Áo Egon Schiele tử vong vì bệnh cúm vào tháng 10/1918, chỉ vài ngày sau vợ ông, bà Edith, người đang mang thai đứa con đầu lòng của họ.
Trong khoảng thời gian sau khi vợ qua đời, mặc dù bệnh trầm kha và đang đau buồn, người họa sỹ này vẫn vẽ một bức họa mô tả một gia đình - gia đình của ông - vốn không bao giờ tồn tại.
Schiele mới chỉ 28 tuổi, hoàn toàn nằm trong độ tuổi đã chứng minh là hết sức dễ bị tổn thương trước dịch cúm 1918. Đó là một lý do mà bức tranh còn dang dở của ông, 'Gia đình', thường được mô tả là bằng chứng đau lòng về sự tàn khốc của trận dịch.
Do gây tử vong cao như thế đối với những người trong độ tuổi 20 đến 40, trận dịch đã cướp đi trụ cột của các gia đình và các cộng đồng, để lại đa phần là người già và trẻ mồ côi không nơi nương tựa.
Nhìn chung, đàn ông có nguy cơ tử vong cao hơn phụ nữ, trừ những phụ nữ có thai - khi đó họ sẽ tử vong hoặc sẩy thai ồ ạt.
Các nhà khoa học không biết chính xác tại sao những người đang độ tuổi sung mãn trong cuộc đời lại dễ bị tổn thương như vậy, nhưng một manh mối khả dĩ là việc những người lớn tuổi, vốn luôn có nguy cơ cao bị mắc cúm - thật ra lại ít có khả năng tử vong trong trận dịch cúm hồi năm 1918 hơn là trong những mùa cúm khác trong suốt thập niên trước.
Một giả thiết có thể giải thích cả hai hiện tượng trên đây là 'tội kháng nguyên nguyên thủy' - tức là hệ miễn dịch của con người phản ứng hiệu quả nhất trước dòng cúm đầu tiên nó đối mặt.
Virus cúm là virus rất dễ biến đổi - có nghĩa là nó thay đổi cấu trúc liên tục - trong đó có hai kháng nguyên chính trên bề mặt của nó, được gọi tắt là H và N vốn tấn công vào hệ miễn dịch vật chủ.
Getty Images
Có một số bằng chứng cho thấy dòng cúm đầu tiên những người trẻ tuổi hồi năm 1918 mắc phải là dòng H3N8 - có nghĩa là họ phải chống chọi trước hết với một dòng virus rất khác với dòng đã gây ra trận dịch năm 1918 vốn thuộc về chi H1N1.
Cũng theo cách lập luận đó, người lớn tuổi có thể đã được bảo vệ một cách tương đối hồi năm 1918 do họ lâu nay vẫn chống chọi với kháng nguyên H1 hay N1 vốn đang lan truyền trong cộng đồng dân cư vào khoảng năm 1830.
Tỷ lệ tử vong có sự khác biệt lớn trên toàn cầu
Đôi khi bệnh cúm còn được gọi là bệnh dân chủ, tức là nguy cơ mắc bệnh chia đều cho mọi người. Nhưng trận dịch năm 1918 thì hoàn toàn không phải như vậy.
Chẳng hạn, những người sống ở châu Á có khả năng tử vong cao hơn 30 lần so với những người sống ở một số nơi ở châu Âu.
Nhìn chung, châu Á và châu Phi có tỷ lệ tử vong cao nhất trong khi châu Âu, Bắc Mỹ và châu Úc số tử vong là thấp nhất, nhưng trên từng châu lục lại có sự khác biệt lớn.
Đan Mạch mất khoảng 0,4% dân số trong khi con số tử vong ở Hungary gấp ba lần con số đó.
Các thành thị thường bị ảnh hưởng nặng nề hơn khu vực nông thôn. Nhưng phạm vi thành phố cũng có khác biệt lớn.
Vào lúc đó, mọi người biết rất mơ hồ về sự mất cân bằng này, nhưng phải mất hàng thập kỷ các nhà thống kê mới đưa ra được các con số.
Một khi họ đã có được các con số, họ nhận ra rằng lời giải thích nhất định nằm ở sự khác biệt giữa các cộng đồng dân cư mà đáng chú ý là khác biệt về kinh tế xã hội.
Chẳng hạn như ở tiểu bang Connecticut của Mỹ - nhóm di dân trẻ nhất - người gốc Ý - bị mất mát nhiều nhất, trong khi ở Rio de Janeiro, lúc đó là thủ đô của Brazil, chính những người dân sống ở các khu ổ chuột trải rộng ở rìa thành phố mới bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Paris là một câu đố khó - tỷ lệ tử vong cao nhất được ghi nhận ở những khu vực giàu có nhất - cho đến khi các nhà thống kê nhận ra những ai không qua khỏi ở đó.
Những người tử vong không phải chủ nhân của những tòa căn hộ tráng lệ mà là những người giúp việc làm việc quần quật và ngủ trong những căn phòng chambres de bonne lạnh lẽo nằm tít ở bên dưới mái hiên.
Trên khắp thế giới, người nghèo, di dân và các sắc dân thiểu số dễ bị tổn thương hơn - không phải vì họ có địa vị thấp kém hơn trước Hiến pháp mà bởi vì nhiều khả năng họ sẽ ăn uống tệ, sống chật chội chen chúc, bị mắc những chứng bệnh khác do cúm gây ra và không có điều kiện tiếp cận hệ thống y tế.
Getty Images
Mọi thứ đã không thay đổi nhiều lắm. Một nghiên cứu về dịch cúm ở Anh hồi năm 2009 cho thấy tỷ lệ tử vong trong số những người nghèo nhất cao gấp ba ở những người giàu nhất.
Không chỉ là chứng bệnh hô hấp
Đại đa số những người ngã bệnh đã hồi phục, nhưng trong số thiểu số kém may mắn không qua khỏi, căn bệnh đã có diễn biến ghê sợ và những người kém may mắn này đông hơn ít nhất là 25 lần so với những người mắc bệnh trong những trận cúm khác.
Họ bắt đầu bị khó thở và mặt chuyển sang màu gỗ gụ. Màu này đậm dần thành màu xanh và cho đến khi họ chết toàn cơ thể họ là màu đen.
Nguyên nhân gây tử vong trong gần như hầu hết các trường hợp không phải là bản thân bệnh cúm mà là các vi khuẩn cơ hội vốn xâm nhập vào những vết thương trên phổi do virus tạo ra, gây ra những triệu chứng của bệnh sưng phổi.
Điều đó được biết đến tương đối rõ.
Điều ít được biết đến hơn là bệnh cúm này ảnh hưởng lên toàn bộ cơ thể. Tóc và răng rụng đi. Bệnh nhân cho biết họ bị chóng mặt, mất ngủ, mất thính giác và vị giác và chỉ nhìn thấy mọi thứ lờ mờ.
Còn có dư chấn tâm lý, nhất là tình trạng sầu cảm hay điều mà giờ đây chúng ta gọi là trầm cảm hậu virus.
Điều tiếp tục đúng là ngay sau làn sóng tử vong do cả các đại dịch cúm và mùa cúm hàng năm là đến làn sóng tử vong do các nguyên nhân khác, mà đáng kể nhất là do đau tim và đột quỵ - những hậu quả gián tiếp của phản ứng viêm tấy trước bệnh cúm.
Hồi năm 1918 cũng như bây giờ, bệnh cúm không chỉ đơn thuần là bệnh đường hô hấp.
Dịch cúm làm thay đổi hệ thống y tế…
Thuyết ưu sinh được dùng để giải thích những gì xảy ra cho cả trước và sau đại dịch cúm 1918, nhưng thuyết này đã bị trận dịch làm cho lung lay trong ít nhất là một lĩnh vực: các bệnh truyền nhiễm.
Getty Images
Đại dịch cúm 1918 làm thay đổi quan niệm về y tế cộng đồng, khiến chính phủ các nước phải có hành động trong việc bảo vệ sức khỏe cho toàn xã hội
Trước đó, những người theo học thuyết Darwin về sự chọn lọc tự nhiên trong xã hội - vốn sai lầm - nhìn nhận một số "chủng tộc" người hay đẳng cấp trong xã hội cao hơn các chủng tộc, đẳng cấp khác; và cách nhìn này dần được pha trộn với khám phá của Louis Pasteur và các nhà khoa học khác, theo đó cho rằng các bệnh truyền nhiễm là thứ có thể ngăn chặn được. Họ đã đưa ra một ý tưởng hỗn hợp tai hại rằng những ai mắc bệnh truyền nhiễm chỉ nên tự trách mình mà thôi.
Trận đại dịch đã cho thấy một sự thật: tuy người nghèo và dân ngụ cư tử vong với số lượng lớn hơn, nhưng không có chủng tộc hay đẳng cấp nào miễn nhiễm với bệnh cả.
Một khi đã là bệnh truyền nhiễm thì việc tránh xa một số người và rao giảng cho họ về trách nhiệm cá nhân không còn có ý nghĩa gì hết. Bệnh truyền nhiễm là một vấn đề cần phải được đối phó ở cấp độ toàn xã hội.
Bắt đầu từ những năm 1920, sự thay đổi nhận thức bắt đầu được thể hiện trong những thay đổi về chiến lược y tế cộng đồng.
Nhiều quốc gia đã thành lập hoặc tái cơ cấu bộ y tế, lập nên những hệ thống giám sát bệnh tật tốt hơn và chấp nhận khái niệm y tế cộng đồng - chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người.
Getty Images
Trước đó đã từng có những bước đi theo hướng này - ta không thể nghĩ rồi làm ngay một hệ thống y tế phổ quát - nhưng dịch cúm này dường như đã huy động các chính phủ vào cuộc.
Ở nước Anh, những nỗ lực này đã có kết quả vào năm 1948 với sự ra đời của hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia, nhưng tính đến 1920 thì nước Nga đã có hệ thống y tế công cộng đầy đủ và tập trung hóa. Lúc khởi đầu, chỉ dân thành thị được hưởng lợi (và về sau, đến 1969 nó mở rộng cho dân nông thôn), nhưng nó vẫn là một thành tựu lớn và động lực thúc đẩy đằng sau chính là Vladimir Lenin.
…và biến đổi xã hội theo những cách khác nữa
Cách nói 'thế hệ bị mất' được áp dụng đối với những nhóm người khác nhau vẫn còn sống vào đầu thế kỷ thứ 20, trong đó có những nghệ sỹ Mỹ tài năng vốn trưởng thành trong Đệ nhất Thế chiến, và những sỹ quan quân đội Anh mà mạng sống của họ đã bị cuộc chiến đó rút ngắn.
Tuy nhiên, có thể lập luận một cách hợp lý rằng danh xưng này có thể được dành cho hàng triệu người đang trong độ tuổi sung mãn vốn bỏ mạng trong dịch cúm năm 1918, hay dành cho những đứa trẻ bị biến thành trẻ mồ côi, hoặc cho những đứa bé vẫn chưa ra đời mà đã chịu sự hành hạ của căn bệnh trong bụng mẹ.
Bản chất của trận dịch năm 1918 và kiến thức khoa học vào lúc đó khiến chúng ta không hề biết chính xác trong ba nhóm đó có bao nhiêu người, nhưng chúng ta có thể biết chắc rằng mỗi nhóm đều có nhiều người hơn cả các nghệ sỹ trong Kỷ nguyên nhạc Jazz và trên 35.000 binh sỹ Anh chết trong chiến trận (chỉ riêng Nam Phi đã có khoảng 500.000 trẻ mồ côi vì cúm).
Những người sống sót trong bụng mẹ để chào đời thì sống cùng với những vết sẹo cho đến khi lìa đời.
Nghiên cứu cho thấy họ ít có khả năng tốt nghiệp đại học hay có thu nhập đàng hoàng, và nhiều khả năng ngồi tù hơn là những người cùng thời không bị ảnh hưởng bởi dịch cúm.
Thậm chí còn có bằng chứng cho thấy dịch cúm năm 1918 đã góp phần dẫn đến sự bùng nổ dân số vào những năm 1920 do số sống sót còn lại chỉ ít ỏi nhưng khỏe mạnh vốn có khả năng sinh sản với tỷ lệ cao.
Không còn nghi ngờ gì, dịch cúm năm 1918 đã phủ bóng lâu dài lên thế kỷ 20.
Chúng ta cần ghi nhớ điều này để chuẩn bị cho trận dịch cúm kế tiếp.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
Nguồn: BBC Tiếng Việt