Vì sao nhiều trẻ em Nhật Bản không muốn đến trường? (By Alessia Cerantola BBC World Service)

Nếp sống kỉ luật của người Nhật mà nhiều dân tộc ngưỡng mộ xem ra cũng cần phải xem xét lại. Nhất là khi nó được áp đặt lên trẻ em đang tuổi hồn nhiên rất cần sự thoải mái để phát triển tự nhiên.

Children playing in Tamagawa Free School
Stephane Bureau du Colombier
Các em học sinh đang chơi trò chơi tại Trường học tự do Tamagawa

Tại Nhật Bản, ngày càng có nhiều trẻ em không muốn đến trường, dần trở thành một hiện tượng gọi là 'futoko.' Khi số lượng học sinh từ chối đến trường tiếp tục tăng, nhiều người đặt câu hỏi, liệu điều đó có phản ánh thực trạng môi trường học tập, thay vì chỉ đổ lỗi cho học sinh.

Đến kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng hàng năm vào mùa xuân năm ngoái, Yuta Ito, 10 tuổi, mới nói với bố mẹ rằng cậu không muốn đến trường nữa.

Trong nhiều tháng, Yuta đã rất miễn cưỡng đi học ở trường tiểu học. Cậu chẳng muốn đi chút nào. Ở trường, Yuta hay bị bắt nạt và luôn đánh nhau với bạn học.

Bố mẹ Yuta sau đó có ba lựa chọn: một là đưa Yuta đến gặp một chuyên viên tư vấn học đường, với hy vọng mọi thứ sẽ được cải thiện; hai là học tại nhà; hoặc ba là gửi cậu đến một trường học 'tự do.' Và họ đã chọn phương án cuối.

Bây giờ, khi bạn bè đang ngồi học trên lớp thì Yuta làm bất cứ điều gì mình muốn, và cậu bé thấy hạnh phúc hơn nhiều.

Primary school children
Getty Images
Học sinh tiểu học Nhật Bản

Yuta là một trong nhiều 'futoko' ở Nhật, được Bộ Giáo dục Nhật Bản định nghĩa là trẻ em không đến trường trong hơn 30 ngày vì những lý do không liên quan đến sức khỏe hoặc tài chính.

Thuật ngữ này được dịch theo nhiều cách khác nhau như vắng mặt, trốn học, ám ảnh học đường hoặc từ chối trường học.

Thái độ đối với futoko đã thay đổi qua nhiều thập kỷ. Cho đến năm 1992, 'từ chối trường học' - khi đó được gọi là 'tokokyoshi,' có nghĩa là kháng cự - được coi là một loại bệnh tâm thần. Nhưng vào năm 1997, thuật ngữ đã thay đổi thành 'futoko' có sắc thái trung tính hơn, với nghĩa là vắng mặt.

Vào ngày 17/10, chính phủ Nhật cho biết, số học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong tình trạng 'fukoto' đã đạt mức cao kỷ lục, với 164.528 trẻ em vắng mặt trong 30 ngày trở lên trong năm 2018, tăng từ con số 144.031 vào năm 2017.

A dog hangs out with pupils at Tamagawa Free School
Stephane Bureau du Colombier
Một chú chó vui chơi cùng các bạn học sinh tại Trường học Tự do Tamagawa

Phong trào học tự do bắt đầu ở Nhật Bản vào những năm 1980, để đáp ứng cho số lượng 'futoko' ngày càng tăng.
Đây là những ngôi trường hoạt động theo nguyên tắc tự do và cá nhân.

Đây là một lựa chọn thay thế được chấp nhận trong hệ thống giáo dục bắt buộc, giống với việc học tại nhà, nhưng sẽ không cấp cho học sinh các loại bằng cấp được công nhận.


Số lượng học sinh theo học ở các trường tự do này đã tăng vọt trong những năm qua, từ 7.424 năm 1992 đã lên đến con số 20.346 trong năm 2017.

Với các em học sinh, việc bỏ học có thể gây ra hậu quả lâu dài, và có nguy cơ cao là những người trẻ tuổi tách biệt bản thân ra khỏi xã hội và tự nhốt mình trong phòng - một hiện tượng được gọi là 'hikikomori.'

Đáng lo ngại hơn vẫn là số học sinh tự tử. Vào năm 2018, số vụ tự tử học đường cao nhất trong 30 năm qua, với 332 trường hợp.

Năm 2016, số vụ tự tử của học sinh ngày càng tăng khiến chính phủ Nhật Bản thông qua một đạo luật ngăn ngừa tự tử với các khuyến nghị đặc biệt cho các trường học.

Tamagawa Free School
Stephane Bureau du Colombier
Các trường tự do có quy định riêng

Vậy tại sao nhiều trẻ em Nhật Bản ghét đến trường như vậy?

Theo một cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản, thì hoàn cảnh gia đình, các vấn đề cá nhân với bạn bè và bắt nạt là một trong những nguyên nhân chính.

Nói chung, những học sinh bỏ học nói rằng, các em không thể hòa đồng với các học sinh khác, hoặc đôi khi có mâu thuẫn với các giáo viên.

Đó cũng là trường hợp của Tomoe Morihashi.

"Em không cảm thấy thoải mái với nhiều người xung quanh," cô bé 12 tuổi nói. "Cuộc sống học đường thật chán ngắt."

Tomoe mắc bệnh'câm chọn lọc,' không nói được trong một số tình huống xã hội nhất định như ở nơi công cộng.

"Cháu không thể nói được nếu đi ra ngoài nhà mình hoặc với người lạ," Tomoe nói.

Và cô bé thấy thật khó tuân thủ các quy tắc cứng nhắc ở các trường học Nhật Bản.

"Quần tất không được có màu, tóc không được nhuộm, dây buộc tóc cũng phải có một màu nhất định và không được đeo chúng trên cổ tay," cô bé nói.

Two girls in school uniform
Getty Images

Nhiều trường học ở Nhật Bản kiểm soát mọi khía cạnh về vẻ bề ngoài của học sinh, buộc học sinh nhuộm tóc nâu đen hoặc không cho học sinh mặc quần bó hoặc áo khoác, ngay cả trong thời tiết lạnh.

Trong một số trường hợp, họ thậm chí còn quyết định cả màu quần lót của học sinh.

Các quy tắc nghiêm ngặt này được đưa ra vào những năm 1970 và 1980 để đối phó với tình trạng bạo lực và bắt nạt. Những quy tắc này đã được nới lỏng dần vào những năm 1990 nhưng gần đây đã lại trở nên nghiêm ngặt hơn.

Các quy định này được gọi là "các quy tắc đen" - một thuật ngữ hay được dùng để mô tả các công ty chuyên bóc lột lao động.

Bây giờ Tomoe, giống như Yuta, theo học trường tự do Tamagawa ở Tokyo, nơi học sinh không cần mặc đồng phục và tự do lựa chọn các hoạt động của mình, theo một kế hoạch được thống nhất giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh.

Các em cũng được khuyến khích phát triển các kỹ năng và sở thích cá nhân.

Trường có phòng học tiếng Nhật và toán được trang bị máy tính, cùng một thư viện với sách và manga (truyện tranh Nhật Bản).

Two students in Tamagawa Free School
Stephane Bureau du Colombier
Học sinh có thể lựa chọn hoạt động mà các em muốn làm tại trường học tự do

Không khí ở đây cũng rất thân mật, giống như trong một gia đình lớn. Các em học sinh gặp nhau trong một không gian chung để trò chuyện và chơi cùng nhau.

"Mục đích của ngôi trường này là giúp các em phát triển các kỹ năng xã hội," Takashi Yoshikawa, hiệu trưởng trường nói.

Cho dù là thông qua việc tập thể dục, chơi trò chơi, hay học tập, điều quan trọng là học cách không hoảng loạn khi các em đứng giữa một nhóm đông người.

Trường gần đây đã chuyển đến một nơi có khuôn viên lớn hơn, và gồm khoảng 10 em học sinh đến học mỗi ngày.

Shoes outside the free school
Stephane Bureau du Colombier
Khoảng 10 học sinh đến Trường học Tự do Tamagawa mỗi ngày

Ông Yoshikawa mở trường học 'tự do' đầu tiên vào năm 2010, trong một căn hộ ba tầng ở khu dân cư Fuchu của Tokyo.

"Tôi đón đợi những học sinh trên 15 tuổi, nhưng thực sự cũng có những em học sinh đến đây học khichỉ mới 7 hoặc 8 tuổi," ông nói.

"Hầu hết các em đều im lặng do bị bệnh 'câm chọn lọc,' và trước đây các em không làm gì cả khi ở trường."

Ông Yoshikawa tin rằng, các vấn đề về giao tiếp là căn nguyên của việc không muốn đến trường học của hầu hết các em học sinh.

Takashi Yoshikawa opened a free school in 2010
Stephane Bureau du Colombier
Ông Takashi Yoshikawa mở trường học tự do đầu tiên vào năm 2010

Hành trình vào sự nghiệp giáo dục của ông cũng không bình thường như bao người khác.

Ông bỏ công việc là 'làm công ăn lương' trong một công ty Nhật Bản khi tầm 40 tuổi.

Khi đó, ông quyết định không quan tâm đến việc thăng tiến nữa.

Cha ông là một bác sĩ, và giống như ông ấy, Takashi cũng muốn phục vụ cộng đồng. Vì vậy ông trở thành một nhân viên công tác xã hội và làm cha nuôi.

Những kinh nghiệm này khiến ông nhận ra những vấn đề mà trẻ em Nhật đang phải đối mặt.

Ông nhận thấy có nhiều học sinh gặp khó khăn do gia cảnh nghèo, hoặc là nạn nhân tình trạng lạm dụng trong gia đình. Và điều này ảnh hưởng đến việc học tập ở trường của các em.

Một trong những thách thức học sinh phải đối mặt là quy mô lớp học lớn, Giáo sư Ryo Uchida, một chuyên gia giáo dục tại Đại học Nagoya nói.

"Các lớp học với khoảng 40 học sinh phải học cùng nhau suốt một năm, nhiều thứ có thể xảy ra", ông nói.

Giáo sư Uchida nói rằng, tình bằng hữu là yếu tố quan trọng để tồn tại ở Nhật Bản do mật độ dân số rất cao - nếu bạn không hòa thuận và phối hợp được với người khác, bạn sẽ không thể tổn tại.

Điều này không chỉ áp dụng cho các trường học, mà còn cho giao thông công cộng và các không gian công cộng khác, tất cả đều quá đông đúc.

Students watch rugby practice from their classroom in Ichihara
Getty Images
Tình bằng hữu là chìa khóa để sống sót tại trường học

Nhưng với nhiều học sinh, yêu cầu buộc phải tuân thủ và làm theo số đông là cả một vấn đề với các em.

Các em không thấy thoải mái trong các lớp học quá đông, nơi phải làm mọi thứ với các bạn cùng lớp trong một không gian nhỏ.

"Cảm thấy không thoải mái trong tình huống như vậy là bình thường," Giáo sư Uchida nói.

Hơn nữa, ở Nhật Bản, trẻ em học cùng lớp từ năm này sang năm khác, vì vậy nếu có vấn đề xảy ra, việc đi học có thể trở nên quá khó khăn.

"Theo nghĩa đó, những sự hỗ trợ như ở các trường học tự do là rất có ý nghĩa," Giáo sư Uchida nói. "Trong các trường học tự do, họ ít quan tâm đến nhóm và họ có xu hướng coi trọng suy nghĩ và cảm xúc của từng học sinh."

Children playing in Tamagawa Free School
Stephane Bureau du Colombier
Children playing in Tamagawa Free School

Tuy nhiên, dù các trường học tự do đang đưa ra một giải pháp thay thế, nhưng thực trang của hệ thống giáo dục công vẫn là một vấn đề.

Đối với Giáo sư Uchida, việc không chú trọng vào phát triển sự đa dạng và tôn trọng sự khác biệt của mỗi học sinh là vi phạm quyền con người của họ. Và nhiều người đồng tình với điều này.

Những chỉ trích về "nội quy trường học đen" và môi trường học đường Nhật Bản đang gia tăng trên toàn quốc.

Trong một chuyên mục gần đây, tờ báo Tokyo Shimbun mô tả chúng là sự vi phạm quyền con người và là trở ngại cho sự phát triển đa dạng của các học sinh.

Vào tháng 8, nhóm chiến dịch "Dự án Black kosoku o nakuso!" [Hãy loại bỏ các quy tắc đen của trường học!] đã gửi đơn kiến nghị trực tuyến tới Bộ Giáo dục, được ký bởi hơn 60.000 người, yêu cầu điều tra các quy tắc vô lý ở trường học.

Quận Osaka đã ra lệnh cho tất cả các trường trung học xem xét lại các quy tắc, và có khoảng 40% các trường đã thay đổi.

Giáo sư Uchida nói rằng, Bộ Giáo dục Nhật Bản hiện dường như đã chấp nhận việc các em học sinh vắng mặt không phải là như sự bất thường, mà là một xu hướng.

Ông coi đây là một sự thừa nhận ngầm rằng, trẻ em bị futoko không phải là vấn đề, mà là các em đang phản ứng với một hệ thống giáo dục không có môi trường học tập lành mạnh.