Nhà báo Nga : TT Vladimir Putin coi Donald Trump là hiện thân cho sự yếu kém của Mỹ (RFI Tiếng Việt)
Đặc điểm của các chế độ độc tài có thể tóm gọn như sau: Muốn áp đặt sự độc tài lên xã hội, tức là độc tài ra bên ngoài, thì họ cần phải duy trì sự độc tài ở bên trong. Điều này dẫn đến hệ luận "Nhà nước trong nhà nước", làm cho quyền lực rơi vào tay một thiểu sổ rất nhỏ trong bộ máy, họ có thể ra quyết định một cách hết sức tuỳ tiện mà không bị ràng buộc bởi bất cứ giá trị nào cũng như tiếng nói đối lập nào. Vì thế, đặc tính chung của các tay độc tài là ngu dốt và vĩ cuồng. Họ cho rằng họ nhìn quá xa hơn những người xung quanh để rồi không nhìn thấy và hiểu được những gì đang diễn ra quá gần trong thực tại. Các chế độ độc tài đang đi đến hồi cáo chung vì chúng không có lẽ phải.
16/12/2019 - 11:59
Nguyên thủ Nga Vladimir Putin (T) và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump, tháng 11/2018 tại Buenos Aires. Alexander NEMENOV / AFP
Tổng thống Vladimir Putin có tham vọng tập hợp thế giới Nga. Putin là một người rất tự tin vào bản thân, ông tin vào vai trò then chốt của mình. Chủ nhân điện Kremlin tin rằng ở phía Tây các kẻ thù đang thành lập một mặt trận đoàn kết để làm suy yếu nước Nga. Và theo ông, Trump là hiện thân cho sự yếu kém của nước Mỹ.
Trên đây là một số nhận định của Alexei Venediktov, trưởng ban biên tập đài phát thanh độc lập Echo Matxcơva tại Nga trong bài trả lời phỏng vấn của báo La Figaro. Bài viết đăng ngày 06/12/2019.
Có điều gì quan trọng đang diễn ra tại Nga?
Điều quan trọng nhất là ở Matxcơva đang bắt đầu thời kỳ chuyển tiếp. Mọi người đang bắt đầu tự hỏi liệu ông Putin có từ bỏ quyền lực vào năm 2024 hay không. Nếu ông ấy ra đi thì ai sẽ kế nhiệm, Medvedev hay một ai khác? Không ai biết gì hết. Tất cả mọi người đều cố tỏ ra trung thành với một ứng viên sáng giá duy nhất : Vladimir Putin. Nhiều người tin rằng ông ấy sẽ ở lại, bởi vì ông ấy không thể bỏ đi, bởi vì vẫn còn nhiều việc dang dở. Tôi cũng tin như vậy. Tôi biết rõ ông ấy.
Trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina hồi năm 2014, tôi tin rằng điều duy nhất Putin quan tâm là làm thế nào để ông ấy và gia đình được an toàn sau sự kiện đó. Thế nhưng, từ khi sáp nhập Crimée, tên của Putin được đưa vào sách giáo khoa lịch sử. Ông ấy thấy mình có nhiệm vụ phải tập hợp thế giới Nga. Rất nhiều người trong số chúng ta nghĩ rằng Putin sẽ nhà nhân vật số 1 ở Nga. Liệu ông ấy có thể trở thành một người như Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc hay không? Mọi chuyện đều có thể! Ông ấy có thể thay đổi Hiến Pháp, triệu tập Quốc Hội lập pháp, tuyên bố thành lập Liên bang với Belarus …
Khái niệm “thế giới Nga” cần được hiểu như thế nào?
Thế giới Nga đương nhiên bao gồm Nga, nhưng cũng có cả Belarus một phần Ukraina, Transnitria và Bắc Kazakhstan. Putin luôn cho là Staline đã tạo ra các đường biên giới một cách tùy tiện, không có cơ sở, chỉ với một chiếc bút chì, để chia rẽ dân tộc. Vladimir Putin luôn nói rằng chúng tôi là một dân tộc bị chia rẽ “giống như người Đức”. Cách đây khoảng chục năm, ông ấy giải thích sẽ không để xảy ra chiến tranh vì bán đảo Crimée, nhưng cũng có thể …
Trong một cuốn sách, ông từng viết là giai đoạn cầm quyền cuối cùng của Putin sẽ là một thời kỳ đen tối, đáng sợ?
Điều này đang diễn ra. Khi bắt đầu sự nghiệp mang tính “phục thù” cực lớn, Putin bỏ qua mọi luật lệ, chỉ quan tâm đến hành động. Ông ấy tự nhủ: Tôi đã biết mọi chuyện từ 20 năm nay, tôi là người có nhiều kinh nghiệm nhất, vì thế một mình tôi ra quyết định. Ông ấy đã trở nên rất tự tin vào bản thân.
Thành công tại Syria chắc hẳn giúp Vladmir Putin củng cố sức mạnh?
Chắc chắn là như vậy. Nhưng chúng ta đừng quên là trước chiến thắng ở Syria thì Putin đã có thắng lợi ở Crimée. Và quý vị cần biết là trong quá trình can thiệp vũ trang vào Crimée, mệnh lệnh đưa ra là phải rút quân, bảo tồn lực lượng nếu mọi chuyện xấu đi. Putin nói rằng ông ấy chịu trách nhiệm về quyết sách và các tướng lĩnh phải làm mọi việc để hạn chế thiệt hại. Và ông ấy đã giành chiến thắng, “một mình chống lại tất cả”. Đúng là ông ấy bị quốc tế trừng phạt. Nhưng Putin đang tìm mọi cách để quốc tế bỏ lệnh trừng phạt. Câu hỏi đặt ra là ông ấy phải đối thoại với ai. Thủ tướng Đức Merkel sắp ra đi, nước Anh đang lâm vào khủng hoảng Brexit, còn tổng thống Pháp bị coi là “trẻ ranh”.
Putin nghĩ rằng ông ấy có một vai trò lịch sử. Ông ấy tin rằng mình đang làm những điều tốt cho đất nước và sau này mọi người sẽ hiểu cho ông ấy. Putin nói rằng ông thừa hưởng một nước Nga đã bị tàn phá và ông đã vực đất nước dậy. Tổng thống Nga coi những thanh niên ghét bỏ ông ấy là những kẻ rất vô ơn.
Mơ ước tập hợp thế giới Nga, liệu Putin có thể gây bất ổn cho Estonia và Latvia hay không ?
Putin phân biệt rõ người dân bán đảo Crimée mà theo ông ấy là trước đây không muốn ra khỏi Liên Xô và người dân của các nước thuộc vùng Baltic, muốn rời Liên Bang Xô Viết. Theo quan điểm của chủ nhân điện Kremlin, điều quan trọng là Nga đang bị kẻ thù bao vây, bị NATO, Liên Hiệp Châu Âu và các căn cứ quân sự của Mỹ bao quanh. Putin nghĩ rằng đang có một mặt trận thống nhất chống nước Nga và ông ấy phải gây vấn đề ở các nước đối thủ để làm suy yếu đối phương.
Rõ ràng là Brexit sẽ gây hại về mặt kinh tế cho nước Nga, nhưng Putin ủng hộ Brexit vì việc ra khỏi Liên Âu sẽ làm suy yếu Anh Quốc. Cũng tương tự như việc Tây Ban Nha sẽ suy yếu nếu vùng Catalunya giành được độc lập. Đối với đảng AfD ở Đức, Putin coi là lực lượng tân quốc xã này rất tầm thường, nhưng vì AfD làm thủ tướng Merkel yếu thế nên Putin ủng hộ. Nga muốn làm Liên Hiệp Châu Âu bất ổn bằng cách tìm ra những mắt xích yếu của Liên Âu.
Làm như vậy để làm gì?
Để khiến châu Âu ngưng trừng phạt Nga. Putin cho rằng hiện nay có hai khu vực địa chính trị là Mỹ và Trung Quốc. Ông ấy không tin vào cả hai. Còn châu Âu thì Putin coi là gần với Nga hơn là với Mỹ. Ông tin rằng Nga và châu Âu có thể cùng nhau tạo ra một khu vực thứ ba, và muốn châu Âu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Matxcơva. Putin đã luôn muốn Nga thuộc về châu Âu, nhưng có vị trí tách biệt và có những nguyên tắc riêng.
Tất nhiên điều này là không thể, nhưng ông ấy không hiểu điều đó. Chủ nhân điện Kremlin muốn làm mọi việc để quốc tế hủy lệnh trừng phạt và đối thoại với Matxcơva. Tất cả đều đồng ý để xếp Crimée vào hồ sơ đặc biệt. Nhưng người ta có thể làm gì cho Donbass ? Putin sẵn sàng trả lại Donbass cho Ukraina.
Liệu Putin có từ bỏ Donbass hay không ? Ông ấy là người chuyên sáp nhập các vùng đất vào lãnh thổ nước Nga …
Thực ra phương pháp này sẽ khôn ngoan hơn, nhằm thâm nhập vào Donbass thông qua các lợi ích kinh tế Nga, một chính sách có thể sẽ lan rộng sang toàn bộ cơ cấu của Ukraina, nhờ có hàng triệu cử tri bỏ phiếu ủng hộ các đảng thân Nga.
Poutine đặt cược rằng trả lại Donbass sẽ có lợi hơn là giữ lại vùng đất này. Nhưng lãnh đạo Nga cũng phải giữ thể diện, để các lực lượng trung thành ở Matxcơva không cảm thấy bị bỏ rơi. Tổng thống Ukraina Zelenski cũng hiểu mối đe dọa này. Trong một cuộc họp kín với các cựu binh, ông ấy tuyên bố nếu không khắc phục được tình hình trước tháng 01/2020, Ukraina sẽ phải xây một bức tường.
Ông nghĩ gì về quan hệ giữa Vladimir Poutine và Donald Trump ?
Đối với Putin, Trump là hiện thân cho sự yếu kém của Mỹ, nên phải cổ vũ Trump và làm thế nào để lính Mỹ quay trở về nhà và không đe dọa lợi ích của nước Nga nữa. Putin nghĩ rằng nếu Hoa Kỳ có thêm 5 năm dưới một chính quyền yếu kém, họ sẽ mất hết.
Sự hiện diện khắp nơi của tổng thống Nga có phải là điều nguy hiểm ?
Đương nhiên là như vậy. Putin, Medvedev và tất cả các lãnh đạo khác đều bị ám ảnh bởi một Nhà nước hợp nhất. Họ tin rằng mọi hình thức liên minh, liên hiệp sẽ đặt dấu chấm hết cho nước Nga, vì thế họ muốn kiểm soát mọi thứ : ý thức hệ, internet, quyền lực, tư pháp và cả chính quyền cấp địa phương. Putin bị ám ảnh về việc kiểm soát, và vì không thể kiểm soát được cả nước Nga rộng lớn, nên chủ nhân điện Kremlin bắt đầu đẩy nhanh mọi chuyện đạt được mục đích.
Nguồn: RFI Tiếng Việt