Hạt nhân : Châu Âu và Iran tìm cách duy trì đối thoại (Thanh Phương)

Chính quyền Iran dưới thời Hassan Rouhani có tư tưởng cải cách và ôn hòa. Iran đã chấp nhận chương trình hạt nhân của họ sẽ chịu sự giám sát của IAEA, đây là một cam kết được bảo trợ bởi nhóm P5 + 1, đổi lại, chính quyền Obama đã bãi bỏ cấm vận kinh tế đối với Teheran. IAEA xác nhận Teheran đã tuân thủ cam kết .
Donald Trump lên làm tổng thống, rút khỏi hiệp ước và tái áp đặt các lệnh trừng phạt. Người ta chỉ có thể giải thích hành động điên rồ của Trump xuất phát từ tâm lý đố kị, Trump chỉ muốn phá bỏ tất cả những gì liên quan tới di sản Obama, bất kể đúng sai.
Thực tế, sau khi rút khỏi hiệp ước, Trump không đưa ra được một lối đi mới cho việc giải quyết chương trình hạt nhân của Iran. Để đáp trả lại hành động của Trump, Iran không chỉ đang dần tái khởi động chương trình hạn nhân, mà còn hoạt động gây ảnh hưởng ở Irak và khu vực Trung Đông khiến tình hình ở đây thêm phức tạp.
Hành động này của Trump chắc chắn cũng góp phần gây khó khăn trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên - một hồ sơ mà Trump rất sốt sắng - vì Triều Tiên sẽ hoài nghi về sự nhất quán của Mĩ đối với một hiệp ước tương tự.
Người ta chỉ còn trông chờ vào các nước châu Âu trong nhóm P5 + 1 , nhưng tình hình đang xấu đi vì lệnh cấm vận kinh tế của Mĩ đã khiến Iran mất kiên nhẫn vì kinh tế của họ rơi vào khủng hoảng nặng.

media
Rafael Mariano Grossi, tân lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại trụ sở của tổ chức, Vienna, Áo, ngày 21/11/2019.
REUTERS/Leonhard Foeger

Ngày 06/12/2019, đại diện các nước châu Âu và Iran gặp nhau để cố gắng duy trì đối thoại, vào lúc mà chính quyền Teheran gia tăng các hoạt động hạt nhân và ngày càng ít tuân thủ các cam kết quốc tế trong khuôn khổ hiệp định năm 2015.


Cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao Anh, Đức, Pháp, Trung Quốc, Nga và Iran diễn ra tại Vienna, thủ đô Áo nơi ký kết hiệp định lịch sử, đặt chương trình hạt nhân của Iran dưới sự giám sát của quốc tế.

Việc Hoa Kỳ vào năm 2018 đơn phương rút ra khỏi hiệp định này đã mở ra một giai đoạn căng thẳng mới với Iran, quốc gia mà tổng thống Donald Trump muốn duy trì « áp lực tối đa ». Đáp lại các biện pháp trừng phạt đang bóp nghẹt nền kinh tế Iran, chính quyền của nước Cộng Hòa Hồi Giáo này từ tháng 5/2018 đã liên tục vi phạm các quy định về những hoạt động hạt nhân như đã được ghi trong hiệp định 2015. Trong bối cảnh đó, các nước châu Âu và Iran có những lời lẽ ngày càng gay gắt với nhau và cuộc họp hôm 06/12/2019 tại Vienna được cho là rất căng thẳng.

Bầu không khí giữa hai bên càng nóng thêm sau khi ba nước Anh, Pháp, Đức hôm 05/12 ra một tuyên bố chung lên án Teheran phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn nguyên tử, vi phạm một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Trên mạng Twitter, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngay lập tức phản ứng, cho rằng tuyên bố nói trên của ba nước châu Âu là « một lời dối trá vô vọng để che giấu sự bất lực của họ trong việc tuân thủ mức tối thiểu các nghĩa vụ của họ ».

Tình hình nghiêm trọng đến mức vào tháng 11/2019, lần đầu tiên, các nước châu Âu nêu lên khả năng khởi động một cơ chế được dự trù trong hiệp định hạt nhân 2015. Việc khởi động cơ chế này có thể dẫn đến khả năng tái lập các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Iran. Theo nhiều nhà quan sát, trong trường hợp này, hiệp định 2015 xem như bị khai tử. Và Iran rất có thể cũng sẽ rút ra khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT.

Teheran đe dọa « sẽ nghiêm túc xét lại » các cam kết của Iran đối với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế AIEA. Chiếu theo hiệp định hạt nhân 2015, các thanh tra viên của AIEA được quyền đến Iran để kiểm tra các hoạt động hạt nhân của nước này. Đây không phải là một công việc đơn giản.

Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP ngày 03/12, tân giám đốc AIEA Rafael Grossi đã lên tiếng cảnh cáo Teheran không được can thiệp vào công việc của các thanh tra viên thuộc cơ quan này, sau khi chính quyền Iran từ chối cấp giấy phép hoạt động cho một nhân viên của AIEA.

Ngoài các hoạt động hạt nhân, đối thoại giữa Iran với các nước châu Âu còn gặp rắc rối do một loạt bất đồng khác : nhiều nhà nghiên cứu Pháp bị bắt giam ở Iran, Teheran tịch thu các tàu dầu, chính quyền Iran bị tố cáo đàn áp, giết chết nhiều người biểu tình phản đối tăng giá xăng dầu.

Cuộc họp tại Vienna lần này chưa biết sẽ ra sao, nhưng theo nhận định của nhà phân tích Iran Ali Vaez, được hãng tin AFP trích dẫn, « hai bên đang trong vòng xoáy leo thang, thật khó mà tưởng tượng họ sẽ làm cách nào để chặn đứng vòng xoáy đó ».

Hiện giờ, ít ra là Teheran còn nói chuyện với châu Âu, trong khi với Mỹ thì không. Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm thứ Tư 04/12 tuyên bố Teheran sẵn sàng trở lại bàn đàm phán với Washington, nhưng với điều kiện tiên quyết là Washington phải bãi bỏ các biện pháp trừng phạt, một điều kiện mà tổng thống Trump khó thể chấp nhận.