Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Lại Trung Quốc được lợi? (Diễm Thi)
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực sản xuất nông nghiệp chính của cả nước chỉ có mỗi quốc lộ 1A kết nối với các vùng còn lại của cả nước, thì chính quyền cộng sản không đầu tư lại đầu tư vì Tàu cộng. Lý do thật đơn giản, Tàu cho vay nên bảo làm đâu phải làm đó. Còn quan chức Việt Nam thì chỉ cần có dự án để đục khoét là làm thôi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một bữa tiệc của do Nhà nước tổ chức tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 11 năm 2017.AFP
Chiều 25 tháng 11, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chính thức có thông cáo báo chí về việc nghiên cứu, lập quy hoạch tuyến đường sắt mới khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Bộ GTVT cho rằng tuyến đường sắt này có vị trí rất quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải đường sắt ở phía Bắc sông Hồng, vì tuyến đường sắt chạy theo hành lang Đông - Tây nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng, một trong những cảng lớn của Việt Nam.
Tuyến đường sắt này dài 392 km được quy hoạch đi qua 8 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Tổng vốn đầu tư dự kiến 100.000 tỷ đồng, chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng. Riêng chi phí nghiên cứu lập quy hoạch do chính phủ Trung Quốc tài trợ.
Đây là tuyến đường được đánh giá là quan trọng, mang lại lợi ích kinh tế cho khu vực Tây Nam của Trung Quốc và Tây Bắc của Việt Nam. Trung Quốc coi đây là phần quan trọng trong tuyến đường xuyên Á, kết nối Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai của Việt Nam với Côn Minh - Thành Đô - Lan Châu của Trung Quốc và đi tới châu Âu.
Có nằm trong kế hoạch Vành Đai Con Đường của Trung Quốc?
Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người sáng lập Viện IDS - một viện nghiên cứu chính sách tư nhân độc lập đầu tiên thành hình ở Việt Nam, nhưng đã bị giải thể dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Việt Nam chỉ nên làm con đường này khi có thừa tiền, nhưng tình hình Việt Nam hiện nay không cho phép làm vì còn nhiều dự án cấp thiết khác đang thiếu vốn đầu tư. Nếu tiếp tục làm dự án thì những người đề xuất, phê duyệt không còn là người Việt Nam nữa mà đã trở thành người Trung Quốc vì mục đích, lợi ích chủ yếu là cho Trung Quốc. Ông phân tích:
“Dự án này chỉ cần nhìn vào bản đồ và nhìn vào đường đi của nó thì thấy nó thực sự để đi từ Côn Minh ra cảng Hải Phòng. Tuyến đường này nhằm mục đích khai thác cho vùng Côn Minh của Trung Quốc chứ còn tuyến đường sắt từ Lào Cai ra Hà Nội, Hải Phòng thì không có ý nghĩa gì nhiều về kinh tế cả. Tức là nó hoàn toàn vì lợi ích mở cửa vùng miền Tây của Trung Quốc. Đấy là một điều rất là rõ ràng và nó nằm trong kế hoạch Vành đai và Con đường của Trung Quốc.”
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình - là một sáng kiến thương mại, một chiến lược kết nối kinh tế khổng lồ, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước, các khu vực, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả văn hóa, xã hội. Sáng kiến này đã gây ra nhiều tranh cãi ở nhiều nước phương Tây, nhất là Mỹ. Nhiều nước coi đây là một phương tiện để Trung Quốc gây ảnh hưởng ở nước ngoài cũng như đặt gánh nặng lên các nước với khoản nợ không bền vững qua các dự án thiếu minh bạch.
Cho tới thời điểm này, phía Bắc Việt Nam đã có 9 tuyến cao tốc vận hành kết nối Hà Nội và hơn 10 tỉnh phía Bắc, trong đó một số tuyến đang lỗ do lưu lượng xe còn ít so với thiết kế. Đó là Bắc Giang - Lạng Sơn; Hà Nội - Thái Nguyên; Nội Bài - Lào Cai; Hạ Long - Vân Đồn; Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Láng - Hòa lạc; Hải Phòng - Hạ Long; Hà Nội - Hải Phòng.
Nhà báo Đỗ Cao Cường, người trực tiếp sử dụng một số tuyến đường sắt này nêu ý kiến của mình:
“Theo tôi thì dự án này nằm trong kế hoạch Vành đai - Con đường của Trung Quốc thôi vì thực tế đã có tuyến đường sắt từ Lào Cai về Hà Nội mà tôi đi thì thấy vắng tanh, thậm chí cả toa tàu có mỗi mình tôi. Với mức khách mà tôi ước tính thì chắc chắn sẽ lỗ gấp nhiều lần so với dự án Cát Linh - Hà Đông.”
Các kỹ sư Trung Quốc (bên phải) trong toa tàu trên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hôm chạy thử 20 tháng 9 năm 2018. AFP
Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, dài khoảng 13km, ban đầu dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy vậy đến nay, sau khoảng 10 lần chậm tiến độ thực hiện, dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành. Đây là một trong các dự án có vốn vay Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc xây dựng tai tiếng nhất Việt Nam.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho hay ông không rõ tuyến đường sắt này có được thiết kế trong Vành đai - Con đường hay không, nhưng ông nhận thấy nó rất phù hợp với tư vấn đầu tư của Trung Quốc, tức đầu tư vào kết cấu hạ tầng để rồi mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình. Theo ông, điều quan trọng khi đệ trình một dự án thì lợi nhuận về mặt kinh tế là một yếu tố quan trọng không thể coi nhẹ. Ông đánh giá về dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng:
“Tuyến đường sắt đó là một vấn đề tranh cãi về mặt kinh tế. Nó có lợi cho tỉnh Vân Nam về việc vận chuyển sang cảng Hải Phòng để xuất khẩu, tránh phải đi 1.600km sang đến cảng bên Quảng Đông. Cái ý tưởng mở con đường này là điều rất thuận lợi. Vấn đề đối với Việt Nam là con đường này không có hàng hóa và hành khách gì lớn của Việt Nam cả, bởi vì các tỉnh ở phía Bắc của Việt Nam thì kinh tế đang chậm phát triển, còn hành khách thì không nhiều. Vì vậy hiệu quả kinh tế đối với Việt Nam cần phải được bàn cãi và phân tích kỹ.”
Việt Nam cần làm gì?
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 25 tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ sự ủng hộ của Việt Nam đối với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tuy nhiên, cho tới lúc này Việt Nam vẫn chưa chính thức tham gia sáng kiến Vành Đai Con Đường.
Với những dự án mà các chuyên gia, các nhà quan sát cho là nằm trong kế hoạch của Trung Quốc gắn với sáng kiến Vành Đai và Con Đường với những bẫy nợ treo lơ lửng trên đầu với điệp khúc chậm tiến độ - Đội vốn - Lỗ, Việt Nam cần phải làm gì, cụ thể với dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng?
Tôi hy vọng chính phủ sẽ có lắng nghe những ý kiến phản biện. Tôi đề nghị có những hội thảo công khai cho các chuyên gia liên quan có cơ hội phát biểu ý kiến và đánh giá. - TS. Lê Đăng Doanh
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Quang A nêu ý kiến:
"Tôi nghĩ nó trong thẩm quyền quyết định của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam tỉnh ngộ thì phải dùng vốn đầu tư vào những dự án thực sự mang lại lợi ích cho người Việt Nam và chóng hoàn vốn ở Việt Nam. Có vô số những dự án cần thiết như vậy và Việt Nam đang thiếu vốn thì không có lý do gì lại dại dột đi làm cho Trung Quốc mà rồi gánh nợ cho mình!"
Cũng cùng quan điểm, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh lên tiếng với RFA:
“Tôi hy vọng chính phủ sẽ có lắng nghe những ý kiến phản biện. Tôi đề nghị có những hội thảo công khai cho các chuyên gia liên quan có cơ hội phát biểu ý kiến và đánh giá.”
Chiều 25 tháng 11 năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải thông tin với báo chí trong nước về việc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Theo đó, năm 2015, trên cơ sở kết quả các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước, chính phủ Trung Quốc đã cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá hơn 32 tỷ đồng để Việt Nam khảo sát, lập quy hoạch tuyến đường sắt này. Kết quả nghiên cứu sẽ được Cục Đường sắt Việt Nam xem xét, tiếp thu trong quá trình lập quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn đến năm 2030, định hướng 2050 để trình Thủ tướng phê duyệt theo quy định.
Bộ GTVT trong công văn cũng khẳng định đây là dự án có vốn đầu tư lớn nên sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua về chủ trương đầu tư.
Nguồn: RFA Tiếng Việt