Xây dựng nền tảng giáo dục gia đình riêng (Nguyễn Thị Bích Ngà)

Con cháu là di sản của chúng ta. Chúng ta đâu thể nào để chúng là những đứa trẻ có nhân cách được định hình bởi sự may rủi. phải không ạ?! Chúng ta có thể làm tốt hơn thế nhiều nếu chúng ta chịu đọc, chịu học, chịu lắng nghe, chịu tiếp thu, chịu thay đổi và chịu hành động vì chính mình và vì di sản của chính mình.


Ông cố, ông ngoại của tôi là thầy đồ ở miền Bắc. Ông cố, ông nội của tôi là điền chủ ở miền Nam. Nền tảng gia đình theo lễ nghĩa gia phong Khổng, Nho và dĩ nhiên được truyền dạy cho ba, mẹ của tôi. Ba mẹ tôi đọc nhiều sách nên ngoài những giá trị Khổng, Nho thì ông bà còn tiếp thu các giá trị văn minh phương Tây. Ba mẹ giáo dục con cái trong gia đình bằng sự kết hợp pha trộn giữa hai nền văn hóa Đông-Tây, có đúng có sai đủ cả. Khi kết hợp như vậy là họ đã tạo ra nền tảng giáo dục gia đình của riêng họ, không còn rập khuôn theo nền tảng giáo dục của ông bà.

Mẹ dạy sống nhân ái, giúp người, có trách nhiệm, hiền lành, tử tế, yêu thương vô điều kiện.. Nhưng mẹ cũng “thương cho roi cho vọt,” hay chỉ trích phán xét, thậm chí đầy lúc nhầm lẫn giữa yêu thương vô điều kiện với tình yêu tử cung! Ba thì dạy về khoa học, thiên nhiên và dạy yêu thương thiên nhiên, không bao giờ ông đánh chửi vợ con, nhưng đầy lần ông cũng thể hiện tính bạo lực xách súng ra lên đạn rôm rốp để dọa bầy con khi chúng phá phách bị hàng xóm mắng vốn! Họ không hề hoàn hảo. Họ sống, dạy con theo những gì mà họ biết và họ nghĩ là tốt nhất cho con cái.

Nhà tôi, từ ba mẹ cho đến các anh chị đều rất yêu quý trân trọng sách và đọc rất nhiều. Tôi được các anh dạy cho biết đọc khi chưa đến lớp. Năm tuổi tôi đã đọc thạo và mê đọc như người lớn trong nhà. Hồi đó, nghèo lắm, tôi đâu có sách thiếu nhi để đọc. Toàn đọc ké sách người lớn. Mẹ cấm suốt nhưng chẳng thể nào ở bên cạnh tôi để quản lý mọi lúc. Tôi tranh thủ đọc mọi lúc mọi nơi một cách lén lút. Anh chị nằm vừa đọc sách vừa ru tôi ngủ thì tôi hí hí mắt đọc ké theo từng trang anh chị lật giở. Ba mẹ, anh chị đi làm đi học thì tôi sung sướng được đọc một mình. Ba mẹ anh chị giấu chỗ nào tôi cũng tìm ra. Tôi mê đọc đến nỗi lấy que khều ra đọc cả những trang sách bị người ta xé chùi đít vứt trong sọt rác treo ở cầu tỏm. Chẳng biết gớm là gì. Cứ có chữ là ham là muốn đọc.

Tôi không có sự lựa chọn. Ba mẹ, anh chị đọc sách gì thì tôi đọc ké sách đó. Tuổi thơ tôi, trí tưởng tượng tôi, tâm hồn tôi thấm đẫm trong những tác phẩm: “Ruồi Trâu.” “Cội Rễ.” “Đèn Không Hắt Bóng.” “Chuông Nguyện Hồn Ai.” “Cuốn Theo Chiều Gió.” “Ba Người Bạn..” Sau này lớn mới biết đó toàn là những cuốn tiểu thuyết văn học kinh điển. Cái văn hóa, cách ứng xử, cách giải quyết tình huống, cách nhận biết và thấu hiểu tâm lý con người, cách tư duy logic…của phương Tây thấm vào tôi qua sách và nó cũng không mâu thuẫn nhiều so với những điều ba mẹ dạy.

Một số anh chị em quý mến tôi qua những gì tôi viết và tôi làm nên khen tôi giỏi. Tôi trả lời, “Em may mắn.” Mọi người đều cho là tôi khiêm tốn khi trả lời như vậy. Nhưng tôi tự biết tôi may mắn.

Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình có nền tảng giáo dục khá ổn. Ba và mẹ yêu nhau bằng tình yêu đích thực nên không bao giờ cãi nhau. Tôi may mắn được tiếp cận với sách, những cuốn sách có giá trị giáo dục. Tất cả những yếu tố trên đã định hình nhân cách của tôi và dần dần rõ nét hơn như ngày nay cũng là nhờ tự học qua sách vở, anh em bạn bè thương quý chỉ dạy. Và dĩ nhiên, học từ chính những sai lầm của mình.

Như trên tôi đã nói, tôi may mắn. Bởi nếu chỉ một trong các yếu tố trên bị mất đi hoặc sai lệch thì tôi hoàn toàn có thể đã trở thành một con người khác hẳn.

Nếu ba mẹ anh chị tôi không đọc sách văn học nước ngoài mà đọc sách ngôn tình thì tôi đâu được tiếp cận với văn hóa phương Tây từ sớm.

Nếu ba mẹ tôi thường xuyên đánh chửi nhau, mẹ thay vì chăm sóc nâng đỡ ba dậy ôm ông về nhà tắm rửa khi ông say rượu đái cả trong quần mà chê trách kêu gào than thân trách phận và ruồng rẫy ông làm mất mặt bà…thì tôi làm sao thấu hiểu được thế nào là tình yêu vô điều kiện?

Nếu ba treo ngược chúng tôi lên xà nhà hoặc túm tóc và đánh đập như những ông ba hàng xóm đối với con cái thì giờ tôi đã chẳng ngồi đây.

Nếu tôi không cãi lời ba mẹ anh chị để đọc lén, đọc ké sách thì các giá trị văn minh tốt đẹp sẽ không được tôi hiểu đúng, đủ và thực hành. Tôi cũng sẽ không có tư duy độc lập, càng không có tư duy suy luận logic và không thể có được tính phản biện và chẳng bao giờ làm cái việc “dã tràng se cát.”

Nếu ba mẹ tôi không xây dựng nền tảng giáo dục riêng của gia đình mà rập khuôn dạy chúng tôi theo văn hóa Khổng, Nho thì tôi đã là một người hoàn toàn khác.

Ở thời đại này, trong xã hội của chúng ta, vẫn còn nhiều gia đình dạy con theo cách bắt chước, rập khuôn theo những gì mình đã từng được dạy. Ba mẹ tôi là những người tiến bộ ở thời bấy giờ khi xây dựng dược nền tảng giáo dục riêng. Trong quá trình dạy con cái, ông bà đã làm rất tốt, nhưng cũng có những điều ông bà chưa làm được, vẫn sai phương pháp. Phân tích ra để nhận biết và tiếp tục thay đổi, xây dựng nền tảng giáo dục con cái của chính mình bằng phương pháp tốt hơn nữa là điều cần làm.

Nhiều người hiểu sai chữ hiếu nên nghĩ rằng con cái mà phê phán cha mẹ là bất hiếu bất nghì. Do không nhận ra nên họ không hề xây dựng được nền tảng giáo dục gia đình riêng. Họ rập khuôn và tiếp tục cái sai cũ một cách vô thức, mặc kệ cho xã hội thay đổi từng ngày. Đây là một điều hết sức đáng tiếc cho thế hệ trẻ-những đứa trẻ đáng lý ra phải được hưởng sự giáo dục tốt hơn.

Việt Nam hiện đang là nước xã hội chủ nghĩa, chịu sự lãnh đạo toàn diện của đảng cộng sản-một đảng duy nhất kéo dài hơn bảy mươi năm. Chính sách giáo dục từ khi đảng cầm quyền cho đến nay không có nhiều thay đổi lớn. Vẫn cũ kỷ và giáo điều, không có tính khai phóng con người. Vẫn chính sách học vẹt, thành tích, triệt tiêu khả năng phản biện và tư duy logic (để dễ cai trị.)
Cuộc sống vật chất có khá hơn nhiều thập niên trước, các giá trị văn minh có theo internet và sách vở, làm ăn kinh tế…vào Việt Nam nhưng nó không phải là những kiến thức căn bản được dạy và học một cách cẩn thận nên rất nhiều giá trị đã bị hiểu sai và bị lợi dụng làm cho méo mó đi một cách tệ hại.
Phản biện và cãi hỗn là hai khái niệm khác nhau. Ba mẹ phương Tây tôn trọng con cái và để con cái phản biện thoải mái. Nhưng khi trẻ có ngôn từ hoặc thái độ hỗn láo thì liền được nhắc, “Chú ý ngôn ngữ và thái độ của con nghen!” Đứa trẻ có phụng phịu dỗi dằn thì nó cũng hiểu và phân biệt được đâu là phản biện, có ý kiến và cãi hỗn.
Yêu thương vô điều kiện và tình yêu tử cung là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Yêu thương vô điều kiện là không tính toán thiệt hơn với bạn đời của mình, là nâng đỡ giúp bạn đời của mình ngày càng tốt hơn đẹp hơn. Là học hỏi để bản thân đủ kiến thức nhằm nuôi dạy hướng dẫn con cái, để chúng được trưởng thành, tự lập và sống cuộc đời của chúng. Là xây dựng tổ ấm thực sự để con cái có thể tìm về mỗi khi nó va vấp. Là vỗ về an ủi khi nó bị tổn thương. Là dạy con biết tự chịu trách nhiệm trước những sai lầm, biết trả giá và đứng lên làm lại… Con nên người hay không nên người đều là con mình và nếu nó không nên người thì đó là trách nhiệm của mình, phải tiếp tục yêu thương và dạy bảo.
Yêu thương bằng tình yêu tử cung là bảo bọc chở che bất chấp. Khi con sai lầm thì không để con chịu trách nhiệm mà tìm cách đổ thừa xóa lỗi và chạy chọt xóa tội. Con vì một tác động nào đó mà sinh hư, đi lừa gạt tiền thiên hạ ăn chơi, người mẹ yêu thương vô điều kiện sẽ dạy con đó là điều rất xấu, phải làm việc để trả nợ, thậm chí nếu phải đi tù thì cũng phải đi tù. Người mẹ yêu con bằng tình yêu tử cung sẽ bảo đó là do con bị bạn bè xấu lôi kéo chứ con tui hiền. Là bán nhà bán cửa để giải quyết nợ cho nó. Là dùng tiền chạy chọt để nó không phải ngồi tù. Ta thấy, nó khác nhau quá xa, nhưng do chưa hiểu đúng nên nhiều người vẫn cư xử và nuôi dạy theo cách sai lầm.
Với tình trạng khá hỗn loạn như trên, nhiều gia đình sai lầm khi hầu như hoàn toàn giao con cho nhà trường hoặc giáo dục theo các giá trị phương Tây trong khi chưa hiểu đúng đủ và thấu đáo kiến thức nền tảng cơ bản. Thế hệ này tiếp nối thế hệ khác mỗi ngày càng tệ dần đi.
Tôi ngày xưa do may mắn. Nhưng, tôi và các bạn ngày nay hoàn toàn có đủ điều kiện tiếp cận với tri thức để có thể tự học và xây dựng một nền tảng giáo dục gia đình tốt hơn cho con cháu chúng ta.
Chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn trường, thầy cô cho con. Chúng ta có quyền phản đối chính sách giáo dục. Chúng ta có quyền phản đối việc bạo lực, bạo hành ở trường lớp. Chúng ta có quyền tôn vinh những người thầy cô dũng cảm dám bứt phá khỏi lề lối khi dạy học trò những điều hay ho ngoài sách vở. Chúng ta hoàn toàn có quyền chọn lựa sách nào cho con đọc. Chúng ta hoàn toàn có đủ tài liệu để học kiến thức nền tảng và dạy cho con mình.

Con cháu là di sản của chúng ta. Chúng ta đâu thể nào để chúng là những đứa trẻ có nhân cách được định hình bởi sự may rủi. phải không ạ?! Chúng ta có thể làm tốt hơn thế nhiều nếu chúng ta chịu đọc, chịu học, chịu lắng nghe, chịu tiếp thu, chịu thay đổi và chịu hành động vì chính mình và vì di sản của chính mình.