Tuổi trẻ Hong Kong và sự lọc lõi của Tập (Việt Nghĩa)
Có một tin vui với giới trẻ Hong
Kong đó là hai viện quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua dự luật Hong Kong và chỉ còn
đợi tổng thống Mỹ ký phê duyệt để chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, giới trẻ Hong
Kong cũng phải cảnh giác vì sự ủng hộ của người đứng đầu Nhà Trắng nhiều khả
năng bị chi phối bởi hiệp định thương mại Mỹ - Trung (để chấm dứt thương chiến). (Việt Nghĩa)
Tuổi trẻ Hong Kong
Tuổi trẻ
Hong Kong đã cho cả thế giới biết được thế nào là "đại" biểu tình ôn
hoà. Hàng triệu người tham gia xuống đường một cách hoà nhã, trật tự, kỷ luật
và văn minh đến mức dọn dẹp sạch sẽ rác bẩn sau biểu tình, nhưng không kém phần
ấn tượng với những khẩu hiệu, tranh ảnh, đồng phục...cực kỳ thu hút và rực rỡ.
Cũng không quá khi cho rằng "biểu tình Hong Kong" là một mẫu mực về
biểu tình mà bất cứ quốc gia nào cũng nên học hỏi.
Khởi đầu như
mơ khiến giới trẻ Hong Kong thu hút được sự chú ý của cả nhân loại. Họ không chỉ
ngưỡng mộ vì dân trí, sự dũng cảm của giới trẻ Hong Kong, mà họ còn kỳ vọng vào
một thay đổi mang tính bước ngoặt, đó là làm suy yếu, thậm chí dẫn đến sự sụp
đổ của chế độ độc tài lớn nhất hành tinh: Trung Quốc cộng sản.
Ước mơ của nhân loại càng được củng
cố, khi Hong Kong qua các cuộc biểu tình, giới thiệu được một loạt gương mặt
trẻ trung, đầy tiềm năng, không ai có thể phủ nhận sự tự tin, lòng dũng cảm,
tinh thần trách nhiệm cao nhất ở họ. Họ xứng đáng trở thành những người lãnh đạo chính trị trong một tương
lai không xa.
Tuy nhiên,
khi cuộc biểu tình kéo dài qua nhiều tháng thì "bạo lực" bắt đầu xuất
hiện, và ngày càng leo thang. Những hình ảnh "đốt phá", "máu
chảy", "gậy gạch"...thay thế cho những hình ảnh "trật
tự", "sạch sẽ"...diễn ra trước đó không lâu. Nó khiến mọi hoạt
động ở Hong Kong trở nên tê liệt, biến trung tâm tài chính quốc tế hoặc
"trung tâm biểu tình ôn hoà mẫu mực quốc tế" thành trung tâm bạo lực
quốc tế với hình ảnh đối đầu đẫm máu giữa người biểu tình và cảnh sát diễn ra
hàng ngày. Tuổi trẻ Hong Kong bắt đầu mất
phương hướng.
Không rõ các
lãnh đạo biểu tình trẻ tuổi hoặc các chính trị gia, trí thức, doanh nhân đứng
sau lưng vừa mới toả sáng trước đó không lâu, có dự đoán và đưa ra những kịch
bản xấu như lúc này chưa? Hoặc có
phải vì họ chưa thống nhất được mục tiêu và phương án tiếp theo hay không, mà
gần như từ khi bạo lực leo thang họ không có bất kỳ tuyên bố hay hành động gì
để tác động đến người biểu tình, chính quyền, hòng giảm thiểu thiệt hại và tháo
gỡ bế tắc hiện tại. Điều đó cho thấy sự bối rối của giới trẻ Hong Kong? Thật
khó có thể phủ nhận điều này, trừ trường hợp giới trẻ sẵn sàng lao vào cuộc
chiến "bạo lực" với một kẻ sành sỏi nhất về khoản này (Trung Quốc).
Có một tin vui với giới trẻ Hong
Kong đó là hai viện quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua dự luật Hong Kong và chỉ còn
đợi tổng thống Mỹ ký phê duyệt để chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, giới trẻ Hong
Kong cũng phải cảnh giác vì sự ủng hộ của người đứng đầu Nhà Trắng nhiều khả
năng bị chi phối bởi hiệp định thương mại Mỹ - Trung (để chấm dứt thương chiến).
Sự lọc lõi của Tập
Trái với
khởi đầu như mơ của giới trẻ Hong Kong, có vẻ Tập Cận Bình đối đầu với biểu
tình Hong Kong một cách chậm chạp, nhún nhường và có thể cho là mất mặt khi
phải rút lại luật dẫn độ mà Hong Kong đã ký với cả chục nước.
Tuy nhiên,
Tập có kinh nghiệm đàn áp vào bậc nhất lịch sử đương đại, với hàng loạt thành
tích trải dài từ Tân Cương đến Tây Tạng. Gần đây có một hồ sơ đàn áp của đảng
cộng sản Trung Quốc bị rò rỉ, trong đó Tập nổi bật với những quyết định, chỉ
đạo cứng rắn và tinh quái. Do đó, sẽ thật là thiếu sót nếu như chúng ta không
quan sát kỹ những hành động của kẻ có khuôn mặt "lạnh lùng": Tập Cận
Bình.
Tập chỉ đạo
đàn áp ngày càng mạnh tay, đặc biệt là sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đồng minh
"vào sinh ra tử" với Mỹ ở Iraq và Syria: người Kurd, và đó cũng chính
là thời điểm mà người Anh đang luẩn quẩn trong "mớ bòng bong" Brexit.
Rõ ràng Tập đã có lý khi Mỹ và khối quân sự hùng mạnh do Mỹ lãnh đạo - NATO làm
ngơ khi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện cuộc chiến phi lý cướp đi hàng nghìn mạng sống và
hàng trăm nghìn nơi ăn chốn ở của thường dân, thì không có lý gì để can thiệp
vào một cuộc đàn áp "vừa phải" với sự hi sinh tới lúc này là vài mạng
người.
Người viết
cũng thấy vô cùng kỳ lạ khi người Việt rất nhiệt tình lên án việc đàn áp ở Hong
Kong, nhưng gần như im lặng khi Thổ tấn công người Kurd và gây nên thương vong
gấp hàng ngàn lần. Một điều đáng buồn là trong những ngày người biểu tình Hong
Kong bị đàn áp dữ dội nhất, thì tổng thống Mỹ - Donald Trump lại bận rộn với
việc viết và xoá các tweets ủng hộ nghị sĩ đảng Cộng Hoà đang bị thất thế ở các
bang có truyền thống ủng hộ đảng Cộng Hoà. Chắc chắn Tập Cận Bình sẽ rất hài lòng và yên tâm khi thấy Trump làm như
vậy.
Tập Cận Bình
còn cho thấy sự lọc lõi khi kiên trì động viên, củng cố tinh thần cho đặc khu
trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga và bộ máy hành chính Hong Kong. Có vẻ như việc làm
này đã phát huy tác dụng mỹ mãn, khi cảnh sát Hong Kong không hề nao núng đàn
áp đồng hương của mình, nhưng vẫn giữ được bình tĩnh để không tạo ra một Thiên
An Môn thứ hai.
Biểu tình
"ôn hoà" chỉ là sản phẩm của giới trẻ Hong Kong và những người biểu
tình chân chính, nhưng biểu tình "bạo lực" chắc chắn có sự đóng góp
đáng kể của những kẻ được an ninh Trung Quốc đào tạo bài bản. Có lẽ chúng đã
trà trộn, dụ dỗ, kích động, khiêu khích...các bạn trẻ Hong Kong sử dụng các
phương tiện bạo lực.
Chúng ta cũng không thể không kể đến
việc Tập kiên trì suy nghĩ và luôn đưa ra những đạo luật dễ gây kích động và
làm mồi nhử để các bạn trẻ sa lưới "bạo lực". Chẳng hạn như để đối
phó yêu sách "đòi bầu cử tự do Đặc khu trưởng" mà Tập thừa biết trong
"Luật cơ bản Hong Kong (mà đa số thế giới ủng hộ) có Điều 45 quy định “mục
tiêu tối hậu” là người Hong Kong phải có toàn quyền bầu cử phổ thông để bầu
chọn đặc khu trưởng. Nhưng trước 1997 thì nước Anh vẫn chỉ định người đứng đầu Hong
Kong và đến 2014 Ban Thường vụ Trung Quốc ra quyết định ngày 31/8/2014, xác lập khuôn khổ thực
thi quyền bầu cử phổ thông cho người dân Hong Kong. Quyết định này trở thành
điểm bùng phát cho các cuộc biểu tình của sinh viên trong phong trào Dù Vàng và
đến bây giờ vẫn chưa đạt được thoả hiệp để thực hiện "mục tiêu tối
hậu" trong điều 45 Luật cơ bản Hong Kong.
Một cách không chính thức nhưng
Tập có thể nguỵ biện với thế giới rằng: tại sao người Hong Kong không đòi hỏi
bầu cử phổ thông khi còn là thuộc địa của Anh, mà lại gay gắt đòi hỏi bây giờ
và dù sao họ (Trung Quốc) đã đưa ra đề nghị nhưng chưa tìm được tiếng nói
chung với Hong Kong. Còn về luật "dẫn độ" thì rõ rằng Tập đã phần nào
thành công khi dẫn dắt cuộc biểu tình đến một mức độ bạo lực cao nhất, khó
tưởng tượng nhất của cả thế giới. Tất nhiên là thế giới với cảm tình mạnh mẽ
với giới trẻ Hong Kong và ghẻ lạnh Trung Quốc, sẽ lên án Tập kịch liệt, nhưng
nếu xét về lý thì những gì Tập gây ra là chuyện chẳng đặng đừng và thương vong
cũng không đáng kể so với một quốc gia thành viên NATO (Thổ Nhĩ Kỳ).
Rõ ràng sự lọc lõi của một kẻ đứng
đầu tổ chức cộng sản lớn nhất thế giới và kinh nghiệm đàn áp dân chủ, nhân
quyền ở qui mô lớn và trong thời gian rất dài, đã giúp Tập có được lợi thế hơn
bất kỳ ai. "Bài ruột" kiên trì chịu đựng để chờ đợi đối thủ bộc lộc những điểm yếu, sai lầm và ra tay một cách "kiềm chế" bạo lực, "tối thiểu" hoá thương vong đã khiến giới trẻ Hong Kong bối rối và mất phương hướng. Cũng như khiến phương Tây không có
nhiều lý do để lên án hoặc trừng phạt Trung Quốc một cách nặng nề như mong đợi của những người yêu
chuộng tự do, dân chủ.
Kết quả
Trái với hầu
hết nhận định của người Việt yêu chuộng tự do, dân chủ. Biểu tình Hong Kong đang
đi vào bế tắc và bất lợi cho những người biểu tình. Từ hàng triệu người bây giờ chỉ còn vài trăm người
"chiến đấu đến cùng" ở đại học Bách Khoa, sau đó chính những người
này cũng trốn dần và chỉ còn vài chục đến 100 người, đa số trong đó là học
sinh, sinh viên. Với những con số không biết nói dối, chúng ta có thể khẳng
định phong trào biểu tình đang có nguy cơ "tan rã". Quả bóng của cuộc
đối đầu đã được Tập Cận Bình đá sang phía lãnh đạo biểu tình. Bước ngoặt chỉ có
thể diễn ra nếu các lãnh đạo này tìm ra được một giải pháp đặc biệt có thể đảo
chiều thế trận.
Việt Nghĩa
(22/11/2019)