Nền tảng giáo dục gia đình (Nguyễn Thị Bích Ngà)

Nền tảng gia đình là yếu tố quan trọng bậc nhất hình thành nên tính cách một con người.


Nền tảng gia đình là gì? Là nề nếp văn hóa trong sinh hoạt, ăn ở, đi đứng, nói chuyện, đối nhân xử thế, cách dạy con, cách yêu thương… của gia đình đó. Nề nếp ấy có thể thông qua nhiều thế hệ, bắt nguồn từ ông bà cụ kỵ, hoặc cũng có thể bắt nguồn từ cha mẹ ta với ta, hoặc có thể được khởi đầu từ ta với con cái.

Nền tảng gia đình tốt sẽ được giữ gìn và truyền lại qua các thế hệ, tạo ra những người con cháu có văn hóa và biết giữ gìn các giá trị làm người tốt đẹp. Nền tảng gia đình không tốt cũng mang yếu tố truyền lại qua các thế hệ, tạo ra những người con cháu có những ứng xử không đẹp, điều này có thể chấm dứt khi một trong những thế hệ nhận ra và thay đổi nó để tự tạo ra nền tảng gia đình khác tốt hơn.

Nhìn cách ứng xử của một người với người khác, với cộng đồng, ta có thể nhận biết người ấy có nền tảng gia đình hay không, nền tảng đó tốt hay chưa tốt. Một người có nền tảng gia đình không tốt mà không nhận ra để cố gắng học hỏi, thì cho dù có bao nhiêu tuổi, có đi Mỹ đi Nhật, trong cách ứng xử vẫn thể hiện ra những điều rất tệ, nhiều thói xấu trong tính cách.

Ta có thể thấy rất rõ điều này trong xã hội, và lo lắng vì dường như nền tảng gia đình đang dần mất đi bởi ngày càng nhiều người cư xử rất tệ với người khác mà vẫn không nhận ra.

Tôi cho rằng tính cách của một người chịu ảnh hưởng từ nền tảng gia đình đến 80%. 20% còn lại từ nhà trường và xã hội. Nhiều người cho rằng tỉ lệ này là 50/50, thậm chí đổ hoàn toàn cho nhà trường và xã hội về sự hư hỏng trong tính cách của con mình. Kỳ thực, không nhà trường hiện đại nào có thể dạy bạn một cách kỹ càng từ bước chân đi, ăn mặc, cầm muỗng, đũa… Nhà trường ngày nay chỉ dạy kiến thức, làm cho người đó thành có học vấn, không thể dạy để hình thành tính cách.

Nhiều bậc cha mẹ luôn kêu bận rộn, mưu sinh để đẩy hết con cho nhà trường. Học nội trú cả ngày, rồi về lại học thêm đến nhọ mặt, đứa trẻ chỉ có rất ít thời gian để chơi, nghỉ ngơi, thì lấy đâu ra thời gian để quan sát và học nếp nhà? Đó là một sai lầm của cha mẹ. Và khi đứa trẻ không ổn, cha mẹ lại đổ thừa tại trường, tại xã hội.

Lúc tôi còn nhỏ, mẹ rất bận rộn, gia đình rất khó khăn, nhưng những điều cơ bản trong nền tảng gia đình vẫn luôn được mẹ nhắc nhở, dạy bảo rất chu đáo.

Có lần, tôi đi ăn ở quán với bạn. Cô bé phục vụ bàn lẹt xẹt đi lại lê dép trên sàn phát ra tiếng động khá lớn. Bạn liền nhắc, “Nhấc chân lên em ơi.” Bạn vẫn hay bảo mình là “người nhà quê” nhưng chỉ một câu nhắc ấy là tôi biết gia đình bạn dù ở quê nhưng không “nhà quê” chút nào, dù gia đình bạn cũng đông con, cũng khó khăn thời bạn còn nhỏ.

Việc bận rộn, khó khăn không phải là nguyên nhân khiến cha mẹ không thể dạy con. Nó nằm ở ý thức. Khi ta có ý thức về sự quan trọng của giáo dục trong gia đình thì ta sẽ có đủ thời gian dành cho nó. Khi ta có tình yêu đủ lớn, đúng cách dành cho con cái thì ta biết con cần được giáo dục những gì và cần bao nhiêu thời gian của mình. Không ai không có đủ thời gian cho tình yêu cả. Bận rộn, khó khăn… chỉ là những cái cớ. Con có những thói xấu, chưa ngoan là do cha mẹ chưa biết cách nói với con, chưa biết cách yêu thương, không có chuyện “cha mẹ sinh con trời sinh tính”.

Đứa con do ta sinh ra, từ máu thịt ta, không có lẽ nào ta phó mặc tính nó cho trời. Ta dạy được cho nó cái tính. Ta cần khẳng định điều đó, chắc chắn về điều đó thì mới có thể dành đủ thời gian, yêu thương để dạy con được.