Làm cách nào để dạy một đứa trẻ “ngỗ nghịch”? (Nguyễn Thị Bích Ngà)

Trong hình ảnh có thể có: hoa, thực vật, thiên nhiên và văn bản

Trong một số bài viết của tôi về dạy con, có một số bạn còm và nhắn tin bảo, “Những bài Voi viết chỉ có thể áp dụng cho những đứa trẻ ngoan, dễ bảo, còn với những đứa ngỗ nghịch thì không áp dụng được. Mỗi đứa trẻ mỗi tính cách, không có chuẩn chung nào, nên phải tùy mà lựa. Với trẻ ngỗ nghịch thì phải có biện pháp cứng rắn hơn.” Không đủ thời gian trả lời mọi comment và tin nhắn, nhưng tôi hiểu đó là một chủ đề quan trọng và rất nhiều người vướng mắc trong việc dạy một đứa trẻ mà họ nghĩ là ngỗ nghịch. Dạ, như thế nào là một đứa trẻ “ngỗ nghịch?” Nó “ngỗ nghịch” do đâu? Tại mình hay tại bản chất của nó? Có dạy được không? Phương pháp nào?

Như thế nào là một đứa trẻ “ngỗ nghịch?”

Theo quan niệm của nhiều người Việt quen với việc tuân phục bề trên theo nề nếp Nho giáo thì một đứa trẻ cãi lại lời người lớn, nghịch chơi những điều người lớn cấm hoặc người lớn nghĩ rằng không nên, học hành không chú tâm, làm việc gì cũng hư hỏng, nói tục, yêu đương sớm, thể hiện những thói xấu và luôn tỏ ra chống đối…là một đứa trẻ “ngỗ nghịch.”

Trẻ “ngỗ nghịch” do bản chất?

Tôi không cho rằng trẻ “ngỗ nghịch” là do bản chất. Không có đứa trẻ nào được đẻ ra đã mang sẳn trong mình bản chất "ngỗ nghịch" hoặc hiền lành. Trẻ hiền lành hay “ngỗ nghịch” là do cha me, người lớn, bạn bè, môi trường tác động xung quanh nó. Có những tác động ta không nghĩ sẽ ảnh hưởng lên trẻ nhưng xin thưa luôn luôn có tác động.

Có dạy được trẻ “ngỗ nghịch” không? Phương pháp nào?

Có. Hãy yêu trẻ vô điều kiện. Nghe đơn giản quá. Vâng, chỉ cần đơn giản vậy thôi. Nhưng trước tiên, xin hãy đọc lại bài "Yêu thương vô điều kiện" tôi đã viết, để nhận biết khái niệm và nhìn lại xem chúng ta có hiểu sai và đang yêu thương con cái sai cách hay không, cần học gì, làm gì, thay đổi gì để có thể làm được cái việc đầy bản năng: yêu thương vô điều kiện.

Trước khi viết bài này, tôi có làm một khảo sát nhỏ với một số anh chị bạn bè thân thiết. Khi vừa đặt câu hỏi: "Anh (chị) có thể cho em biết: Như thế nào là một đứa trẻ ngỗ nghịch? Vì sao nó ngỗ nghịch? Có dạy được trẻ ngỗ nghịch không? Phương pháp?" Thì tất cả những người được hỏi đều lập tức có cùng câu trả lời: "Ha ha, mày đang nói anh (chị) đó hả?" "Hi hi. Em biết là mình đang hỏi đúng người!"

Mỗi người có cách diễn giải khác nhau, nhưng điểm chung luôn là:

-Bị người lớn cấm chơi hoặc làm gì đó thay vì hướng dẫn để chơi hoặc làm theo cách an toàn.

Người thích trèo cây thì bị ba mẹ cấm không được trèo vì sợ ngã gẫy tay. Ba mẹ không hề hướng dẫn con cái học cách leo như thế nào. Không hề hiểu cái cảm giác thú vị tột cùng của một đứa trẻ khi nó chinh phục được một điểm cao và nhìn mọi vật từ trên cao xuống. Bọn trẻ nước ngoài được ba mẹ chúng làm thang dây cho leo khi chúng thích leo. Mua những miếng đệm gối, tay cho chúng đỡ trầy xước. Hoặc có nhà đóng cả vách núi giả vào tường và cho bọn trẻ đeo dây an toàn vào tập leo.

Ba mẹ Việt cấm con đến gần hồ nước, sông suối vì sợ nó chết đuối thay vì dạy nó bơi. Họ bảo họ bận rộn, họ bảo họ mãi lo kiếm tiền. Họ bảo họ thương con... Dối trá. Họ chỉ thương họ và đứa con chỉ như vật nuôi-ngoan theo ý họ thì được yêu-không ngoan theo ý họ thì thành ngỗ nghịch. Trong khi một đứa trẻ luôn luôn vận động, luôn luôn muốn học hỏi và luôn muốn lớn lên, phát triển. Nó là một sinh vật hoàn toàn độc lập. Chúng bị tước đoạt tự do ý chí-món quà quý giá Tạo hóa (có người gọi là Chúa) ban cho. Chúng phải bị rèn vào một cái khuôn định kiến hoặc xã hội nào đó để chúng thành nô lệ. Những đứa không khuất phục thì thành ngỗ nghịch thôi.

-Trẻ cũng trở nên "ngỗ nghịch" hoặc càng trở nên "ngỗ nghịch" khi bị bạo hành thể xác hoặc tinh thần.

Toàn bộ những người mà tôi hỏi trong cái khảo sát nhỏ và kể cả bản thân tôi đều là những đứa bị ăn đòn (tôi ít hơn.) Có những người trong tuổi thơ đã từng bị đánh đập một cách dã man bởi ba mẹ. Và đó không bao giờ là "dạy bảo." Chỉ và luôn chỉ là sự tức giận không thể kềm chế của người lớn. Họ mượn đứa trẻ để trút ẩn ức. Chỉ có thế.

Đứa trẻ càng bị đánh đập, bạo hành thể xác và tinh thần nhiều chừng nào thì càng trở nên lì lợm và bất cần chừng nấy. Nó không hề ngoan theo ý muốn của người lớn. Có thể, nó sẽ khuất phục trước mặt nhưng sau lưng nó sẽ trượt dài và ngày càng cố gắng chống đối, cố gắng làm những điều sai trái kể cả khi nó biết điều đó là sai.

-Trẻ "ngỗ nghịch" khi mất niềm tin vào ba mẹ và khi nó nghĩ hoặc nhận ra rằng nó không hề được yêu thương. Những câu đùa: "Mày là đứa được mẹ nhặt ở thùng rác, gốc cây vô." Hoặc những câu so sánh, "Mày coi con nhà người ta kìa, con nhà người ta có hư hỏng như mày đâu.." Tưởng chừng vô hại nhưng thực sự nó có tác động rất lớn lên tâm hồn non nớt và nhạy cảm của một đứa trẻ. Chúng tổn thương một cách sâu sắc. Và phản ứng lại trong vô thức bằng cách "mình là đứa không ra gì, không được yêu thương, ừ thì vậy đi."

Những người bạn "ngỗ nghịch" của tôi là những người thành đạt. May thay. Và qua những tâm sự, tôi luôn nhận ra ở họ một điểm chung: thèm khát tình yêu thương nên luôn cho đi tình yêu thương một cách vô điều kiện. Họ là những người sống rất tình cảm dù bên ngoài họ có xù xì đến đâu.

Điều đó chứng minh rằng họ nên người như ngày nay là nhờ vào những ân cần dạy bảo nhỏ nhẹ và dịu dàng từ mẹ, ba, một người hàng xóm, một người họ hàng, một người bạn...nào đó chứ không phải từ người đánh đập, cấm đoán hoặc hành hạ họ.

Chỉ có tình yêu vô điều kiện mới có thể giúp họ không trở thành những người gây hại cho xã hội. Chỉ có tình yêu vô điều kiện, dù rất nhỏ, dù thoáng qua, mới là thứ để họ đi đúng trên hành trình cuộc người. Nhưng, ta hãy tự hỏi, có được bao nhiêu phần trăm may mắn như vậy?

Đến đây, nhẽ không cần viết thêm làm sao để dạy một đứa trẻ "ngỗ nghịch" nữa vì phương pháp đã nằm trong các đoạn ở trên rồi. Lặp lại sẽ thừa. Nhưng có một câu tôi vẫn muốn lặp đi lặp lại mãi: Hãy học cách để yêu thương nhau vô điều kiện, nhất là với con cái của chúng ta.




Nguồn: FB Voi Còi