Dạy con lòng giúp đỡ (Nguyễn Thị Bích Ngà)
Chúng ta vẫn biết rằng để thay đổi xã hội thì cần phải thay đổi thể chế và giáo dục, nhưng ngay từ bây giờ, với những chuyện nhỏ như dạy con, sửa tư duy của chính mình để tốt hơn và dạy con tốt hơn mà chúng ta không làm thì thể chế và những điều xấu xí sẽ luôn mãi tồn tại và gây hại nhiều hơn cho đến lúc chúng ta không còn đất nước, dân tộc để mà nói đến. Chúng ta sẽ mất căn cước dân tộc và sẽ trở thành những kẻ mờ nhạt, lạc loài, vong thân dù sống ở bất kỳ đâu trên trái đất.
Con người là động vật sống theo bầy đàn, nương dựa vào nhau để tạo thành gia đình, cộng đồng. Ngày xưa, để có thể tồn tại trong thiên nhiên và ngày nay để phát triển trong cuộc sống, con người buộc phải giúp đỡ lẫn nhau. Sự giúp đỡ lẫn nhau, ban đầu vì lý do sinh tồn, qua thời gian sự giúp đỡ đã trở thành một trong những đức tính được coi trọng của con người bởi các giá trị tốt đẹp của lòng giúp đỡ đem lại như: tạo dựng tính gắn kết trong gia đình và cộng đồng, tình yêu thương, truyền cảm hứng-các giá trị cốt lõi để phát triển một xã hội nhân bản và phát triển vững mạnh.
Mẹ tôi thường dạy con, nhất là đứa sống xa nhà như tôi càng hay được bà dặn dò, “Ở nhà cậy anh em, ra đường nhờ bạn bè.” Tôi ở xa, mỗi khi về nhà, tôi đều khoe với mẹ, “Con được nhiều bạn bè thương quý giúp đỡ khi cần, mẹ yên tâm.” Tôi biết câu nói đó làm bà thực sự yên tâm, không quá lo lắng cho đứa con xa nhà. Mỗi khi tôi chuẩn bị đi, mẹ lại sắp soạn quà quê, khi thì cá khô, lúc thì chuối sấy, trái cây…bắt tôi đem theo để biếu tặng bạn bè. Khi tôi từ chối vì lười không muốn tha lôi nặng thì mẹ bảo, “Quà quê của mẹ, biếu anh em bạn bè người một chút lấy thảo để cảm ơn họ đã đối xử tốt với con.” Hết chối!
Mẹ dạy anh chị em chúng tôi phải biết chia sẻ và giúp đỡ người khác, trong xóm tôi mọi người cũng thường giúp đỡ qua lại lẫn nhau. Mỗi khi nhà ai có việc thì cả xóm xúm vào phụ đỡ. Bọn trẻ chúng tôi được sống trong môi trường như vậy nên khi lớn việc giúp người đã trở thành điều rất tự nhiên trong huyết quản, chẳng bao giờ nghĩ ngợi so đo tính toán gì. Tôi vẫn nhớ, đối với những người đã từng đối xử không tốt với mẹ, mẹ vẫn giúp khi họ cần. Hồi đó tôi thường thắc mắc tại sao, mẹ bảo, “Người ta có lúc đối không tốt với mình là vì người ta chưa hiểu. Rồi dần dần người ta sẽ hiểu. Mình cứ đối tốt với người ta đi, cứ giúp khi cần đi, rồi người ta sẽ nhận ra và sẽ yêu quý mình thôi.”
Lớn lên, tôi thực hành như mẹ dạy thì tôi thường xuyên gặp cảnh bị nghi ngờ lòng tốt của mình. Người ta không tin sự chân thành của lòng giúp đỡ nên thường xuyên buông những câu sau lưng nhưng cố tình để tôi nghe lại, “Nó có ý đồ gì chứ ai bỗng dưng đâu mà giúp kẻ thù?!” (Tôi không coi ai là kẻ thù bao giờ.) “Con này nó sống giả tạo. Người ta ghét là không thèm nhìn mặt chứ ai lại giúp? Nó bày đặt giúp là vì nó có mục đích khác.” “Trời ơi, nó là an ninh mà nên phải giả bộ vậy để len lỏi vào hàng ngũ anh em.” Anh HT, người yêu tôi, khi biết chuyện tôi vẫn giúp người khác và không nghĩ xấu về họ kể cả khi họ năm lần bảy lượt cư xử không phải với tôi thì anh bảo, “Em là người mang trong mình mặc cảm thánh tử đạo.” Anh không chịu được cái cảnh tôi bị sỉ nhục nhưng vẫn cứ giúp khi thấy người ta cần, nên anh thường cố gắng giải thích để tôi thôi làm việc đó. Tôi dạ dạ vâng vâng nhưng vẫn giúp và…giấu kín không kể cho anh nghe nữa.
Thậm chí có vài lần tôi còn bị vợ, người yêu của bạn ghen tuông sỉ nhục vì tôi giúp bạn. Họ viết lên facebook với cái lý rằng, “Nó yêu người yêu của tôi nên cứ lao vào giúp kể cả khi người yêu tôi coi nó không ra gì mà nó cứ theo đuổi!” Sự thật là những người bạn chung thấy bạn kia khó khăn, nói với tôi, thì tôi chung tay giúp đỡ, tôi không chấp những tranh cãi hay bị bạn ghét bạn chửi trước đó. Và những lần như vậy tôi đều bị mọi người xúm vào sỉ nhục. Ngay cả người được tôi giúp cũng không dám đứng lên nói lời công chính mà vì sợ vợ hoặc người yêu quá nên cũng im im. Tôi đã bị tổn thương rất lớn và sợ.
Nhưng, cái gì đã thấm vào máu mình, trở thành một phần của con người mình thì không thể nào từ chối nó được. Sau một thời gian bị tổn thương và nghi ngờ, sợ hãi thì tôi vẫn y như cũ và càng ngày càng có hiểu biết hơn để có thể bình tâm vô tư trước những lời nói, cách đối xử không hay của người. Nhìn sự trong sáng của con, niềm vui của con khi con giúp đỡ bạn bè một cách hồn nhiên đã giúp tôi vượt qua được nỗi sợ bị tổn thương của mình và tìm lại được chính mình. (Đọc câu chuyện trong bài “Học con.”) Việc giúp đỡ người khác trở thành một phần của bản chất. Thấy người gặp chuyện mà mình không giúp thì trong lòng thấy không yên, cắn rứt, tự trách.
Tôi có đọc một số còm của bạn bè bày tỏ băn khoăn về việc giúp người đáng giúp và không nên dính líu đến người không đáng giúp, phải biết tự tránh cho mình những tổn thương vì đừng để bị “trả oán.” Phải thông minh khôn khéo. Các bạn cũng cố gắng dạy con trẻ như vậy và cố gắng cấm chúng tiếp xúc với bạn xấu. Tôi hiểu lắm. Tôi trải qua hết rồi mà. Bây giờ, nhân bài này tôi mới viết lại câu chuyện bị tổn thương của mình để làm ví dụ điển hình thực tế cho chủ đề thôi chứ không nhằm mục đích kêu ca. Kể cả khi bị tổn thương vì bị hiểu sai sự giúp đỡ của mình dành cho người, tôi cũng không bao giờ trách mẹ vì bà đã dạy tôi bài học ấy. Càng lớn tôi càng biết ơn bà hơn vì điều đó. Cả ơn con nữa. Và tôi thường cố gắng truyền cái cảm hứng giúp người ấy cho bạn bè mỗi khi bạn bè nhờ tôi tư vấn.
Giúp người khi cần là điều mà mỗi chúng ta đều muốn thực hiện khi có điều kiện bởi ai cũng muốn bản thân trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng ngay cả khi không có điều kiện, mà ta vẫn cố gắng chia sẻ và giúp người thì đó là tình yêu thương. Ngay cả khi bạn không tốt nhưng ta vẫn giúp với lòng mong muốn bạn tốt hơn thì ngoài tình yêu thương tha nhân còn là trách nhiệm với cộng đồng.
Bạn chia sẻ câu chuyện con bạn chơi với bạn xấu nên con bạn bị ảnh hưởng xấu theo. Bạn cấm con chơi với bạn xấu kia. Tôi lại nhớ mẹ tôi chẳng cấm như thế bao giờ. Bọn con nít trong xóm chúng tôi nghịch phá như quỷ, mỗi đứa đều có những tính xấu: đứa thì chửi tục, đứa thì lười học, đứa thì nhác việc nhà, đứa thì hay ăn cắp vặt, đứa thì hay đánh bạn, tôi thì hay đi chơi không xin phép…
Mẹ thường xuyên bảo tôi dẫn lũ bạn về nhà. Bà cho ăn, dạy bảo chúng y như dạy tôi vậy. Đám trẻ con ngày đó bây giờ đứa nào cũng gọi mẹ tôi là mẹ và kính trọng yêu thương. Có đứa rất giàu, có đứa sống nghèo, nhưng cả bọn đều thành người. Biết ơn bà. Bà có niềm tin vào chính mình. Cái niềm tin ấy mãnh liệt, chắc chắn đến nỗi bà có thể tiếp xúc với cái xấu mà không bị tập nhiễm, không để cho cái xấu làm cho đánh mất chính mình mà dùng cái đẹp trong mình để làm cái xấu phải thay đổi. Lòng tốt và sự bao dung của bà là cảm hứng bất tận cho chúng tôi và ở trong chúng tôi đến suốt cuộc đời. Nó định hình nhân cách. Cho dù trong cuộc sống có lúc bị rơi rớt do tổn thương thì rồi vẫn nhanh chóng lấy lại được chính mình và ngày càng vững vàng hơn, thấu đạt hơn.
Có lần, ông giáo sư tiến sĩ khá nổi tiếng trả lời phỏng vấn của một báo, ông nhận định rằng đất và người Hà Nội ngày càng xấu đi là do bị người nhập cư làm cho ảnh hưởng xấu. Tôi đáp trả trong còm trên báo đó, “Nếu văn hóa, đạo đức, hệ thống xã hội. pháp luật của vùng đất, con người nơi đó có nền tảng vững chắc và tốt đẹp thì chắc chắn nó sẽ dần dần giúp cho những người nơi khác đến phải học theo và tốt đẹp lên theo chứ làm sao lại bị hủy hoại đi được?”
Nhìn lại đất nước, xã hội chúng ta bây giờ, chúng ta thấy người với người nghi ngờ lẫn nhau, thậm chí nghi ngờ cả tính thiện của nhau, nên không có tính đoàn kết và thất bại. Con người cứ phải sống trong nghi kị, đối phó và chẳng ai tin ai. Giáo dục, y tế, giao thông, môi trường, thực phẩm, không gian, đời sống tinh thần của chúng ta ngày càng bức bối, xuống cấp, tệ hại và buồn tủi. Thể chế là một trong những yếu tố rất quan trọng đã góp phần gây ra tình trạng trên.
Trong một xã hội, nếu thể chế tốt, pháp luật được thượng tôn, hệ thống giáo dục đặt trên nền tảng triết lý nhân văn, mỗi người trong chúng ta có lòng giúp đỡ người khác và nhận thức được rằng người xấu cần được giúp đỡ thì xã hội đó có tình yêu thương và gắn kết chặt chẽ. Dân tộc ấy sẽ là một dân tộc có tính đoàn kết, hiểu biết, nhân ái và sẽ làm nên những kỳ tích. Dân tộc đó sẽ có cái để tự hào.
Chúng ta vẫn biết rằng để thay đổi xã hội thì cần phải thay đổi thể chế và giáo dục, nhưng ngay từ bây giờ, với những chuyện nhỏ như dạy con, sửa tư duy của chính mình để tốt hơn và dạy con tốt hơn mà chúng ta không làm thì thể chế và những điều xấu xí sẽ luôn mãi tồn tại và gây hại nhiều hơn cho đến lúc chúng ta không còn đất nước, dân tộc để mà nói đến. Chúng ta sẽ mất căn cước dân tộc và sẽ trở thành những kẻ mờ nhạt, lạc loài, vong thân dù sống ở bất kỳ đâu trên trái đất.
Dạy con giúp người là gieo vào lòng con tình yêu thương. Dạy con giúp cả người xấu là hướng dẫn con cách yêu thương vô điều kiện và dạy con tính cộng đồng, tính trách nhiệm, tình yêu đất nước.
Như trên tôi đã trình bày, có thể bạn và con bạn sẽ gặp những nỗi buồn phiền, giống như tôi đã bị khi giúp người, nhưng tôi tin và tôi muốn bạn tin rằng đó là điều đúng cần làm. Mẹ tôi trao tôi niềm tin vững chắc vào sự thiện lành, tôi trao bạn, bạn trao cho con…cứ thế, chắc chắn chúng ta sẽ thay đổi được xã hội và tạo ra được môi trường sống tốt lành cho con cháu chúng ta sau này.
(còn nữa)
Nguồn: FB Nguyễn Thị Bích Ngà
NỀN TẢNG GIÁO DỤC GIA ĐÌNH