Bộ trưởng Công thương VN: Nhôm TQ giả Việt chưa gây hại quan hệ Mỹ-Việt (BBC Tiếng Việt)

Tình trạng hàng Trung Quốc  mang nhãn " made in Viet Nam " đã có từ lâu nhưng chính quyền Việt Nam nay mới khui ra một phần muốn giảm xuất siêu với Mĩ, một phần muốn lơi dần " ông anh khó chiều " Trung Quốc.

(Ảnh minh họa)
HOANG DINH NAM/Getty Images
(Ảnh minh họa)

Trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm 7/11, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định kho nhôm giả hàng Việt trị giá hơn 4 tỷ đôla tại Bà Rịa-Vũng Tàu là của chủ Trung Quốc.

Tuy nhiên ông Tuấn Anh cũng nói lượng nhôm Trung 'đội lốt' Việt xuất khẩu hiện 'không đáng kể' và không gây ảnh hưởng tới quan hệ thương mại với Mỹ.


Vấn đề nhôm Trung Quốc giả nhôm Việt được đại biểu quốc hội Mai Sỹ Diến đưa ra chất vấn trước Quốc hội sáng 7/11.

Theo đó, mới đây Hải quan Việt Nam cho hay phát hiện ra một kho nhôm khổng lồ phủ bạt của Công ty Nhôm Toàn Cầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trị giá 4,3 tỷ đôla Mỹ, thực ra là hàng nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó có Trung Quốc.

Doanh nghiệp này nay được xác định là được chủ Trung Quốc đầu tư, nhiều năm nay đã nhập nhiều nhôm đưa về chế xuất rồi xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.

Trước vấn đề này, ông Trần Tuấn Anh nói Tổng cục Hải quan đã tăng cường giám sát hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp này ngay từ khi có 'biến động bất thường', nên lượng nhôm Trung Quốc 'giả' Việt Nam xuất đi 'không đáng kể' và không gây ảnh hưởng tới quan hệ thương mại với Mỹ.

Về lo ngại lô nhôm này được tiêu thụ trong nước, ông Trần Tuấn Anh nói sẽ giám sát chặt hơn và áp thuế nhập khẩu lên nguyên liệu thép nhập khẩu phục vụ cho tiêu dùng trong nước.

VN liệu có thành nạn nhân cuộc chiến thương mại?

Các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại rằng Việt Nam có thể trở thành nạn nhân cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Ông Diến đặt vấn đề là các nước hiện đang bị Mỹ và EU trừng phạt có thể lợi dụng thị trường và chính sách xuất khẩu của Việt Nam, như Trung Quốc đã và đang làm, khiến Việt Nam bị các nước điều tra áp thuế, chống phá giá. Việc này cũng gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt, làm mất niềm tin của người tiêu dùng.
Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho hay bộ máy quản lý thị trường hiện 'chưa hoàn thiện' nên "không đủ sức chiến đấu".


Trước các câu hỏi trên, ông Trần Tuấn Anh nói hiện có 25 mặt hàng được cảnh báo có nguy cơ gian lận thương mại, và cần kiểm tra thực tế để khẳng định có đúng gian lận hay không.

Ông Tuấn Anh cũng nói rất khó để đảm bảo vừa có môi trường đầu tư, vừa xử lý tốt gian lận thương mại, và cần sự phối hợp của các cơ quan giám sát.

Ông Tuấn cũng thừa nhận hiện tượng nhập hàng nước ngoài về dán mác Made in Vietnam để lừa người tiêu dùng trong nước. Trong đó vụ Khải Silk được coi là 'điển hình gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng'.

Ngoài các quy định của pháp luật hiện hành về chống gian lận xuất xứ của hàng hóa, ông Tuấn Anh cho hay Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hoá sản xuất, lưu thông trong nước, hiện đang lấy ý kiến phản biện của nhân dân và các tổ chức.

Việt Nam sợ bị Mỹ trừng phạt?

Dù ông Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói là quan hệ thương mại Mỹ-Việt chưa bị ảnh hưởng gì, trước đó đã có ý kiến lo ngại rằng Việt Nam sẽ bị Mỹ trừng phạt.
Hồi tháng 6/2019, truyền thông Việt Nam và quốc tế đồng loạt đưa tin nhiều mặt hàng Trung Quốc, từ nông nghiệp đến may mặc, nhôm thép, đã được xuất qua Việt Nam để sơ chế hoặc gia công, sau đó dán mác Made in Việt Nam rồi xuất sang Mỹ nhằm trốn thuế.

Sau đó, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết Việt Nam lo ngại có thể bị Mỹ trừng phạt khi cho phép hàng giả made in Vietnam được xuất khẩu sang nước này.

Việt Nam hiện đã bị Hoa Kỳ theo dõi sát sao, sau khi Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng Năm cho Việt Nam vào danh sách 'đen' về 'thao túng tiền tệ', theo Bloomberg.

Chính quyền Việt Nam cho biết tỷ giá hối đoái sẽ không được sử dụng để tạo ra lợi thế thương mại không công bằng, ngay cả khi họ lo ngại rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể làm tổn hại tăng trưởng kinh tế, vẫn theo Bloomberg.

Hồi tháng Sáu, ông Trump, trong cuộc phỏng vấn với Fox Business Network, nói: "Nhiều công ty đang chuyển sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng tôi còn tệ hơn Trung Quốc", đồng thời gọi Việt Nam là "kẻ lợi dụng thương mại".

Sau đó, chính phủ Việt Nam đã cho mua ngay một lượng lớn khí đốt của Mỹ để giảm thặng dư với Mỹ.
Hôi tháng Mười, Việt Nam tuyên bố áp thuế chống bán phá giá lên nhôm Trung Quốc.