VN bác bỏ báo cáo của GFI về nước rửa tiền 'hàng đầu thế giới' (BBC)

Những gì Hà nội phủ nhận thường là sự thật, chỉ với lượng tiền có nguồn gốc từ tham nhũng cũng đủ để đưa Việt Nam vào danh sách đáng xấu hổ này. Cục phòng, chống rửa tiền lập ra không phải để thực hiện chức năng vốn có của nó, mà để khống chế, đe doạ và trừng phạt phe nhóm thất sủng trong đảng.


Reuters
Bà Lê Thị Thu Hằng nói Việt Nam nhận thức rõ những tác động xấu từ các hành vi rửa tiền

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói chính phủ nước này có luật chống rửa tiền và đã tỏ rõ quyết tâm nỗ lực 'ngăn chặn hành vi này'.

Bác bỏ thông tin về do Liêm chính Tài chính Toàn cầu nói Việt Nam "'là nước rửa tiền hàng đầu thế giới", bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho hay đó là các thông tin "không chính xác, không phản ánh đúng thực tế cũng như quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phòng, chống rửa tiền".

Trang Thanh Niên (03/10) cho hay, theo bà Lê Thị Thu Hằng "chính phủ Việt Nam nhận thức rõ những tác động xấu từ các hành vi rửa tiền đến kinh tế - xã hội."

"Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, xây dựng và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, vận dụng chuẩn mực quốc tế, thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị và cam kết quốc tế để ngăn chặn hành vi này", bài báo viết.

Chuyển tiền đi và đưa tiền về

Hoạt động rửa tiền qua bất động sản đã được nói đến nhiều ở Việt Nam.
Một chuyên gia tài chính, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu từng nêu ý kiến hồi đầu năm 2019 rằng việc mua bán bất động sản ở Việt Nam chính là một cách nhằm che giấu nguồn gốc của dòng tiền bất hợp pháp, tài sản "do phạm luật" mà có.

Nếu kiểm soát được các hoạt động rửa tiền trong bất động sản cũng đồng nghĩa với việc giúp tăng thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam, theo trang Vietnambiz.vn trích lời ông Hiếu.

Ngoài ra còn có hiện tượng tiền đem từ Việt Nam ra nước ngoài để mua bất động sản, mà có con số nói, lên tới hàng tỷ USD.

Trang của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giới thiệu hoạt động của Cục Phòng, Chống Rửa Tiền có ghi:

"Cục Phòng, Chống Rửa Tiền là đơn vị giúp Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Thời gian qua, Cục Phòng, Chống Rửa Tiền đã nhận và xử lý hàng nghìn báo cáo giao dịch đáng ngờ, hàng trăm triệu báo cáo giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (CTR) và báo cáo chuyển tiền điện tử (EFT)."

Điều này cho thấy vấn đề rửa tiền ở Việt Nam là có thật.

 
BLOOMBERG
Việt Nam nói có sự kiểm soát dòng tiền chặt chẽ

Tuy nhiên, các báo Việt Nam không trích đăng lại chi tiết cáo buộc mà Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu (Global Financial Integrity - GFI) nêu ra con số 22,5 tỷ USD từ nguồn sai trái vào Việt Nam chỉ trong năm 2015.

Dùng khái niệm "trade misinvoicing" (báo hóa đơn sai), GFI nói họ căn cứ vào số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên Hiệp Quốc để cho rằng gần 29% giao dịch thương mại toàn cầu từ 148 quốc gia đang phát triển thuộc về dạng này.

"Hóa đơn sai" về mặt kỹ thuật chỉ là lỗi kế toán trong thương mại, nhưng trên thực tế lại là cách làm giả chứng từ về giá cả và hàng hóa để tránh thuế xuất, nhập khẩu và đây là cách lừa đảo, rửa tiền, theo GFI.

Sau khi nêu tên hai nước là Trung Quốc và Mexico "nhận về rất nhiều dòng tiền bất hợp pháp" (illegal inflow), GFI còn nêu tên Thái Lan (20,9 tỷ USD), Panama (18,3 tỷ) và Kazakhstan (16,5 tỷ).

Tất nhiên, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bị cho là đạt "kỷ lục" về dòng tiền "sai trái": tiền vào 457 tỷ 785 triệu USD và tiền mang ra 222 tỷ trong năm 2015.

Nhưng quốc gia bị cho là "gây ngạc nhiên lớn" chính là Việt Nam, báo cáo của GFI viết:

"Nước nhận số tiền trị giá bằng đô la từ nguồn vào phi pháp nhiều nhất qua cách tạo hóa đơn mậu dịch sai lại là Việt Nam, với khoản 22,5 tỷ USD chỉ trong năm 2015."

Bảng thống kê của GFI cũng nêu con số 10,6 tỷ USD được chuyển ra khỏi Việt Nam năm 2015 theo dạng 'hóa đơn thương mại sai'

GFI cho rằng về mặt kỹ thuật, khoản tiền 22,5 tỷ nào hoàn toàn có thể chỉ là sai sót hóa đơn khi khai báo nhưng thực ra vấn đề không phải thế.

Chuyên gia kinh tế của Rick Rowden được trích trong một bài báo tiếng Anh nói:

"Chúng tôi nghi ngờ sâu sắc rằng có những công ty đã cố ý ngụy tạo hóa đơn và nộp cho hải quan và nhà chức trách các cảng."


Báo cáo của GFI



GFI Report
Dòng tiền ngầm chuyển đi khỏi Việt Nam được GFI cho là thuộc loại cao


Tác động xấu

Giới quan sát tin rằng "tiền đen" đổ vào các đô thị, khu nghỉ dưỡng trên thế giới thường đẩy giá bất động sản ở nước nhận lên cao bất thường, khiến cư dân địa phương không có cơ hội mua nhà.

'Tiền đen' cũng là tác nhân gây ra nhiều vụ chiếm hữu đất đai mang tính bạo lực.

Một số tổ chức quốc tế nay đề nghị coi 'cướp đất' (landgrabbing) là một tội ác chống nhân loại, và cho rằng ở rất nhiều nơi, tệ nạn này gắn liền với rửa tiền.


GFI cũng nói về tác động xấu của tiền đen đổ vào một quốc gia:
"Chính trị gia tham nhũng, quan chức địa phương, và các đại gia trong kinh doanh đều có thể hưởng lợi từ những nguồn tài chính đổ vào phi pháp."

Tuy thế, cũng có ý kiến cho rằng các ước tính của GFI cần được xem xét cẩn trọng vì các cách phân tích khác nhau có thể đem lại các con số khác nhau ở cùng một nước.

Kinh tế Việt Nam phát triển đều nhiều năm qua và số người giàu có cũng tăng.

Hồi 2017, một báo cáo của Knight Frank Wealth Report, cho hay cộng đồng người siêu giàu ở Việt Nam được dự đoán là sẽ tăng lên 170% trong 10 năm tới, đạt 540 người, trong lúc tỷ lệ này ở Trung Quốc và Ấn Độ là 140% và 150%.

Nguồn: BBC