Việt Nam: Sắc giới và tham nhũng tình dục trong chính trị (Hoàng Trúc)

Người cộng sản có khả năng hiện thực hoá những điều phi lý không tưởng, và đạo đức cộng sản thì thường gắn với những bê bối, tương phản với những điều họ hay ra giảng. Khi đạo đức kém cỏi, thì bộ máy dù kín kẽ đến đâu cũng chỉ là trò hề. Những nguỵ biện như “nâng đỡ không trong sáng” càng làm cho người dân chán nản với sự tệ hại, thối nát của chính quyền cộng sản.

Việt Nam: Sắc giới và tham nhũng tình dục trong chính trị (Ảnh minh họa)
MANAN VATSYAYANA/Getty Images
Việt Nam: Sắc giới và tham nhũng tình dục trong chính trị (Ảnh minh họa)

Ở Việt Nam, công tác tổ chức được coi là lá chắn bảo vệ Đảng Cộng sản, bảo vệ chế độ nên nó đã được pháp điển hóa bằng khá nhiều quy định.

Nhưng "con voi lại chui lọt lỗ kim" mà việc một phụ nữ mới tốt nghiệp cấp hai làm trưởng phòng cơ quan Đảng cấp tỉnh ở Đắk Lắk đang ồn ào dư luận VN hay vụ "nâng đỡ không trong sáng" của Thanh Hóa mấy năm trước cũng liên quan đến sắc giới là minh chứng.

Gái đẹp cấp hai làm trưởng phòng

Hôm 3/10, một tài khoản Facebook có dòng trạng thái khó tin về việc một cô gái học mới hết cấp hai trở thành trưởng phòng một cơ quan Đảng. "Chấn động:Ở Văn phòng Tỉnh ủy Đăk Lăk có một nữ trưởng phòng xinh đẹp tên Trần Thị Ngọc Ái Sa. Nữ trưởng phòng có tên họ, ngày sinh, số CMND, tên cha mẹ trùng khớp với một cán bộ khoa sản Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Hiện nay nữ trưởng phòng vừa "biến mất" khỏi tỉnh ủy.

Nữ trưởng phòng trước đây là một cô bé mới học xong cấp hai, làm nhân viên tiệm tóc và đặc biệt xinh đẹp. Nữ nhân viên được tuyển vào Văn phòng tỉnh ủy và sau đó lên như diều gặp gió. Cứ tưởng Văn phòng Tỉnh ủy là đầu não của Đảng bộ Đăk Lăk, ngờ đâu tuyển người rất dễ dãi.

Mạng xã hội nửa tin nửa ngờ vì câu chuyện quá phi lý so với việc kiểm tra và bổ nhiệm cán bộ hiện hành.Còn những người liên quan đã có một đêm không ngủ.

Sáng hôm sau, 4/10, một lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk xác nhận người tên Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Quản Trị, thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố cáo sử dụng bằng giả, nhân thân giả là để thăng tiến là có thật và đang được làm rõ.

Câu chuyện những người phụ nữ có sắc đẹp và tận dụng sắc giới như một lợi thế để thăng tiến không lạ nhưng ít khi bị lộ.

Chuyện vừa mới xảy ra làm mọi người nhớ ngay đến vụ nâng đỡ không trong sáng xảy ra ở Thanh Hóa cho đến nay vẫn chưa làm rõ được vì nữ chính đã biến mất.

Người đẹp xứ Thanh

Ở Việt Nam, công tác tổ chức được coi là lá chắn bảo vệ Đảng Cộng sản, bảo vệ chế độ nên nó đã được pháp điển hóa bằng khá nhiều quy định (Ảnh minh họa)
HOANG DINH NAM/Getty Images
Ở Việt Nam, công tác tổ chức được coi là lá chắn bảo vệ Đảng Cộng sản, bảo vệ chế độ nên nó đã được pháp điển hóa bằng khá nhiều quy định (Ảnh minh họa)

Bà Trần Vũ Quỳnh Anh, từ một nhân viên bình thường đã thăng tiến thần tốc trở thành một trưởng phòng quyền lực của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa mặc dù cuộc điều tra sau này cho thấy bà Quỳnh Anh không đủ tiêu chuẩn để làm một công chức bình thường.

Sự thăng tiến bất thường trên cũng chưa gây ngạc nhiên về bà Quỳnh Anh. Bởi với thu nhập hằng năm khoảng 60 triệu đồng như trong hồ sơ tự khai của mình, gia đình không mấy khá giả, nhưng bà này được cho là có khối tài sản "khủng" lên tới hàng chục tỉ đồng gồm nhà, biệt thự và xe sang . Không những đây là xe sang, biển số "độc" trùng với năm sinh của bà Quỳnh Anh .

Dư luận VN lúc đó đòi hỏi chính quyền trung ương phải điều tra làm rõ nhưng cuối cùng sự việc được kết luận bởi một cụm từ khó hiểu là sự thăng tiến của bà Quỳnh Anh là do "Nâng đỡ không trong sáng".

Tháng 12-2017, Ban Bí thư Đảng Cộng Sản VN kết luận ông Ngô Văn Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa - có một số vi phạm về công tác tổ chức, cán bộ, trong đó có việc ưu ái, "nâng đỡ không trong sáng" trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên lao động hợp đồng vào làm công chức chuyên môn, rồi lên phó trưởng phòng, trưởng phòng.

Ông Ngô Văn Tuấn đã bị kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng, sau đó cách chức phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Nhưng sau đó ông được bổ nhiệm làm chánh văn phòng Sở Xây dựng.
Còn bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở đâu không rõ và cho đến nay vẫn chưa có tin tức gì về bà Quỳnh Anh.

Đây có phải là nữ quyền?

Việt Nam
HOANG DINH NAM/Getty Images

Tình trạng dùng sắc giới để đánh đổi sự thăng tiến về nghề nghiệp hay để tìm kiếm việc làm ở Việt Nam cho thấy sự bất bình đẳng giới vẫn còn phổ biến bắt đầu ở lĩnh vực cơ hội việc làm và lan rộng ra ở nhiều mặt của đời sống.

Phía nam giới cũng đã tận dụng lợi thế và quyền hạn để vi phạm những quyền nhân thân của lao động nữ hay như một hình thức tham nhũng tình dục.Ngay tại diễn đàn Quốc hội một nữ đại biểu cũng đã có lần bày tỏ sự đau lòng khi xới lên vấn đề ở một tỉnh, lãnh đạo giáo dục đã điều giáo viên nữ đi tiếp khách, tiếp bia.

Câu chuyện xảy ra hồi tháng 8/2016, 21 nữ giáo viên ở Hồng Lĩnh được điều phục vụ liên hoan dân ca ví dặm do UBND thị xã chỉ định tên tuổi trong văn bản hành chính.

Một số giáo viên cho rằng việc bị điều đi tiếp khách là sai mục đích công việc của mình, ảnh hưởng cuộc sống cá nhân.

Báo chí trong nước cũng không thiếu những tin tức về công chức giải quyết công việc với "dân nữ" ở các quán cà phê võng hoặc nhà nghỉ bị vợ bắt gặp đánh ghen.

Trong một số vụ án, nạn nhân có tố cáo bị lợi dụng tình dục nhưng luật không xử được tội hối lộ vì nó phi vật chất.

Được chính thức áp dụng từ đầu 2018 Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định của hối lộ không chỉ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất mà còn bổ sung thêm lợi ích phi vật chất khác, như hối lộ tình dục.

Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có vụ hối lộ tình dục nào được làm rõ hoặc đưa ra xét xử và nữ quyền tiếp tục bị xâm hại.

Với việc một số phụ nữ vẫn phải dùng sắc giới để có việc làm hoặc thăng tiến, hiện trạng này xem ra có thể sẽ còn tiếp tục trong hệ thống chính trị Việt Nam thời gian tới.

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Hoàng Trúc từ TPHCM.


Nguồn: BBC