Thủ lĩnh Daech bị tiêu diệt, nguy cơ khủng bố vẫn nguyên vẹn (Thanh Hà)


Thủ lĩnh Daech bị tiêu diệt dĩ nhiên sẽ không chấm dứt được nhà nước Hồi giáo tự xưng này, bởi chúng không phải là nhóm thuần túy bạo lực hay mafia, chúng được dẫn dắt bởi một hệ tư tưởng nên nó có sức sống riêng . Muốn xóa bỏ chúng,  Mĩ và các quốc gia đồng minh phải giúp đỡ các nước Trung Đông xây dựng thành các nhà nước dân chủ, biến dân chủ thành một tư tưởng để tập hợp quần chúng chống lại tư tưởng khủng bố.

media
Người được cho là thủ lãnh tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, Abou Bakr Al Baghdadi xuất hiện trong một video tuyên truyền ngày 29/04/2019. AFP / AL-FURQAN MEDIA

Sau Oussama Ben Laden năm 2011 đến lượt Abou Bakr Al Baghdadi, chỉ huy tổ chức tự xưng là một Nhà Nước Hồi Giáo (Daech) bị triệt hạ. Theo giới phân tích, giống như Al Qaeda, Daech có thể tiếp tục sống sót và vẫn là mối đe dọa đối với an ninh thế giới.

Mỹ đã nhanh chóng tuyên bố ngày tàn của nhóm thánh chiến tự nhận là tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, nhưng các đối tác châu Âu thận trọng cho rằng, cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa tới hồi kết. Nga thậm chí hoài nghi khi nhắc lại trong quá khứ cộng đồng quốc tế đã nhiều lần loan báo về cái chết của trùm khủng bố Al Baghdadi.

Nhìn từ phía các chuyên gia, giáo sư Jean Piere Filiu giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris cho rằng, cái chết của thủ lĩnh Daech, Abou Bakr Al Baghdadi là một "thất bại mang tính tượng trưng nhưng sẽ không ảnh hưởng sâu rộng tới cách vận hành và chiến lược của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo" bởi vì Daech có nhiều lá chủ bài khác trong tay.

Thứ nhất, từ lâu nay "vương quốc Hồi giáo" (califa) được hình thành từ năm 2014 trải rộng trên một phần lãnh thổ giữa biên giới Irak và Syria đã thực sự do một toán rất chuyên nghiệp quản lý. Ngoài hai nhân vật số 1 và số 2 của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, danh tánh của những thành phần trong ban lãnh đạo đó hoàn toàn được giữ trong vòng bí mật nhưng các chuyên gia đều biết rằng, Daech do những thành phần từng phục vụ trong quân đội và tình báo Irak dưới thời Saddam Hussein.

Thứ hai là kể từ khi Daech để mất các thành trì tại Syria và Irak như Palmyra hay Mossoul, thủ lĩnh Abou Bakr Al Baghdadi không còn thực sự điều hành tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Một số nhà quan sát về tình hình ở Trung Đông nói rõ hơn : Daech hiện còn có rất nhiều ổ nằm vùng tại Irak, và một trong những điểm tựa của mạng lưới khủng bố này là cộng đồng Hồi Giáo theo thệ phái Sunni. Số này bất mãn với chính sách của Bagdad được đặt trong tay hệ phái Shia, thân Iran.

Lợi thế thứ nhì của Daech là tổ chức tội phạm này có cả một mạng lưới yểm trợ - đặc biệt là về mặt tài chính- quan trọng ở khắp khu vực, từ Liban, đến Thổ Nhĩ Kỳ hay Jordani. Điển hình là vào lúc giới quan sát chờ đợi Al Baghdadi ẩn náu đâu đó tại Irak, thì cuối cùng, đặc nhiệm Mỹ đã phát hiện ông ta trên lãnh thổ Syria. Điều đó có nghĩa là, như chính tổng thống Hoa Kỳ đã xác nhận, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đang tìm cách "tổ chức lại" và có thể là chọn Syria làm địa bàn hoạt động để chuẩn bị các đợt phản công.

Yếu tố thứ ba khiến giới phân tích quả quyết rằng, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo còn sức công phá rất lợi hại đó "cửa ngõ Thổ Nhĩ Kỳ". Đành rằng Ankara đóng một vai trò quan trọng cho phép "vô hiệu hóa" thủ lĩnh tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại một khu vực chỉ cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ có 5 cây số, nhưng theo phân tích của nhà báo Pháp trên tờ Le Figaro, Georges Malbrunot : "tất cả mọi người đều biết rằng, Thổ Nhĩ Kỳ luôn là cửa ngõ của Daech" mở ra với thế giới bên ngoài. Chẳng vậy mà một số các công dân của châu Âu tham gia thánh chiến bên hàng ngũ Daech tại Syria và Irak đều phải đi ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuối cùng, việc Mỹ rút quân khỏi khu vực miền bắc Syria làm suy yếu lực lượng FDS của người Kurdistan tại Syria, luôn trên tuyến đầu chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Quyết định của Washington đã nới lỏng vòng vây cho Daech. Đó là chưa kể từ hơn một năm qua, quân thánh chiến tại Syria và Irak đã đào thoát sang được các vùng bất ổn từ Libya đến miền bắc bán đảo Sinai của Ai Cập.
Trong những điều kiện đó giới nghiên cứu về khủng bố quốc tế cho rằng, tựa như Al Qaeda, tổ chức khủng bố Daech vẫn tồn tại. Có thể là sau cái chết của thủ lĩnh Al Baghdadi, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo sẽ "im hơi lặng tiếng" và sẽ khai thác cái chết đó để tuyển mộ thêm các chiến binh. Các vụ khủng bố tự sát trên thế giới vẫn sẽ tiếp diễn, bởi mục tiêu sau cùng của những phần tử cuồng tín này là chết như những người "tử vì đạo".