Thổ Nhĩ Kỳ : Đồng minh thất thường, kẻ thù bất khả (Minh Anh)

Thổ Nhĩ Kỳ là hậu duệ của đế quốc Mông Cổ, họ bị ảnh hưởng bởi tâm lý hiếu chiến, mong muốn trở thành một thế lực có sức ảnh hưởng rộng. Người Kurd là một sắc tộc mạnh mẽ, giàu nghị lực, tư tưởng tiến bộ và lại bị Anh quốc chia nhỏ vào 5 quốc gia khác nhau, nên họ chưa bao giờ từ bỏ mong muốn thành lập một quốc gia. Với những đặc điểm trên, xung đột giữa người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ là không thể hoà giải. 

media

Tổng thống Mỹ Donald Trump (T) và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan (P) tại cuộc họp thượng đỉnh NATO (North Atlantic Treaty Organization) tại trụ sở của NATO ở Bruxelles, ngày 11/07/2018. Tatyana ZENKOVICH / POOL / AF

Chính quyền Ankara công khai đối đầu với Mỹ trong hợp đồng mua tên lửa S-400 của Nga và bắt đầu xích đến gần Matxcơva hơn. Bất chấp những căng thẳng, ít có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 10/2019 giải thích vì sao.

Ông Didier Billion, phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS) cho rằng để hiểu được các động lực của chính sách ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, trước tiên cần chú ý tới một trong những hằng số của chính sách này, thường được nói ngắn gọn là « Hội chứng Sèvres ». Đây là tên của Hiệp ước được ký ngày 10/08/1920 dưới áp lực của bên phe thắng cuộc trong Đệ Nhất Thế Chiến, và cũng là hiệp ước làm tan rã đế chế Ottoman.

Thuật ngữ này hàm chứa những nỗi lo hiện sinh dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc đáng lo ngại là một trong những động lực cấu thành chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong phạm vi khu vực, ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu tập trung vào vấn đề Kurdistan, với nỗi ám ảnh là phải ngăn chận mọi sự nhen nhúm bất kỳ hình thức Nhà nước hay tự trị nào.

Thất bại của chính sách « Không có vấn đề với láng giềng »

Đến đầu những năm 2000, chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ có những biến đổi quan trọng. Ông Ahmet Davutoglu, một thời là cố vấn cho Recep Tayyip Erdogan (2003 -2009), từng đảm nhiệm chức vụ ngoại trưởng (2009 – 2014), và thủ tướng chính phủ (2014 - 2016) đề ra học thuyết « Không có vấn đề với láng giềng ». Chiến lược này gần như đoạn tuyệt với một nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Ankara trong nhiều thập niên trước đó : « Người Thổ chỉ có bạn là người Thổ ». Thế rồi, môi trường địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị xáo trộn một cách nhanh chóng và những biến động của cuộc chiến tại Syria đã làm tiêu tan các nỗ lực này ; các nền tảng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trở lại chiếm ưu thế.

Thế nhưng, việc Washington và Ankara bất hòa vì vụ tên lửa S-400 không phải là lần đầu tiên xẩy ra. Vụ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm phía bắc đảo Chypre năm 1974, rồi việc Nghị Viện Thổ Nhĩ Kỳ bác đề nghị của George W. Bush cho trung chuyển 62.000 lính Mỹ qua nước này để tấn công Irak của Saddam Hussein năm 2003, cũng đã làm cho mối quan hệ giữa hai nước căng thẳng.

Dù vậy, từ năm 1960 đến nay, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ luôn luôn xem xét, đánh giá lại các mối quan hệ với thế giới bên ngoài, nhưng chưa bao giờ đi đến việc từ bỏ các liên minh truyền thống. Điều này được chứng minh qua ba sự kiện gần đây : Chấp thuận cho lắp đặt ra-đa cảnh báo sớm trong hệ thống lá chắn chống tên lửa của NATO tại Thổ Nhĩ Kỳ, được thông qua tại thượng đỉnh Lisboa tháng 11/2010 và được xác nhận vào tháng 9/2011 ; triển khai dàn tên lửa Patriot (do Mỹ sản xuất) của NATO theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực biên giới chung với Syria vào tháng Giêng năm 2013 ; cuộc họp NATO cấp đại sứ theo yêu cầu của Ankara - và được khối này triệu tập ngay lập tức – vài phút sau vụ chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay Nga, ngày 24/11/2015.

Thổ Nhĩ Kỳ : Một đồng minh không thể thiếu

Dẫu cho việc thao túng tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong các bất đồng với Mỹ đôi khi gây căng thẳng, Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định đoạn tuyệt bang giao, ngược lại, Ankara còn ý thức được khả năng tiềm tàng để áp đặt mạnh mẽ các lợi ích của mình. Tác giả lưu ý, Thổ Nhĩ Kỳ có số quân đông thứ hai trong khối NATO. Nước này còn cho phép đồng minh sử dụng căn cứ quân sự Incirlik - nơi cất trữ các loại vũ khí hạt nhân. Thổ Nhĩ Kỳ hiện kiểm soát nhiều eo biển và là nước Hồi Giáo duy nhất trong số các thành viên của NATO.

Tóm lại, Thổ Nhĩ Kỳ là một tâm điểm Á – Âu thiết yếu cho chính sách khu vực của Mỹ. Trong nhãn quan của phương Tây, nhất thiết phải giữ vai trò trụ cột trên thực tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Vì lý do này, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ ở trong NATO, cho dù đôi khi thành viên này hành xử quấy rối.

Quả thật dàn tên lửa S-400 không tương thích với các « chuẩn » của tổ chức Bắc Đại Tây Dương bởi vì theo Washington loại vũ khí này của Nga có thể được nối mạng với hệ thống vũ khí của phương Tây mà Thổ Nhĩ Kỳ đang có và như thế sẽ làm cho những vũ khí NATO trở nên dễ bị tấn công.

Tuy nhiên, theo tác giả, Ankara cũng ý thức được rằng không một quốc gia nào, cũng như không một nhóm nước nào có thể có những bảo đảm về an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ như Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Các hợp đồng vũ khí dù là dự án hay đang thảo luận với các cường quốc phương Tây, cho thấy sự đa dạng hóa các trục đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, và quyết tâm củng cố khả năng phòng thủ của chính mình. Bởi vì, những dàn tên lửa Patriot đặt tại căn cứ Incirlik chưa đủ để bảo vệ toàn bộ vùng biên giới phía đông và phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Bản thân tổng thống Mỹ Donald Trump cũng giảm thiểu tối đa trách nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ mua S-400. Theo ông, lỗi này thuộc về Barack Obama, người mà ông cáo buộc đã cản trở Ankara sở hữu tên lửa Patriot. Dù vậy, ngay từ đợt giao S-400 đầu tiên, chủ nhân Nhà Trắng đã không ngần ngại đưa ra các biện pháp trả đũa khi không cho Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tham gia chương trình sản xuất chiến đấu cơ F-35 : gạt khỏi dây chuyền sản xuất, trục xuất phi công Thổ Nhĩ Kỳ đang trong thời gian huấn luyện về nước, cấm nước này mua các chiến đấu cơ.

Trái với lập trường này của Mỹ, tại buổi khai mạc Aspen Security Forum, tổ chức tại Colorado ngày 17/07/2019, ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, lại lên tiếng biện hộ cho Ankara : « Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO còn quan trọng hơn những chiếc F-35 hay là S-400 ».

Một trật tự thế giới mới

Thế còn quan hệ Nga – Thổ hiện nay ra sao ? Về điểm này, chuyên gia người Pháp cho rằng tuy bang giao song phương hiện giờ có vẻ nhịp nhàng, nhưng nhiều sự kiện trong những năm gần đây cho thấy là quan hệ Ankara – Matxcơva luôn luôn trong tình trạng chấp chới, mong manh. Quả thật, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không thể có quan hệ liên minh chiến lược nhưng cũng không thể hoàn toàn đoạn giao.

Trong ngắn hạn, quan hệ Nga – Thổ sẽ được quyết định bởi sự biến đổi của cuộc xung đột Syria và kết quả đàm phán để giải quyết cuộc xung đột này. Mặt khác, mối bang giao này cũng còn tùy thuộc vào quan hệ của hai nước với Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ.

Tóm lại theo tác giả, những biến chuyển trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ là hệ quả của một cuộc « trường chinh » tìm kiếm bản sắc từ năm thập niên qua, cũng như những yếu tố mới kiến tạo quan hệ quốc tế.

Kể từ giờ, những giá trị mà phương Tây vẫn còn xem - ít nhiều bị lẫn lộn - như là những giá trị phổ quát không thể nào được áp đặt bằng quân sự, chính trị cũng như là văn hóa. Ngoài tính chất đa dạng, các cường quốc được cho là mới trỗi dậy, đang tự khẳng định trên trường quốc tế và làm đảo lộn các thế cân bằng cũ.

Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ về sự đảo lộn thế giới và tổng thống Erdogan thường xuyên bày tỏ thái độ không chấp nhận một trật tự thế giới do năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An khống chế. Trong buổi bế mạc phiên họp lần thứ 62 Hội đồng nghị viện của khối NATO, ngày 21/11/2016, tại Istanbul, ông Erdogan đã tuyên bố : « Tôi kiên trì nhắc lại rằng Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc cần phải được cải tổ để đại diện tốt hơn cho thế giới ngày nay. Đây chính là những điều mà tôi muốn nói khi tôi giải thích rằng thế giới còn lớn hơn con số 5 ».

Tác giả kết luận : Các đồng minh truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ giờ phải học cách phân biệt yếu tố tình thế - thường được đưa ra vì các lý do chính trị nội bộ - và những gì có thể trở thành yếu tố kiến tạo trong tương lai.