Putin: Bậc thầy cuộc chơi ở Syria (Thu Hằng)
Putin hưởng lợi quá lớn từ những chính sách bất cập của Mỹ và sự lúng túng của Liên Âu. Đây là một đe doạ lớn đối với hoà bình và an ninh thế giới, nước Nga của Putin mạnh lên sẽ giúp cho những kẻ độc tài như Trung Quốc, Syria, Ả Rập Xê Út,...có thêm cơ hội để củng cố quyền lực và địa vị trong nước cũng như trên thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc họp của lãnh đạo khối Cộng Đồng các Quốc Gia Độc Lập CIS tại Ashgabat (Turkmenistan) ngày 11/10/2019.
Sputnik/Alexei Druzhinin/Kremlin via REUTERS
Nhờ Mỹ rút quân, tổng thống Nga Vladimir Putin trở thành « nhà trung gian chính » giữa chính quyền Damas, đồng minh của Matxcơva với lực lượng Kurdistan, bị Washington bỏ rơi, và Ankara. Nhật báo Le Monde nhận định « Putin là ông chủ cuộc chơi duy nhất ở Syria » và củng cố chế độ độc tài Bachar Al Assad.
Giao tranh đẫm máu ở Manbij có thể sẽ không xảy ra, và đó là nhờ công của tổng thống Putin. Khi thăm Abou Dhabi ngày 15/10, ông Putin từng cảnh báo các trận đối đầu như vậy là điều « không chấp nhận được ». Thổ Nhĩ Kỳ lùi bước, không tấn công Manbij, thành phố chiến lược do lực lượng Kurdistan Các Đơn Vị Bảo Vệ Nhân Dân (YPG) kiểm soát, mà để cho lực lượng thân chính phủ Damas tiến vào thành phố. Theo một bài viết khác của Le Monde, « Trước sức ép của Nga, Erdogan buộc phải cân bằng hành động ».
Nga từng giúp quân đội chính phủ Syria chiếm lại Aleppo cách đây ba năm. Mất Aleppo, lực lượng chống Assad bắt đầu bị suy yếu. Mục tiêu thống nhất Syria dưới quyền của tổng thống Bachar Al Assad mà Nga theo đuổi từ năm 2015 đang dần thành hiện thực.
Sau Manbij, quân đội Syria đã chiếm lại nhiều khu vực ở đông bắc và sẽ nhanh chóng tiến vào Kobané, thành phố biểu tượng cho phong trào chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo của lực lượng Ả Rập-Kurdistan FDS, được YPG huấn luyện. Không được Mỹ yểm trợ, khu vực này sẽ nhanh chóng thất thủ. Đài RT của Nga hôm 15/10 không ngừng chiếu hình ảnh những đoàn xe dài của quân đội Syria nối đuôi nhau trên một con đường bên ngoài Kobané, trong khi những chiếc xe bọc thép Mỹ trên đường rút.
Le Monde trích nhận định của Samir Altaqi, một nhà phân tích người Syria : « Putin trở thành nhà trung gian số 1 của cuộc khủng hoảng vì Mỹ đã bỏ thực địa và vì ông Putin có các mức gây sức ép đối với tất cả các bên trong hồ sơ. Nếu muốn tránh một cuộc chiến toàn diện ở miền bắc Syria, thì phải thông qua chủ nhân điện Kremlin ».
Mỹ rút quân còn là cơ hội trời cho, tốn rất ít đạn dược, để chế độ Bachar Al Assad thống nhất đất nước, sau 8 năm nội chiến. Thời cơ « gió đổi chiều » này sẽ không thể xảy ra nếu không được chính quyền Ankara vô tình tiếp tay. Tổng thống Nga âm thầm để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công gay gắt vào lực lượng Kurdistan, bị Ankara liệt vào hàng « khủng bố ».
Bị Mỹ quay lưng, Đảng Đoàn Kết Dân Chủ PYD, nhánh chính trị của Nhà nước Kurdistan tự xưng, đã phải chấp nhận đàm phán với lãnh đạo cấp cao Nga tại căn cứ Hmeimim, trong khi mà cách đây 3 năm, họ từng từ chối do còn được Mỹ và liên quân quốc tế yểm trợ. Thỏa thuận đạt được phù hợp với một « kịch bản lý tưởng », theo ông Fiodor Loukianov, một nhà phân tích Nga thân chính quyền. Một lần nữa, Matxcơva thuyết phục người Kurdistan chịu nằm dưới sự bảo trợ của chính quyền Syria, đổi lại một vài cam kết.
Ông Alexandre Choumiline, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Trung Đông của Viện Hàn Lâm Khoa Học Nga, nhận định : « Điều đáng chú ý, đó là ông Putin chiến thắng nhờ Recep Tayyip Erdogan mà không cần phải làm gì nhiều, và không gây bất hòa với những tác nhân khác ».
Putin gây bất hòa nội bộ NATO
Tổng thống Nga còn thắng lợi trên một « mặt trận » khác : gây bất hòa trong nội bộ NATO. Washington chưa nguôi về vụ Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Quan hệ song phương sẽ còn xấu đi sau khi Nhà Trắng quyết định trừng phạt chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều nước châu Âu đã quyết định cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ và quyết định này có thể đẩy thêm Ankara vào vòng tay Nga.
Sự phản bội người Kurdistan của chính quyền Trump được kênh truyền hình hàng đầu của Nga nêu làm ví dụ cho Ba Lan vào tối 13/10: « Nhìn vào cách Hoa Kỳ phản bội người Kurdistan, Ba Lan có đủ lý do để lo lắng…».
Putin : Một mình trên mặt trận đầy thách thức
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sang Matxcơva bàn với chủ nhân điện Kremlin những thách thức tiếp theo. Hai bên đang cần nhau để thực hiện mục tiêu riêng. Ông Erdogan muốn đưa 3,5 triệu di dân Syria về «vùng an toàn » ở phía bắc Syria. Tổng thống Nga còn cần đến Thổ Nhĩ Kỳ để giúp quân đội Syria chiếm lại Idlib, thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy.
Ngoài ra, miền đông bắc Syria sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác : các thanh toán lẫn nhau giữa người Kurdistan và các bộ lạc Ả Rập, các vụ giao tranh giữa lực lượng Kurdistan YPG và quân đội chính phủ, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo có thể hồi sinh do nhiều thành viên Daech đã trốn thoát.
Nhà phân tích người Syria Samir Altaqi cảnh báo : « Ông Putin sẽ phải học cách bơi trong trong bãi sình lầy, có thể sẽ biến thành một hố đen». Nhưng đây không phải là mối bận tâm lớn của chủ nhân điện Kremlin. Điều ông muốn, đó là hất cẳng phương Tây và đồng minh khỏi Syria, lập lại trật tự tại Syria thông qua tiến trình đàm phán Astana, do Nga khởi xướng, thay thế vai trò của Liên Hiệp Quốc.
Nguồn: RFI Tiếng Việt