Người Việt hời hợt (phần 8 - Huỳnh Chí Viễn)

Tam giáo (Lão, Nho và Phật) đã ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và tư tưởng của người Việt như thế nào?

Rất nhiều người Việt Nam, nhất là những người ở tuổi cha mẹ tôi thường sẽ có những phản ứng khá mạnh mỗi khi giới trẻ có những phát biểu mang tính chỉ trích đối với những vấn đề được mặc định là “truyền thống dân tộc” đặc biệt là những chuyện liên quan đến tôn ti trật tự hoặc cúng quải giỗ chạp. Trong tâm thức của họ, những gì của ‘ông bà ta để lại” thì mặc nhiên là đúng và không được quyền lên án hoặc xem xét lại. Cũng như có rất nhiều người ngày rằm mồng một đều rất siêng ăn chay và đi chùa, những nghi thức cúng bái cầu siêu cầu an hóa vàng phóng sinh… không có gì là không rành nhưng khi chỉ lên những tượng Phật trong chùa hỏi đây là ai thì ngoài Phật Thích Ca và Phật Bà Quan Âm ra, những vị phật khác đều mù tịt. Có những người đến các ngày vía ông vía bà đều đi hành hương đền nọ miếu kia nhưng ngoài việc cầu lợi lộc cho bản thân như tình duyên gia đạo, mua may bán đắt, họ đều không quan tâm đến chuyện nơi mình mang lễ đến khấn vái thờ thần hay thờ quỷ, miễn sao là nghe người khác đồn là nơi đó linh thiêng lắm là cứ thế mà đến lễ bái nhang đèn. Nhìn chung, đời sống tinh thần và tâm linh của người Việt Nam chúng ta khá hời hợt và chứa đầy những mâu thuẫn nội tại trải qua suốt bao nhiêu năm tháng nhưng lại có rất ít những thay đổi mang tính chất bước ngoặc. Bài viết này sẽ phân tích khía cạnh tôn giáo và đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Image may contain: 2 people, people smiling

Nếu đi ngược về lịch sử của Việt Nam từ thời sơ khai thì người Việt cổ không có tôn giáo và hệ tư tưởng triết học mà chỉ có những tín ngưỡng dân gian bái vật và phồn thực. Đến thời kỳ Bắc thuộc trên 1000 năm, tam giáo Lão, Nho, Phật được du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam và trở thành hệ tư tưởng chính thống của người Việt và ngay cả khi giành được độc lập thì các triều đại phong kiến Việt Nam vẫn xây dựng đời sống tinh thần và chính trị xã hội Việt Nam dựa trên cái nền tảng tam giáo này từ đời nhà Đinh (thế kỷ thứ 10) đến đời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ thứ 20). Như vậy nếu tính sơ sơ thì nền tảng tư tưởng do tam giáo tạo ra đã tồn tại và bám rễ ở Việt Nam trong suốt ít nhất là 2000 năm, một khoảng thời gian cực kỳ dài. Và vì thế dù muốn dù không, chúng ta phải xét đến sự ảnh hướng của tam giáo đối với đời sống tinh thần cũng như tính cách của người Việt Nam.

Khi tôi viết những bài lên án Nho Khổng và những hậu quả nặng nề của nó để lại đối với tư duy của người Việt Nam, có rất nhiều người gửi cho tôi những tin nhắn rất dài nhằm giải thích với tôi rằng Nho giáo không xấu và Khổng Tử không có lỗi. Điều này cũng tương tự như cố gắng giải thích cho tôi nghe rằng học thuyết xã hội chủ nghĩa của Karl Marx không sai lầm và Marx không có lỗi khi chủ nghĩa xã hội của ông trở thành một con quái vật trên toàn cầu. Khách quan mà nói, bất cứ một học thuyết hay một hệ tư tưởng triết học nào trên thế giới cũng đều chứa đựng cả hai mặt tốt và xấu, tiến bộ và hạn chế. Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo hay triết học cổ đại phương Tây của Socrates, Plato và Aristotle cũng thế. Vấn đề ở chỗ là khi một hệ tư tưởng chiếm vai trò độc tôn và bảo thủ không thay đổi thì nó chắc chắn sẽ trở nên lạc hậu không hợp thời và bị lợi dụng để phục vụ cho quyền lợi của một nhóm người nào đó. Tam giáo ở Trung Quốc và ở Việt Nam trong suốt lịch sử phong kiến không có những thay đổi cốt lõi mang tính chất cách mạng mà trái lại ngày càng biến tướng tinh vi hơn để làm công cụ khóa chặt tư tưởng của con người.

Đầu tiên xin được nói về Nho giáo. Khổng Tử và Mạnh Tử là những người đặt ra nền móng của hệ tư tưởng Nho giáo có công trong việc đưa ra những quy chuẩn trong việc ứng xử xã hội cũng như nghĩa vụ của những tầng lớp khác nhau nhằm tạo ra một xã hội có trật tự thống nhất và dễ điều hành hơn khiến cho nhà nước phong kiến tập quyền có thể củng cố quyền lực tối đa. Đây là một bước tiến lớn trong lịch sử từ chế độ phong kiến sơ khai thời Ân-Chu để trở thành chế độ phong kiến chuyên chế thời Tần-Hán và các triều đại Trung Quốc sau này. Nhưng khi phong thánh Khổng Mạnh và thần thánh hóa những gì thuộc về Nho giáo (chữ Thánh Hiền, sách Thánh Hiền) thì chế độ phong kiến đã rất thành công trong việc dùng hệ tư tưởng Nho giáo này để làm người dân ngu muội và tuân phục vì những lý do sau đây:
1. Đã là Thánh nhân thì cái gì liên quan tới họ đều đúng, cấm cãi, chỉ được ca ngợi và học theo chứ không được phê phán hoặc phản biện. Điều này khiến Tứ Thư Ngũ Kinh được tôn sùng suốt hai ngàn năm mà không hề có một lời chỉ trích hoặc phê bình từ những người gọi là có học.

2. Nho giáo đề cao tính tôn ti trật tự theo kiểu dưới phải phục tùng trên mà không được quyền chống đối hoặc phản kháng cho dù trên có như thế nào đi nữa (thần tử phục tùng vua, con cái phục tùng cha mẹ, học trò phục tùng thầy, vợ phục tùng chồng). Mặc dù đạo quân thần, sư đồ, phu phụ và phụ tử trên lý thuyết đều mang tính hai chiều nhưng trên thực tế những kẻ ngồi chiếu trên nếu có cư xử không phải đạo hoặc thậm chí là bá đạo cũng đều được giơ cao đánh khẽ chứ không bị trừng trị thẳng tay như trong trường hợp những kẻ chiếu dưới lỗi đạo.

3. Nho giáo đề cao đạo học của Khổng Mạnh nhưng coi thường thậm chí bài xích và triệt tiêu những hệ tư tưởng triết học khác để chiếm vị trí độc tôn về mặt tư tưởng. Điều này khiến cho người theo Nho giáo trở nên kiêu căng và ngu dốt vì tưởng rằng những gì mình biết là chân lý và có thái độ khinh rẻ những tư tưởng tiến bộ. Chính vì thái độ ếch ngồi đáy giếng đó mà nhà Thanh của Trung Quốc và nhà Nguyễn của Việt Nam đã nếm mùi thất bại cay đắng trước kỹ thuật quân sự hiện đại của phương Tây dẫn đến việc mất nước.

4. Nho giáo coi rẻ khoa học và thương nghiệp vốn là những yếu tố nền tảng để phát triển đất nước. Điều này khiến cho toàn bộ nền kinh tế của những nước Nho giáo đều trông cậy vào nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp lỗi thời lạc hậu. Trong khi đó tầng lớp Nho sĩ với vốn kiến thức vô dụng của mình lại được xã hội coi trọng trong khi họ chính là thành phần ăn bám.

5. Nền giáo dục khoa cử Nho giáo không coi trọng việc tìm ra cái mới mà coi trọng việc lục tìm trích dẫn điển xưa tích cũ (cổ nhân có câu…), không coi trọng tính ứng dụng mà thích những thứ sáo rỗng phù phiếm (ngâm vịnh ca ngợi phong hoa tuyết nguyệt nhưng lại rất kém về những thường thức đời sống…), không thích việc tìm ra chân lý mà thích việc lấy lòng bề trên bằng việc ca ngợi công đức của vua, của cha mẹ của thầy…Đó là những bức tường về mặt tư tưởng giam cầm những người theo Nho học khiến cho họ tưởng rằng mình là người hiểu biết nhưng thật ra rất ngu dốt và thủ cựu.

6. Nho giáo đề cao thuyết “thiên mệnh” cho rằng chỉ có một dòng họ có quyền làm chủ đất nước và cai trị muôn dân. Thuyết thiên mệnh đánh tráo khái niệm “quốc gia” với khái niệm “triều đình”, “dân tộc” với “hoàng tộc”. Người dân trung thành với quốc gia và dân tộc đồng nghĩa phải trung thành với triều đình và hoàng tộc.
7. Nho giáo trọng nam khinh nữ khiến cho nguồn lực về con người bị lãng phí vô cùng nghiêm trọng vì phụ nữ không được học hành, không được làm việc mà chỉ nghĩ tới chuyện tam tòng tứ đức, biến bản thân mình thành máy đẻ và nô lệ phục dịch cho gia đình nhà chồng mà còn coi đó là những điều đáng tự hào.

8. Nho giáo phức tạp hóa những phép cư xử giữa người với người vốn cần sự chân thành và thân mật trở và biến nó thành những lễ nghi cầu kỳ phiền phức khiến con người rất dễ vướng vào những cái bẫy mang tên “lễ nghĩa” hoặc dùng lễ nghĩa để che giấu cảm xúc thật bên trong. Về lâu về dài, việc tuân thủ theo lễ nghĩa mang tính chất thủ tục nhưng không phải xuất phát từ tình cảm thật khiến con người trở nên khách sáo và đạo đức giả.

9. Nho giáo dùng danh lợi và bổn phận trói buộc con người khiến con người xem việc dùng chữ nghĩa kiếm chút công danh và bổng lộc về vun đắp cho gia tộc là lẽ sống của cuộc đời. Khái niệm “chí làm trai” của Nho giáo chỉ để cập tới việc học hành đỗ đạt làm quan vinh quy bái tổ phụng sự triều đình tuyệt đối không nhắc đến việc tìm hiểu, khám phá, sáng tạo và tìm kiếm chân lý.

Trong xã hội phong kiến ngày xưa, việc “học chữ Thánh hiền” được xem là đặc quyền đặc lợi chứ không phải là quyền bình đẳng của con người. Điều này dẫn đến việc đại đa số dân chúng đều mù chữ, còn một số rất ít những kẻ có tí chữ nghĩa thì hợm hĩnh kiêu căng, cậy mình đọc được Tứ Thư Ngũ Kinh thì coi như đã ôm hết trí tuệ thiên hạ vào lòng, xem việc bán mạng trung thành với triều đình là hoài bão ý chí lớn lao của nam nhi, xem việc có một chức quan trong triều, xây được cái nhà từ đường cho to và cưới năm thê bảy thiếp về đẻ con đàn cháu đống là sở nguyện của một đời người. Có thể nói, Nho học gần như là một thứ đặc quyền đặc lợi dành cho những kẻ cai trị. Còn đối với dân đen chiếm số đông trong xã hội, những người một chữ bẻ đôi cũng không biết thì chuyện hiểu sâu xa lời giảng của Khổng Mạnh là không tưởng. Nho giáo được phổ biến trong dân gian bằng ca dao tục ngữ, truyện Nôm và những tuồng hát hầu hết lấy từ những điển tích cổ của Trung Quốc ca ngợi tam tòng tứ đức và tam cương ngũ thường hoặc qua những ông thầy đồ biết được dăm ba chữ lẻ về gõ đầu trẻ trong làng mà dân làng hết sức nể sợ. Đối với đại đa số dân đen, Nho giáo được hiểu đơn giản qua một số khái niệm mặc định sau:

1. Chuyện quốc gia đại sự là của triều đình chứ thứ dân không có quyền lên tiếng mà phải cam phận con sâu cái kiến. Vua tốt thì dân nhờ, vua ngu thì dân chịu. Phản lại vua và phản lại triều đình là phản lại quốc gia và dân tộc.

2. Đã là dân thì phải phục tùng vua quan, đã là con thì phải phục tùng cha mẹ, đã là học trò thì phải phục tùng thầy, và đã là vợ thì phải phục tùng chồng. Bất cứ hành động hoặc suy nghĩ nào trái lại với tư tưởng nói trên đều là đại nghịch bất đạo.

3. Con người sống trên đời phải biết lo an cư lạc nghiệp và an phận thủ thường, miễn sao ngày có hai bữa cơm, tối về có chỗ chui ra chui vào là đủ.

4. Mục đích sống lớn nhất của người đàn ông là thăng quan tiến chức, trung thành với triều đình, lo tròn chữ hiếu với cha mẹ và sinh con trai nối dõi.

5. Mục đích sống lớn nhất của người đàn bà là lấy chồng, sinh con trai nối dõi cho chồng và quán xuyến gia đình nhà chồng.
6. Mục đích lớn nhất của việc học hành là biết tuân phục và để lập công danh chứ không phải để nâng cao hiểu biết và giải phóng về mặt tư tưởng.

Với hơn 2000 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo, những khái niệm về nhân quyền, dân chủ, quyền bình đẳng, tự do hay phản biện dường như vẫn còn rất xa lạ đối với đại đa số người Việt đặc biệt là những người dân sống ở nông thôn. Một trăm năm ảnh hưởng của văn hóa phương Tây vẫn là quá ít so với 2000 năm Nho Khổng. Hãy nhìn lại xã hội Việt Nam ngày nay để so sánh xem những tư tưởng này vẫn còn đó hay đã mất? (còn tiếp)

Nguồn bài: FB Vien Huynh