Mỹ lại phản bội đồng minh (Thạch Đạt Lang)

Sự bỏ rơi đồng minh người Kurd của ông Donald Trump nhắc lại bài học Mỹ bỏ rơi miền Nam Việt Nam gần 45 năm trước. Tuy nhiên, việc bỏ rơi đồng minh của Mỹ ở thời điểm năm 1975 và 2019 có những nguyên nhân khác nhau. (Thạch Đạt Lang)
 
 
Tin chính thức cho biết, cùng với sự tấn công bằng không quân, lực lượng bộ binh của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày thứ tư 09.10.2019 đã vượt biên giới, tràn vào phía Đông Bắc của Syria tấn công tiêu diệt người Kurd trong chiến dịch mang tên Mùa Xuân Hòa Bình (Peace Spring), gây ra nhiều thương vong cho người dân Kurd trong khu vực.
 
Chiến dịch này được tổng thống Thổ, Recep Tayyip Erdogan phát động - sau cuộc nói chuyện với tổng thống Donald Trump bằng điện thoại và được Trump cam kết không can thiệp - nhằm tiêu diệt dân Kurd, một đồng minh đắc lực của Mỹ trong việc tiểu trừ, ngăn chận quân khủng bố ISIS.
 
Người Kurd bao gồm khoảng 25-30 triệu dân, không có đất nước hay lãnh thổ chính thức dù có quốc kỳ và ngôn ngữ riêng. Người Kurd sống rải rác trong các vùng đồi núi nằm giữa biên giới các nước Thổ, Iran, Iraq, Syria, Armenia cũng như trong lãnh thổ các nước này.
 
Họ đã chiến đấu trong nhiều thập niên cho việc thành lập một quốc gia riêng biệt, chính thức được quốc tế công nhận nhưng chưa đạt được mục đích. Hiện nay chưa có nước nào trên thế giới công nhận sự hiện hữu của một nước mang tên Kurd.
 
Trong cuộc chiến chống quân khủng bố ISIS, người Kurd là đồng minh thân cận, hữu hiệu nhất của Mỹ nhưng hiện đã bị Mỹ bỏ rơi không thương tiếc vào ngày 08.10.2019 sau tuyên bố đứng ra bên ngoài cuộc tranh chấp Turkey-Kurd của Donald Trump.
 
Không bàn đến những tuyên bố rỗng tuếch, chỉ có tính cách trấn an của Donald Trump sau khi bị quốc hội Mỹ chỉ trích gay gắt về quyết định đơn phương trong việc rút quân khỏi Đông-Bắc Syria, bỏ mặc vùng này cho quân đội Thổ hành động.
 
Sự bỏ rơi đồng minh người Kurd của ông Donald Trump nhắc lại bài học Mỹ bỏ rơi miền Nam Việt Nam gần 45 năm trước. Tuy nhiên, việc bỏ rơi đồng minh của Mỹ ở thời điểm năm 1975 và 2019 có những nguyên nhân khác nhau.
 
Bỏ rơi miền Nam Việt Nam năm 1975 về thực chất khác với việc bỏ rơi người Kurd mới đây.
 
Sự tham chiến chính thức của Mỹ ở Việt Nam kéo dài hơn một thập niên từ 1963 đến 1973 không mang lại kết quả mong muốn cho chính quyền Mỹ khiến người dân cũng như chính phủ Mỹ mệt mỏi, chán nản. Hơn 58.000 lính Mỹ tử trận và nhiều thương binh đã tạo thành sức ép mạnh mẽ khiến chính quyền Nixon phải tìm cách chấm dứt chiến tranh bằng mọi cách.
 
Từ những trận đấu giao hữu bóng bàn đến các cuộc gặp gỡ bí mật của Kissinger với Mao Trạch Đông, hiệp định Paris được ký kết sau hơn 4 năm đàm phán, người Mỹ rút khỏi Việt Nam trong nhục nhã. Kissinger và Lê Đức Thọ với hỗn danh Sáu Búa chia nhau giải Nobel Hòa Bình năm 1973 để rồi hơn 2 năm sau miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản Hà Nội.
 
Người Kurd bị bỏ rơi vì nguyên nhân khác. Không có những cuộc đàm phán dai dẳng, không có trả giá, không có những cuộc đi đêm, gặp gỡ riêng như giữa Kissinger và Lê Đức Thọ để thêm bớt điều kiện…
 
Khác với Richard Nixon, Donald Trump cũng không bị sức ép của quốc hội, của đảng Dân Chủ, không bị người dân Mỹ biểu tình, không bị báo chí hạnh họe, chống đối, không bị quốc tế lên án vì sự hiện diện của quân đội Mỹ trong vùng.
 
Hơn thế nữa, người Kurd là đồng minh hữu hiệu, đắc lực của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ISIS. Vậy tại sao Donald Trump đột ngột bỏ rơi đồng minh chỉ sau một cuộc nói chuyện bằng điện thoại với Erdogan?
 
Ai cũng biết chính quyền Thổ từ lâu vẫn xem người Kurd với đảng PKK (Đảng Công Nhân Kurd) là thành phần khủng bố. Chính quyền Thổ cũng như các nước Iran, Iraq, Syria luôn tìm cách ngăn cấm việc phổ biến văn hóa, ngôn ngữ của người Kurd. Một số nước Âu Châu, kể cả Đức, Pháp... cũng đánh giá PKK là một trong những tổ chức sử dụng bạo lực cần phải ngăn cấm.
 
Tuy nhiên đây không phải là lý do để ông Donald Trump “bán ngồi” đồng minh Kurd. Việc Trump bỏ mặc cho chính quyền Erdogan xóa xổ người Kurd chi có thể là một trong hai - hoặc cả hai - lý do sau đây:
 
1.Trump rút quân khỏi Syria theo một thỏa thuận nào đó với Putin, vì Nga là một trong những nước có lợi rất nhiều từ việc bán vũ khí cho Thổ, khai thác dầu hỏa...khi người Kurd bị tiêu diệt và Mỹ không còn ảnh hưởng trong khu vực.
 
2. Erdogan cam kết cho Trump một số quyền lợi kinh doanh, lập các nhà máy sản xuất các mặt hàng mang thương hiệu Trump.
 
Do đó, dù hăm dọa sẽ trừng phạt nặng nề kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ tấn công người Kurd, cho đến giờ phút này, ông Trump vẫn chưa hề có một hành động cụ thể nào để thực hiện những lời đe dọa của mình ngoài việc lên án hành động quân sự của chính quyền Erdogan với những dòng tweet ấm ớ, vô nghĩa, không có tác dụng.
 
Chưa kể việc đơn phương bỏ rơi người Kurd gây ra chia rẽ ngay trong đảng Cộng Hòa, hành động của Trump còn đem khủng bố đến gần nước Mỹ hơn. Những tên khủng bố của lực lượng ISIS chạy thoát khỏi các trại giam giữ do người Kurd thiết lập ở Đông Bắc Syria trong cuộc tấn công của quân đội Thổ sẽ có khả năng chạy qua Âu Châu, Mỹ.
 
Nước Mỹ dưới thời Donald Trump đã có chính sách mới về Trung Đông. Người Việt, những người chống cộng, tranh đấu cho tự do, dân chủ, học được gì từ hai bài học kể trên?
 
Thạch Đạt Lang (10/10/2019)