Làm thế nào để thực hành tinh thần dân chủ đa nguyên? (Nguyễn Thị Bích Ngà)

Chúng ta đã lúng túng quá lâu và vướng mắc quá nhiều thứ nhỏ nhặt chỉ bởi chúng ta chưa thật sự thấu suốt triết lý đa nguyên. Chúng ta chấp nhận mất mát, chấp nhận hi sinh, chấp nhận gian khó; chúng ta không hề hèn nhát, không hề ngu dốt, không hề sợ hãi. Chúng ta chỉ bị vướng mắc trong và bởi lịch sử văn hóa và giáo dục, nên chúng ta chưa tiếp thu và thực hành tinh thần dân chủ đa nguyên một cách đúng, đủ và nhất quán. Nhận ra vấn đề là bước đầu tiên để thay đổi. Bạn nhận ra chưa? Nếu chưa, chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận. (Nguyễn Thị Bích Ngà)


Trong triết học về chính trị, đa nguyên là sự công nhận và trân trọng tính đa diện trong một tập thể chính trị. Nhận thức này giúp mỗi công dân sống chung hoà bình với những ai có chính kiến và nếp sống khác với mình.

Dù có đầu óc cải cách hay bảo thủ, người có tinh thần đa nguyên thường có xu hướng dung hoà về chính trị. Họ tin rằng đối thoại với thiện chí là cách tốt nhất để đi đến đồng thuận.

Họ tin rằng nhận thức về lợi ích chung của tập thể là động lực khiến cho các xu hướng chính trị có thể thương thảo với nhau nhằm tìm ra một chiến lược chung để đạt lợi ích đó. Lợi ích này thay đổi tuỳ theo tiến hóa của xã hội.

Về mặt lý thuyết, ta thấy đó là một học thuyết có tính ưu việt, đặt trên nền tảng dân chủ, là điều kiện cần và đủ để xây dựng một thể chế, một thế giới, hòa bình và nhân bản. Các nước phương Tây đã áp dụng học thuyết này và đạt được những thành tựu tốt đẹp nhất định.

Việt Nam hiện nay đang là chế độ cộng sản với một đảng duy nhất nắm quyền. Thậm chí đảng cộng sản còn đưa vào hiến pháp để khẳng định vai trò nắm quyền tuyệt đối của đảng, triệt tiêu toàn bộ các đảng phái chính trị khác, không cho hoạt động. Về mặt chính trị Việt Nam hoàn toàn không có tính đa nguyên, dân chủ.

Về mặt lịch sử, đất nước Việt Nam từ xưa đến nay trải qua các giai đoạn phong kiến tập quyền, thuộc địa, cộng sản, chỉ có một giai đoạn ngắn miền Nam Việt Nam được tiệm cận với dân chủ, đa nguyên, rồi sụp đổ.

Về mặt văn hóa xã hội, người Việt ảnh hưởng nhiều từ Nho giáo, sau đó là nền giáo dục cộng sản, luôn bị kìm cặp trong tâm thức nô lệ, triệt tiêu phản biện và tư duy logic ngay từ trong gia đình cho đến nhà trường, xã hội.

Một bộ phận không nhỏ người Việt hiện đã và đang đấu tranh để thay đổi thể chế, thay đổi thực trạng xã hội với mục đích xây dựng một đất nước Việt Nam theo chủ thuyết dân chủ, đa nguyên. Cuộc đấu tranh diễn ra đã nhiều năm, lúc thăng lúc trầm nhưng chưa lúc nào có được sự đoàn kết cao giữa các tổ chức, hội nhóm, cá nhân. Chúng ta đã luôn vướng vào “một điều gì đó” làm cho bị cản trở, phân rã, rời rạc và kém hiệu quả. “Một điều gì đó” là cái gì?

Tôi khẳng định, đó là bởi người Việt nói chung không hiểu hoặc hiểu nhưng khó thể thực hành một cách đúng đắn, đầy đủ tinh thần đa nguyên trong chính trị cũng như mọi mặt đời sống.

Ta thấy chủ thuyết dân chủ đa nguyên ưu việt, ta mong muốn áp dụng, ta học, ta làm…nhưng ta vẫn là người Việt với một nền văn minh lúa nước, bị kìm cặp bởi Nho giáo nên không hề có tính phóng khoáng, cởi mở. Ta là sản phẩm của một nền văn hóa bảo thủ, trì trệ, co cụm và cảm tính. Cho dù tiếp nhận tinh thần dân chủ, đa nguyên nhưng tiềm thức ta vẫn là con người cũ: con người của văn hóa Nho giáo + cộng sản.

Trải qua rất nhiều thế hệ, trong gia đình, những đứa trẻ luôn bị áp chế bằng nhiều hình thức. Nhà trường, xã hội cũng luôn áp đặt và gò con người vào cái khuôn nô lệ để dễ bề dẫn dắt. Ta muốn đất nước đổi mới, thoát khỏi chế độ cộng sản, chuyển sang dân chủ đa nguyên thì ta phải tự giải thoát cho tâm thức của chính mình trước tiên. Chỉ khi giải thoát được cho chính mình, vứt bỏ tư duy cũ thì mới có thể tiếp nhận tư duy mới một cách đầy đủ và thấu suốt.

Ta luôn bắt gặp tình trạng những tổ chức, hội nhóm kèn cựa nhau, rất hiếm gặp việc các tổ chức, hội nhóm bắt tay hợp tác làm việc cùng nhau. Ta luôn bắt găp tình trạng chỉ trích ở trong các tổ chức, hội nhóm; giữa hội nhóm với các cá nhân bên ngoài, giữa các nhóm với nhau và cá nhân này với cá nhân khác. Tinh thần xây dựng là điều khó nhận thấy trong các hoạt động, tranh luận, trao đổi, thảo luận. Qua điều này, ta có thể nhận thấy rất rõ tinh thần dân chủ đa nguyên mới chỉ là cái vỏ mà chúng ta khoác lên người, nó chưa phải là con người ta, hơi thở ta, nhân sinh quan của ta.

Chúng ta không có lỗi vì chúng ta là những sản phẩm tồi dở của gia đình, xã hội. Nhưng chúng ta cần phải học để biết cách thay đổi bản thân. Nếu không học để thay đổi, chúng ta sẽ có tội với bản thân và con cháu-thế hệ tương lai.

Học và thực hành hằng ngày trong đời sống thông qua đối thoại trực tiếp lẫn gián tiếp. Thực hành trong gia đình, ngoài xã hội và nhất là trên mạng xã hội. Điều đầu tiên cần làm là phải loại bỏ thói chỉ trích và phán xét ẩu. Khi còn hai thói xấu này trong tư duy thì sẽ không thể nào thực hành được tinh thần dân chủ, đa nguyên, dù có muốn và dù có đặt nó làm nền tảng triết lý cho mình.

Đa nguyên, suy cho cùng, không phải do loài người nghĩ ra. Tạo hóa đã ban cho trái đất sự đa nguyên, đa dạng, đa diện từ đầu. Bản chất các loài sinh sống, tồn tại trên trái đất là sự tương hỗ tác động qua lại lẫn nhau để cùng sinh tồn một cách hòa bình, yêu thương. Con người đã phải trải qua rất nhiều giai đoạn tiến hóa và đồng thời bị tác động bởi các học thuyết, thế chế chính trị xã hội, văn hóa, lối sống…làm hủy hoại sự đa nguyên trong bản chất cho đến khi sực tỉnh, nhận thức được vấn đề và tìm lại được chính mình. Do đó, học và thực hành đa nguyên, dân chủ là hành trình tìm lại chính bản chất của mình, một bản chất tự nhiên và nguyên sơ nhất như nó vốn là.

Khi hiểu rõ điều này, ta sẽ tự thấy mình nhỏ bé, khiêm cung và chẳng có lý do gì để chỉ trích, phán xét, hành xử độc tài, bảo thủ. Triết lý đa nguyên sẽ đến, hay trở về, với ta, một cách tự nhiên như hơi thở. Khi nó đã trở thành hơi thở, thành một cái của riêng mình, trong mình, thì lúc đó ta mới đủ sức để giúp cho những người xung quanh nhận thức được đa nguyên là gì và thuyết phục họ thay đổi ra sao để thay đổi xã hội.

Các tổ chức khó và hầu như không thể thu hút được người tham gia, chưa thuyết phục được quần chúng tin tưởng vào con đường đấu tranh đem lại dân chủ đa nguyên cho đất nước là bởi các tổ chức, cá nhân chưa thể thuyết phục được chính bản thân mình. Hầu hết các tổ chức và cá nhân mới chỉ tiếp nhận tinh thần dân chủ, đa nguyên bởi thấy nó là điều hay ho và có lợi cho đất nước nên muốn áp dụng. Họ chưa thực sự thấm nhuần tinh thần đa nguyên, dân chủ nên họ luôn chỉ trích lẫn nhau, gây mất tình cảm và từ đó bài bác lẫn nhau, không thể kết hợp, thậm chí không thể phối hợp dù tất cả đều mong muốn dân chủ, đa nguyên cho đất nước.

Một người hiểu rõ bản chất của tự nhiên là đa nguyên: mỗi loài đều có những đặc tính riêng nhưng mỗi loài đều có vai trò riêng, như các mắt xích trong chuỗi tuần hoàn, nếu mất đi một mắt xích là mất cân bằng tự nhiên, là mất đi tính đa nguyên, đa dạng; thì người ấy sẽ phải hiểu rõ rằng đấu tranh bề nổi là một trong các hoạt động đơn giản nhất để người dân nhìn thấy, từ nhìn thấy mới dần tìm hiểu, từ tìm hiểu điều đơn giản sẽ tìm hiểu đến đấu tranh chính trị có chiều sâu. Vậy, những tổ chức đấu tranh có chiều sâu là những người hưởng lợi từ những hoạt động phong trào bề nổi. Những tổ chức hội nhóm đấu tranh phong trào bề nổi sẽ được hưởng lợi từ những tổ chức đấu tranh có chiều sâu vì được hỗ trợ về kiến thức chính trị, nền tảng triết lý, phương pháp đấu tranh…đó là đa nguyên, dân chủ, là kết hợp, phối hợp để đem lại hiệu quả nhất cho công việc: dân chủ, đa nguyên cho đất nước.

Chúng ta đã luôn chứng kiến những người đấu tranh chính trị có chiều sâu chỉ trích nhiếc móc những người đấu tranh phong trào bề nổi là hời hợt và chẳng được tích sự gì; những người đấu tranh phong trào bề nổi chửi mắng những người đấu tranh chính trị có chiều sâu là thành phần chính trị salon. Chúng ta đã tự triệt tiêu tính đa nguyên và do đó chính chúng ta đã tự làm mất đi sự tương hỗ qua lại vốn dĩ của nó.

Trong tranh luận, thảo luận, thay vì ghi nhận quan điểm của một người và tranh luận những vấn đề cần làm rõ trên tinh thần trao đổi học hỏi nhau thì ta lại thường chỉ trích và phán xét ngay lập tức, để từ đó đánh giá phẩm giá luôn một con người và xua họ ra xa khỏi mình. Ta không tôn trọng tính đa nguyên, không thấu suốt tinh thần đa nguyên trong chính hành động, lời nói của mình. Vì vậy, ta chẳng thuyết phục được ai.

Chúng ta đã lúng túng quá lâu và vướng mắc quá nhiều thứ nhỏ nhặt chỉ bởi chúng ta chưa thật sự thấu suốt triết lý đa nguyên. Chúng ta chấp nhận mất mát, chấp nhận hi sinh, chấp nhận gian khó; chúng ta không hề hèn nhát, không hề ngu dốt, không hề sợ hãi. Chúng ta chỉ bị vướng mắc trong và bởi lịch sử văn hóa và giáo dục, nên chúng ta chưa tiếp thu và thực hành tinh thần dân chủ đa nguyên một cách đúng, đủ và nhất quán. Nhận ra vấn đề là bước đầu tiên để thay đổi. Bạn nhận ra chưa? Nếu chưa, chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận.


1/10/2019