Làm thế nào để nhận diện một tổ chức dân chủ tử tế (Việt Văn)

Dù là thành viên của tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, một tổ chức có dự án chính trị rõ ràng trên nền tảng tư tưởng đấu tranh bất bạo động, hòa giải hòa hợp dân tộc, nhưng tôi không đưa ra lời kêu gọi các anh chị hãy tham gia cùng tôi. Bài viết này là bài tham khảo, nhằm giúp các anh chị nhận diện như thế nào là một tổ chức dân chủ tử tế để lựa chọn tham gia hoặc ủng hộ. Dù anh chị lựa chọn tham gia, ủng hộ tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hay một tổ chức chính trị tử tế nào khác thì đó cũng là điều đáng mừng, bởi anh chị đã thống nhất với chúng tôi một điểm quan trọng trên con đường đấu tranh dân chủ cho đất nước: Đấu tranh chính trị phải có tổ chức. (Việt Văn)

Trước tiên, chúng ta cần thống nhất và khẳng định với nhau rằng đấu tranh chính trị là đấu tranh có tổ chức và chỉ có tổ chức mới có thể đấu tranh chính trị. Trong đấu tranh, một tổ chức chính trị có thể thắng có thể thua, nhưng nếu không có tổ chức thì chắc chắn thất bại. Muốn đấu tranh để thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam từ độc tài cộng sản sang dân chủ đa nguyên, người đấu tranh nhất quyết phải lựa chọn đứng vào một tổ chức chính trị dân chủ có sẵn hoặc tự thành lập tổ chức chính trị.

Trong những năm qua đã có không ít tổ chức chính trị ra đời để đấu tranh với đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng, phần lớn, sau một thời gian ngắn, đã bị đánh phá hoặc tự tan rã. Công cuộc đấu tranh cho dân chủ đa nguyên ở Việt Nam rơi vào bế tắc vì đa số người đấu tranh dân chủ cả trong và ngoài nước không lựa chọn con đường đấu tranh chính trị có tổ chức mà lựa chọn phương pháp đấu tranh cá nhân.

Tại sao?

Theo tôi, có ba nguyên nhân chính:

1.Không đủ kiến thức chính trị để hiểu đấu tranh chính trị phải cần có tổ chức.

2.Lúng túng không lựa chọn được cho bản thân một tổ chức chính trị tử tế.

3.Chịu ảnh hưởng dân tộc tính một cách vô thức nên còn nhiều thói tính xấu như: bảo thủ, độc tài, cá nhân ích kỷ, thiếu trách nhiệm, lười, vô kỷ luật…nên đặt cái tôi cao hơn đất nước. Do đó không thể làm việc trong một tổ chức mà chỉ có thể hành động riêng lẻ theo cung cách được chăng hay chớ, văn nghệ và thụ động trông chờ.
Giải pháp cho nguyên nhân thứ nhất: Các tổ chức chính trị, các trí thức, học giả cần viết nhiều bài viết về kiến thức chính trị, làm rõ các khái niệm với ngôn ngữ đơn giản, phổ cập để nhiều người đọc hiểu và học.

Giải pháp cho nguyên nhân thứ hai: Các tổ chức chính trị cần mạnh dạn hơn và hiệu quả hơn trong việc giới thiệu tổ chức mình cho quần chúng biết. Tiếp cận khéo léo với các thành phần trong xã hội thông qua các bài viết giới thiệu tư tưởng, dự án chính trị, phương hướng hoạt động; đồng thời có những hoạt động thiết thực để quần chúng nhìn thấy, từ đó quần chúng có cơ sở để đặt niềm tin và lựa chọn.

Giải pháp cho nguyên nhân thứ ba: Các tổ chức chính trị, trí thức, học giả phải dẫn đạo tư duy, hướng dẫn quần chúng thông qua các bài viết và việc làm để xóa bỏ lối tư duy cũ, thay đổi thói xấu, tiếp cận học hỏi cách suy nghĩ và làm việc mới. Để làm được điều này, cần tinh thần bao dung, yêu thương, chia sẻ thay vì chỉ trích, xúc phạm và xa lánh quần chúng cũng như những người đấu tranh cá nhân.

Qua nguyên nhân và giải pháp, ta có thể thấy trong đó cách thức hòng nhận diện, đánh giá và lựa chọn cho mình một tổ chức tử tế để tham gia.

Cụ thể, một tổ chức chính trị tử tế có:

1.Có tư tưởng, dự án chính trị rõ ràng đặt trên nền tảng đạo đức.

Bất kỳ ai cũng có thể kết hợp với những người khác để thành lập một tổ chức chính trị, nhưng không phải ai và tổ chức nào cũng có thể đưa ra tư tưởng, dự án chính trị, càng hiếm tổ chức đặt đạo đức chính trị lên hàng đầu để làm nền tảng. Có rất nhiều tổ chức lập ra không hề có dự án chính trị, không có cả kế hoạch cụ thể cho mỗi hoạt động. Chỉ tập trung vào các hoạt động tạo sự kiện truyền thông để lấy hình ảnh và tiếng vang. Không quan tâm đến đạo đức khi cứ hô hào mọi người tham gia nhưng không hề hướng dẫn kiến thức chính trị cho thành viên. Không chú trọng hướng dẫn thành viên cách thức để giữ an toàn trong bối cảnh đảng cộng sản luôn mạnh tay đàn áp. Đó là những tổ chức gây hại, không phải tổ chức tử tế.

Người Việt do thiếu kiến thức chính trị nên thường hiểu sai về khái niệm chính trị, từ đó cho rằng làm chính trị là phải gian xảo, lươn lẹo, quyến dụ, nói một đàng làm một ngã. Không phải vậy. Chính trị, đơn giản là tham gia vào việc chung của đất nước. Và để tham gia vào việc chung của đất nước thì phải có kiến thức chính trị, có trăn trở suy tư để làm cho việc chung tốt hơn. Người làm chính trị phải là người có đạo đức, sẵn sàng đặt lợi ích bản thân dưới lợi ích của đất nước, dân tộc.

Một tổ chức chính trị tử tế là một tập hợp gồm những con người có kiến thức chính trị, có ý thức tổ chức, có trách nhiệm, có đạo đức chính trị. Họ cùng nhau xây dựng và thực hiện một dự án chính trị đặt trên nền tảng đạo đức để thay đổi và xây dựng đất nước đem lại những điều tốt đẹp nhất cho dân tộc.

2.Có những lời nói và hành động nhất quán với nhau.

Một tổ chức chính trị tử tế không thể nói một đàng làm một ngã. Ta biết, nói lúc nào cũng hay nhưng thực hiện thì khó khăn hơn nhiều. Có không ít tổ chức đưa ra những tuyên bố, kêu gọi lật đổ đảng cộng sản với những lời lẽ đao to búa lớn nhưng trên thực tế họ chỉ có vài người ở tận Mỹ, live stream ăn nói ngông cuồng và không chịu bất cứ trách nhiệm nào đối với chính lời họ tuyên ngôn cũng như với người trong nước. Họ hứa hẹn đủ điều để khuyến dụ quần chúng nhưng họ không có một hành động cụ thể nào để chứng minh họ có thể thực hiện những lời hứa hẹn. Hãy tránh xa chúng ra.

Hãy quan sát các tổ chức và thành viên của tổ chức để xem họ có nhất quán giữa lời nói và hành động không. Nếu họ nói “Chúng tôi tôn trọng dân chủ đa nguyên” nhưng ta thấy họ đánh phá các tổ chức chính trị tử tế khác thì hãy tránh xa họ ra. Nếu họ nói “Chúng tôi đấu tranh vì nước Việt” nhưng họ chửi dân ngu thì cái tuyên ngôn “đấu tranh vì nước Việt” là một lời dối trá. Nếu họ bảo, “Chúng tôi đấu tranh bất bạo động” nhưng hễ ai có quan điểm trái ý họ liền hăm dọa đòi giết, rủa xả..thì đó là tổ chức giả danh…

Một tổ chức chính trị có sự nhất quán giữa lời nói và hành động, giữa trước và sau là một tổ chức ta có thể hoàn toàn tin tưởng. Trước mắt, trong tình hình khó khăn, có thể tổ chức ấy còn yếu, còn va vấp, còn thiếu lực lượng; hoặc cho dù có bị đánh phá, mất mát thành viên thì tổ chức ấy vẫn sẽ xây dựng lại được bởi họ có những thành viên trung thành, nhất quán với tư tưởng, triết lý và dự án chính trị của họ. Họ nhất định thành công. Hãy lựa chọn hoặc ít ra là ủng hộ họ.

3.Có sự đoàn kết gắn bó và tình yêu thương.

Một tổ chức chính trị tử tế nhất định phải có tính đoàn kết gắn bó và yêu thương giữa các thành viên, giữa tổ chức với quần chúng.

Thiếu vắng tính đoàn kết gắn bó, tổ chức chỉ là cái vỏ của những con người chưa trưởng thành, còn đặt lợi ích cá nhân lên trên tổ chức và vì vậy họ không thể đạt được những mục tiêu lớn trong đấu tranh chính trị; song song đó họ cũng không thể đặt lợi ích đất nước, dân tộc lên trên cá nhân hoặc tổ chức của họ. Họ chỉ lợi dụng danh nghĩa tổ chức để đạt mục đích cá nhân mà thôi.

Thiếu vắng tình yêu thương, tính nhân bản trong triết lý của tổ chức, trong mỗi thành viên thì tổ chức đó chỉ là tập hợp những kẻ cơ hội, thủ đoạn nhằm mục đích đem lại lợi ích cá nhân, nếu thành công họ sẽ là những kẻ gây hại lớn cho đất nước và dân tộc (như đảng cộng sản.)

Không khó để nhận diện một tổ chức dân chủ tử tế, chỉ cần quan sát kỹ bằng kiến thức chính trị là có thể đánh giá. Hãy cẩn trọng trong việc quan sát, đừng để tâm trạng nóng vội thúc đẩy đánh giá một tổ chức là yếu dở khi ta thấy họ chưa đạt được thành tựu nhất định. Hãy tìm hiểu triết lý, tư tưởng của tổ chức; quan sát các yếu tố định hình tổ chức; tham gia tranh luận, thảo luận để đánh giá các yếu tố. Khi đã nhận diện được đâu là tổ chức dân chủ tử tế và đâu là tổ chức không tử tế thì việc cần làm là bài trừ các tổ chức không tử tế và ủng hộ các tổ chức tử tế.

Một tổ chức chính trị tử tế không thể tự thân lớn mạnh nếu thiếu đi sự ủng hộ của trí thức, học giả, quần chúng. Khi quyết định tham gia vào một tổ chức chính trị, hãy tham gia với tinh thần đóng góp sức mình để tổ chức lớn mạnh hơn, không phải với tinh thần đòi hỏi tổ chức phải mạnh sn để đem lại điều gì đó cho mình và khi chưa nhận thấy thành quả thì quay ra chỉ trích.

Dù là thành viên của tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, một tổ chức có dự án chính trị rõ ràng trên nền tảng tư tưởng đấu tranh bất bạo động, hòa giải hòa hợp dân tộc, nhưng tôi không đưa ra lời kêu gọi các anh chị hãy tham gia cùng tôi. Bài viết này là bài tham khảo, nhằm giúp các anh chị nhận diện như thế nào là một tổ chức dân chủ tử tế để lựa chọn tham gia hoặc ủng hộ. Dù anh chị lựa chọn tham gia, ủng hộ tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hay một tổ chức chính trị tử tế nào khác thì đó cũng là điều đáng mừng, bởi anh chị đã thống nhất với chúng tôi một điểm quan trọng trên con đường đấu tranh dân chủ cho đất nước: Đấu tranh chính trị phải có tổ chức.

Công cuộc đấu tranh dân chủ đa nguyên cho đất nước có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào những lựa chọn của các anh chị ở thời điểm hiện tại. Chúng ta không còn nhiều thời gian để đấu tranh theo lối văn nghệ mãi được. Đã đến thời điểm mỗi người buộc phải trăn trở, suy tư và đưa ra quyết định lựa chọn tham gia vào các tổ chức chính trị tử tế vì chỉ có cách đó chúng ta mới thành công.

Việt Văn (4/10/2019).