Hồng Kông : Biểu tình tại 18 quận, xô xát lại xảy ra với cảnh sát (Thanh Hà)

Giới đấu tranh dân chủ Hồng Kông đang lúng túng trong việc đặt ra các mục tiêu của các cuộc biểu tình. Đó là lý do dẫn đến việc bế tắc của phong trào này trong giai đoạn vừa qua. Chắc chắn Trung Quốc và thậm chí cả thế giới sẽ không ủng hộ yêu sách đòi độc lập của Hông Kông, trừ trường hợp Trung Quốc tan rã. 

media 
Cảnh sát chống bạo động bắt giữ người biểu tình chống chính quyền tại khu Thuyền Loan(Tsuen Wan), Hồng Kông ngày 13/10/2019.
REUTERS/Susana Vera

Phe dân chủ Hồng Kông kêu gọi xuống đường tại 18 quận cùng lúc trong ngày 13/10/2019. Khác với những lần trước, đoàn người biểu tình không tập trung đông đảo về một vài địa điểm nhất định. Cảnh sát chống bạo động Hồng Kông phải đối mặt với rất nhiều nhóm người biểu tình đòi dân chủ.
Phóng viên của hãng tin Pháp AFP ghi nhận có nhiều vụ đụng độ xảy ra giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động Hồng Kông. Tuy nhiên cho đến đầu giờ chiều 13/10, mức độ bạo động giảm hẳn so với những tuần lễ trước. Nhiều cuộc tập hợp diễn ra rải rác trên toàn đặc khu hành chính.

Người biểu tình phong tỏa các con lộ và vẽ graffiti lên các văn phòng, các cơ sở thân Bắc Kinh. Nhiều người bị câu lưu tại khu trung tâm hành chính Vượng Giác (Mong Kok) và tại quận Đại Bộ (Tai Po). Hãng tin Mỹ AP cho hay tại Sa Điền (Sha Tin) và Thuyền Loan (Tseun Wan), người biểu tình cầm dù và đeo mặt nạ thách thức nhân viên an ninh Hồng Kông.

Tối 12/10, cả trăm người biểu tình đã dựng tượng "Nữ Thần Tự Do" trên Núi Sư Tử cao 500 mét. Bức tượng cao ít nhất ba mét này có trang bị mặt nạ chống hơi cay, mũ bảo hộ lao động, kính chống lựu đạn cay, tay cầm dù biểu tượng của phong trào dân chủ Hồng Kông. Bức tượng này, theo một người trong cuộc, là biểu tượng nhắn nhủ công luận Hồng Kông kiên trì đấu tranh bảo vệ tự do và các quyền dân chủ của Hồng Kông đang bị Bắc Kinh thu hẹp lại.

Hồng Kông sắp bị "khủng hoảng kinh tế" ?

Vào lúc phong trào phản kháng không ngừng đưa ra những hình thức đấu tranh mới, kinh tế Hồng Kông thực sự gặp khó khăn. Giới chuyên gia bắt đầu nói đến "một cuộc khủng hoảng kinh tế" đe dọa vùng lãnh thổ này.

Thông tín viên đài RFI Florence de Changy ghi nhận tại chỗ :

Đây không phải là lệnh giới nghiêm nhưng thực chất thì cũng gần như là thế. Xe điện ngầm metro đóng cửa sớm. Thành phố vốn tràn đầy sức sống, nay tất cả đều ngưng trệ. Đường phố và các cửa hàng vắng bóng người.

Chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Natixis, bà Alicia Gargia Herrero nhấn mạnh đến "vấn đề về tiêu thụ tại Hồng Kông. Lĩnh vực này vốn lệ thuộc nhiều vào ngành du lịch, nhưng từ khi nổ ra khủng hoảng về chính trị, du khách Trung Quốc không còn đến Hồng Kông nữa. Chính vì thế mà giới chuyên gia dự báo tăng trưởng Hồng Kông sẽ ở số âm".

Hồng Kông đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng về kinh tế nhưng rồi vẫn phục hồi. Lần này, dân biểu Felix Chung, người có lập trường thân Bắc Kinh, giải thích, khủng hoảng diễn ra trong bối cảnh tình hình chung đã khá phức tạp đối với Hồng Kông, bởi vì xuất khẩu giảm sụt do tác động chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây ra. Thành thử tất cả mọi người đều bị vạ lây và theo ông "tình thế rất nghiêm trọng và đáng lo ngại".

Hồng Kông đang nóng lòng đợi trưởng đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thông báo kế hoạch kích thích kinh tế vào Thứ Tư tuần sau.