Hội thảo: Hoàn cảnh khiến VNCH chọn ‘dân chủ một phần’, dân thấy ‘bị phản bội’ (VOA)

Qua những thông tin từ buổi hội thảo này chúng ta thấy các lãnh đạo VNCH đều có xu hướng độc tài và muốn thiết lập nên một chế độ độc tài, họ không mang trong mình văn hoá dân chủ mà là "văn hoá quân chủ". Chính vì thế mà họ đã không thể có được sự hậu thuẫn của người dân để chống lại cuộc tấn công của cộng sản. 


Các điều kiện lịch sử, dân trí và hoàn cảnh xung đột Bắc-Nam đưa Việt Nam Cộng Hòa đến chỗ phải chọn cơ chế “dân chủ một phần”, theo một số nhà nghiên cứu tại hội thảo về chủ nghĩa cộng hòa ở Việt Nam, do đại học Oregon tổ chức hôm 14 và 15/10.

Những khiếm khuyết của cơ chế này khiến người dân cảm thấy “bị phản bội” vào cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, theo nhận định của một số nhà nghiên cứu Mỹ và Anh.

Dân chủ một phần

Trong tham luận của mình, giáo sư trợ lý Nu-Anh Tran, thuộc Đại học Connecticut, cho rằng khi VNCH mới ra đời, giai đoạn nửa cuối năm 1955, các chính trị gia bao gồm ông Ngô Đình Diệm, lãnh đạo các giáo phái và những người chống cộng khác “vừa khao khát vừa sợ hãi” nền dân chủ.

Ở thời kỳ này, các giáo phái, trong đó nổi trội là Cao Đài và Hòa Hảo, mong muốn một cơ chế với nhánh lập pháp có thẩm quyền lớn hơn nhánh hành pháp, theo nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Việt, Nu-Anh Tran.

Tin rằng sức mạnh từ tầm ảnh hưởng đảng phái sẽ bảo đảm cho họ có vai trò đáng kể trong cơ quan lập pháp, các giáo phái đã kêu gọi thành lập quốc hội, tiến hành bầu cử và viết hiến pháp, nghiên cứu của bà Nu-Anh cho biết.

Bà cho rằng tư tưởng của khối giáo phái khá tự do, thể hiện qua chủ trương cho phép người dân “chỉ trích chính phủ một cách xây dựng” nhưng cấm người dân “tuyên truyền về chủ nghĩa thuộc địa và chủ nghĩa cộng sản”.

Cùng thời kỳ, trường phái mang tính tự do nhất là của nhà hoạt động Phan Quang Đán, nữ học giả trẻ thuộc trường Đại học Connecticut nhận định.

Ông Đán ủng hộ một nền dân chủ sống động với rất ít quyền tự do bị hạn chế. Tuy nhiên, ông Đán đơn độc và không nhận được nhiều ủng hộ.

Về phía phe ông Ngô Đình Diệm, vẫn theo nhà nghiên cứu Nu-Anh Tran, các cố vấn của ông lập luận rằng người Việt có xu hướng tập hợp quanh một nhà lãnh đạo mạnh, hơn là quanh một đảng phái hay học thuyết. Vì vậy, họ cố thuyết phục ông Diệm đi theo con đường “chuyên chế”.

Một tờ trình do các phụ tá soạn riêng cho ông Diệm hồi hè năm 1955 phân tích rằng trong điều kiện khi đó ở Nam Việt Nam, phải có một nhà lành đạo mạnh mẽ mới có thể giành được sự ủng hộ của đa số người dân và tạo ra một chính phủ mạnh.

Họ cũng muốn ông tận dụng lợi thế đang nắm nhánh hành pháp với cương vịthủ tướng Nhà nước Việt Nam, để tạo ra một chế độ với hành pháp mạnh hơn lập pháp.

Trong khi đó, hoạt vụ CIA Edward Lansdale lại cố thuyết phục ông Diệm về những giá trị tốt đẹp của hệ thống chính trị Mỹ, tham luận của bà Nu-Anh Tran viết.

Giải pháp mang tính thỏa hiệp mà ông Diệm chọn là tổng thống chế, theo nghiên cứu của bà Nu-Anh Tran. Có thể ông Diệm cho rằng chế độ tổng thống do dân bầu ổn định hơn chế độ nghị viện, và cũng dân chủ hơn sự cai trị bằng một nhà lãnh đạo mạnh.

Tiến trình thảo luận về dân chủ đột ngột bị cắt đứt với việc ông Ngô Đình Diệm ra tay dẹp nạn “sứ quân” ở Nam Việt Nam, bắt bớ các lãnh đạo giáo phái và cả ông Phan Quang Đán. Hệ quả là các giáo phái tẩy chay bầu cử, càng thuận lợi cho ông Diệm dựng lên một quốc hội có tính hình thức và chuẩn thuận hiến pháp do ông soạn ra, bài nghiên cứu của nữ trợ lý giáo sư Đại học Connecticut cho biết.

Bà Nu-Anh Tran đưa ra kết luận:

“Chiến thắng của ông Diệm làm đứt đoạn cuộc tranh luận cởi mở nhưng ngắn ngủi trong lịch sử VNCH, và cũng làm mất đi xác suất là chính phủ của ông có thể phát triển thành một chế độ tự do hơn, ít chuyên chế hơn, dù chưa thể là một nền dân chủ tự do hoàn chỉnh”.

Cảm giác bị phản bội

Bốn năm sau cuộc đảo chính hồi cuối năm 1963, trong đó Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu bị giết chết, VNCH chứng kiến cuộc bầu cử tổng thống 1967 với những biểu hiện dân chủ sống động nhất, ông Sean Fear, giảng viên lịch sử quốc tế, Đại học Leeds, nêu ra trong tham luận của mình.

Tổng cộng có tới 13 ứng cử viên thực hiện các cuộc vận động, gặp gỡ cử tri thậm chí ở vùng nông thôn, và tranh luận qua đài phát thanh và truyền hình.

Đó là những diễn biến “hết sức ấn tượng” vào thời điểm đang có một bầu không khí lạc quan ở Nam Việt Nam, ông Fear nói.

Nhưng cuộc tấn công Tết Mậu Thân của các lực lượng cộng sản Bắc Việt nổ ra đầu năm 1968 và kéo dài một vài tháng sau đó đã làm tình hình dần dần đảo ngược, vẫn theo giảng viên của Đại học Leeds.

Ông Fear nói rằng sự hợp tác, đoàn kết giữa các phe phái, giữa giới dân sự và quân sự bắt đầu đổ vỡ. Đến đầu thập niên 1970, sinh viên, các nhóm tôn giáo, các nhóm thiểu số và cả các cựu chiến binh liên tục biểu tình rầm rộ.

Ông bình luận:

“Có cảm giác là tham nhũng trở nên tồi tệ hơn. Và đặc biệt là sau năm 1971, cảm giác hoài nghi và tuyệt vọng ngày càng tăng. Và đây là lý do tại sao năm 1971 là một thời điểm rất quan trọng và tôi nghĩ rằng đó là thời điểm mang tính quyết định”.

Hoàn toàn tương phản với năm 1967, sự tham gia của giới dân sự vào cuộc bầu cử tổng thống năm 1971 “hạn chế hơn rất nhiều” với thực tế chỉ có 3 ứng cử viên là tướng hoặc cựu tướng quân đội, bài tham luận của ông Sean Fear cho biết.

Một điều cũng rất rõ rệt là quân đội trong tay của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tiến hành các hoạt động “hậu trường” để kiểm soát kết quả bầu cử, bao gồm cả đe dọa và hối lộ quốc hội lẫn cưỡng ép và dọa dẫm ở vùng nông thôn, nghiên cứu của ông Fear chỉ ra.

Vẫn theo bài nghiên cứu, chỉ đạo bằng văn bản của ông Thiệu về các hành động này bị lộ ra, dẫn đến hai ứng cử viên còn lại, các ông Dương Văn Minh và Nguyễn Cao Kỳ, đã tẩy chay cuộc bầu cử.

Giảng viên lịch sử quốc tế thuộc Đại học Leeds đánh giá rằng sự kiện năm 1971 đặt dấu chấm hết hoàn toàn cho nền chính trị đa nguyên từng được xem là đầy hứa hẹn vào năm 1967.

“Tôi cho rằng việc nhà nước Nam Việt Nam không được xem là có tính chính danh ngay cả trong con mắt của những cử tri rất chống cộng là yếu tố rất quan trọng giải thích vì sao xã hội Nam Việt Nam quay ngoắt trong giai đoạn từ đó đến 1975”, ông Sean Fear nói.

Về mặt nhà nước, nhà nghiên cứu này cho rằng chính thể của ông Thiệu chắc chắn là “phản cộng hòa” cả về đặc điểm, cơ cấu lẫn về chủ trương và hành động thực tiễn.

Ông kết thúc bài tham luận với lời nhận định:

“Trong xã hội Nam Việt Nam đã có nhiều người tâm huyết với chủ nghĩa cộng hòa, cho dù khái niệm này có thể chỉ được định nghĩa lỏng lẻo. Họ sẵn sàng hy sinh to lớn cho nó, nhưng họ cảm thấy bị phản bội bởi những người tự nhận là đại diện cho nhà nước cộng hòa. Và tôi nghĩ rằng cảm giác bị phản bội này là yếu tố trung tâm để hiểu được vì sao nhà nước này tất yếu đã không thành công”.

Hội thảo về “quan điểm, khuynh hướng cộng hòa” ở Việt Nam trong giai đoạn 1955-1975 diễn ra trong hai ngày 14 và 15/10 tại thành phố Eugene, bang Oregon.

Tham gia sự kiện là hàng chục học giả, nghiên cứu sinh, nhân chứng lịch sử của Mỹ, Việt Nam, Anh, Úc và Đức. Họ trình bày 32 tham luận về các chính sách chính trị, kinh tế; đời sống văn hóa, xã hội, tôn giáo; và các trào lưu văn chương, nghệ thuật ở Việt Nam Cộng Hòa.

VOA sẽ tiếp tục tường thuật về các nội dung đáng chú ý tại hội thảo trong các bài kế tiếp.

Nguồn bài: VOA Tiếng Việt