Hình ảnh đại diện của Việt Nam: Biển người bịt khẩu trang chôn chân trong kẹt xe, ngập nước (Nguyên Bảo)

Đất không thể sống được, nước không thể uống được và không khí không còn thở được, thì chúng ta còn gì để nói với nhau? Chúng ta đã đi quá chậm so với sự biến đổi khí hậu, và đặc biệt là sự tàn phá môi trường của nhà cầm quyền. Chúng ta cần khẩn thiết giành lại quyền làm chủ đất nước cho người dân Việt Nam, chứ không phải là cho một tập đoàn cần quyền như lúc này, trước khi quá muộn.

Hình minh họa. người dân đeo khẩu trang khi đi trên đường phố Hà Nội hôm 21/5/2018
Hình minh họa. người dân đeo khẩu trang khi đi trên đường phố Hà Nội hôm 21/5/2018
Cả tuần nay, bước chân ra đường là tôi phải chụp liền cái khẩu trang không dám rời. Mà không phải loại khẩu trang y tế mỏng quẹt mấy chục ngàn 100 cái hay khẩu trang vải thường ngày dân Việt Nam vẫn xài. Phải mang khẩu trang loại lọc được bụi mịn siêu nhỏ, chỉ bằng 1/30 sợi tóc. Giá 50 ngàn đồng, xài được 30 tiếng theo quảng cáo. Trong nhà thì đóng kín cửa, phòng ngủ mở máy lạnh ngày đêm mặc dù đang mùa mưa, ban đêm trời mát lạnh, thậm chí không cần quạt vẫn mát.

Để chi? Để hết sức cố bảo vệ lá phổi của mình trước cái bầu không khí đỏ choẹt dấu hiệu cảnh báo ô nhiễm tới mức có hại, hoặc nguy hiểm cho sức khỏe, ở Sài Gòn bữa rày.

(Theo AirVisual, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại TP HCM thường xuyên ở mức ô nhiễm nặng (màu đỏ, cam). Chỉ số bụi mịn PM2.5 dao động ở mức trên 100 µg/m³, cao hơn gấp 4 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gần 11 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Bảng mức độ ô nhiễm không khí ở các thành phố trên thế giới hôm 30/9/2019
Bảng mức độ ô nhiễm không khí ở các thành phố trên thế giới hôm 30/9/2019 Ảnh chụp bảng mức độ ô nhiễm không khí của AirVisual


Nhìn qua nhìn lại, bạn bè nhiều người đã phải đi mua máy lọc không khí để mỗi phòng ngủ một cái, hoặc một cái lọc cho cả nhà, giá tròm trèm 6 củ, bằng tháng lương kỹ sư. Vì mấy đứa nhỏ thở không nổi, khò khè, ho rát cổ. Người lớn thì nặng nhọc, mệt mỏi. Cô chủ tiệm tóc gần nhà tôi có hai đứa con năm và sáu tuổi, đi học về là ra tiệm ở với bố mẹ tới mười giờ đêm. Tiệm không đóng kín cửa, trong ngày cao điểm Sài Gòn ô nhiễm đến mức chỉ số hiện màu tím (rất có hại cho sức khỏe), cả hai đứa lăn ra ho sằng sặc tới nỗi ói hết những gì trong bụng.

Trên báo VNEpress, bác sĩ Ngô Thế Hoàng, Trưởng Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết khoảng từ 19/9 đến 24/9, bệnh nhân nhập nội trú ở khoa tăng cao, có thời điểm quá tải. Cao điểm là chủ nhật 22/9, các y bác sĩ trực phải luôn tay luôn chân vì hầu hết bệnh nhân nhập viện tình trạng nặng, khó thở.

Các khoa hô hấp nhiều bệnh viện TP HCM đều ghi nhận bệnh nhân tăng cao, khoảng 5% đến 10% so với ngày thường. Bệnh nhi hen suyễn tại BV Nhi đồng nhập viện tăng khoảng 15%. Nguyên nhân phần lớn là do không khí ô nhiễm.

OK, ô nhiễm. Nhưng người dân chúng tôi đâu có gây ra ô nhiễm đến mức này? Tại sao chúng tôi phải gánh chịu? Tại sao kiếm đồng tiền chẳng dễ dàng gì, dân công chức thì lương tăng không chạy kịp với giá, mà chi phí cho những chuyện vô duyên cứ tăng không lúc nào dừng? Tại sao chúng tôi phải gánh thêm tiền điện tăng vọt, tiền mua máy lọc không khí, tiền mua khẩu trang, tiền chữa bệnh…? Tại sao người dân Việt Nam đã không may sinh ra ở cái nước nghèo nhưng giá cả các mặt hàng thiết yếu đều cao hơn các nước giàu có, giờ lại thêm khốn cùng tới nỗi thở cũng mất tiền?

Rồi chúng tôi sẽ phải mang khẩu trang cho đến suốt đời hay sao? Khái niệm ra công viên hóng gió, dạo bộ hít thở không khí trong lành giờ sẽ chỉ xuất hiện trong văn thơ tiểu thuyết hay sao?

Có cả một bộ Tài nguyên và Môi trường đó, nhưng chẳng có cơ quan nhà nước nào ở Việt Nam bị quy vào lỗi không quản lý được chất lượng không khí cả.

Trong các báo cáo của Bộ, không khí bị ô nhiễm là do nhiều nguồn phát thải, từ xe cộ cá nhân đời cũ cho đến các nhà máy lạc hậu. Và logic giải quyết vấn đề là: dân tự giác bớt đi xe lại, bớt ra đường đi. Các nhà máy lạc hậu tự động đổi công nghệ mới đi. Mọi người phải tự ý thức để bảo vệ môi trường đi. Bảo vệ môi trường là yêu nước đấy! Mẹ thiên nhiên sẽ chết vì hành động của chúng ta… vân vân.

Hình minh họa. Khói từ các ống khói nhà máy ở ngoại thành Hà Nội
Hình minh họa. Khói từ các ống khói nhà máy ở ngoại thành Hà Nội Reuters

Chính quyền sốt sắng (kêu gọi doanh nghiệp và các quỹ phi chính phủ) chi tiền ra để phát động những phong trào bảo vệ môi trường trên khắp báo đài và các hoạt động của xã hội dân sự, tổ chức các cuộc diễu hành trên phố.

Nhưng người dân cần phải chạy xe ra đường, vì hệ thống xe công cộng chưa bao giờ đáp ứng tốt nhu cầu của họ. Họ ra công viên tập thể dục, vì họ có quyền ra công viên tập thể dục. Họ phải hít thở thứ không khí độc hại vì tiểu thương và người bán thức ăn đường phố không thể bán hàng với cái khẩu trang trên mặt.  Doanh nghiệp phải cố gắng vận hành những nhà máy cũ kỹ vì nó vẫn còn mang lại lợi nhuận, và vì nếu cái ban kiểm tra môi trường có lò dò xuống kiểm tra thì chỉ cần đấm mõm một cái phong bì thì lại đạt chuẩn cả.

Quý vị chỉ cần google “biệt phủ + rừng đặc dụng” là có thể đọc được vô số vụ phá rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, xây cả quần thể biệt thự và khu du lịch tư nhân ủa các tướng công an, quan chức cấp bộ, cấp tỉnh, nghệ sĩ, doanh nhân…, mà dù có lệnh cấm hay bắt tháo dỡ, vẫn tồn tại hàng chục năm ở khắp Yên Bái, Hà Giang, Sóc Sơn, Đà Nẵng, Kon Tum, Đắc Lắc…

Thế thì ai mới là người cần yêu nước ở đây? Ai mới là người cần thay đổi? Ai mới có thể ra lệnh giảm phát thải, cấm phá rừng, di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi khu dân cư, giảm xe cá nhân, tăng xe công cộng, tăng diện tích cây xanh và nước mặt?

Hay chúng ta có thể đổi câu hỏi lại, AI là người phá nát rừng và biển, đầu độc bầu không khí, tạo nên những con đường bế tắc vì chung cư cao tầng mọc lên ngay trung tâm? Nói cách khác, ai mới là CHÍNH DANH THỦ PHẠM, chủ động gây ra ô nhiễm môi trường, để rồi xây nhà máy sản xuất bán xe máy, xây bệnh viện, bán mũ bảo hiểm, bán khẩu trang, bán máy lọc không khí, bán máy lọc nước.. . và còn bán vô số những thứ gì khác cùng với đà khai thác cạn kiệt cái đất nước này, ăn no béo tốt trên xương máu đồng bào?

Ngày xưa, sau 1975, chủ trương lý lịch khắc nghiệt đã đẩy hàng triệu người Việt Nam ra biển, “cái cột đèn có chân nó cũng vượt biên”. Qua thời tị nạn chính trị là đến tị nạn kinh tế khi thiếu đói hoành hành khắp cả nước. Khi miếng ăn không còn quá thiếu thốn thì các chính sách giáo dục thảm họa khiến dẫn đến cuộc tị nạn giáo dục ra khắp các nước văn minh hơn. Rồi bây giờ là thời của tị nạn môi trường. Rời bỏ đất nước để được thở!

Mai này khi cái thời cùng cực này qua đi, lịch sử sẽ ghi nhận về nó như một trang hài hước mà đau xót tận cùng, khi hình ảnh phổ biến nhất của một đất nước chính là những biển người bịt chặt cái khẩu trang và chôn chân trong kẹt xe, ngập nước mỗi ngày.

Nguồn: RFA