Công ty nước sạch sông Đà: 'Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất' (Gia Chính - Võ Hải)

Câu nói "chúng tôi là nạn nhân lớn nhất"của lãnh đạo Viwasupco phản ánh bản chất "vừa ăn cướp vừa la làng"của quan chức hoặc những tài phiệt có dính líu đến các nhóm lợi ích trong đảng cộng sản. Nhưng nhìn ở một phương diện nào đó, không chỉ có người dân, mà tất cả người Việt (kể cả quan chức, đảng viên,..) đều là nạn nhân của một chế độ lỗi thời, lạc hậu, chỉ có thể gây nên những thảm hoạ nghiêm trọng.

HÒA BÌNH-Được hỏi có xem xét đền bù thiệt hại cho người dân dùng nước sông Đà, lãnh đạo Viwasupco nói "chúng tôi là nạn nhân lớn nhất" trong sự cố.
VnExpress

Chiều 17/10, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cùng Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) họp báo về vụ ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến người dân khu vực Tây Nam Hà Nội.

Nhiều câu hỏi về trách nhiệm của nhà máy nước sông Đà được báo giới nêu, tuy nhiên ông Bùi Đăng Khoa - Phó giám đốc Viwasupco cho rằng, cơ quan công an đã khởi tố vụ án nên "các công việc liên quan đến quyền lợi người dân phải chờ kết luận điều tra".

Phó giám đốc Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà. Ảnh: Võ Hải.
Ông Bùi Đăng Khoa, Phó giám đốc Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà. Ảnh: Võ Hải.

Theo ông Khoa, sau sự cố, công ty đã áp dụng tất cả biện pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng nước đạt tiêu chuẩn như: Thuê Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam nạo vét toàn bộ bùn đất, vật liệu có thể bị dính dầu; dồn toàn nhân lực cho công tác khắc phục sự cố, sản xuất nước phục vụ nhân dân.

Lãnh đạo Viwasupco cho hay, chiều 16/10, công ty họp với thành phố Hà Nội và quyết định cấp nước trở lại để người dân sử dụng trong tắm giặt, trước mắt tiếp tục khuyến cáo "không sử dụng để nấu ăn, uống". Về chất Styren trong nước sạch, "ngày 14/10, chỉ số do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật công bố cho thấy chất lượng nước đã đạt tiêu chuẩn, kết quả là 5 µg/l trong khi quy chuẩn là 20 µg/l".

Trả lời câu hỏi Viwasupco có đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi nước sạch ô nhiễm hay không, ông Khoa nói: "Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất, nên rất mong trong thời gian tới công an sớm tìm ra thủ phạm".

Với vai trò cơ quan quản lý địa phương, ông Nguyễn Khắc Long, Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường tỉnh Hòa Bình, cho biết các đơn vị của tỉnh đã vào cuộc sớm và quyết liệt với sự việc này. 

Sáng 14/10, đơn vị đã xuống hiện trường kiểm tra khu vực bị đổ dầu thải và những vùng ảnh hưởng; lấy mẫu nước mặt, nước ngầm, mẫu trầm tích, mẫu dầu thải để đánh giá mức độ, tính chất của các loại dầu. Kết quả sẽ có trong vài ngày tới.

Chi cục trưởng Môi trường Hoà Bình Nguyễn Khắc Long. Ảnh: Võ Hải.
Chi cục trưởng Môi trường Hòa Bình Nguyễn Khắc Long. Ảnh: Võ Hải.

Ông Long cho rằng, Viwasupco phải có trách nhiệm kiểm tra chất lượng nước trước khi đưa vào xử lý, đảm bảo quy chuẩn về mặt vệ sinh mới được cấp cho khách hàng. 

Về lâu dài, ông Long cho biết đã đề nghị các bên liên quan xây dựng đường ống nước khép kín từ sông Đà về thẳng nhà máy xử lý, để kiểm soát chất lượng nước và tránh sự cố như vừa qua.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình nói, ngoài việc truy tìm trường hợp đổ chất thải ra môi trường, lực lượng chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của Viwasupco trên quan điểm "sai phạm đến đâu, xử lý đến đó".

Đêm 8/10, đầu nguồn khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) bị đổ trộm dầu thải. Dầu chảy ra suối Trâm rồi lan vào hồ Đầm Bài - nơi chứa nước để cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà.

Ngày 10/10, người dân khu vực Tây Nam Hà Nội phát hiện nước có mùi khét. Nhà chức trách vào cuộc và thông báo nước sinh hoạt ở khu vực này bị nhiễm chất Styren với tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức cho phép.

Ngày 16/10, Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Kỳ Sơn khởi tố vụ án về tội gây ô nhiễm môi trường liên quan vụ đổ trộm dầu thải đầu nguồn Nhà máy nước sạch sông Đà.

Tổng số khách hàng trên địa bàn Hà Nội sử dụng nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà khoảng 250.000 hộ. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng chưa cung cấp số lượng các hộ chịu ảnh hưởng từ sự cố nước sạch lần này.


Nguồn: Vnexpress