Chính quyền Hồng Kông khó có giải pháp cho khủng hoảng (Minh Anh)

Giải pháp của Bắc Kinh cho Hồng Kông hiện nay có lẽ chỉ là kéo dài thời gian để hi vọng những cuộc biểu tình sẽ lắng xuống. Họ không thể cho người dân Hồng Kông bầu trực tiếp lãnh đạo đặc khu vì như thế không khác gì cho Hồng Kông tự trị, và nhiều khu vực khác có thể sẽ "noi gương" theo Hồng Kông, nhưng ngược lại, họ cũng không thể đàn áp mạnh tay vì hậu quả ghê gớm của hành động này. Kéo dài thời gian có vẻ là giải pháp duy nhất. 

media

Cuộc khủng hoảng xã hội tại Hồng Kông sắp bước qua tháng thứ năm. Trưởng đặc khu hành chính vật vã tìm kiếm một lối thoát. Một số chuyên gia cho rằng khó khăn này xuất phát từ việc chính quyền chính quyền Hồng Kông không có quyền lực thật sự cũng như là các kinh nghiệm cần thiết để chấm dứt.

Bùng nổ vào tháng Sáu, các cuộc biểu tình tại Hồng Kông cho đến lúc này chưa cho thấy có dấu hiệu suy giảm và gần như là chuyện thường nhật. Bạo lực gia tăng mức độ từ cả hai phía người biểu tình và cảnh sát. Họ phản đối quyền tự do ngày càng bị hạn hẹp và sự can dự ngày càng lớn từ phía Bắc Kinh. Và dự luật dẫn độ như là ngòi thuốc nổ làm bùng lên những “ấm ức” từ khi phong trào Dù Vàng đòi dân chủ bị dập tắt.

Thế nhưng, mọi giải pháp do bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, trưởng đặc khu hành chính đề ra đều không thể hạ nhiệt cơn phẫn nộ của người biểu tình. Việc chính quyền Hồng Kông dùng đến một đạo luật có từ thời thuộc địa Anh Quốc cấm biểu tình đeo mặt nạ còn gây ra những vụ đập phá dữ dội hơn chưa từng có, làm tê liệt một phần lớn thành phố.

Nhận định về sự bất lực thực sự của chính quyền Hồng Kông trước phong trào phản đối, ông Ben Bland, giám đốc bộ phận Đông Nam Á, thuộc Lowy Institute, nói với AFP rằng đó là vì “chính quyền Hồng Kông đang có vấn đề về tính chính đáng.” Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga không do dân bầu lên mà được một ủy ban bầu cử gồm 1.200 thành viên, đa phần thân Bắc Kinh chỉ định.

Trong một đoạn ghi âm, mà nội dung đã bị rò rỉ hồi tháng 09/2019, trưởng đặc khu hành chính giải thích rằng bà phải phục vụ “hai chủ nhân”: Bắc Kinh và Hồng Kông, nên phạm vi hoạt động để có thể giải quyết khủng hoảng rất “hạn hẹp”.

Do vậy vẫn theo ông Bland, “vì chính quyền Hồng Kông không có tính chính đáng và các thẩm quyền chính trị mà các cuộc bầu cử tự do trao cho, nên giới chức Hồng Kông rõ ràng là gặp khó khăn trong việc điều hành”.

Còn theo ông Jeffrey A. Bader, nhà nghiên cứu tại Brookings Institution từng nhận định rằng hệ thống chính trị mà Anh Quốc trao lại cho Bắc Kinh năm 1997 chỉ làm cho người dân thêm lo lắng, không tin rằng “những mối bận tâm của họ có thể sẽ được một chính quyền hiệu quả hay có trách nhiệm xử lý, vì người dân xem chính quyền này hoàn toàn thần phục Bắc Kinh”.

Nhìn từ Trung Quốc, làn sóng phản đối này là một điều sỉ nhục không thể chấp nhận, thậm chí không thể chịu được. Bắc Kinh nhiều lần lên án đó là âm mưu của phương Tây nhằm áp đặt bằng sức mạnh nền dân chủ tại vùng lãnh thổ tự trị.

Nếu Bắc Kinh ra tay can thiệp trực tiếp vào Hồng Kông, hành động này có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế. Còn nếu phó mặc cho bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tự xoay sở, không đưa ra giải pháp nào khác ngoài việc ra lệnh trấn áp người biểu tình, thì tình trạng này sẽ gây chia rẽ thêm giữa người biểu tình ôn hòa với những kẻ cực đoan.

Trong bài xã luận trên báo Les Echos, ngày 21/10/2019, nhà báo Dominique Moisi nhận định, Trung Quốc sẽ phải trả giá cho chiến lược nói trên. Nếu Bắc Kinh cứ để cho tình hình tại Hồng Kông ngày thêm xấu đi, tìm cách xóa bỏ quy chế "một đất nước hai chế độ", thì điều này chỉ giúp củng cố thêm vị thế các thị trường chứng khoán châu Âu và bất lợi cho thị trường Hồng Kông. Chẳng lẽ Tập Cận Bình lại muốn như vậy.

Nguồn tin: RFI