Bắc Triều Tiên : John Bolton phân tích "sai lầm" của Donald Trump (Tú Anh)

Theo John Bolton, Bắc Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc mà tổng thống Mỹ tuyên bố « không quan tâm » thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu mọi chế độ khác tự tiện làm theo ?
media
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton gặp các nhà báo tại Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 12/08/2019.
REUTERS/Peter Nicholls/File Photo

Cựu cố vấn an ninh của Donald Trump bị thất sủng đã trình bày những bất đồng với tổng thống Mỹ về cách tiếp cận với Bắc Triều Tiên mà ông cho là « thất bại ngay từ đầu ».
Trong cuộc hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington tổ chức hôm Thứ Hai 30/09/2019, John Bolton cho biết ông rất vui được « bày tỏ nỗi lòng ».
Cựu cố vấn an ninh quốc gia, thuộc phái diều hâu, cho rằng chủ nhân Nhà Trắng bị Kim Jong Un đánh lừa, bất chấp những lời can ngăn. 
Sau cuộc gặp tại Singapore, Kim Jong Un để lộ ý đồ. Trong khi tổng thống Donald Trump khoe là « kết bạn » với lãnh đạo Bắc Triều Tiên thì theo John Bolton, Bình Nhưỡng không bao giờ tôn trọng lời hứa mà chỉ nối dối để được bỏ cấm vận : làm vài nhượng bộ nhưng không bỏ vũ khí hạt nhân. 
Sai lầm thứ hai là tuyên bố « không gấp » tìm thỏa thuận : Nói như thế chẳng khác nào khuyến khích Bình Nhưỡng cứ tiếp tục thử nghiệm, chế tạo và trang bị vũ khí hạt nhân. 
 Thứ ba là quyết định ngưng các cuộc tập trận đại quy mô với Hàn Quốc, vô hiệu hóa một phương tiện răn đe. Bộ Quốc Phòng Mỹ và Ủy ban điều tra của Quốc Hội sẽ đánh giá sai lầm này. 
Rồi khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa ra biển Nhật Bản, tổng thống Donald Trump cho rằng « đó là chuyện bình thường » dù đã được cảnh báo đó là hành động đe dọa.
Theo John Bolton, Bắc Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc mà tổng thống Mỹ tuyên bố « không quan tâm » thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu mọi chế độ khác tự tiện làm theo ?
Vấn đề là làm cách nào để phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên ? Trong cuộc hội thảo, cựu cố vấn an ninh nhấn mạnh đến « giải pháp Libya » bắt Bình Nhưỡng phải bỏ hết vũ khí hạt nhân. Nếu không được thì dùng « vũ lực tấn công » hoặc làm « thay đổi chế độ ».

Nguồn: RFI