CẢ DÂN TỘC ĐANG BỎ TRỐN (Việt Nghĩa)

Khi thông tin 9 người đi theo đoàn tuỳ tùng của chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trốn lại Hàn Quốc bị rò rỉ. Cộng đồng mạng được một phen hả hê, đắc chí với vụ tai tiếng đáng xấu hổ này. Nhưng liệu chúng ta có vô tội khi mỉa mai, kết án họ không? Họ trốn ở Hàn Quốc, còn chúng ta đang trốn trong những vỏ ốc mang tên mưu sinh, làm giàu, trình độ dân trí thấp, bất đồng ý kiến, chưa có tổ chức chính trị,...để khước từ trách nhiệm dân chủ hoá Việt Nam, bảo vệ và bênh vực công lý,  chống lại bất công.

Không chỉ ra đi bằng việc tìm cách trốn lại nước ngoài, nhiều người Việt
đã "ra đi" ngay trên chính đất nước mình. 

Không có tộc người nào trên thế giới mà không phải mưu sinh. Nhưng nhiều dân tộc vẫn đóng góp tích cực để thay đổi vận mệnh đất nước mình, thậm chí còn chia sẻ những giá tốt đẹp cho cả những đất nước khác. Chúng ta thì cứ mê muội trong men say kiếm tiền, luồn lách và ảo tưởng về một đội quân, một lãnh tụ nào đó sẽ đến đánh đổ độc tài, mang lại cho người Việt một nền dân chủ đa nguyên miễn phí, hoặc tệ hơn nữa, thì chúng ta còn một lựa chọn “khôn ngoan”: tìm cách định cư để hưởng thụ những giá trị tiến bộ ở những nước dân chủ, giàu đẹp.

Chúng ta cũng thường nguỵ biện rằng chúng ta thích làm giàu hơn. Nhưng chắc chắn rằng chúng ta chỉ đang làm giàu cho quan chức cộng sản. Danh sách triệu phú, tỷ phú thế giới chắc sẽ tăng đột biến nếu tài sản của các đảng viên cộng sản được công khai minh bạch. Mong muốn làm giàu của chúng ta đang làm nghèo đa số, làm cho đất nước ngày càng nghèo tài nguyên, nghèo văn hoá,…Và cái ngày đất nước tuyên bố giải thể sẽ càng gần hơn, nếu chúng ta cứ tiếp tục không làm gì khác ngoài làm giàu.

Một số ít cá nhân may mắn được học hành bài bản, có khả năng suy luận sâu sắc,…thì lại khước từ chiếc áo trí thức đích thức. Vì theo họ “đám ngu đông quá”, nồi cơm quan trọng hơn,..Kết quả là họ né tránh các diễn đàn tranh luận, xem các sân chơi non trẻ này không xứng tầm, và về trang cá nhân qui tụ, thu hút fan hâm mộ để được tung hô, tự sướng,..Có vị thầy giáo khá nổi tiếng vì sự cương trực còn mắng đám trẻ Hồng Kông đang tự đạp đổ nồi cơm của mình.

Một số ít cá nhân tham gia tranh luận tại các diễn đàn, câu lạc bộ, thì xem thường trình độ của các thành viên khác. Chỉ cần một vài ý kiến trái với quan điểm của mình, một vài căng thẳng trong tranh luận, là họ lập tức tự ái, bực bội và rút khỏi các cuộc thảo luận một cách lạnh lùng. Trong khi các sân chơi non trẻ này đang rất cần sự kiên trì, thậm chí chịu đựng của những con người có trình độ, kinh nghiệm, để không chỉ chia sẻ kiến thức, mà còn giúp dân tộc hình thành một văn hoá thảo luận, điều mà chúng ta đã quá kém may mắn khi bị tước bỏ vì sống dưới các chế độ độc tài.

Chúng ta dễ dàng chui vào vỏ ốc vì chúng ta không yêu thương anh em mình. Chúng ta cùng sinh ra trong dưới một mái nhà mang tên Việt Nam, nhưng chúng ta luôn xem những người cùng màu da, ngôn ngữ là xa lạ, đáng ghét, gánh nặng,..Những người may mắn thoát khỏi mảnh đất khốn khó hình chữ S đã chứng minh điều đó, họ tiêm nhiễm vào đầu con cái mình hình ảnh VN xấu xí, độc tài, bẩn thỉu và nếu nhây vào thì chỉ thêm khổ thân. Nên con cái của họ chẳng có lý do gì để tự hào về nguồn gốc Việt, ngược lại chúng luôn tự nhận là người Mỹ, người Pháp,… Chúng ta đã đặt những mâu thuẫn, những đổ vỡ, những mất mát,..lên trên sự thiêng liêng của tình anh em, tình đồng bào. Và chúng ta nên tự hỏi xem mình còn yêu nước không, hay thực tế hơn nữa là tự hỏi chúng ta đã từng yêu nước chưa? Chúng ta là một dân tộc đang bỏ trốn, và nếu có điều kiện như 9 người nêu trên, tôi tin rằng không ít người sẽ lựa chọn giống họ.

May mắn thay, đích thân người viết vẫn được chứng kiến những bạn trẻ vì trốn gia đình, phải chui vào gầm bàn lúc mưa to để thảo luận về chính trị, về đất nước qua những ứng dụng họp trực tuyến. Hay vẫn có những bạn vất vả học tập, mưu sinh ở nơi đất khách quê người, nhưng vẫn tranh thủ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi, để tích luỹ kiến thức chính trị qua màn hình điện thoại nhỏ bé, chật chội o ép đôi mắt đến ngột ngạt. Hoặc những anh chị đã sức cùng lực kiệt, vật vã đau đớn với những căn bệnh nan y, nhưng thay vì trăn trở về sức khoẻ của mình, thì họ lại luôn đau đáu về sự trưởng thành của phong trào, của anh em tranh đấu, của tương lai dân tộc. Đó là những ánh sáng leo lét cuối đường hầm, nó cần phải được tiếp lửa để bùng cháy. Và chỉ có cách chui ra khỏi những vỏ ốc mang tên trốn tránh thì chúng ta mới có thể làm được điều này.

Việt Nghĩa (28/09/2019)