Thất bại của Trung Quốc trong việc xử lý các khoản nợ (Gordon G. Chang)

Giờ đây, Trung Quốc phải kiềm chế nợ nần, và việc kiềm chế nợ nần có những hậu quả đáng sợ. Các doanh nghiệp lớn vốn vẫn được nhà nước cấp vốn, nhưng giờ đây, vì những lo ngại về nợ nần, chúng không còn nhận được những gì chúng cần để trả cho các chủ nợ. Ông Stev Stevenson-Yang nói rằng "Chính sách thắt chặt tiền tệ có nghĩa là mất khả năng thanh toán (vỡ nợ), nói thẳng tuột ra là như vậy, và mất khả năng thanh toán (vỡ nợ) ở quy mô rất lớn. Vì vậy, sẽ lại phải gấp thếp nợ (tích lũy nợ) và xóa nợ cho đến khi mà quy mô trở nên quá lớn để có thể xử lý". (Gordon G. Chang)
Vào thứ Sáu (19/07/2019), Tập đoàn Đầu tư Dân sinh Trung Quốc (China Minsheng Investment Group - CMIG) đã thông báo rằng công ty con của nó, Bùng phát Đầu tư (Boom Up Investments - BUI), sẽ không thực hiện các khoản thanh toán gốc hoặc lãi vào ngày 2 tháng 8 tới đây đối với các trái phiếu bằng đồng đô la có thời hạn ba năm trị giá 500 triệu đô la.
Việc không thể thanh toán này sẽ là lần đầu tiên đối với các chủ nợ trái phiếu bằng đồng đô la của công ty. Ngay từ hồi tháng Một (2019), CMIG, với tư cách là tập đoàn đầu tư cao cấp nổi tiếng trước đây, đã không thực hiện được việc thanh toán đối với các khoản nợ bằng đồng Nhân dân tệ.
Bản thông báo ra ngày thứ Sáu này của CMIG, mặc dù không phải là một bất ngờ, nhưng dù sao cũng khá rúng động. Như Bloomberg News đã đưa tin, công ty này đã từng được cho là sẽ trở thành "đối trọng của Trung Quốc" đối với JP Morgan Chase - tập đoàn ngân hàng khổng lồ của Mỹ.
Những khó khăn của CMIG phản ánh các vấn đề tại các công ty khác và diễn ra ngay sau cú thất bại gây sốc của Ngân hàng Bao Thương, một ngân hàng mà chính quyền Trung cộng đã tiếp quản vào hồi tháng trước.
Việc không thanh toán được các trái phiếu này đang gây rúng động Trung Quốc. Năm nay (2019), họ gần như chắc chắn sẽ vượt qua các kỷ lục của năm 2018, những kỷ lục mà chính nó đã lập nên. Những thua lỗ này cho thấy rằng, cùng với nhiều những điều khác, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nguy cấp nghiêm trọng.
Thoạt nhìn, các công ty sẽ không gặp khó khăn trong việc thanh toán cho các chủ nợ. Tổng sản phẩm trong nước, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, đã tăng 6,3% trong nửa đầu năm nay. Trong những môi trường tăng trưởng cao, thông thường, các công ty không mấy khi gặp thất bại. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, có tồn tại một loại dịch bệnh (tạm gọi là) vỡ nợ.
Việc mất khả năng thanh toán (vỡ nợ), mặc nhiên cho thấy rằng (nền kinh tế) Trung Quốc, trong thực tế, không hề phát triển (cho dù là) gần với tốc độ mà Bắc Kinh đã loan báo.
Để lấy ví dụ, hãy nhìn vào năm ngoái. Cục thống kê Trung Quốc (National Bureau of Statistics of China - NBS) cho biết rằng nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển ở nhịp độ 6,6 % trong năm 2018. Điều đó khó có thể xảy ra. Hối tháng 12/2018, trong một bài phát biểu, ông Hướng Tùng Tộ (向 松 祚 ; sinh 1965) thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh đã tạo ra một sự rúng động trên khắp Trung Quốc khi nói rằng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2018 sẽ chỉ đạt mức 1,67% hoặc thậm chí là âm.
Các chỉ số của năm ngoái đã hậu thuẫn cho đánh giá u ám này của ông Hướng. Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc giờ đây có vẻ như đang co rút lại. Lấy ví dụ, tháng Sáu là một tháng khủng khiếp. Cả hai chỉ số về quản lý sức mua chính thức và không chính thức đều cho thấy rằng khu vực sản xuất chế tạo quan trọng đang bị co lại ; doanh số bán xe hơi (chỉ số hàng đầu của khu vực sản xuất chế tạo), theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, đã giảm 9,6%, là tháng giảm thứ 12 liên tiếp ; và nhập khẩu, một biện pháp được theo dõi chặt chẽ phản ánh nhu cầu nội địa, đã giảm 7,3%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thực tế của Trung Quốc, một vấn đề vốn vẫn được tranh luận bất tận, vẫn chưa phải là câu chuyện thực sự. Có hai câu chuyện để dõi theo. Câu chuyện thứ nhất là các khoản nợ. Bắc Kinh về cơ bản đã buộc các doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ để giữ cho nền kinh tế phát triển.
Ngay cả khi người ta tin vào các số liệu tăng trưởng bị thổi phồng của Bắc Kinh, thì ngay đầu năm nay, quốc gia này đã tạo ra một khoản nợ gấp năm lần rưỡi so với GDP danh nghĩa. Điều này có nghĩa là, một năm trước đây, các khoản nợ của Trung Quốc mới chỉ gấp một lần rưỡi so với GDP danh nghĩa.
Việc tạo ra các khoản nợ nần, cho đến gần đây, đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Theo những ước tính thận trọng, Trung Quốc có số nợ lớn gấp ba lần so với tổng sản phẩm quốc nội được báo cáo, tức là vào khoảng 303% trong quý đầu tiên của năm nay, theo Viện Tài chính Quốc tế.
Đại tự sự thứ hai là Trung Quốc không thể phát triển vượt thoát ra khỏi vấn đề nợ nần của nó. Lịch sử kinh tế năm nay được chia thành ba phần. Có những tháng yếu như tháng Một và tháng Hai ; có một sự phục hồi nhỏ trong tháng Ba và sự suy thoái trong tháng Tư, tháng Năm và tháng Sáu.
Có thể rút ra một kinh nghiệm về sự tăng trưởng trong một tháng này : kích cầu không còn hoạt động tốt nữa. Ông Cameron Sara Hsu, CEO của China Rising Capital, nói với National Interest rằng "trong năm nay, Trung Quốc không còn có thể dựa vào kích thích tài khóa và tiền tệ quá mức nữa do chính sách tiền tệ vốn đã lỏng lẻo và mức nợ cao được tạo ra bởi các chính sách kích thích tài khóa trước đó. Những chính sách này đã trở nên ít khả dụng hơn đối với các nhà kỹ trị Trung Quốc do sự phụ thuộc quá mức trước đó vào các lựa chọn như vậy".
Anne Stevenson-Yang của J Capital Research có trụ sở tại Bắc Kinh cũng đồng ý với nhận định trên đây. Bà nói rằng "Chính quyền Trung cộng sẽ không tràn ngập thị trường bằng các kích thích tiền tệ nữa. Ví dụ, việc cắt giảm lãi suất hơn nữa là không thể xảy ra, cũng như một loạt các khoản cho vay bổ sung mới được cam kết và các công cụ tiền tệ hắc ám khác".
Quý vị có thể nhắc lại điều đó một lần nữa. Thuật ngữ kích thích tiền tệ quá mức của Trung Quốc là một sự "làm thủy lợi bằng những trận lũ lụt" và cần phải giải thích về cụm từ này. Ở Trung Quốc năm ngoái, M2, một chỉ số rộng để đo lường tiền tệ, là 202,9% của GDP được báo cáo. Xin hãy so sánh, cũng trong năm ngoái, chỉ số M2 của Mỹ chỉ bằng 69,2% GDP.
Không có gì ngạc nhiên khi kích thích tiền tệ đã không còn hiệu quả trong năm nay. 
Giờ đây, Trung Quốc phải kiềm chế nợ nần, và việc kiềm chế nợ nần có những hậu quả đáng sợ. Các doanh nghiệp lớn vốn vẫn được nhà nước cấp vốn, nhưng giờ đây, vì những lo ngại về nợ nần, chúng không còn nhận được những gì chúng cần để trả cho các chủ nợ. Ông Stev Stevenson-Yang nói rằng "Chính sách thắt chặt tiền tệ có nghĩa là mất khả năng thanh toán (vỡ nợ), nói thẳng tuột ra là như vậy, và mất khả năng thanh toán (vỡ nợ) ở quy mô rất lớn. Vì vậy, sẽ lại phải gấp thếp nợ (tích lũy nợ) và xóa nợ cho đến khi mà quy mô trở nên quá lớn để có thể xử lý".
Cho đến nay, bất chấp những dự đoán về khủng hoảng tài chính, Bắc Kinh vẫn lèo lái để có thể tránh được một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng việc tích lũy các khoản nợ trong quá khứ để tránh né việc thanh toán, các nhà kỹ trị Trung Quốc đã làm cho tình trạng nợ nần giờ đây trở nên quá lớn để có thể xử lý.
Tại thời điểm này, các nhà kỹ trị Trung Quốc đã cạn kiệt mọi sự lựa chọn. Chỉ còn một lối thoát duy nhất dành cho họ : tạo GDP nhanh hơn các khoản nợ. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, thực tế cho thấy họ không có khả năng làm được điều này.
Rốt cuộc, nếu việc mất khả năng thanh toán (vỡ nợ) là đáng lưu ý, mà thực tế có vẻ là như vậy, thì đó là tín hiệu cho thấy rằng các nhà quản lý kinh tế của Trung Quốc đang mất kiểm soát.
Gordon G. Chang
Nguồn : China's Debt Debacle, The National Interest, 22/07/2019
Mai Hưng dịch
Nguồn : VNTB, 31/07/2019
Gordon G. Chang là tác giả " Cuộc tranh chấp hạt nhân : Triều Tiên lèo lái thế giới. Quý độc giả có thể theo dõi tác giả trên Twitter @GordonGChang.