Giải pháp về Brexit của Tân Thủ tướng Boris Johnson (Đỗ Kim Thêm)

Brexit đã giúp cho người Anh bừng tỉnh một loại chủ nghĩa dân tộc đặc thù, bởi vì có rất nhiều khuynh hướng dân tộc cực đoan, dị biệt địa phương hay tôn giáo trước đây đã có, nhưng ít người nhận ra hoặc đã bị đánh giá thấp trước cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Sau khi kết quả Brexit được công bố, cảm nhận về phân hoá xã hội hiện ra rõ nét hơn. Mọi người trong dân chúng có thể nói cho nhau nghe là chúng ta không thuộc về nhau, ngay cả trong phe cứng rắn của đảng Bảo thủ. (Đỗ Kim Thêm)


Hiện trạng

Hiểm hoạ mà nhiều người dân Anh lo sợ đã đến: Boris Johnson, cựu Thị trưởng Thành phố Luân Đôn, cựu Ngoại trưởng, lãnh đạo đảng Bảo thủ và Phong trào Brexit 2016 vừa trở lại chính trường và trở thành tân Thủ tướng, nó bộc phát một nguy cơ cho Liên hiệp Vương quốc Anh thống nhất trong các giải pháp về Brexit.

Trong cuộc bầu cử của đảng Bảo thủ với gần 160.000 thành viên tham gia, Johnson đã thắng đối thủ Jeremy Hunt. Khoảng 92.000 đảng viên đã chọn Johnson và Hunt nhận khoảng 47.000 phiếu bầu. Khi được bầu làm tân Chủ tịch của đảng Bảo thủ, Johnson cũng trở thành tân Thủ tướng, người kế nhiệm cho bà Thủ tướng Theresa May.

Trong diễn văn nhậm chức tại Quốc hội, Johnson hãnh diện tuyên bố là bằng mọi giá sẽ thực hiện giải pháp Brexit vào đúng ngày 31 tháng 10 năm 2019, mà không theo thủ tục thương thảo với Liên Âu (No Deal Brexit Option). Johnson tuyên bố, với thành quả này, ông ta sẽ biến đất nước thành nơi tuyệt vời nhất trên trái đất và một thời kỳ hoàng kim bắt đầu.

Dĩ nhiên, không ai ngạc nhiên về lời tuyên bố, vì sự khiêm tốn chưa bao giờ là thế mạnh của Johnson, một phiên bản khác của Donald Trump. Phô trương chiến lược ‘Brexit bằng mọi giá’ của Johnson đã không thu hút mà còn gây nguy hiểm cho sinh hoạt chính trị của Anh, vì người Anh vốn dĩ nổi tiếng là yêu thích sự ổn định.

Nhìn chung, khó khăn cho Johnson là nền kinh tế Anh hiện nay bất ổn. Theo một dự kiến, tăng trưởng kinh tế giảm xuống 2%, tỷ lệ lạm phát là 4,1% và sản lượng công nghiệp giảm 5%. Sau khi Johnson nhậm chức, đồng bảng Anh trên thị trường cổ phiếu xuống giá hằng ngày.

Về mặt chính trị, những người theo chủ nghĩa dân tộc thuộc vùng Scotland đang kêu gọi trưng cầu dân ý lần thứ hai về quyền độc lập. Bắc Ireland có thể tách ra khi nguy cơ mất 100.000 việc làm do Brexit thành hiện thực. Ngay cả giới theo đảng Bảo thủ cũng mong rằng vào mùa thu năm nay lại sẽ có một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Để đạt mục tiêu, Johnson thay đổi hơn phân nửa các thành viên trong nội các, tuyển dụng thêm người cộng sự có lập trường cứng rắn với Liên Âu và đảng đối lập. Johnson đạt một tỷ lệ đa số cực kỳ mong manh ở Quốc hội. Kết quả này là do sự hợp tác khá bất thường của đảng Democratic Unionist Party (DUP) thuộc Bắc Ireland, một đảng chỉ chiếm 10 ghế tại Quốc hội.

Để giải quyết các vần đề phân hoá xã hội và dị biệt khu vực do hậu quả của Brexit, Johnson gia tăng các biện pháp đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ hiện đại và phát triển cơ sở hạ tầng, tuyển dụng thêm 20.000 cảnh sát cho nhu cầu an ninh, trang bị tốt hơn cho hệ thống y tế và giáo dục và giảm thuế cho các doanh nhân và giới trung lưu. Tài trợ cho toàn bộ các biện pháp sẽ lên tới 39 tỷ bảng Anh và do công trái mới. Nợ công của Vương quốc Anh còn là một gánh nặng sau khi rời khỏi Liên Âu. Dựa theo kinh nghiệm của Úc, Johnson công bố chính sách nhập cư mới và bảo đảm cho 3,2 triệu công dân châu Âu có quyền ở lại Anh sau khi Brexit kết thúc.

Thực tế cho thấy là Johnson không có nhiều thời gian. Trước quyết định của Johnson, phản ứng của các giới hoàn toản khác nhau, nhưng áp lực của doanh giới và người tiêu dùng là nặng nề hơn.

Phản ứng của doanh giới và người tiêu dùng

Tại trung tâm tài chính Luân Đôn, tình hình tĩnh lặng hơn, vì nhiều ngân hàng và công ty bảo hiểm đã thu xếp từ lâu việc tháo chạy. Việc thành lập chi nhánh tại châu Âu chỉ là vấn đề thời gian và thủ tục.

Ảnh hưởng trầm trọng do Brexit là doanh nghiệp thương mại và công nghiệp sản xuất chế biến. Theo một ước lượng, trong số 244.000 doanh nghiệp Anh, có đến 1/3 là có thưong vụ kinh doanh với Liên Âu. Nhiều chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp lệ thuộc các đối tác từ Liên Âu. Khi luật nhập khẩu và thuế quan thay đổi, doanh nghiệp sẽ không thể tiếp tục điều hành và đã đăng ký để xin tiếp tục kinh doanh trong trường hợp Anh không theo thủ tục thương thảo. Mọi bước chuẩn bị thích nghi cho tình hình mới cũng phải trả bằng một cái giá rất đắt, từ tư vấn cho đến các biện pháp, nhất là các doanh nghiệp trung và nhỏ đang khan hiếm thanh khoản. Riêng tại vùng tại Đông Bắc Anh 60% doanh nghiệp lệ thuộc Liên Âu, nên 150.000 chỗ làm sẽ bất ổn.

Cực kỳ hoang mang là ngành công nghiệp xe hơi, vì hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng đến 80%, một vấn đề sinh tử cho thị trường nhân dụng. Một ưu tư chung cho các doanh nghiệp là bảo vệ cho tiến trình sản xuất, khi thủ tục thuế quan không rõ ràng sẽ làm chậm tốc độ, một thua lỗ mà các doanh nghiệp muốn né tránh.

Điều chắc chắn là hiện nay Anh sẽ không có kế hoạch đầu tư mới, trong khi các nguồn cung ứng cho các dự án đang hoạt động đã sút giảm đến 80%. Từ lâu, Opel Astra, BMW, Ford và Honda đã lên tiếng báo động về tình trạng sản xuất trong tương lai. Ford, PSA và Honda đã đóng cửa các phân xưởng. Khi PSA đưa sản xuất về Nam Tây Âu và Đức, Nissan khó đoán mọi ưu thế không còn. Do Brexit, thuế nhập khẩu thay đổi, giá bán trung bình sẽ đắt hơn 1.500 bảng Anh cho mỗi chiếc.

Người tiêu dùng phản ứng gay gắt trước tình trạng vật giá leo thang. Giá trung bình cho bữa ăn sáng theo kiểu Anh thông thường đắt hơn một phần tư. Mãi lực cho một hộ gia đình trung bình có thể mất khoảng 1.700 bảng Anh trong một năm.

Tại sao Johnson lại theo đuổi những một chính sách như vậy? Có quá nhiều câu trả lời cho vấn đề phức tạp này, mà cá tính của Johnson, sinh hoạt lưỡng đảng lỗi thời và khủng hoảng bản sắc là chủ yếu.

Cá tính của Johnson

Là một nhà chính trị thành danh trong chính trường, nhưng Johnson có những đặc điểm không bình thường. Trước ngày trở thành thủ tướng, Johnson có thành tích nói dối kinh niên, cuộc sống cá nhân thiếu hạnh phúc với hai lần hôn nhân tan vỡ và vô số cuộc tranh lụận vô bổ. Do mất uy tín, Johnson đã nhiều lần từ chức trong việc lãnh đạo đảng và chính quyền.

Là nhà lãnh đạo phong trào Brexit được tổ chức vào ngày 23 tháng 6 năm 2016, lập luận của Johnson trong cuộc trưng cầu dân ý là Vương quốc Anh thống nhất phải trả khoảng 350 triệu bảng Anh hàng tuần cho Liên Âu, số tiền này Anh cần lấy lại để sử dụng cho các dịch vụ y tế trong nước. Những tuyên bố mị dân này về sau đã được phanh phui.

Là Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Johnson đã hai lần rò rỉ thông tin tình báo bí mật, trong một trường hợp là chuyện tình báo Pháp về Libya, và trong một trường hợp khác là chuyện tình báo Anh về Iran.
Trong các cuộc thăm dò công luận ở tất cả các lớp tuổi, tỷ lệ không tán thành cho Johnson ở mức cao nhất, bù lại, Johnson chiếm được ủng hộ trong giới cao niên. Chính khách quốc tế ủng hộ nhiệt tình nhất cho Johnson không ai khác hơn là Donald Trump. Do sự thân thiết cá nhân, Trump hứa là sẽ ủng hộ tối đa và toàn diện cho thoả ước tự do thương mại Mỹ-Anh trong tương lai. Theo nhận xét của Ian Hughes, nhà tâm lý học người Ireland, Donald Trump và Johnson đều có điểm tương đồng là tâm trí rối loạn.

Giới cuồng Johnson là ai? Họ là các cử tri lớn tuổi ở nông thôn. Trong những thập niên gần đây, họ chịu những bất công xã hôi, bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách di dân, bảo hiểm y tế và đầu tư ra nước ngoài. Họ là những người còn luyến tiếc cho một thời vinh quang của một đế quốc về hàng hải và thương mại quốc tế.

Sau khi vạch trần mọi thủ thuật của Johnson trong suốt thời gian qua, dư luận đã phản đối Johnson gay gắt. Thủ tướng Theresa May đã ba lần đưa ra các giải pháp cho cuộc triệt thoái của Anh ra khỏi cơ quan Liên Âu, nhưng bất thành vì Quốc hội không đồng thuận nội dung.

Khi trở lại chính trường trong một tỷ lệ mong manh, chiến thắng của Johnson là một trò chơi nguy hiểm trong ngắn hạn. Cho đền nay, mặc dù công chúng và đa số trong quốc hội còn tiếp tục phản đối về cách giải quyết Brexit không có thỏa thuận, Johnson đã cam kết rằng sẽ không đàm phán cho một sự thay thế nào khác tương ứng.

Sinh hoạt lưỡng đảng lỗi thời

Tuy nhiên, lời giải thích do cá tính không đầy đủ cho sự trở lại chính trường của Johnson. Thực ra, cơ cấu sinh hoạt chính đảng trong nền dân chủ đại nghị Anh thất bại cũng là lý giải quan trọng hơn.

Nhìn chung, nền dân chủ truyền thống Anh đã không giải quyết được nhu cầu của người lao động trong thời kỳ đất nước đang chuyển mình. Trào lưu toàn cầu hoá, khủng hoảng thị trường tài chính và phong trào di dân làm cho bất công trong xã hội lan rộng, phân hoá càng trở nên triệt để hơn.

Một thí dụ điển hình là Luân Đôn biến thành trung tâm tài chính của thế giới phương Tây. Thành công này là do các biện pháp tự do hóa thị trường tài chính dưới thời Margaret Thatcher, mà phần lớn các hoạt động là do tiền đóng của các nhà độc tài và doanh nhân tham nhũng góp từ khắp nơi trên thế giới. Liên Âu không thể kiểm soát dòng xuất nhập của tiền tệ có xuất xứ không rõ ràng vì Anh độc lập về tiền tệ và không hợp tác. Sự thịnh vượng này không mang lại phát triển cân đối và bền vững cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Bất mãn cao độ về chính giới bất tài và trục lợi là lý do tại sao các thành phần lao động, về sau cả giới trẻ và trung lưu thành thị chuyển dần sang khuynh hướng chính trị cực đoan. Khi Johnson quyết tâm theo đuổi chính sách một Brexit không thỏa thuận là đi ngược lại lợi ích chung của toàn thể.

Dù ở địa phương hay trung ương, đảng thắng cử không thể đề ra chương trình lảm việc như khi tranh cử vì không đạt đa số tuyệt đối để cầm quyền. Để nắm quyền, đảng phải thoả hiệp với các đảng đối lập và tổ chức các chương trình làm việc không thoả mãn quyền lợi của đa số cử tri.

Các chính đảng không đại diện cho đa số những người phản đối Brexit. Tuy nhiên, hệ thống chính trị cũng cho phép một phe cánh của đảng có thể áp lực để đưa ra những lựa chọn lịch sử và lâu dài cho đất nước. Các chính khách có nhiều thủ thuật nguy hiểm giành được quyền lực với một đa số cực kỳ mong manh, mặc dù công chúng và truyền thông xã hội lên tiếng chống đối.

Công chúng bị nhiều vấn đề khác, ví dụ như nhầm lẫn do các loại tin sai lệch mà không có khả năng kiểm chứng kịp thời. Họ bị lũng đoạn bởi những đam mê nguy hiểm của chính trị gia bất xứng.

Cải cách thể chế chính trị truyền thống của Anh cho phù hợp với nhu cầu khẩn thiết trong thời đại đang luôn biến chuyển là một thách thức nghiêm trọng.

Khủng hoảng bản sắc

Brexit cần phải được nhìn trong tính cách toàn diện và sâu xa hơn là cải cách thể chế chính trị. Một vấn đề đúng nghĩa nhất cho Anh là khủng hoảng bản sắc với các triệu chứng khác nhau.

Mối quan hệ các quốc gia trong Vương quốc Anh không cân xứng. Người Anh (England) thống trị mọi sinh hoạt, đông dân nhất, ảnh hưởng về chính trị, nhưng không có quốc hội riêng. Người Anh chỉ có Hạ viện và Thượng viện, đó là Quốc hội Anh của Westminster, tiêu biểu cho một nền chính trị quân chủ đại nghị, trong khi người Scotland và người Bắc Ireland và người xứ Wales có quốc hội riêng, nên họ có thể tự quyết định các vấn đề bằng một số luật địa phương.

Brexit là một biểu hiện về “collective English mental break-down“, sự suy sụp tinh thần tập thể của nước Anh. Để tìm ra nguồn gốc, cần nhìn lại lịch sử trong một thời gian dài. Do vị thế địa lý, người Anh không quan tâm đến thế giới bên ngoài và có cảm tưởng gắn bó với lục điạ châu Âu. Vấn đề bản sắc very british đã được hình thành trong suốt ba thế kỷ của Đế quốc Anh. Sự hiểu biết hiện tại của người Anh trong hầu hết vấn đề là một tiếng vang của suy nghĩ trong quá khứ vàng son do Đế chế hình thành.

Brexit đã giúp cho người Anh bừng tỉnh một loại chủ nghĩa dân tộc đặc thù, bởi vì có rất nhiều khuynh hướng dân tộc cực đoan, dị biệt địa phương hay tôn giáo trước đây đã có, nhưng ít người nhận ra hoặc đã bị đánh giá thấp trước cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Sau khi kết quả Brexit được công bố, cảm nhận về phân hoá xã hội hiện ra rõ nét hơn. Mọi người trong dân chúng có thể nói cho nhau nghe là chúng ta không thuộc về nhau, ngay cả trong phe cứng rắn của đảng Bảo thủ.

Do Brexit gây phân hóa, nên đặt vấn đề thống nhất quan điểm của Vương quốc Anh thành một mối hiểm nguy thực sự. Hiện tại, chính giới Scotland không thoải mái về các quyết định chính trị với Luân Đôn mà là với Liên Âu, nơi họ nhận 60% tài trợ cho nông sản. Có nên bắt đầu một phong trào hợp nhất cho Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland không? Theo đuổi một chính sách tự trị, theo họ, là hợp lý và khả thi, nhất là khi có Liên Âu và dân chúng hậu thuẫn.

Sau thời kỳ Brexit, khủng hoảng bản sắc bắt đầu với nhiều loại giá trị mới đã thành hình, một hình thức khả chấp của đa dạng bản sắc, có thể gọi chung là hậu Công giáo, trong đó xã hội Anh khoan dung hơn với các vấn đề hôn nhân đồng tính và phá thai.

Ai là người Anh có mang đủ bản sắc đích thực và trách nhiệm cho tương lai của đất nước? Nước Anh đã thay đổi rất nhiều trong vài thập niên qua. Trong số 66 triệu người Anh, có một triệu người Pakistan, một triệu người Ấn Độ và một triệu người Ba Lan. Người Ba Lan thế hệ đầu tiên không nhất thiết phải có vị thế này, mà có lẽ là thế hệ tiếp theo.

Tầng lớp trung lưu da trắng người Anh bắt đầu làm quen những người Anh mới, ví dụ như Sajid Javid thuộc giới bảo thủ, là Bộ trưởng Nội vụ của Bà Theresa May, nay là Bộ trưởng Bộ Tài chính cho Johnson, có cha là tài xế xe buýt người Pakistan. Sadiq Khan, Thị trưởng Luân Đôn, một người Hồi giáo. Vì vậy, có những người Anh thực sự hoàn toàn mới và đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng.

Quan hệ với Liên Âu

Mối quan hệ với Liên Âu khó có thay đổi triệt để. Cuộc đầu phiếu của Brexit đã rõ ràng: 51, 9% người Anh đã quyết định ra đi. Quan trọng nhất là cả hai bên Liên Âu và Anh tuân thủ quyết định tối thượng này và đã đồng ý về thủ tục. Kết quả của thoả ước là 585 trang với 185 điều khoản, bao gồm ba thoả ước bổ sung và một số các phụ đính khác. Trong thời gian này sẽ không thay đổi về hiện trạng, nhưng sẽ có tiếp tục đàm phán về các mối quan hệ trong tương lai.

Tuy nhiên, Hạ viện không đồng ý nội dung. Bất thường nhất là Hạ viện không có bất cứ một giải pháp nào khác thay thế: ở lại trong Liên Âu, trưng cầu dân ý lần thứ hai, ra đi có và không có thoả thuận. Hạ viện muốn gì, không ai biết, kể cả Liên Âu, cơ quan kết ước. Đây là tình huống khi Johnson đến yết kiến Nữ hoàng để nhận uỷ nhiệm thư cho chức vụ Thủ tướng.

Còn Liên Âu? Trong mọi tình huống, Liên Âu không thể thương thuyết lại khi vấn đề đã được chung quyết. Mọi thay đổi nguyên tắc chung không thể xảy ra. Liên Âu sẽ tiếp tục duy trì việc bảo vệ các quyền cơ bản cho người dân trong việc tự do di chuyển trong nền kinh tế thị trường và tinh thần trọng pháp. Liên Âu không có ảnh hưởng trong việc quyết định quốc nội của Anh.

Vấn đề là Vương quốc Anh lựa chọn ra đi có hay không có thoả thuận và Hạ viện chấp thuận nội dung nào. Trước tiên, Johnson phải có đa số ở Hạ viện và phải sử dụng một thủ thuật nào đó để đạt mục tiêu. Johnson phải biết rõ dân Anh muốn gì. Tin buồn mới nhất cho Johnson là sau cuộc bầu cử địa phương ở Wales, DUP mất phiếu, tỷ lệ phiếu bầu mà Johnson có được tại Quốc hội là 320, so với đảng đối lập là 319. Một khởi đầu mong manh cho mọi thủ thuật.

Nhưng Johnson sẽ làm gì, vấn đề Brexit còn tiếp diễn. Theo một dự đoán khách quan, dù giải pháp nào cho Brexit, hậu quả bất lợi cho nền kinh tế Anh kéo dài, ngắn nhất là mười năm, dài nhất là hai muơi năm.

3.8.2019 

Theo Báo Tiếng Dân