Biển Đông: Tàu khảo sát Trung Quốc tiến gần bãi Tư Chính của Việt Nam (Thụy My)

Một điều rất nghịch lý về những thông tin liên quan đến bãi Tư Chính - một vùng biển hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, là những thông tin về những căng thẳng ở vùng biển này lại được đưa ra bởi báo chí và truyền thông nước ngoài thay vì chính báo chí trong nước và chính quyền Việt Nam. Phải nói rằng thái độ của chính quyền cộng sản là cực kỳ vô trách nhiệm, họ bưng bít những thông tin liên quan trực tiếp tới chủ quyền quốc gia, họ coi nhân dân Việt Nam không ra gì. Với thái độ như vậy thì khó có thể hi vọng gì về quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia từ chế độ hiện nay. Giải pháp để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông không khó để nhìn ra, thậm chí là rất hiển nhiên, nhưng những giải pháp này đều đòi hỏi phải dân chủ hoá thực sự, đây cũng là nguyên nhân mà đảng cộng sản khước từ - một tổ chức luôn đặt quyền lợi và quyền lực của mình là trước hết và trên hết, trên cả đất nước. 

media
Vị trí lô dầu khí 6.01 (màu tím) của Việt Nam ở vùng Bãi Tư Chính (Biển Đông). Bản đồ do AMTI - CSIS công bố.

Tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) hôm nay 28/08/2019 đến gần khu vực bãi Tư Chính, với mức độ khảo sát dày đặc hơn trước, theo quan sát của các nhà chuyên môn.

Trang Đại sự ký Biển Đông cho biết trong hai ngày qua, chiếc tàu này thay vì tiến sâu vào bờ biển Việt Nam theo kiểu zig zag, đã đổi hướng đến gần bãi Tư Chính. Có lúc Hải Dương Địa Chất 8 cùng với các tàu hải cảnh « chỉ cách vị trí giàn khoan Hakuryu 5 tại lô 06.1 (mỏ Lan Tây - Lan Đỏ) và chân đế Sao Vàng tại mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt khoảng 55 hải lý ».

Đây là hai nơi đang diễn ra các hoạt động dầu khí liên doanh Việt Nam và một số nước đối tác. Mật độ các vòng khảo sát cũng dày đặc hơn.

Trên Twitter, tài khoản South China Sea News dẫn nguồn từ Marine Traffic và giáo sư Ryan Martinson, trường Hải Chiến Hoa Kỳ, cũng có cùng nhận định về hướng hoạt động của chiếc tàu khảo sát Trung Quốc.

Cũng theo Đại sự ký Biển Đông, hiện nay hai tàu hải cảnh hộ tống 46111 và 31302 của Trung Quốc đã rời đi về hướng khu vực Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Subi (Subi Reef). Tuy nhiên tàu hải cảnh 46301 vẫn luôn quanh quẩn gần lô 06.1, và luôn ở khoảng cách rất gần với các tàu bảo vệ giàn khoan của Việt Nam.

Đối với thông tin về sự hiện diện của chiến hạm Quang Trung tại bãi Tư Chính, nhà báo James Pearson của hãng tin Reuters đăng một ảnh vệ tinh từ trang Planet Labs cho thấy, cả bốn tàu hộ vệ tên lửa của Việt Nam đều đang nằm tại cảng Cam Ranh. Trong lúc đó dữ liệu của Marine Traffic khẳng định chiếc tàu mang tên VNPS Quang Trung vẫn đang trên đường di chuyển. Như vậy có thể kết luận đây là tàu cảnh sát biển chứ không phải chiếc tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung thuộc lớp Gepard của Hải quân Việt Nam.

Việt Nam tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Biển Đông

Việt Nam sẽ hợp tác với các láng giềng Đông Nam Á để tìm kiếm một giải pháp hòa bình trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm qua 27/08/2019 tuyên bố như trên sau cuộc gặp với đồng nhiệm Malaysia Mahathir Mohamad.

Báo Nhật Nikkei ghi nhận, tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ ra thông cáo cho biết « cực kỳ quan ngại » trước việc Bắc Kinh leo thang bức hiếp nhắm vào hoạt động dầu khí đã có từ lâu của Việt Nam trên Biển Đông, tố cáo « chiến lược bắt nạt » của Trung Quốc.

Nguồn tin: RFI