Philippines: Ân Xá Quốc Tế vạch trần mặt trái cuộc chiến chống ma túy (RFI)
Duterte là một trong lãnh đạo được làn sóng dân tuý đưa lên cầm quyền trong thời gian qua. Chủ nghĩa dân túy lợi dụng một tình trạng phẫn nộ - có thể chính đáng - và sự thiếu hiểu biết của một thành phần dân chúng để đưa ra những giải pháp mỵ dân có vẻ rất giản dị và thực tiễn nhưng trong trung hạn vừa sai vừa nguy hiểm, và là một tội ác trong trường hợp của Duterte. Ông ta đã đưa ra giải pháp là ám sát và thủ tiêu những người bị nghi ngờ là tội phạm ma tuý để giải quyết tình tranh mất an ninh của quốc gia này. Nhưng thực ra những giải pháp này chỉ làm gia tăng tình trạng phạm tội tại Philippines, khi mà bất kỳ sĩ quan cảnh sát hoặc cá nhân nào khác đều có thể giết người mà không sợ bị hậu quả.
Sáu ngàn sáu trăm. Đây là con số chính thức về số người bị giết chết trong chiến dịch được tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gọi là « cuộc chiến chống ma túy » trong vòng ba năm gần đây. Tuy nhiên số liệu đó thấp hơn nhiều so với thực tế.
Trong một bản báo cáo được công bố hôm 08/07/2019, tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) đã tố cáo cách thức tiến hành « cuộc chiến » đó và lên án tình trạng tùy tiện giết người, chủ yếu là dân nghèo.
Theo bà Rachel Chhoa-Howard, đồng tác giả bản báo cáo của Ân Xá Quốc Tế, cuộc chiến mà ông Duterte khởi động chủ yếu nhắm vào các thành phần nghèo nhất trong xã hội Philippines. Theo nhà nghiên cứu này : « Họ bị nhắm tới chỉ vì họ không đủ khả năng tự vệ, là những mục tiêu dễ dàng. Cảnh sát thường xuyên công bố số liệu thống kê về người thiệt mạng trong các chiến dịch. Mục tiêu là để chứng minh rằng cái gọi là "cuộc chiến chống ma túy" là một thành công ».
Dù là những người nghèo, nhưng các đối tượng này, theo cảnh sát Philippines, lại có đủ tiền để mua vũ khí. Theo Ân Xá Quốc Tế, sau mỗi vụ hành quyết, cảnh sát đều đưa ra cùng một giải thích : Họ đến để bắt giữ và bị buộc phải nổ súng, vì nghi phạm có vũ khí. Nói cách khác, họ chỉ sử dụng quyền tự vệ chính đáng mà thôi.
Ân Xá Quốc Tế đã bác bỏ hoàn toàn lập luận kể trên. Bà Rachel Chhoa-Howard cho biết : « Bản điều tra nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng cách giải thích của cảnh sát không đáng tin cậy… Lập luận đó luôn luôn bị gia đình các nạn nhân phản bác, họ luôn kể lại một kịch bản giống nhau : Cảnh sát phá cửa xông vào nhà vào giữa đêm, rồi nổ súng hạ sát những người vừa bị lôi ra khỏi giấc ngủ, bất chấp việc họ cầu xin tha mạng ».
Theo Ân Xá Quốc Tế, cảnh sát không chỉ khủng bố dân chúng, mà còn hù dọa cả các chính quyền địa phương, bị buộc phải cung cấp cho cảnh sát họ tên của những người có khả năng sử dụng hoặc buôn bán ma túy. Người từ chối cung cấp thông tin lập tức bị nghi ngờ là có liên quan đến buôn bán ma túy.
Biệt đội tử thần
Báo cáo của tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng nhắc lại sự tồn tại của các đội quân tử thần đang hoành hành tại Philippines, được cho là đã xử tử tới 23.000 người. Các nhóm võ trang đó thực sự là ai ?
Theo bà Chhoa-Howard, « Bản báo cáo và những điều tra nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện vào năm 2017 đã xác định mối liên hệ giữa cảnh sát và các đội vũ trang này. Những người mà chúng tôi hỏi thường giải thích rằng đó là những cảnh sát mặc thường phục, và đó là một cách để miễn mọi trách nhiệm cho cảnh sát về những vụ giết người đó.
Chúng tôi tin rằng những tay súng đó hiện vẫn tiếp tục giết người, và chính phủ vẫn chưa chính thức công nhận sự tồn tại của các đội quân tử thần đó. Trong nghiên cứu của Ân Xá Quốc Tế, chúng tôi cũng đã cho thấy rõ là cảnh sát đã chỉ đạo và trả tiền cho những kẻ sát nhân đó ».
Theo nhà nghiên cứu của Ân Xá Quốc Tế, tất cả những điều đó đã làm tăng tình trạng phạm tội mà không bị trừng phạt tại Philippines, nơi mà bất kỳ sĩ quan cảnh sát hoặc cá nhân nào khác đều có thể giết người mà không sợ bị hậu quả.