Khi trí thức can đảm đóng vai trò 'khai sáng' (Quốc Phương BBC)

Trái với sự lo âu và thất vọng của nhiều người, THDCĐN nhận định rằng trí tuệ của người VN nói chung và của trí thức VN nói riêng đã tiến rất nhanh so với...lịch sử và ông cha chúng ta. Khi người Phương Tây đặt chân đến VN hồi thế kỷ 16 thì VN tụt hậu so với thế giới khoảng...2000 năm. Nay khoảng cách đó chỉ còn vài chục năm. Người VN chưa từng được sống dưới một chế độ tự do thật sự, hết Khổng giáo rồi đến cộng sản và đến tận bây giờ VN vẫn chưa có tự do ngôn luận. Với những trở ngại đó thì những gì mà trí thức VN làm được là rất đáng trân trọng. Nhà giáo Phạm Toàn là một trí thức điển hình. Những gì ông làm như tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự độc lập, phản đối các chính sách bất lợi cho đất nước, viết các bộ sách giáo khoa mới cho học sinh...là những việc mà chỉ cách đây vài chục năm thôi, không ai dám nghĩ đến chưa nói là làm. Những người như Nhà giáo Phạm Toàn đã vượt qua được chính mình và gánh nặng lịch sử để đảm nhận vai trò của trí thức hiện đại đó là "khai sáng và dẫn đường". Hy vọng tấm gương của ông sẽ động viên được thế hệ trí thức trẻ VN, giúp họ tiến nhanh hơn nữa để VN bắt kịp thế giới.  


Điểm nổi bật của trang phản biện và blog Bauxite Việt Nam là sự hiện diện của trí thức Việt Nam ở đằng sau trang mạng này, một nhà báo tự do và cựu tù nhân chính trị ở Việt Nam nói với một hội luận của BBC Tiếng Việt.

Những người sáng lập, vận hành và tham gia trang Bauxite Việt Nam thực sự đã làm công việc 'khai sáng', ý kiến khác từ một nhà văn tại Berlin chia sẻ thêm.

Phạm Toàn là một 'tấm gương' cho các trí thức ở Việt Nam, vẫn làm chuyên môn 'cực kỳ xuất sắc' nhưng 'không né tránh, quay lưng' với những vấn đề của đất nước, kể cả chính trị, một dịch giả và nhà thơ từ Texas, Hoa Kỳ, nói thêm với diễn đàn này của BBC.

Bình luận với Bàn tròn thứ Năm từ London hôm 27/6/2019 về đóng góp và tác động lớn nhất của trang Bauxite Việt Nam, nhân sự kiện cựu đồng sáng lập trang này, nhà giáo, nhà văn hóa Phạm Toàn, qua đời, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh nói:

"Cái lớn nhất tôi cũng có thể nói ngay, tôi cũng đã suy nghĩ từ khi đó cho đến bây giờ, cái đó là người ta nhìn vào trang đó, người ta thấy trí thức Việt Nam ở đó, đằng sau trang đó. Cái đó rất quan trọng."

Và người sáng lập trang mạng Ba Sàm, ông Nguyễn Hữu Vinh, nói thêm từ Hà Nội:

"Còn trang Ba Sàm, dù cho ảnh hưởng của nó như thế nào, nhưng mà có thể nói, nó xếp sau trang Bauxite Việt Nam ở cái ý nghĩa đó - đấy là một trang của trí thức Việt Nam.

"Cũng như là báo nhà nước cũng thế, nhà nước [Việt Nam] cũng có thời có một tờ tạp chí mà một giai đoạn nhiều năm người ta coi đấy là một tờ tiêu biểu của những người trí thức đang ở trong lòng của chế độ này.

"Đấy là một thời thôi, còn về trang mạng, một ảnh hưởng của trang Bauxite Việt Nam chính là giá trị của những người trí thức Việt Nam đứng đằng sau đấy."

'Làm công việc khai sáng'

Từ Berlin, nhà văn Võ Thị Hảo đưa ra bình luận về trang mạng này và đóng góp của Phạm Toàn:

"Những con người đã dám hy sinh sự an toàn của mình để thực sự đã lập ra trang đó và đấy là sự yêu nước và bảo vệ đất nước. Họ đã đưa ra một thực trạng mà lúc đó nhiều người còn ngỡ ngàng. 

"Nhưng càng ngày càng thấy rằng sự 'thoán đoạt' của Trung Quốc làm tổn hại đến nền kinh tế rồi an ninh của Việt Nam càng lớn và tôi nghĩ rằng Phạm Toàn và những người sáng lập trang Bauxite Việt Nam là những người có khả năng khai sáng và họ đã làm công việc khai sáng cho người Việt Nam.

"Cũng như là khi nói đến nhà văn Phạm Toàn thì tôi nhớ rằng ông đã từng dịch những cuốn cũng mang tính khai minh, chẳng hạn như là cuốn 'Nền dân trị Mỹ'. 

"Với thế giới có thể không phải là xa lạ, nhưng với Việt Nam thì đấy là lần đầu tiên người Việt Nam hiểu rằng nền dân trị, một thể chế chính trị thực sự vì dân và vì con người là như thế nào và tôi thấy là Phạm Toàn là con người đã làm được công việc khai sáng và điều đó rất là đáng tự hào."

Trả lời trực tiếp ý kiến của một khán giả gửi cho Bàn tròn thứ Năm trong lúc đang theo dõi chương trình, nhà văn Võ Thị Hảo, người đang cư trú chính trị tại Berlin, nói:

"Lúc nãy có một bạn đọc hỏi rằng có thể học được gì ở nhà báo, nhà văn Phạm Toàn, rằng việc vẫn đấu tranh cho nền dân chủ nhưng vẫn được nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng, tôi nghĩ rằng chẳng học gì cả, mà như Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, anh đấu tranh và anh đã vào tù, anh thậm chí là đã sẵn sàng chết, anh tuyệt thực và anh rất can trường, rất đáng kính nể. 

"Và mỗi một trí thức hay một con người có nhân cách thì sẽ đấu tranh cho tự do và dân chủ, cho đồng bào của mình bằng những cách khác nhau mà mình thấy là phù hợp và một trong những cách đấu tranh như là của Phạm Toàn thì tôi thấy, Phạm Toàn khi đó đã lớn tuổi lắm rồi mà cách làm của ông là ông cũng đã không khoan nhượng, nhưng ông có được sự tương đối hài hòa."

Vì sao không bị bắt?


Từ nơi đang đi thăm thân nhân là Texas, Hoa Kỳ, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng bình luận với Bàn tròn thứ Năm về trang Bauxite Việt Nam và đóng góp, cũng như nhân cách của Phạm Toàn:

"Về đóng góp của Phạm Toàn cho công cuộc dân chủ hóa, tôi nghĩ rằng thực ra ông không phải là người đi sâu hoặc đầu trò về những vấn đề gọi là dân chủ, nhưng ông là người có tư tưởng dân chủ, tư tưởng tự do, nó nằm rất sâu và có thể nói là trong mạch máu của ông rồi. Cho nên ông là người rất sôi nổi, rất nhiệt huyết tham gia những phong trào vận động cho dân chủ mà thực ra không phải do ông khởi xướng, nhưng ông là người tham gia rất sôi nổi, rất tận tâm ngay từ những phút đầu. 

"Và với nhiệt huyết của ông, tất nhiên là với trí tuệ của ông, thì ông đóng góp vào rất là lớn. Tôi lấy ví dụ như là đặc biệt trong việc lên tiếng phản đối những việc làm hay những chính sách sai lầm, nhân đây tôi phải nói, có nhiều người không biết, nhưng cuộc tôi gọi là biểu tình trên mạng, tức là vận động lấy chữ ký trên mạng đầu tiên ở Việt Nam, thì chính là cuộc mà chúng tôi ở Hà Nội phản đối việc tịch thu tập thơ của Trần Dần, chính buổi họp đó của chúng tôi là họp ở nhà của ông Phạm Toàn và ông Phạm Toàn như người khởi thảo ra bản kiến nghị đó.

"Rồi đến Bauxite cũng thế. Bauxite thực ra ông không phải là người khởi xướng, mà thực ra khởi xướng là do một số nhà khoa học như anh Nguyễn Thế Hùng, chứ thực ra những người như Phạm Toàn hay Huệ Chi thì đâu có biết những vấn đề đi sâu vào những khoa học công nghệ, nhưng chính ông cũng là người đầu tiên khởi thảo bản kiến nghị để đòi là dừng dự án Bauxite, ông nhiệt tình lắm.

"Sau này tôi làm ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập cũng thế, cuộc họp trước khi đi đến quyết định cũng là họp ở nhà ông Phạm Toàn ở Hà Nội và ông cũng tham gia một cách rất nhiệt tình. Chứ thực ra ông không phải là người khởi xướng hay đi sâu vào những việc đó. Cho nên là bạn hỏi tại sao nhà nước đối xử với ông như thế, các nhà vận động dân chủ rút kinh nghiệm gì, thì các bạn hiểu không đúng rồi, bởi vì ông Phạm Toàn không là người đầu lĩnh, thủ lĩnh hay là người toàn tâm, toàn ý đấu tranh giống như là anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, hay là giống như các nhà hoạt động trẻ sau này.

"Chứ còn nếu ông đi vào lĩnh vực đó, mà với tất cả những nhiệt huyết như ông dành cho giáo dục, cũng đi vào như thế, thì ông bị bắt là cái chắc, bởi vì ngay khi làm trang Bauxite Việt Nam một thời gian, ông cũng biết rằng với thiên bẩm, với kinh nghiệm của ông và nhất là tuổi lớn rồi, không lan man được, thì nên tập trung vào việc giáo dục. Cho nên thực ra chỉ trong thời gian đầu cùng khởi xướng với ông Huệ Chi, ông Thế Hùng chuyện trang Bauxite Việt Nam và tích cực tham gia, nhưng sau ông cũng rút dần ra để tập trung vào vấn đề sách Cánh Buồm. Đó là lý do chủ yếu mà ông không bị bắt, chứ không phải là ông đấu tranh một cách chiến thuật, khôn khéo gì hay là ôn hòa gì mà nhà nước tha."

'Tấm gương' cho trí thức

Chốt lại về đóng góp chính và nhân cách nổi bật của Phạm Toàn, nhà thơ Hoàng Hưng bình luận:

"Tóm lại, sự nghiệp, cuộc đời của ông Phạm Toàn, phải nói đóng góp lớn nhất vẫn là về giáo dục, ông là người gắn bó và đau đáu với việc học tập của học trò, không phải chỉ có mười năm nay với Cánh Buồm đâu, mà mấy chục năm rồi.

Ông ở trong Bộ Giáo dục, ông là người tình nguyện đi lên miền Núi mấy chục năm để chỉ đi dạy cho các em nhỏ ở miền núi làm thế nào học được tiếng Việt và ông đã được nhận giải thưởng của Unesco về công trình đó.

"Và sau đó, chính ông là người đi xây dựng chương trình dạy văn tiếng Việt cho ông Hồ Ngọc Đại ở trường thực nghiệm, tức là cả đời ông gắn bó với giáo dục và nhất là cho chuyện giáo dục tiểu học. 

Đó là đóng góp lớn nhất của ông Phạm Toàn, chứ không phải là vấn đề đấu tranh dân chủ và ông là người nhiệt huyết tham gia rất nhiệt tâm, thẳng thắn và không có sợ cái gì cả.

"Thì đó là cái dũng cảm, cái khẳng khái của một người trí thức mà đó theo tôi cũng là một tấm gương cho các trí thức. Rất nhiều trí thức bảo rằng "thôi, tôi cứ tập trung chuyên môn thôi, tôi không tham gia chuyện chính trị!"; thì không, ông Phạm Toàn chính là một tấm gương trong chuyện đó.

"Chuyên môn cực kỳ xuất sắc, nhưng không né tránh, không quay lưng lại với những vấn đề của đất nước, của chính trị. 

"Đó chính là tấm gương của một người trí thức rất chính trực và toàn tâm, toàn ý!," nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng nói với BBC Tiếng Việt.