Hãy Xây Dựng Chủ Nghĩa Tư Bản Cấp Tiến (Joseph E. Stiglitz)
Với chính sách thực tiễn của Mỹ và Phương Tây áp dụng 40 năm qua sau khi bức tường Berlin sụp đổ là chỉ lo làm giàu và phát triển kinh tế dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm đó là sự bất bình đẳng gia tăng, hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn, nhân quyền bị bỏ bê trên toàn thế giới...Chính sự thiếu hụt một nền tảng tư tưởng mới dẫn dắt cho sự phát triển kinh tế khiến chủ nghĩa dân túy nổi lên trên khắp thế giới và đỉnh điểm của nó là việc Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Thế giới đang cần phải xét lại một cách nghiêm túc về tư tưởng chính trị và cứu cánh của sự phát triển. Bài viết trên là một gợi mở cần thiết cho cuộc thảo luận qui mô lớn trên toàn thế giới.
Lời dịch giả: Sau khi áp dụng Chủ nghĩa
Tân tự do, các nước phương Tây nhận ra các tác hại làm suy vi nền kinh
tế và đang tìm cách chấm dứt phương sách này. Joseph E. Stiglitz cổ vũ
cho Chủ nghĩa Tư bản Cấp tiến là một lý thuyết mới để thay thế, mà cải
cách triệt để mối quan hệ giữa chính quyền, thị trường và xã hội dân sự
là nội dung chính.
Chính quyền phải đảm nhiệm các vai trò cải thiện giáo dục, nghiên cứu cơ bản và tăng cường phúc lợi và an sinh xã hội. Cơ
chế thị trường phải nâng cao cạnh tranh lành mạnh, ngăn chận các phe
nhóm trục lợi bất chánh làm lũng đoạn bộ máy công quyền. Xã hội phải đảm
nhiệm các vai trò dân sự mà chính quyền và thị trường không còn khả
năng.
Các cảnh báo này, dù được hình thành cho bối cảnh khác biệt, cũng
là một đối sách hữu dụng và khả thi cho hiện trạng Việt Nam. Việt Nam
chưa can đảm khai tử nền kinh tế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã
hội, dù vốn dĩ từ lâu không còn vận hành. Không có một lý thuyết mới
dẫn lối cho Việt Nam hôm nay, toàn thể mọi sinh hoạt là một khoảng trống
chung. Chính trường không có chính giới bản lãnh bài Hoa, thị
trường tràn ngập thân tộc trục lợi bất chánh và tháo chạy, không có
doanh nhân đầu tư cạnh tranh sáng tạo, xã hội không có tự do ngôn luận
làm sức mạnh đối trọng, trong khi mạng lưới truyền thông đang thành
hình.
Khi Đảng tiếp tục đứng ngoài và đứng trên luật pháp, không có ý
chí cải cách chinh trị, nên sự phân biệt các vai trò giữa chính quyền,
thị trường và xã hội sẽ không thể xảy ra. Khi tất cả phản tỉnh về một ý
thức hệ đã thất bại và tình trạng đất nước suy vong, may ra, đó sẽ là
một khởi đầu mới cho mọi công cuộc cải cách triệt để. Khi lãnh thổ không
vẹn toàn, thì ước vọng tương lai cho độc lập, phú cường, dân chủ, trọng
pháp và ổn định là ảo ảnh.
***
Trong 40 năm qua, Hoa Kỳ và các nền kinh tế tiên tiến khác đã theo
đuổi chương trình nghị sự thị trường tự do với các loại thuế thấp, bãi
bỏ các quy định và cắt giảm các chương trình xã hội. Không còn có thể
nghi ngờ rằng phương pháp này đã thất bại một cách thảm hại; vấn đề duy
nhất là phương sách nào sẽ – và nên – nối tiếp.
Loại hệ thống kinh tế nào có lợi nhất cho phúc lợi nhân sinh? Trong
kỷ nguyên hiện tại vấn đề này được đề ra, bởi vì sau 40 năm theo Chủ
nghĩa Tân tự do ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế tiên tiến khác, chúng ta
biết là những gì không vận hành.
Thí nghiệm theo Chủ nghĩa Tân tự do – qua các loại thuế thấp hơn cho
nhà giàu, bãi bỏ các quy định của thị trường lao động và sản phẩm, tài
chính hóa và toàn cầu hóa – là một thất bại kinh hoàng. Tăng trưởng thấp
hơn so với trong một phần tư thế kỷ sau Thế chiến II, và hầu hết các
tăng trưởng đã dồn tụ lên trên đỉnh của bậc thang thu nhập. Sau nhiều
thập kỷ thu nhập trì trệ hoặc thậm chí còn làm giảm đi cho những người
có lợi tức thấp, phải tuyên bố là Chủ nghĩa Tân tự do đã chết và bị chôn
cất.
Để thành công trong việc này, ít nhất là có ba giải pháp tương ứng
khả thi trong chính trị: chủ nghĩa dân tộc cực hữu, chủ nghĩa cải cách
trung tả, và cánh tả cấp tiến (với cánh hữu trung dung đại diện cho sự
thất bại của Chủ nghĩa Tân tự do). Tuy nhiên, ngoại trừ cánh tả cấp
tiến, những lựa chọn thay thế này vẫn được coi là một dạng của ý thức hệ
đã (hoặc nên coi như là) đã hết thời.
Ví dụ như phe cánh tả trung dung, họ đại diện cho Chủ nghĩa Tân tự do
với bộ mặt nhân đạo. Mục tiêu của họ là đưa các chính sách của cựu Tổng
thống Hoa Kỳ Bill Clinton và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair vào trong thế
kỷ XXI, chỉ rà soát lại ít nhiều cho các phương thức tài chính hóa và
toàn cầu hóa đang hiện hành. Trong khi đó, phe dân tộc cực hữu bài bác
toàn cầu hóa, đổ lỗi cho người nhập cư và người nước ngoài gây ra tất cả
các vấn đề ngày nay. Tuy nhiên, như nhiệm kỳ của tổng thống Donald
Trump đã chỉ ra, ít nhất là trong biến thể của nước Mỹ – nó không kém
phần quyết liệt – là giảm thuế cho người giàu, bãi bỏ các quy định và
thu hẹp hoặc loại bỏ các chương trình xã hội.
Ngược lại, phạm vi thứ ba ủng hộ cái mà tôi gọi là Chủ nghĩa Tư bản
Cấp tiến, trong đó quy định một chương trình nghị sự kinh tế hoàn toàn
khác, nó dựa trên bốn ưu tiên.
Đầu tiên là khôi phục sự cân bằng giữa các thị trường, nhà nước và xã
hội dân sự. Tăng trưởng kinh tế chậm, bất bình đẳng gia tăng, bất ổn
tài chính và suy thoái môi trường là những vấn đề sinh ra từ thị trường,
và do đó không thể và sẽ không tự mình khắc phục được cho thị trường.
Các chính phủ có nhiệm vụ giới hạn và định hình thị trường thông qua các
biện pháp an toàn cho môi trường, sức khỏe, lao động và các loại quy
định khác. Đây cũng là công việc của chính phủ làm những gì thị trường
không thể hoặc sẽ không làm, như tích cực đầu tư vào nghiên cứu cơ bản,
công nghệ, giáo dục và bảo vệ sức khỏe cho các thành phần cử tri.
Ưu tiên thứ hai là nhận ra rằng các quốc gia phú cường là kết quả của
cuộc điều tra khoa học – tìm hiểu về thế giới xung quanh chúng ta – và
tổ chức xã hội cho phép đông đảo các nhóm người cùng làm việc vì lợi ích
chung. Các thị trường vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo
thuận lợi cho hợp tác xã hội, nhưng chúng chỉ phục vụ mục đích này nếu
chúng bị chi phối bởi luật pháp và chịu sự kiểm tra của dân chủ.
Mặt khác, các cá nhân có thể làm giàu bằng cách khai thác người khác,
nhưng họ đang giàu có thông qua khai thác trục lợi bất chánh hơn là do
tài năng thực sự. Nhiều người giàu có ngày nay đã đi theo con đường khai
thác trục lợi để đạt đến mức giàu có. Các chính sách của Trump phục vụ
tốt cho họ, đã khuyến khích họ tìm cách trục lợi bất chánh trong khi phá
hủy các nguồn gốc của sự tạo ra của cải. Chủ nghĩa Tư bản Cấp tiến tìm
cách làm đúng đắn cho điều ngược lại.
Điều này đưa chúng ta đến ưu tiên thứ ba: Giải quyết vấn đề ngày càng
tăng của tình trạng tập trung quyền lực thị trường. Bằng cách khai thác
lợi thế thông tin, mua lại các đối thủ tiềm năng và tạo ra rào cản gia
nhập, các doanh nghiệp thống trị có thể tham gia vào việc tìm kiếm lợi
thế bất chánh trên quy mô lớn để gây bất lợi cho mọi người. Sự gia tăng
quyền lực thị trường của doanh nghiệp, kết hợp với sự suy giảm quyền
thương thảo của công nhân giải thích lý do tại sao sự bất bình đẳng quá
cao và tăng trưởng quá nhanh. Những vấn đề này có thể sẽ trở nên tồi tệ
hơn do những tiến bộ trong robot hóa và trí tuệ nhân tạo, trừ khi nào
chính phủ đóng vai trò tích cực so với quy định của Chủ nghĩa Tân tự do.
Mục tiêu quan trọng thứ tư trong chương trình nghị sự cấp tiến là cắt
đứt mối liên hệ giữa quyền lực kinh tế và ảnh hưởng chính trị. Sức mạnh
kinh tế và ảnh hưởng chính trị đang củng cố cho nhau và tự duy trì để
tồn tại, đặc biệt là ở Mỹ, các cá nhân và tập đoàn giàu có thể chi tiêu
không giới hạn trong các cuộc bầu cử. Khi Mỹ tiến gần hơn đến một hệ
thống cơ bản phi dân chủ là “một đô la cho một phiếu bầu“, thì không thể
duy trì hệ thống kiểm soát và quân bình rất cần thiết cho nền dân chủ: không gì có thể kìm hãm quyền lực của người giàu. Đây không chỉ là vấn
đề đạo đức và chính trị: các nền kinh tế có ít bất bình đẳng thực sự
hoạt động tốt hơn. Do đó, cải cách theo Chủ nghĩa Tư bản Cấp tiến phải
bắt đầu bằng cách giảm bớt ảnh hưởng của tiền bạc trong chính trị và
giảm bất bình đẳng trong tài sản.
Không có ma thuật nào có thể làm thay đổi các thiệt hại từ hàng thập
kỷ qua do Chủ nghĩa Tân tự do gây ra. Nhưng một chương trình nghị sự
toàn diện song hành với các đường lối phác thảo ở trên là hoàn toàn khả
thi. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc các nhà cải cách có kiên quyết trong
việc chống lại các vấn đề như sức mạnh thị trường quá mức và bất bình
đẳng như khu vực tư nhân đang tạo ra hay không.
Một chương trình nghị sự toàn diện phải tập trung vào giáo dục,
nghiên cứu và các nguồn tài sản thực sự khác. Nó phải bảo vệ môi trường
và chống biến đổi khí hậu với sự cảnh giác tương tự như các kinh nghiệm
về Green New Dealers ở Hoa Kỳ và Extinction Rebellion ở Vương quốc Anh.
Và nó phải cung cấp cho các chương trình công cộng để đảm bảo rằng không
có công dân nào bị từ chối các yêu cầu cơ bản của một cuộc sống đàng
hoàng. Chúng bao gồm an ninh kinh tế, tạo ra điều kiện tìm việc và mức
lương đủ sống, bảo hiểm sức khỏe và gia cư đầy đủ, việc nghỉ hưu an toàn
và giáo dục có phẩm chất cho thiếu nhi.
Cái giá phải trả cho chương trình nghị sự này là hoàn toàn hợp lý.
Thực ra, chúng ta không thể tự cho phép mình là không tiến hành nó.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tân tự do đề ra các lựa
chọn thay thế đem lại nhiều trì trệ, bất bình đẳng, suy thoái môi trường
và bất hoà trong chính trị, tất cả dẫn đến kết quả mà chúng ta thậm chí
không muốn tưởng tượng.
Chủ nghĩa Tư bản Cấp tiến không tương phản nhau về mặt sử dụng ngôn
ngữ. Đúng ra, nó là giải pháp tương ứng thay thế khả thi và sống động
nhất cho một ý thức hệ đã thất bại rõ ràng. Như vậy, nó thể hiện cho cơ
hội tốt nhất mà chúng ta có để thoát khỏi tình trạng bất ổn kinh tế và
chính trị hiện tại.
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm (30-5-2019)
***
Tác giả: Joseph E. Stiglitz, đoạt giải Nobel về
Kinh tế, Giáo sư Đại học Columbia và Nhà kinh tế trưởng tại Viện
Roosevelt. Ông là tác giả sách mời nhất People, Power, and Profits: Progressive Capitalism for an Age of Discontent (W.W. Norton and Allen Lane).
Nguyên tác: After Neoliberalism. Tựa đề bản dịch là của người dịch.