Cộng đồng người Thượng - Nhìn lại vấn đề người Thượng (Nguyễn Văn Huy)



Cuộc sống cổ truyền của người Thượng đang biến mất - Ảnh minh họa

Sau những cuộc xuống đường rầm rộ của người Thượng trên cao nguyên miền Trung từ đầu tháng 2/2001, phong trào chống đối vẫn còn tiếp diễn. Tình trạng căng thẳng kéo dài trong suốt tháng 3 mà cao điếm là ngày 12/3/2001, hơn 10.000 người Rhadé đã đến biểu tình trước trụ sở ủy ban nhân dân tỉnh Đắc Lắc và thành phố Buôn Ma Thuột yêu cầu chính quyền Việt Nam tôn trọng nhân quyền, tự do tín ngưỡng và trả lại đất đai của họ đã bị người Kinh chiếm hữu. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự bất mãn của người Thượng trên cao nguyên sẽ thuyên giảm.
Về phía chính quyền cộng sản, thay vì đầu tư vào một giải pháp ôn hòa để giải quyết vấn đề họ đã chọn biện pháp đối đầu cứng rắn để dập tắt chống đối.

Những biện pháp áp dụng

Hà Nội đã không coi nhẹ sự nổi dậy của người Thượng và đã huy động mọi phương tiện để dập tắt sự chống đối ; biện pháp cứng rắn này chưa hề sử dụng đối với người Kinh tại Thái Bình, Đồng Nai, Thừa Thiên hay miền Tây. Thái độ của chính quyền cộng sản nằm trong lô-gích trung ương tập quyền của một chính quyền đồng bằng, nghĩa là không chấp nhận sự phản kháng của người miền núi thiểu số về các chính sách của người đồng bằng đa số.
Đầu tiên là dùng mưu để vuốt ve sự bất mãn của người Thượng và giải tán sự tập trung đông đảo tại các thành phố lớn. Nhiều đoàn cán bộ cấp cao, kể cả phó thủ tướng, đích thân đến tìm hiểu nguyện vọng và giải thích chính sách đại đoàn kết của chính quyền với lời hứa là "sẽ" giải quyết từng vấn đề một (nhân quyền, tự do tín ngưỡng và quyền sở hữu đất đai).
Kế đến là huy động một lực lượng võ trang hùng hậu làm áp lực, răn đe mọi ý đồ chống đối bằng võ lực. Khi những người biểu tình vừa về lại nơi cư trú cũ thì mọi ngỏ ra vào buôn làng của họ liền bị bao vây. Hơn 18.000 công an và bộ đội địa phương và từ các tỉnh đồng bằng lên trấn giữ hai quốc lộ 14 và 19 và các điểm trọng yếu trên cao nguyên nhằm ngăn chặn người Thượng tiến vào các thành phố lớn, đồng thời cũng để ngăn ngừa phong trào đòi tự do tín ngưỡng và trả lại đất đai lây lang sang các nơi khác, nhiều tỉnh sát với cao nguyên bị đặt trong tình trạng báo động hay giới nghiêm.
Cùng với hai biện pháp trên là tuyên truyền vận động cảm tình của dư luận quốc tế và quốc nội. Tất cả các phương tiện truyền thông quốc doanh loan tải nhanh chóng tin tức về những biến động trên cao nguyên và giải thích chính sách dân tộc của nhà nước trước dư luận. Nhiều lễ hội cổ truyền không đúng dịp của người Thượng đã được tổ chức khắp nơi ; hàng loạt bài đề cao các công trình văn hóa, kinh tế, và xã hội đã thực hiện trên cao nguyên được đọc và đăng trên các báo, đài, v.v... Giới truyền thông quốc tế còn được hướng dẫn đền tận nơi quan sát tình hình, đương nhiên chỉ ở những nơi nào được cho phép.
Người Thượng tiếp tục rời bỏ Tây Nguyên để sang Campuchia xin tị nạn - Ảnh minh họa

Tuy vậy chính quyền cộng sản Việt Nam rất cay cú về trang Web trên mạng Internet của một vài nhóm Thượng tại Hoa Kỳ và đã không tiếc lời thóa mạ. Bóng ma FULRO được làm sống lại để tròng vào đầu những người chống đối. Cũng nên nói thêm là những thanh niên Thượng ngày nay không biết gì về phong trào FULRO cả, nếu có chăng là tinh thần FULRO mà các bậc cha anh truyền miệng lại. Trong thực tế, tinh thần FULRO ngày nay được đồng hóa với sự chống đối người Kinh, một lầm lẫn đáng tiếc cần được xóa tan trong tâm hồn những thanh niên Thượng ngay nay qua các chính sách nâng đỡ thực sự.

Sau cùng là dùng kế ly gián để bẻ gãy phong trào chống đối ngay từ trứng nước và lùng bắt những người tình nghi khích động hay tổ chức chống đối. Thực ra chính quyền cộng sản đã được thông báo việc chuẩn bị nổi dậy của người Thượng từ ba tháng trước và đã tìm cách chọc phá phong trào chống đối bùng nổ trước thời điểm (dự trù sẽ nổ ra trước ngày khai mạc đại hội đảng cộng sản lần thứ 9 nhóm họp vào cuối tháng 3/2001 tại Hà Nội). Sự bắt bớ và giam cầm những người tình nghi cũng rất bí mật, phần lớn bị bắt xa nơi cư trú để gia đình không hay biết do đó không thể khiếu kiện. Những người bị bắt thường à những nhân vật có chút tiếng tăm trong cộng đồng người Thượng, đa số là các vị mục sư, tín đồ ngoan đạo, giới trí thức và những người có cơ sở nông nghiệp hay kinh doanh. Hàng trăm người thuộc mỗi săc tộc lớn hiện đang mất tích như thế.
Một biện pháp tuy rất xưa nhưng lúc nào cũng hữu hiệu đối với người thiểu số là chia để trị. Chính quyền cộng sản địa phương dùng người sắc tộc này trấn áp người sắc tộc kia, gây chia rẽ trong giới người Thượng. Những cán bộ Rhadé thuộc các làng Buôn Kdun, Buôn Aleo, cán bộ Djarai các làng Chư Prah, Chư Mrai hay cán bộ Bahnar các làng Kon Kbang, Mang Buk... được huấn luyện để trấn áp đồng hương của họ ở các địa phương khác. Từ đầu năm 2001 trở đi, ngành an ninh địa phương đã cấp tốc huấn luyện nhiều cán bộ trẻ gốc Thượng thuộc thành phần "gia đình cách mạng" để bảo vệ chính quyền. Những cán bộ này được hưởng quyền lợi như những cán bộ Kinh và đang là yếu tố trực tiếp khủng bố đồng hương của họ.
Chính sách "cây gậy và củ cà rốt" (nghe lời thì cho ăn, không nghe lời thì bỏ đói) đang gây một nạn đói trầm trọng trong các làng Thượng trên khắp cao nguyên. Những làng bị tình nghi là tụ điểm xuất phát phong trào chống đối (gần như là tất cả) đều bị bao vây, dân làng không thể ra nương trồng tỉa và cũng không thể mang hàng hóa ra chợ đổi gạo.
Chính sách đối với người thiểu số tại Việt Nam hiện nay phải được xét lại. Quy luật người thiểu số im lặng và tuân phục người Kinh đa số phải chấm dứt. Ngôn ngữ lưỡi gỗ và sự bạc đãi người thiểu số không thể kéo dài thêm nữa, phải suy nghĩ về một chính sách sắc tộc đứng đắn để sự hội nhập của tất cả các cộng đồng công dân vào quốc gia Việt Nam diễn ra một cách hòa thuận và tốt đẹp nhất. Có như thế dân tộc Việt Nam mới có thể tập trung sức lực để vươn lên và nhận một chỗ đứng vinh quang hơn.

Trở lại vấn đề đất đai

Gần như trọn bộ những chống đối của quần chúng Việt Nam với chính quyền từ thập niên 1990 tới nay đều xuất phát từ đất đai. Đối với một nước mà 80% dân số gắn liền cuộc đời với nghề nông thì đất đai là tất cả những gì quí báu nhất trên đời. Đất đai không những chỉ quí đối với người Kinh mà còn cả với người thiểu số. Chính sách quốc hữu hóa và hợp tác hóa đất đai của chính quyền cộng sản Việt Nam đã gây ra rất nhiều thù hận giữa người dân với chính quyền.
Người Kinh không có đất còn có thể ra thành phố đi làm công hay sống lây lất bằng những nghề vặt vãnh khác vì cùng văn hóa và ngôn ngữ. Nhưng người Thượng không có đất đai thì chỉ có chết, họ không được huấn luyện để thích hợp với đời sống thành thị, hơn nữa vì không cùng văn hóa và ngôn ngữ, hy vọng sinh tồn của họ nơi chốn thị thành không cao, đất là nguồn sống duy nhất đối với họ. Tội duy nhất của người Thượng là đã chọn sinh sống trên những vùng đất cạnh dòng sông từ nhiều đời trước và ngày nay tình cờ nằm cạnh những trục lộ giao thông, nghĩa là những vùng đất tốt dưới mắt người Kinh, và không có giấy tờ chứng minh.
Hiến pháp Nhà nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1982 (cũng như những hiến pháp trước đó) qui định đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, nghĩa là thuộc về nhà nước. Người Kinh và người Thượng bỗng dưng bị tước đoạt quyền sở hữu đất đai, một hành động mà ngay cả thực dân Pháp cũng không dám thực hiện vì thất nhân tâm, họ chỉ còn quyền sử dụng mảnh đất mà cha ông của họ trước đó đã nhiều đời canh tác. Chưa hết, Luật đất đai năm 1993 còn qui định cách cấp phát giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, như vậy không phải những ai đã từng canh tác nông nghiệp đều được cấp quyền sử dụng đất. Đó là chưa kể cách phân phát đất đai theo kiểu làng xã miền Bắc, nghĩa là chia cắt đất đai một cách manh mún và cửa quyền.
Riêng về người Thượng, họ không hề chiếm đất của ai và cũng không ai hướng dẫn họ làm giấy tờ sử dụng đất. Đất đai quanh các thôn làng của họ là do công lao của nhiều thế hệ cha ông trước đó tạo ra, các đời sau cứ thế mà tiếp tục. Có thể lối canh tác cổ truyền của họ có phí phạm đất và năng suất không cao, nhưng Việt Nam còn rất nhiều đất hoang có thể trồng trọt chưa được khai phá. Vấn đề là chính quyền cộng sản Việt Nam không khuyến khích người Kinh vào chốn rừng sâu khai phá đất hoang ; thực sự thì cũng không ai muốn phiêu lưu trong chốn rừng sâu vì có đổ mồ hôi cho lắm nhà nước vẫn làm chủ hữu số đất đai vừa khai phá thêm. Các chính sách kinh tế mới áp dụng tại miền Bắc năm 1956 và tại miền Nam năm 1976 hoàn toàn thất bại vì lý do đó, những di dân bị đẩy vào rừng sâu đều trốn về thành phố hay tập trung quanh những trục lộ giao thông chính.
Cũng nên biết chính sách khuyến khích giảm dân (hay đuổi dân) tại những khu đông đúc dân cư của chính quyền cộng sản Việt Nam rất là giản dị : tìm mọi lý cớ để trưng thu hay tịch thu đất đai của người thiểu số quanh các thành phố lớn trên cao nguyên và dọc các trục lộ giao thông rồi phân phối lại cho những di dân mới đến. Chính sách này chính quyền Ngô Đình Diệm đã làm từ năm 1954, nhưng lúc đó đất hoang còn nhiều, người Thượng còn sống rải rác và số di dân không đông lắm nên ít xảy ra tranh chấp. Ngày nay, với lượng di dân đông đảo và ô hợp trên ba triệu người vượt tầm kiểm soát của các chính quyền trung ương và địa phương nên mới xảy ra tình trạng chiếm đất của người Thượng trên cao nguyên và gây bất mãn.
Vấn đề tranh chấp đất đai giữa người Thượng và chính quyền cộng sản Việt Nam thật ra không khó giải quyết. Trả lại quyền sở hữu ruộng đất cho nhân dân, chính quyền cộng sản sẽ tranh thủ được cảm tình của mọi thành phần dân tộc đồng thời giải tỏa nguồn sinh lực nông nghiệp dồi dào từ lâu bị kềm chế, đất nước chỉ có thể đi lên. Di dân gốc Kinh sẽ hăng hái đi tìm đất mới khai hoang vì họ khai thác cho chính họ, người Thượng cũng sẽ vui sướng khi được canh tác lại trên mảnh đất cũ và sẵn sàng hợp tác trong mọi chính sách hội nhập bình đẳng.
Hội nhập vào xã hội Việt Nam một cách bình đẳng là ước muốn chung của mọi người Thượng, họ cũng muốn được nâng cao mức sống để chia sẻ một tương lai chung và bắt kịp đà tiến hóa chung của dân tộc. Nhưng ước mơ này khó có thể thực hiện dưới chế độ cộng sản bởi chính chủ thuyết của nó và bởi những người đại diện nó. Cái gọi là chính sách dân tộc của chính quyền cộng sản thật ra chỉ là chính sách bảo vệ biên giới, mang tính quốc phòng. Nơi sinh trú của các cộng đồng sắc tộc dọc vùng biên giới được quan niệm như là vùng trái độn, nơi chịu đựng sự va chạm trực tiếp khi có tranh chấp, do đó phải bị kiểm soát gắt gao. Những cố gắng thực hiện trên các vùng cao nguyên, nếu có, chỉ nhằm củng cố chỗ đứng của chế độ và bảo vệ những người Kinh phục vụ chế độ, không mang lại lợi ích thiết thực nào cho người thiểu số. Đó là chưa kể những công trình khai thác tài nguyên núi rừng mang dại làm hủy hoại môi trường, không những có hại cho người Thượng mà còn cho cả người Kinh vào mùa mưa hay mùa nắng.
Đầu tư cố gắng vào một chính sách dân tộc là điều bắt buộc, không những trong lúc này mà còn mãi mãi về sau.

Suy nghĩ về một chính sách dân tộc

Nước Việt Nam tuy có một lịch sử dài nhưng lại là một quốc gia còn rất mới. Miền Trung chỉ mới hội nhập xong từ thế kỷ 17, miền Nam từ thế kỷ 18 và cao nguyên miền Trung từ đầu thế kỷ 20. Dân tộc Việt Nam đã tiếp nhận rất nhiều đóng góp mới về đất đai cũng như chủng tộc, tuy vậy tổ chức xã hội của Việt Nam lại không thích nghi với những thay đổi đó và vẫn được quan niệm một cách sai lầm như là đất nước của một cộng đồng duy nhất : cộng đồng người Kinh. Lịch sử của Việt Nam là lịch sử của người Kinh. Văn hóa của Việt Nam là văn hóa của người Kinh. Các quan niệm về đạo lý, xã hội, luật pháp đều dựa trên người Kinh và chỉ nhắm phục vụ người Kinh.
Trong suốt dòng lịch sử, trừ một vài ngoại lệ ít ỏi, người Kinh hầu như chưa hề nhìn nhận một trách nhiệm nào đối với các sắc tộc ít người mà chỉ áp đặt khuôn mẫu tổ chức chính trị và văn hóa của mình, nếu cần bằng bạo lực. Tình trạng này nếu không được nhận định rõ rệt để kịp thời có chính sách thỏa đáng có thể dẫn tới những hậu quả rất tai hại, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay và sắp tới. Nhiều quốc gia đang và sẽ còn phải khốn đốn vì những cuộc nổi dậy cuồng nhiệt của các sắc tộc ít người vùng lên đòi bản thể. Nếu chúng ta không cảnh giác để cho tình trạng này xảy ra thì hai vùng rộng lớn của đất nước là thượng du miền Bắc và cao nguyên miền Trung có thể trở nên bất ổn và không phát triển được.
Để tránh tình trạng đó xảy ra, Việt Nam trước hết phải được hiểu như là đất nước của các cộng đồng. Cộng đồng người Việt gốc Khmer đã sống từ ngàn xưa tại miền Nam, cộng đồng người Việt gốc Hoa đã góp công lớn khai mở ra miền Nam, cộng đồng người Thượng có mặt từ lâu đời trên cao nguyên miền Trung phải được coi là những người Việt Nam trọn vẹn, được nhìn nhận và tôn trọng ngang nhau trước luật pháp cũng như trong tình cảm của mọi người. Quốc gia Việt Nam phải gạt bỏ hẳn ý đồ đồng nhất để mưu tìm đồng tiến trong dị biệt. Chúng ta phải khẳng định rằng đất nước Việt Nam không được định nghĩa bằng một chủng tộc mà bằng sự chấp nhận chia sẻ một tương lai chung.
Người Thượng trên cao nguyên, cũng như những sắc tộc khác, là những con người yêu chuộng nếp sống tự do giữa thiên nhiên, một chính sách dân tộc cho tương lai phải tăng cường yếu tố tự do đó chứ không phải để kềm chế nó. Cũng phải loại bỏ ngay từ bây giờ tâm lý coi người Thượng là kém văn minh. Thể lực và trí năng của họ không thua kém gì người Kinh nhưng vì không được chăm sóc và quan tâm đúng mức nên sự cách biệt giữa đồng bằng cao nguyên ngày thêm sâu rộng. Đó là chưa kể tâm lý bá quyền, nhóm nào cúi đầu tuân phục thì được cho ăn, nhóm nào bất phục tùng thì bỏ đói. Chính sách phân biệt đối xử vừa thất nhân tâm vừa không mang lại hiệu quả mong muốn, thực dân Pháp đã áp dụng chính sách này và đã thất bại. Các chính quyền miền Nam cũ và cộng sản hiện nay đã và đang lập lại chính sách này cũng đã va đang thất bại.
Chính vì thế chúng ta phải có một thái độ chính trị rõ ràng, đó là thực hiện tản quyền trên toàn lãnh thổ. Xin nhắc lại thực hiện tản quyền chứ không thành lập những vùng tự trị. Giải pháp thành lập những vùng tự trị cho các sắc tộc thiểu số, như người Pháp đã làm từ năm 1946, không còn khả thi nữa vì ngày nay người Kinh đã chiếm đa số trên khắp mọi miền đất nước, nhưng tản quyền sẽ cho phép các sắc tộc có tiếng nói đáng kể trong các chính quyền địa phương.
Tản quyền khuyến khích các sinh hoạt chính trị tại mỗi địa phương, đem dân chủ tới mọi nơi cho mọi người, tránh được những thủ hành hành chánh nặng nề gây phức tạp cho sinh hoạt thường ngày, kích thích sinh hoạt văn hóa và báo chí địa phương, cho phép mỗi địa phương chọn lựa công thức sinh hoạt kinh tế phù hợp nhất đối với đặc tính của mỗi vùng và nhờ đó mà phát triển. Tản quyền cho phép những khuynh hướng thiểu số, các tôn giáo và các sắc tộc ít người có trọng lượng đáng kể tại những địa phương mà họ hiện diện đông đảo có diễn đàn và phương tiện thực hiện những nguyện vọng của mình, do đó làm dịu bớt những tâm trạng bất mãn và các ý đồ đòi ly khai hay tự trị.
Cũng nên biết cao nguyên miền Trung chưa bao giờ là một quốc gia và người Thượng chưa bao giờ là một dân tộc đồng nhất. Việc một nhóm Rhadé vận động thành lập quốc gia hay cộng hòa Dega chỉ là một phản ứng tuyệt vọng vì người Rhadé không phải là tất cả và cũng không có quyền đứng trên tất cả. Vấn đề của mọi chính quyền Việt Nam là phải tìm cho ra một chính sách phát triển cộng đồng thuận tình hợp lý để hội nhập các cộng đồng thiểu số một cách trọn vẹn vào lòng dân tộc Việt Nam. Muốn được vậy, trước hết phải có tản quyền và muốn có tản quyền phải có dân chủ, một chính sách cộng đồng đứng đắn không thể có trong một chế độ độc tài không chấp nhận những tiếng nói khác biệt.
Tổ chức xã hội Việt Nam cũng phải được điều chỉnh lại. Đại nghị là chế độ chính trị lý tưởng nhất để thực hiện tản quyền, không những có thể phát triển đất nước một cách hài hòa mà còn đủ khả năng duy trì đồng thuận chung. Làm sao cho bộ máy quốc gia chạy tốt chỉ còn là một vấn đề kỹ thuật : lãnh thổ quốc gia được chia thành bao nhiêu vùng ; mỗi vùng có bao nhiêu dân số, bao nhiêu diện tích đất đai ; chức năng kinh tế, cơ sở hạ tầng và tài nguyên của mỗi vùng phải tổ chức và sử dụng như thế nào để có thể tồn tại và không gây bất ổn trên phạm vi toàn quốc, v.v...
Về văn hóa, ngôn ngữ và tín ngưỡng của người thiểu số phải được coi là thành phần của văn hóa chung của người Việt Nam mà nhà nước có nhiệm vụ gìn giữ. Sự hiện diện của cộng đồng người Thượng trong lòng dân tộc Việt Nam còn rất mới và chính vì còn rất mới, chưa tới 50 năm (từ 1954 đến nay), nên văn hóa của người Thượng vẫn còn xa lạ đối với phần lớn người Kinh. Lịch sử Việt Nam cũng phải được viết lại vì lịch sử của các sắc tộc đã hợp thành dân tộc Việt Nam phải được coi như là lịch sử chung của mọi người Việt Nam.
Về kinh tế, mục tiêu dài hạn của bất cứ chính quyền Việt Nam nào là tách dần cao nguyên miền Trung ra khỏi chức năng nông lâm nghiệp để tập trung vào chức năng du lịch. Phong cảnh và khí hậu của các vùng cao nguyên rất thích hợp cho nhu cầu tìm nơi nghỉ mát và du lịch của người đồng bằng, các công ty du lịch quốc tế cũng đánh gia cao tiềm năng mang du khách tới cao nguyên miền Trung, vì nơi đây còn nhiều vết tích của thời chiến tranh và cảnh vật rất đa dạng. Dịch vụ du lịch sẽ huy động một khối nhân lực lớn tại chỗ sống nhờ lượng du khách đông đảo, giảm bớt áp lực tìm đất trồng cây lương thực và công nghệ. Đất đai của các buôn làng bị chiếm hữu không có lý do chính đáng phải hoàn lại cho người thiểu số nhằm tránh những hiềm khích dân tộc vô ích. Chính quyền khuyến khích phong trào di dân gốc Kinh vào khai thác những vùng đất mới chưa có chủ nhân song song với việc phát triển hạ tầng cơ sở. Cao nguyên miền Trung không thiếu đất nhưng không vì thế để cho phong trào khai hoang mang dại diễn ra.
Vừa rồi là những suy nghĩ thô thiển cho một chính sách dân tộc hay chính sách phát triển cộng đồng cho tương lai. Nội dung của chính sách này tùy thuộc quyết tâm của các chính quyền Việt Nam mai sau trong việc thực thi tản quyền.

Nhìn về cao nguyên miền Trung

Cao nguyên miền Trung Việt Nam là một vùng đất mới, được sát nhập vào lãnh thổ Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20, năm 1904, bởi chính quyền thuộc địa Pháp. Đây là một vùng đất rộng lớn, nơi sinh trú của người Thượng, những nhóm dân cư bản địa đã có mặt từ lâu đời trên các vùng núi đồi và thảo nguyên phía Tây Nam dãy Trường Sơn, trải dài từ các triền núi phía Tây các tỉnh duyên hải miền Trung đến ranh giới hai nước Lào và Campuchia. Địa bàn sinh trú của người Thượng có hình giọt nước, nhỏ và nhọn ở phía trên, rộng và tròn phía dưới.
Về diện tích, nếu chỉ tính riêng bốn tỉnh cao nguyên (Kontum, Gia Lai, Đắc Lắc và Lâm Đồng), gọi chung là Tây Nguyên, có một diện tích tổng cộng là 55.270 km2, 1/6 lãnh thổ toàn quốc. Trong thực tế nơi cư trú của người Thượng rộng hơn nhiều, trên 75.000 km2, gần 1/5 lãnh thổ toàn quốc, vì phải tính thêm phần đất phía Tây các tỉnh duyên hải miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phan Thiết, Bà Rịa và phía Bắc các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh và Sông Bé. Tuy sinh trú trên một vùng đất rộng lớn, tổng số dân cư gốc Thượng hiện nay chỉ trên 1,6 triệu người, tương đương với 2% dân số trên toàn quốc hay 28% dân số trên cao nguyên.
Hiện có tất cả 19 sắc tộc Thượng thuộc hai hệ ngôn ngữ khác nhau :
- Hệ Nam Đảo (malayo-polynésien) khoảng 731.000 người, trong đó có người Djarai (401.500), Rhadé (231.000), Raglai (86.000) và Churu (12.500). Các hãnh thông tấn Reuters và AFP thường đưa ra con số 600.000 người Thượng vì tưởng rằng cao nguyên miền Trung chỉ có người Djarai và người Rhadé.
- Hệ Nam Á (môn-khmer) khoảng 869.000 người, trong đó có người Bahnar (170.000), Sedang (118.000), Hré (115.000), Djé Triêng (30.000), Cor (27.000), Brau (250), R'măm (250), Mnong (81.000), Stieng (41.000), Koho (112.500), Mạ (31.500), Ch'ro (18.000), Bru-Vân Kiều (48.000), Ta Ôi (31.500) và K'tu (45.000).
Mỗi nhóm Thượng tập cư trên một khu vực nhất định, sinh sống bằng làm rẫy, chỉ một ít trồng lúa nước và cà phê theo lối định canh định cư. Phần lớn người Thượng ngày nay đã định cư và định canh, chỉ còn khoảng 300.000 người vẫn còn duy trì nếp sống du canh du cư (theo số liệu của chính quyền Việt Nam), nhưng trong thực tế số người du canh du mục rất đông, có thể trên 500.000 (hơn 30% dân số Thượng), vì số đất đai cạnh các trục lộ giao thông chính hay cùác nguồn nước của người Thượng lọt dần vào tay di dân gốc Kinh hay các công ty quốc doanh, buộc nhiều dân làng phải trở về với nếp sống du mục xưa. Nghề thủ công của người Thượng rất là độc đáo, nếu được khuyến khích nghề này sẽ là một nguồn lợi tức đáng kể đủ để bù đắp sự thiếu hụt về lương thực.
Từ sau 1976, đất công xã của các buôn làng đều bị tập thể hóa, các định chế mẫu hệ (nhà rông, nhà tập thể) bị giải tán. Các tòa án nhân dân thay thế các tòa án phong tục, đạo Tin Lành thuộc "hội thánh tư gia" bị cấm rao giảng, đạo Công Giáo bị theo dõi gắt gao và các phong tục tập quán cổ xưa bị chỉ trích nặng nề. Cán bộ đảng và nhà nước lấn át vai trò của các già làng, thanh thiếu niên Thượng tại những nơi đông dân bị gạt ra ngoài xã hội, không tìm được việc làm. Tiếng Việt là ngôn ngữ chính giảng dạy trong các trường học, tiếng mẹ đẻ cho trẻ em ở bậc tiểu học bị cấm. Tỷ lệ thất học trên Tây Nguyên rất cao, cao nhất nước, 60% trẻ em Thượng không đi đến trường vì thiếu ăn và nghèo khó. Số học sinh tốt nghiệp trung học và đại học rất ít (11% và 1%). Bệnh tật nhiệt đới (cùi, lao, kiết lị, sốt rét rừng...) là tác nhân gây tử vong cao trong giới trẻ em gốc Thượng.
Mọi trợ giúp nhân đạo bất cứ từ nguồn gốc nào đều bị canh chừng và thanh lọc gắt gao, các tổ chức thiện nguyện quốc tế và người ngoại quốc gần như không được tiếp xúc trực tiếp với người Thượng, trừ một vài ngoại lệ, và phải qua trung gian các cơ quan của chính quyền. Số người cần được cứu trợ rất cao nhưng chỉ một số ít nhận được quà tặng, phần lớn là qua trung gian các tu sĩ Công Giáo dưới hình thức "chui".
Đất hoang có thể canh tác trên Tây Nguyên còn rất nhiều, hiện có từ 1,5 đến 1,8 triệu hécta đất trồng trọt được nhưng chỉ mới khai thác trên 400.000 mẫu (theo số liệu của chính quyền). Nhưng người Kinh ít chịu đi xa, đi sâu vào chốn rừng hoang khai thác mà chỉ tập trung canh tác đất đai của người Thượng đã khai thác sẵn quanh các thành phố lớn và trục lộ giao thông lớn, do đó mới xảy ra nhiều tranh chấp đất đai.
Từ 1976 đến nay, chính quyền cộng sản đã đưa hơn ba triệu người từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng và hơn 70.000 người thiểu số từ các tỉnh thượng du miền Bắc lên Tây Nguyên khai thác. Tổng số dân cư trong bốn tỉnh Tây Nguyên hiện nay khoảng 5,8 triệu người, trong đó ngoài số người Kinh đã có mặt từ trước 1975 (1,2 triệu), người Thượng trở thành thiểu số trên chính quê hương của họ, 28% trên tổng dân số 5,8 triệu người. Sự có mặt ồ ạt của di dân từ đồng bằng lên làm xáo trộn cân bằng sinh thái trên Tây Nguyên. Do đời sống nghèo khó và không được chính quyền giúp đỡ, những di dân mới này đã hủy hoại môi trường một cách báo động. Nạn đào tìm kim loại và đá quí bằng hóa chất gây ô nhiễm môi sinh, nhiều loại thú quí như voi, cọp, nai, khỉ, công và rắn lục bị tuyệt chủng. Chính những di dân này và các công ty quốc doanh, chứ không phải người Thượng với phương pháp làm rẫy cổ truyền, đã biến hơn hai triệu hécta đất rừng trên các vùng đồi núi thành đồi trọc, gây hạn hán mùa khô và lũ lụt mùa mưa. Nạn khai thác gỗ rừng bừa bãi của các công ty quốc doanh của đảng, nhà nước, quân đội và công an biên phòng tại các vùng biên giới để xuất khẩu đã biến nhiều vùng đồi núi trở nên ô trọc. Diện tích rừng từ 3,3 triệu hécta năm 1976 giảm xuống còn 2,5 triệu năm 1984 và ngày nay chưa tới một triệu.
Người Thượng đã từng giúp người Kinh bảo vệ độc lập chống lại quân Mông Cổ trong thế kỷ 13, sau đó đã giúp triều Nguyễn chống lại quân Pháp đầu thế kỷ 19. Họ cũng đã hợp tác với hai phe đối nghịch trong cuộc chiến tranh vừa qua và đã trả giá khá đắt cho sự dấn thân. Với những thành tích đó, cộng đồng người Thượng xứng đáng để được tôn vinh. Giữ gìn và chăm sóc hạnh phúc người Thượng chính vì vậy phải là nghĩa vụ chung của mọi người Việt Nam.
Cao nguyên miền Trung có một vị trí chiến lược quan trọng vì là nơi giáp ranh với hai nước Lào và Campuchia, bất cứ một bất ổn nào xảy ra tại đây đều ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhiều tỉnh đồng bằng. Nâng đỡ người Thượng trên cao nguyên là trách nhiệm của bất cứ chính quyền Việt Nam nào, ngay bây giờ và trong tương lai, để cộng đồng này bắt kịp đà tiến hóa của dân tộc đồng thời cũng để góp phần bảo vệ bờ cõi chung.
Nếu cộng đồng người Thượng hội nhập trọn vẹn vào lòng dân tộc Việt Nam, đó sẽ là một nét son lớn và niềm hãnh diện chung cho tất cả mọi người. Việt Nam sẽ là một dân tộc lớn.
Nguyễn Văn Huy