Tôi không bỏ cuộc (Đỗ Cao Cường)

Đỗ Cao Cường là một trong những số ít "người ngu" trong một đất nước toàn những "thằng khôn". VN là một trong những đất nước tụt hậu và kém phát triển nhất thế giới vì chúng ta có quá nhiều "thằng khôn". Những "thằng khôn" này có thể là những quan cấp cao cấp nhất trong chính phủ, là đại biểu quốc hội hay những kẻ trọc phú, có tí tiền tưởng mình là bố thiên hạ. Châu Âu, Mỹ, Nhật...luôn là những nước phát triển nhất trên thế giới nhờ họ có nhiều "người ngu", đó là những người luôn sống vì người khác, nghĩ và lo cho dân tộc, giống nòi thay vì cá nhân mình. Cuộc sống vốn công bằng. Những "người ngu" này dù chịu nhiều thiệt thòi nhưng tâm hồn họ thanh thản và tự hào. Người dân sẽ ghi nhận những đóng góp âm thầm đó vì xã hội loài người là hướng thiện. Nếu không thế thì chúng ta đâu có được như ngày hôm nay. 


Tôi lại lang thang một mình tới nhiều tỉnh, thành miền Trung bằng xe máy, dù phải đối mặt với nhiều nguy hiểm nhưng tôi không muốn cho ai biết.

Nhưng đôi khi, tôi vẫn phải nói ra để những kẻ vu khống tôi hiểu rằng, việc tôi làm xuất phát từ tình thương, dành cho những người dân thấp cổ bé họng chứ không phải để người khác biết đến. Còn những kẻ dựng chuyện nói tôi bị ảnh hưởng từ người này người kia nên mới tham gia… cũng không cần bận tâm, vì những việc tôi đã làm.

Ngay từ nhỏ, tôi đã có tư duy độc lập, lên đại học tôi là người đầu tiên chống lại lực lượng liên ngành 141 cùng nhiều kẻ bố đời.

Đi làm báo, tôi cũng là người đầu tiên chống lại các lãnh đạo tòa soạn mặc dù trước đó khá thân thiết, tự mình lang thang tiếp cận, phanh phui những kẻ có thế lực chứ chả cần ai đưa tài liệu cho đánh, là người đầu tiên động tới các tỷ phú…, sau đó các báo, đài trong nước mới theo chân tôi, nhưng mục đích của họ là làm tiền, còn tôi tìm kiếm niềm hy vọng.

Nhưng, dù có bị ung thư, mạng sống bị đe dọa… cũng không đau đớn bằng việc những người dân oan nói với tôi rằng tôi nên dừng lại, đừng công khai thông tin về họ, bởi những kẻ có thế lực đến nhà dọa nạt, yêu cầu họ không cung cấp thông tin cho phản động, nếu không sẽ lãnh hậu quả.

Xin thưa, vào những thời điểm khó khăn nhất, vì bênh vực các bạn tôi đã quay ra chống lại tất cả những nơi mình làm việc, từ bỏ những cơ hội thăng tiến và làm giàu, một điều mà các nhà báo chống tham nhũng không dám làm, họ có thể chống nhiều thứ nhưng nhất quyết không chống lại đồng nghiệp, chống lại chiếc cần câu cơm của họ, dù chiếc cần câu đó cũng chỉ là công cụ, cũng chả tốt đẹp gì.

Cho đến bây giờ, vẫn còn có rất nhiều báo, đài lớn nhỏ ở các nước Mỹ, Anh, Đức… muốn tôi cộng tác, có vài cô em muốn tôi tới học tập, làm việc, sinh con đẻ cái giùm… nhưng tôi vẫn chưa có ý định.

Tự bỏ chi phí đi tác nghiệp, dân oan cho nhưng tôi trả lại… Trong những chuyến đi dài hơi đó, tỏi đen ở nhà bị hư hỏng không người chăm sóc… Vậy động cơ là gì khi tôi phải rước họa vào người, rồi để các ông gọi tôi là phản động?

Hay chính bọn quyền uy, bán nước hại dân các ông mới có khả năng phản động, người dân thấp cổ bé họng, bữa đói bữa no thì làm sao có khả năng phản động?

Trên thực tế, chỉ cần tham gia vào các vụ đánh thuê như các ông, tôi cũng sẽ có nhiều ô tô phản đối BOT, chứ tội gì phải phóng gần 500km trong một ngày bằng xe máy, toàn thân dị ứng, tính mạng bị đe dọa, sau những thước phim là những cuộc rượt đuổi mà không nhiều người biết.

Tôi lại tới vùng cấm!

Người dân miền Trung nghèo khổ và đáng thương lắm, bão lũ ập vào nhà họ quanh năm suốt tháng, khiến cho những đứa trẻ ngủ không được yên giấc, trong khi thủy điện xả lũ vào ban đêm không thông báo trước khiến những chiếc thuyền đánh bắt cá do vay mượn bị cuốn ra xa, rồi nhấn chìm xuống biển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói nếu Formosa tái phạm, nhất quyết đóng cửa. Nhưng cho đến nay, người dân Kỳ Phương sống cạnh Formosa vẫn phải ngửi mùi hôi thối, hít phải xỉ thép độc hại, đến cửa sắt còn han gỉ huống chi con người.

Người Kỳ Phương không chịu được, họ bỏ lại nhà cửa và đi ở trọ, một số ít già cả không còn sức lao động ở lại và chờ chết, ngoài can dầu ăn với 300 ngàn đồng, họ không được gì từ Formosa. Những kẻ bao che cho nó, không thương xót những người đồng bào khốn khổ của mình, ngăn cản việc tôi làm mới đích thị là phản động.

Khi tôi đến, gần triệu tấn xỉ thép và các loại bùn thải độc hại nằm la liệt trong khuôn viên nhà máy, không được che đậy, gió lớn cuốn tất cả ra xa, tới các ngôi làng vùng biển, trong khi khoảng cách nhà máy tới nhà dân thì lại quá gần, không đảm bảo an toàn, và họ cũng không được bồi thường để dọn đi nơi khác.

Formosa thải bùn bẩn, rồi cũng chính Formosa thuê các đơn vị tư nhân về phân loại cho mình, lấy mẫu đó báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ vào kết quả do Formosa gửi để đánh giá, buộc tội, cho nên Formosa sẵn sàng đặt tên bùn thải là bùn khoáng, đánh đồng thứ cặn bã với thứ nguyên chất có sẵn trong thiên nhiên.

Các thành phần trong xỉ thép chưa được phân tích, mà Formosa đã tự tiện mang đi san lấp, chuyển giao cho các cơ sở tái chế ở miền Bắc, hàng nghìn tấn chất thải của Formosa có nồng độ pH vượt ngưỡng nguy hại, cực độc đã có mặt tại Thái Nguyên cùng nhiều tỉnh, thành khác.

Tôi tin rằng vụ cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra, sẽ không dừng lại ở đó, kim loại nặng sẽ tiếp tục được thải ra, ngấm rất lâu trong lòng đất, nước ngầm, không khí và hải sản… người ăn cá nhiễm kim loại nặng bị biến chứng nặng nề, gây tổn thương não, ảnh hưởng đến quá trình phân chia DNA, dẫn đến thai chết, quái thai, giống nòi dị tật sắp ra đời.

Ở những nước phát triển, người ta quy định việc thiết kế ống xả thải từ nhà máy ra môi trường phải để người dân giám sát, các nhà khoa học, cơ quan chức năng dễ dàng lấy mẫu, còn ở Formosa, cống xả thải ngầm đặt tại tầng đáy biển, cách đất liền 2km mà người dân không hề hay biết, đến bây giờ công an tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn loay hoay đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu từ Formosa để đối chiếu.

Với công nghệ luyện gang thép lạc hậu, ống khói cao hàng trăm mét của Formosa sẽ đẩy hơi độc, tro xỉ ra xa, nhiều km, các loại khí độc hại như oxit lưu huỳnh, oxit nitơ… sẽ không dừng lại ở Hà Tĩnh.

Cho nên, không khó hiểu khi tôi tới nhiều ngôi làng ven biển ở Quảng Bình, trong khi xung quanh không có nhà máy nào hoạt động, nhưng những người chuyên thống kê số người chết ở đây cho biết quê hương họ đã trở thành làng ung thư.

Tôi cũng đã tới huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhiều ngư dân cho biết họ lấy nước biển nuôi tôm, tôm chết hàng loạt nhưng không được một đồng bồi thường nào từ Formosa, trong khi quan chức thì lại được. Nhiều người lâm cảnh nợ nần, trốn nợ, nhiều người tha hương cầu thực, sống không bằng chết.

Trước mắt, tôi vẫn chưa có ý định rời khỏi Việt Nam, tôi sẽ còn quay lại, viết tiếp những câu chuyện “chết khi còn đang sống”. Tôi xác định đây không phải là cuộc chiến chống tham nhũng, vì ở đâu cũng tham nhũng, tôi không muốn trở thành kẻ cơ hội, lừa đảo bà con.

Tôi xác định đây là cuộc chiến bảo vệ giống nòi người Việt, đòi quyền sống cho tất cả các loài sinh vật biển. Dù nhỏ bé, nhưng tôi chấp nhận đấu tranh cô độc, không cần ai biết đến mình.

18.5.2019