Vụ chùa Ba Vàng 'có trách nhiệm của chính quyền'? (Ben Ngô-BBC)

"Giờ là câu chuyện của một ngôi chùa rộng mênh mông mọc lên từ nền một ngôi chùa nhỏ. Giờ là câu chuyện cả một guồng máy hoạt động để làm một dịch vụ rất rõ ràng, thu tiền công khai mà lại là rất nhiều tiền. Vậy thì câu chuyện này với tôi không phải là vấn đề xã hội nữa". "Với tôi, đây là một vụ án về một đường dây có tổ chức lôi kéo lừa đảo hẳn hoi. Và đây là vấn đề mang tính hình sự cần phải được điều tra làm rõ.". "Tôi cho rằng để cho các thế lực lừa đảo hoành hành ngay trong những tổ chức, cơ sở tín ngưỡng là trách nhiệm của chính quyền.". "Chính quyền phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này không thể đổ cho đạo Phật. Và đây là một vụ án lừa đảo cần đưa ra ánh sáng và trả lai tiền cho những người bị lừa gạt." (Giang Hà)

 Các khách mời của Bàn tròn Thứ Năm 28/3, từ trái qua: chuyên gia Giang Hà, nhà báo Tâm Chánh và giảng viên Nguyễn Hoàng Ánh


Chương trình Bàn tròn Thứ Năm hôm 28/3 của BBC Tiếng Việt xoay quanh những diễn biến mới nhất về vụ chùa Ba Vàng, Phật giáo và tình hình tín ngưỡng ở Việt Nam.

Các khách mời góp mặt trong chương trình gồm: bà Nguyễn Hoàng Ánh (giảng viên đại học tại Hà Nội), bà Giang Hà (chuyên gia về minh triết Phương Đông trong quản trị) và ông Tâm Chánh (cựu tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị).

'Khởi đầu một chiến dịch'

Giảng viên Nguyễn Hoàng Ánh cho hay: "Từ góc độ một người giảng dạy lâu năm, tôi thấy dường như tâm lý chung đáng chán của người Việt là không cần tốn công sức để đạt được cái gì, mà chỉ muốn đi tắt đón đầu, cầu mong may mắn đạt được."

"Bên cạnh đó là bối cảnh mà việc làm giàu, thăng quan tiến chức có một số biểu hiện không minh bạch."

"Thành ra người ta không thể trông cậy vào năng lực bản thân và chỉ muốn dựa vào một đấng xa xôi nào đấy."

"Trước vụ chùa Ba Vàng là vụ ở chùa Phúc Khánh. Nhà tôi ngày xưa cạnh chùa Phúc Khánh ở Hà Nội, tôi đã từng chứng kiến nhiều người tụ tập dự lễ dâng sao giải hạn rất đông như sau đó đứng lên đi về để lại đống rác kinh khủng cho người khác dọn."

"Với tình hình truyền thông được kiểm soát ở Việt Nam, một vụ việc sẽ không trở thành làn sóng dư luận nếu như nó không có chủ đích ở bên trong."

"Cá nhân tôi tha thiết mong rằng cơ quan hữu quan đã nhận ra sự nguy hại khi để cho các chùa hoành hành quá đáng."

"Đây có thể là khởi đầu cho chiến dịch yêu cầu Phật giáo chấn chỉnh các chùa để việc làm ăn ở đó chân chính hơn."

'Phật giáo quốc doanh'

Nhà báo Tâm Chánh phát biểu: "Theo quan sát của tôi, trong lịch sử hiện đại, Phật giáo là nhân tố đóng góp vào sự phát triển của lịch sử nhưng cũng có những vấn đề tồn tại."

"Trong những diễn biến của Phật giáo Việt Nam thời gian qua, sở dĩ người ta quan tâm vì có sự xuất hiện của các ngôi chùa lớn của đại gia."

"Ai cũng biết đồng bằng sông Hồng thì không có nhiều đất để canh tác nông nghiệp nhưng người ta có thể quy hoạch hàng ngàn ha để xây chùa."

"Tại những ngôi chùa quy mô đó, người ta thấy quan chức cấp cao đến tham dự các nghi lễ trồng cây, khai hội đầu xuân..."

"Điều đó cho thấy lãnh đạo Việt Nam là giới cúng bái thuộc loại nhiều nhất."

"Người ta cũng đặt vấn đề liệu có sự móc nối của tăng lữ với nhà kinh doanh, giới chức trong việc xây chùa bề thế?"

"Tôi thấy người ta hay nói 'sư quốc doanh' như một cách mô tả những người được Nhà nước cử vào các cơ sở tôn giáo, hoặc các vị sư có đóng góp, thậm chí trở thành Đảng viên."

"Lúc đầu chuyện không được công khai lắm, nhưng sau đó được nói tới rất bình thường."

"Theo tôi, phải phân định rạch ròi giữa tăng lữ tu sĩ và giới quản lý tôn giáo, để xã hội đỡ rắc rối phân biệt khái niệm nhà sư, Phật giáo 'quốc doanh' hay không."

'Trách nhiệm của chính quyền'

Chuyên gia Giang Hà cho biết ý kiến: "Những năm trước khi chưa biết về quy mô của những 'dịch vụ tâm linh" như chùa Ba Vàng, tôi thường tập trung kêu gọi mọi người không đi chùa cầu xin những điều không liên quan gì đến giáo lý nhà Phật. Vấn đề với tôi lúc đó là vấn đề xã hội." 

"Năm nay, khi vụ chùa Ba Vàng xôn xao dư luận, được nhìn thấy sự thật của một mô hình làm tiền dựa trên việc thao túng lòng tin của người dân, tôi cho rằng vấn đề ở đây trở nên hoàn toàn khác." 

"Không còn là một ngôi chùa nhỏ mà ở đó người dân đến mang theo trần tục vào cửa chùa cầu xin những điều trần tục để rồi những vị sư tăng nhượng bộ cầm mõ lên tụng kinh giải hạn rồi nhận những đồng tiền công đức tùy tâm." 

"Không còn là việc con nhang đệ tử tự nguyện đến thắp nén hương rồi xin lễ để làm ăn phát đạt." 

"Giờ là câu chuyện của một ngôi chùa rộng mênh mông mọc lên từ nền một ngôi chùa nhỏ. Giờ là câu chuyện cả một guồng máy hoạt động để làm một dịch vụ rất rõ ràng, thu tiền công khai mà lại là rất nhiều tiền. Vậy thì câu chuyện này với tôi không phải là vấn đề xã hội nữa." 

"Với tôi, đây là một vụ án về một đường dây có tổ chức lôi kéo lừa đảo hẳn hoi. Và đây là vấn đề mang tính hình sự cần phải được điều tra làm rõ." 

"Tôi cho rằng để cho các thế lực lừa đảo hoành hành ngay trong những tổ chức, cơ sở tín ngưỡng là trách nhiệm của chính quyền."

"Chính quyền phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này không thể đổ cho đạo Phật. Và đây là một vụ án lừa đảo cần đưa ra ánh sáng và trả lai tiền cho những người bị lừa gạt."