Sáp nhập bán đảo Crimée: Năm năm sau nước Nga vẫn phải trả giá (Minh Anh)

Nếu Mỹ và EU không mạnh tay trừng phạt Putin sau vụ cưỡng chiếm Crimea của Ukraine khiến kinh tế Nga rơi vào suy thoái thì có lẽ TQ đã chiếm hết các đảo của VN ở Trường Sa. Ỷ lớn hiếp yếu, đơn phương vẽ lại bản đồ thế giới là hành động ngược ngạo khó chấp nhận được của bất cứ quốc gia nào dù đó là Nga hay TQ. Mối nguy mất đảo ở Trường Sa vẫn còn nhưng không đến mức quá lo lắng. TQ phải hiểu cái giá phải trả cho hành động đó. 



Cách nay đúng 5 năm, ngày 18/03/2014, sau một cuộc trưng cầu dân ý mà phương Tây mạnh mẽ chỉ trích và cho rằng đã bị thao túng, tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo bán đảo Crimée, khi đó thuộc Ukraina, đã ký kết một hiệp định sáp nhập bán đảo vào lãnh thổ Nga. Năm năm sau, tuy có thêm vùng lãnh thổ ở vùng Biển Đen, nhưng nước Nga vẫn phải tiếp tục trả giá cho hành động này.
Chiến dịch sáp nhập Crimée vào Nga đã để lại những « tác động vừa có ích vừa tai hại ». Người dân Nga nói chung và bán đảo Crimée nói riêng bắt đầu đặt dấu hỏi về lợi ích của việc này. Trong khi đó, theo giới quan sát, tổng thống Vladimir Putin tiếp tục hứng chịu các hệ quả của quyết định trên, chí ít trong ba lĩnh vực.

Thứ nhất là về kinh tế. Các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, bao gồm cả Liên Hiệp Châu Âu, vốn dĩ không thừa nhận hiệp ước sáp nhập được ký kết giữa Nga với lãnh đạo bán đảo Crimée, đang đè nặng lên nền kinh tế đất nước. Theo một nghiên cứu của nhà phân tích Scott Johnson được hãng tin Bloomberg trích dẫn, trong năm 2018, kinh tế của Nga đã bị mất đến 10 điểm so với mức được dự báo vào cuối năm 2013. Trong đó, có đến 6 điểm bị mất là do các lệnh trừng phạt của phương Tây, phần còn lại là do giá dầu trên thế giới tụt giảm.

Thêm vào đó, cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 còn có nguy cơ làm cho tình hình kinh tế Nga thêm tồi tệ, dập tắt hy vọng Mỹ và phương Tây sớm dỡ bỏ các trừng. Vẫn theo Bloomberg, hơn 700 doanh nghiệp và các cá nhân Nga bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ, tức là tăng gấp bốn lần, tính từ năm 2014.

Kinh tế rơi vào suy thoái từ hai năm qua, mức thu nhập bình quân đầu người cũng giảm, dẫn đến hệ quả thứ hai là sự bất mãn của người dân Nga và bán đảo Crimée. Năm năm nhiệt tình ủng hộ trở về với Nga, người dân trên bán đảo vẫn chưa được gì. Đầu tư nước ngoài không còn, mức sống tụt giảm, cơ sở hạ tầng bị xuống cấp. Cảm giác hồ hởi năm xưa nay được thay bằng nỗi lo ngại bị Kremlin bỏ rơi.

Chưa có lúc nào điểm tín nhiệm của tổng thống Nga rơi xuống đến mức thấp nhất như lúc này, nhất là kể từ khi ông Putin thông báo chương trình cải cách hưu trí. Nếu như cách nay năm năm, 88% số người dân Nga được hỏi ủng hộ việc sáp nhập bán đảo Crimée thì nay tỉ lệ này chỉ còn ở mức có 64%. Và 55% người Nga cho rằng cá nhân tổng thống Putin phải « chịu trách nhiệm » về những vấn đề của đất nước, theo như một phóng sự điều tra của báo Le Figaro.

Cuối cùng là trên bình diện chính trị. Với quyết định sáp nhập bán đảo Crimée vào Nga, tổng thống Vladimir Putin không ngừng bị chỉ trích là đã làm thay đổi bản đồ thế giới, được thiết lập từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Lời cáo buộc này còn mạnh mẽ và có giá trị hơn bao giờ hết khi nước Nga bị quy trách nhiệm trong cuộc xung đột Ukraina giữa phe chính phủ và phe đòi ly khai, thân Nga ở vùng Donbass, Đông Ukraina.

Dù vậy, theo giới quan sát, bất chấp áp lực kinh tế ngày càng đè nặng lên đời sống thường nhật của người dân Nga, khó có thể hy vọng rằng ông Vladimir Putin sẽ chấp nhận trao trả Crimée cho Ukraina để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

RFI