Thất vọng (Nguyễn Thị Bích Ngà)

Kỳ vọng vào một điều tươi sáng hơn cho tương lai đất nước là điều mỗi người con dân Việt đều mong muốn, nhưng để kỳ vọng đó trở thành hiện thực thì từ giờ chúng ta phải bớt thất vọng với người khác, tổ chức khác trước đi đã. Hãy tự biết thất vọng với chính mình trước để đất nước đừng bị thất vọng về mình. (Nguyễn Thị Bích Ngà)


Đó là cảm giác lớn nhất mà tôi cảm nhận được từ nhiều người trong năm qua và cả sang đầu năm nay. Họ thất vọng với tập thể đang lãnh đạo đất nước, thất vọng với xã hội mà họ đang sống, thất vọng với tư tưởng mà họ đang theo đuổi, thất vọng với công việc cuộc sống riêng, thất vọng với phong trào đấu tranh, thất vọng với con người, thất vọng với...đủ mọi thứ.

Lãnh đạo tồi, đất nước mãi không khá lại đang đi thụt lùi, chẳng có cái gì để tự hào, để làm niềm vui, hãnh diện thì thất vọng là phải rồi, dù có nói ra hay không.

Các tổ chức, phong trào đấu tranh cho dân chủ thì ì ạch, thiếu chiều sâu và dần mất luôn cả môi trường hoạt động bề nổi, truyền thông, mất người do bắt bớ, nhưng phần lớn là do...người ta cảm thấy thất vọng với phong trào hoặc cá nhân người này người kia. Đúng luôn.

Thật ra chúng ta đang thất vọng cái gì? Có phải vì đất nước này, vì quan chức, vì xã hội, vì phong trào, vì con người...hay không? Tôi nghĩ những cái đó chỉ là cái cớ mà ta đưa ra chứ nó không phải là nguyên nhân sâu xa của nỗi thất vọng của mỗi chúng ta.

Chúng ta đang không dám thừa nhận là ta đang thất vọng với chính bản thân mình.

Con người thường khoe tự hào, giấu đi sự thất vọng của bản thân, trong mọi hoàn cảnh đều không muốn bị coi là nỗi thất vọng của người khác. Do đó, ta đổ nỗi thất vọng lên cái chung hoặc cho người khác sẽ dễ hơn là nhận nó về mình mà quên đi rằng những cái thất vọng bản thân nho nhỏ tạo ra cái thất vọng chung lớn.

Như ta đã biết, phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam còn rất non kém, mỗi hành động, mỗi bước đi, mỗi việc làm bé mọn tới đâu cũng cần học, cần va chạm thực tiễn, cần trải nghiệm, rồi lại học, lại va vấp, lại trải nghiệm...nên nó yếu, thiếu, vụn vặt, nhiều sai lầm là điều bình thường. Rất bình thường. Và trong cái yếu kém đó có công đóng góp của tất cả chúng ta. Mỗi chúng ta đã lười một chút, ngại một chút, sai một chút, thiếu kiến thức vấn đề này vấn đề kia một chút, cảm tính một chút,...tổng hợp lại thành ra cái mà chúng ta đang gọi là nỗi thất vọng hiện nay.

Anh A viết một bài trên stt, trong một bài viết ngắn dưới 1500 từ không thể nào bao quát được toàn bộ mọi vấn đề nên anh chỉ có thể tập trung vào một góc nhỏ, điều đó không có nghĩa là anh thiếu kiến thức. Hoặc giả dụ anh thiếu kiến thức thật, thì chúng ta nên nghĩ đến cái công anh đã nêu được 1 góc và ta tiếp tục nêu thêm góc thứ hai, thứ ba..để bài viết của anh hoàn chỉnh hơn, anh học được thêm nhiều, ta cũng học được ở anh và người khác. Sự góp ý, thảo luận, giúp nhau, góp tay để cùng hoàn thành một cái gì đó là điều còn khá xa lạ với người Việt.

Một tổ chức B đưa ra một bản kế hoạch, dự án cho phong trào đấu tranh, cho đất nước..ta sẽ thường gặp nhiều ý kiến chỉ trích, chê bai kế hoạch, dự án đó thiếu, yếu, blah blah, rất ít gặp những ý kiến đóng góp để nó hoàn thiện hơn, hay hơn, có khả năng triển khai thực hiện hơn.

Thằng C đưa ra một phương án làm việc gì đó, ta cũng sẽ thấy bàn lùi, phủi đi, chê bai này nọ. Ta không góp ý với nó để nó thực hiện được phương án nó đưa ra.

Không một tổ chức, hội nhóm nào không bị người Việt coi là nỗi thất vọng hoặc không bị đổ thừa cho những thất bại này nọ trong phong trào. Không một cá nhân nào có đủ uy tín với tất cả các hội nhóm, tổ chức. Tổ chức, hội nhóm nào cũng phải bị coi thường, trở thành nỗi thất vọng không ở mặt này thì mặt khác. Các cá nhân thì trở thành nỗi thất vọng không của người này thì người kia.

Ta làm vậy để làm gì?

1. Thích thể hiện. Ta phải chê, phải chỉ trích, phải bày tỏ nỗi thất vọng của ta thì ta mới chứng tỏ được mình giỏi hơn.

2. Kiêu ngạo giả vờ. Mục đích để che giấu đi sự hèn nhát của bản thân. Không dám làm, không dám tham gia thì chê để người ta nghĩ rằng mình không tham gia không phải mình hèn mà vì nơi đó đéo xứng với mình.

3. Không nhận thức được mình đang trong tình trạng 1 hoặc 2 mà chỉ thể hiện một cách vô thức sự thất vọng của bản thân đối với tổ chức, cá nhân hoặc vấn đề nào đó. Cái sự thất vọng mà bản thân không bao giờ muốn người ta dành cho mình nhưng mình rất hào phóng dành cho người khác.

Có người nói, "kỳ vọng nhiều nên thất vọng lắm" ý nói rằng khỏi kỳ vọng để khỏi thất vọng. Thất vọng chẳng có gì sai cả vì nó là một trạng thái tâm lý bình thường của con người. Vấn đề ở đây, trong trường hợp đất nước Việt Nam, thì ta không có quyền thể hiện thái độ thất vọng khi chính ta là một nỗi thất vọng của đất nước này. Đất nước không biết nói, chỉ có thể chịu đựng, còn chúng ta biết nói nên chúng ta mặc sức nói ta thất vọng bô lô ba la mà không chịu nhận thức chúng ta là những kẻ đáng thất vọng của đất nước.

Nhiều lần tôi nghe hoặc đọc được những chỉ trích dành cho các tổ chức, hội nhóm, phong trào hoặc cá nhân rồi kêu thất vọng, tôi tự hỏi tại sao ta không làm gì để nó đừng trở thành nỗi thất vọng nữa mà cứ bảo thất vọng thất vọng rồi không làm gì tiếp theo để cải thiện nó?! Ta không đủ khả năng cải thiện ư? Thế thì liệu ta có là một nỗi thất vọng khi không làm được điều đó? 

Viết ra để thấy chỉ trích là rất dễ làm, đổ thừa càng dễ hơn, từ bỏ càng quá dễ, thay đổi mới khó. Thay đổi ngay từ trong chính tư duy của mình để thấu hiểu hơn, thông cảm hơn, bớt chỉ trích, thực sự tham gia vào công việc đóng góp ý kiến và công sức thì mới có thành công chung.

Kỳ vọng vào một điều tươi sáng hơn cho tương lai đất nước là điều mỗi người con dân Việt đều mong muốn, nhưng để kỳ vọng đó trở thành hiện thực thì từ giờ chúng ta phải bớt thất vọng với người, tổ chức khác trước đi đã. Hãy tự biết thất vọng với chính mình trước để đất nước đừng bị thất vọng về mình.

7/2/2019