'Bí thư, Chủ tịch phải ngồi sân bay, bến xe xem khách đến tỉnh mình mua sắm gì' (VNN)
Khi THDCĐN nhận định rằng quan chức lãnh đạo đảng cộng sản càng lên cao càng mờ nhạt và thiếu viễn kiến thì chắc có nhiều đảng viên không hài lòng nhưng thực tế ngày chứng minh là chúng tôi nói đúng. Là một thủ tướng đương nhiệm nhưng ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ngày càng không bình thường. Nhiều Blogger đã tổng hợp các phát biểu của ông Phúc và ai cũng thấy là ông này nổ cho sướng miệng chứ chẳng có trí tuệ gì cả. Bài viết này một lần nữa chứng minh cho nhận định của chúng tôi. Đất nước sẽ đi về đâu dưới sự lãnh đạo của những "chính khách" như thế này?
“Ông Chủ tịch, Bí thư phải ngồi ở
sân bay, bến xe quan sát khi người khách đến tỉnh của mình mua cái gì,
sắm cái gì”, Thủ tướng gợi ý.
Tại hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên ở Thừa Thiên Huế sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
nhấn mạnh, các công ty du lịch Việt Nam cần có tính tự hào, tự tôn dân
tộc trong kinh doanh du lịch chứ không phải kinh doanh bằng bất cứ giá
nào.
Không để “chặt chém” thành thương hiệu ở một số địa phương
“Không
có hệ đếm hay mỹ từ nào đủ để có thể nói hết, tô điểm hết được các tài
nguyên du lịch quá đặc sắc và phong phú của miền Trung – Tây Nguyên”,
Thủ tướng khẳng định.
Theo Thủ tướng, phát triển du lịch phải đặt
vấn đề cụm ngành đồng bộ chứ không phải khai thác tài nguyên du lịch một
cách đơn thuần. Tính chất giàu tài nguyên và di sản nơi đây cho thấy sự
hội tụ của linh khí trời và đất, là vùng đất thiêng liêng, nơi giao hòa
giữa tự nhiên và con người.
Tuy nhiên, tài nguyên du lịch nơi đây
nhìn chung vẫn như “viên ngọc thô chưa được mài dũa hoặc chưa tìm được
người thợ dũa xứng đáng”. Bên cạnh đó, việc nhiều tài nguyên du lịch đôi
khi cũng là bất lợi, khiến chúng ta khó tìm được một bản sắc.
Nhiều
tài nguyên đôi khi còn là cái bẫy dẫn đến sự thiếu quan tâm, chắt chiu
đúng mực trong quản lý, phân bổ, khai thác, sử dụng, khiến cho tài
nguyên dễ bị lãng phí, không hiệu quả, bởi tài nguyên dẫu có vô tận
nhưng nếu không biết khai thác thì cũng bị cạn kiệt, suy thoái...
Ảnh VGP |
“Chúng
ta cần tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung
tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm”, Thủ tướng
nhấn mạnh.
Đánh giá cao kết quả du lịch miền Trung – Tây Nguyên
đạt được như đón trên 8,4 triệu lượt khách quốc tế năm 2018 so với 15,5
triệu của cả nước, tức chiếm hơn một nửa; số lượng cơ sở lưu trú tăng
nhanh; có nhiều khu du lịch đẳng cấp quốc tế, Thủ tướng cũng chỉ ra một
số mặt tồn tại, bất cập khiến cho “viên ngọc chưa được sáng”.
Theo
Thủ tướng, về tổng thể, du lịch miền Trung – Tây Nguyên nói riêng và cả
nước nói chung còn mất cân đối, thiếu sâu sắc, nhạt bản sắc hoặc sắc
thái chưa ấn tượng, nói chung là thiếu một kiến trúc du lịch mang bản
sắc Việt Nam rõ nét.
Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch bị phân mảnh trong quản lý, khai thác, sử dụng; mức chi tiêu trung bình của du khách còn thấp.
Lâu
nay, chúng ta chỉ tư duy phát triển du lịch như là một ngành duy nhất,
thay vì phát triển theo cụm ngành. Nâng cao chất lượng nhân lực ngành du
lịch để làm hài lòng du khách vẫn là câu hỏi lớn. Ngành du lịch còn
chậm đổi mới cả nội dung lẫn hình thức.
Ví dụ, theo Thủ tướng, rất
lâu rồi chúng ta vẫn nghe những chủ đề cũ như “con đường di sản miền
Trung”, “kết nối di sản”, những chủ đề này đã rất thành công nhưng có vẻ
“chúng ta đang ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.
Đặc biệt, còn có
tồn tại tình trạng chặt chém du khách, một vài trường hợp lừa đảo, ép
khách du lịch đã làm xấu bộ mặt du lịch và hình ảnh người Việt Nam.
Thủ
tướng cho biết, có 3,74 triệu tin, bài liên quan đến từ khóa “chặt
chém” trên công cụ tìm kiếm và nêu ví dụ một nhà hàng ở TP Nha Trang bán
có một đĩa rau mà lấy của khách hàng tới 500.000 đồng; hay hiện tượng
xích lô đi lòng vòng rồi từ lúc đầu nói 20.000 đồng nhưng sau lấy của
khách 200.000 đồng.
Thủ
tướng nhấn mạnh, mặc dù chỉ mang tính cá biệt nhưng hiện tượng này rất
tai hại đối với một đất nước, do vậy chúng ta phải lên án, xử lý nghiêm
và nhắc nhở, đừng bao giờ để những từ chặt chém thành “thương hiệu” ở
một số địa phương.
Ảnh VGP |
Những câu hỏi lớn, đã giải, nhưng chưa xuất sắc
Để
phát triển du lịch bền vững, Thủ tướng đặt ra cho ngành 5 câu hỏi: Thứ
nhất, làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn. Thứ hai, làm
thế nào du khách ở lại lâu hơn thay vì đòi đi sớm hơn. Thứ ba, làm thế
nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu.
“Ông
Chủ tịch, Bí thư phải ngồi ở sân bay, bến xe quan sát khi người khách
đến tỉnh của mình mua cái gì, sắm cái gì”, Thủ tướng gợi ý.
Thứ
tư, làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người
thân, với bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể một cái xấu
gì đó ở Việt Nam. Thứ năm, làm thế nào du khách quay trở lại sớm nhất
có thể chứ không phải một đi không trở lại.
Tuy nhiên, nhìn từ
thực tế cho thấy các câu trả lời vẫn chưa thực sự xuất sắc lắm và ngành
du lịch Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung – Tây Nguyên còn nhiều
việc phải làm. Và việc phải làm đầu tiên là giữ môi trường sạch sẽ, ngăn
nắp, trật tự, an toàn, vui vẻ, luôn nở nụ cười trên môi.
Thủ
tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp chung tay, đồng hành cùng Chính
phủ, chính quyền địa phương đầu tư, phát triển mạnh mẽ hơn nữa du lịch
miền Trung – Tây Nguyên. “Thiếu doanh nghiệp, thiếu các tập đoàn lớn,
không có hãng lữ hành, không có khu du lịch, khu vui chơi, giải trí thì
khó thành công, phát triển du lịch”.
Theo Thủ tướng, ngành du lịch
cần suy nghĩ làm sao đưa văn hóa bản địa của chúng ta đến với du khách
một cách sâu đậm, ấn tượng hơn, cùng với dấu chân du khách lan tỏa trên
toàn thế giới, hay thổi hồn vào các câu chuyện văn hóa, lịch sử của đất
nước.
Với miền Trung, cần chú trọng phát triển du lịch cộng đồng,
homestay để đưa thế giới đến gần với người dân hơn, đưa văn hóa bản địa
ra thế giới và tạo thu nhập cho người dân tốt hơn.
Cần tránh phong
trào trong đầu tư du lịch, ví dụ “thấy tỉnh bạn làm chợ đêm thì tỉnh
mình cũng làm chợ đêm, thấy người ta tổ chức lễ hội, mình cũng làm lễ
hội mặc dù không có hiệu quả”. Điều quan trọng là phải làm cho sản phẩm
du lịch địa phương độc đáo, khác biệt, đổi mới liên tục.
Thủ tướng
cũng nêu rõ, không có cách nào quảng bá hiệu quả hơn việc xây dựng hình
ảnh: Mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ du lịch.
Đối với các
công ty du lịch Việt Nam, theo Thủ tướng, cũng cần có tính tự hào, tự
tôn dân tộc trong kinh doanh du lịch chứ không phải kinh doanh bằng bất
cứ giá nào. Phải làm sâu sắc hơn hình ảnh quê hương, đất nước trước du
khách, không thể hời hợt và bán rẻ giá trị văn hóa du lịch Việt Nam với
thế giới.