Hàng ngàn người biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong (VOA)

Tự do không thể van xin mà phải đòi cho bằng được. Trong khi cả thế giới đang ăn mừng năm Mới 2019 thì vẫn có những người xuống đường biểu tình đòi tự do và nhân quyền cho chính mình và cho cả những người khác. Họ thật đáng khâm phục và đáng học hỏi. Không hiểu chính quyền Trung Quốc cư xử thế nào mà ngay cả dân Hồng Kông vẫn không thích họ vậy làm sao Trung Quốc làm bá chủ thế giới được? Giấc mơ Trung Hoa bao giờ mới thành hiện thực? 


Hàng ngàn người biểu tình đã xuống đường ở Hong Kong hôm 1/1 để đòi dân chủ, các quyền cơ bản và thậm chí là độc lập khỏi Trung Quốc trong bối cảnh họ phải đối mặt với sự đàn áp gia tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các quyền tự do địa phương.

Trong năm qua, Mỹ và Anh đã bày tỏ quan ngại về một số vụ việc mà họ cho rằng đã phá hoại lòng tin về tự do và tự trị của Hong Kong dưới sự cai trị của Trung Quốc.

Những vụ việc này bao gồm bỏ tù các nhà hoạt động, cấm các đảng phái chính trị cổ súy độc lập và trục xuất trên thực tế một nhà báo phương Tây và ngăn cản các nhà hoạt động dân chủ ra ứng cử.

Cuộc biểu tình vào năm mới cũng bao gồm lời kêu gọi khởi động lại các cuộc cải cách dân chủ đã bị ngưng trệ và đấu tranh với ‘đàn áp chính trị’ của Bắc Kinh.

“Nhìn lại một năm trôi qua, đó là một năm rất tồi tệ… Pháp trị ở Hong Kong đang thụt lùi,” Jimmy Sham, một trong những người tổ chức cuộc biểu tình, cho biết.

Những nhà tổ chức cho biết cuộc tuần hành có 5.500 người tham gia – điều chỉnh lại con số ước tính lúc đầu là 5.800 người trong khi cảnh sát nói rằng có 3.200 xuống đường vào lúc cao điểm của cuộc tuần hành.

Mặc dù chính quyền Hong Kong đã đàn áp quyết liệt phong trào đòi độc lập, điều này không hề ngăn khoảng 100 nhà hoạt động đòi độc lập tham gia cuộc tuần hành. Họ trương những biểu ngữ và hô vang những khẩu hiệu đòi Hong Kong tách ra khỏi Trung Quốc.

Trung Quốc xem Hong Kong là phần lãnh thổ không thể tách rời của họ và lên án ‘những kẻ ly khai’ là mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia, ngay cả khi phong trào đòi độc lập không giành được nhiều sự ủng hộ của người dân.

“Chính quyền sẽ tiếp tục đàn áp phong trào độc lập của Hong Kong, nhưng phong trào sẽ ngày càng lớn mạnh,” Baggio Leung, một lãnh đạo phong trào độc lập, nói và cho biết một số thành viên trong nhóm của ông đã bị các băng đảng ‘tam hoàng’ quấy phá trước khi cuộc tuần hành diễn ra.

Trong một động thái chưa từng có tiền lệ vào năm ngoái, chính quyền Hong Kong đã cấm Đảng Dân tộc Hong Kong với lý do an ninh quốc gia vì lập trường đòi độc lập của đảng này.

Nhà báo phương Tây Victor Mallet trên thực tế đã bị trục xuất khỏi Hong Kong chẳng lâu sau khi ông có cuộc trò chuyện với lãnh đạo Đảng Dân tộc Hong Kong tại một câu lạc bộ báo chí.

Việc từ chối cấp thị thực cho Mallet mà cho đến nay chính quyền Hong Kong vẫn không đưa ra lời giải thích, đã bị một số chính phủ nước ngoài chỉ trích.

Một số người biểu tình còn đem theo chân dung của Theresa Cheng, quan chức tư pháp cao nhất của đặc khu, với dòng chữ ‘Truy nã’ để lên án quyết định của bà này ngưng một cuộc điều tra tham nhũng đối với ông Lương Chấn Anh, cựu đặc khu trưởng và là người thân Bắc Kinh, mà không đưa ra lời giải thích thỏa đáng.

“Tôi lo ngại rằng áp lực sẽ tiếp tục,” ông Joseph Cheng, một nhà vận động nhân quyền kỳ cựu và là một giáo sư về hưu vốn đang gây quỹ ‘công lý’ cho những nhà hoạt động phải chịu chi phí pháp lý cao ngất cho một số phiên tòa.

“Chúng tôi sẽ đối mặt với một vài năm rất khó khăn, nhưng chúng tôi phải kiên định… Không giống như trong đại lục, ít nhất chúng tôi còn có quyền phản đối,” ông Cheng nói.