Thiếu lao động, Đức mở cửa cho di dân kinh tế (RFI)

Di dân là một vấn đề lớn của thế giới. Di dân giúp các nước phát triển giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động vì dân số ngày càng già đi như Đức, Mỹ, Nhật...Chính phủ Nhật mới đây cũng đã nới nỏng các qui định dành cho người nhập cư. Vấn đề cần nghiên cứu là kiểm soát và dạy nghề cho những người di dân như thế nào để vừa đảm bảo an ninh vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Biện pháp xua đuổi di dân, ngay cả những người gốc Việt đã ở Mỹ gần 30 năm như Trump đang làm vừa thiếu tính nhân đạo vừa sai lầm về mặt kinh tế.  



Hôm nay 19/12/2018, chính phủ Đức trình dự luật đầu tiên nới lỏng các điều kiện cho di dân kinh tế. Trong tình hình nước Đức đang rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, luật mới nhằm giúp cho nền kinh tế đầu tầu châu Âu bảo đảm sức năng động hiện nay và trong lâu dài.
Trong nhiều năm gần đây, Đức là nước châu Âu đã đón nhận hàng trăm nghìn người nhập cư. Dự luật có nội dung chủ yếu tạo điều kiện đón nhận những lao động có chuyên môn, tay nghề cao, đồng thời quản lý tốt hơn tình trạng di dân ồ ạt.

Thông tín viên RFI tại Berlin, Pascal Thibault cho biết thêm chi tiết :

Trước mùa hè vừa qua, liên minh cầm quyền đã thông báo trình dự luật về nhập cư trước khi kết thúc năm nay. Do có các bất đồng,  cụ thể là một số người muốn văn kiện này phải mang tính chất ràng buộc hơn nên lịch trình dự luật chậm lại, không được như dự kiến. Cuối cùng, hai dự luật về cải cách này được đưa ra trình sáng nay tại Hội đồng bộ trưởng.

Đây là một bước ngoặt lịch sử. Từ lâu nay người Đức vẫn không  muốn đất nước họ là đất nhập cư. Đây là lần đầu tiên Đức thông qua một văn kiện luật giúp quản lý  nhân công có tay nghề cao tới Đức. Văn kiện cải cách đầu tiên quy định nhập cư đối với những người có chuyên môn, tay nghề cao.
Đối với những người này, không còn cần kiểm tra xem liệu ngành nghề đó người Đức hay người châu Âu có thể làm hay không. Văn bản luật thứ nhì quy định trong điều kiện nào thì người xin tị nạn bị bác đơn nhưng đã gia nhập thị trường lao động vẫn có thể được cấp phép cư trú.

Những điều luật trên được đưa ta trong lúc các công ty đang thất vọng và gây áp lực với chính phủ đòi tự do hóa việc nhập cư. Theo một nghiên cứu, 2/3 các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò thúc đẩy kinh tế Đức muốn tuyển dụng nhân công có tay nghề trong 3  năm tới và nhiều doanh nghiệp sợ không thể làm được điều đó.

Dự luật nhập cư nói trên là kết quả của cuộc mặc cả đến phút chút chót giữa đảng Xã hội – Dân chủ SPD và liên minh bảo thủ CDU/ CSU. Điều này chứng tỏ chính phủ vẫn còn khả năng hành động sau nhiều tháng khủng hoảng nội bộ khiến thủ tướng Angela Merkel, cầm quyền liên tiếp 4 nhiệm kỳ, đã phải thông báo sẽ rút khỏi chính trường vào năm 2021.

Đây là một trong những cải cách được mong chờ và gây nhiều tranh cãi ở một đất nước mà tâm lý bài ngoại, chống nhập cư đang có xu hướng tăng cao. Trước làn sóng cực hữu lên cao kể từ khi nước Đức mở cửa đón nhận gần một triệu di dân năm 2015, các dân biểu bảo thủ đã yêu cầu có những điều chỉnh dự luật.

Dự luật được soạn thảo bởi hai bộ trưởng Kinh Tế và Nội Vụ, thuộc phe bảo thủ và bộ trưởng Lao Động, thuộc phe Xã hội-Dân chủ.  Về cơ bản dự luật mới đã giải tỏa được những bất đồng trong nội bộ chính phủ. Dự luật sẽ được đưa Quốc Hội thông qua trong năm tới.

Nội dung cơ bản của luật mới là các quy định cho phép những người nhập cư đến từ ngoài Liên Hiệp Châu Âu, nếu có trình độ chuyên môn tay nghề mà nước Đức đang cần, thì có thể được cấp phép lưu trú 6 tháng để tìm việc làm.

Trong thời hạn trên, những người nhập cư tìm việc đó phải tự lo liệu cuộc sống, không được hưởng trợ cấp xã hội và phải chuẩn bị đủ trình độ tiếng Đức để giao tiếp, làm việc. Giấy phép lưu trú của họ sẽ được gia hạn nếu tìm được việc làm.

Mặc dù Đức đã có luật đối với những người tốt nghiệp đại học tại Đức, luật mới sẽ tạo điều kiện để những người có chuyên môn tay nghề đến Đức làm việc. Đó là những người có chuyên môn trong các ngành nghề như chăm sóc sức khỏe người già, thợ điện, công nghệ thông tin hoặc nghề nấu ăn…

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho người nhập cư đến Đức làm việc, chính phủ cũng muốn chấm dứt quy định các công việc được ưu tiên dành riêng cho người Đức hay công dân thuộc Liên Hiệp Châu Âu.

Thiếu nhân lực nghiêm trọng

Luật mới đáp ứng một phần mong đợi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành phần kinh tế chủ chốt trong mô hình kinh tế Đức mang lại sức năng động cho tăng trưởng. Nhưng nhiều năm nay, các công ty như vậy đang thiếu nhân lực ngày càng trầm trọng.

Tỷ lệ sinh đẻ của người Đức trong một thời gian dài giảm mạnh. Nước Đức đang ở trong giai đoạn gần như là đầy việc làm, trong khi đó Đức đang chuẩn bị phải đón nhận một thế hệ lao động về hưu.

Theo bộ trưởng Kinh Tế, dân số Đức trong độ tuổi lao động từ 20 đến 65, đến năm 2030 sẽ giảm 3,9 triệu người và đến năm 2060 sẽ còn hụt đi 10,2 triệu người. Hơn 60% doanh nghiệp Đức đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công có tay nghề. Đây thực sự là một mối nguy đối với sự phát triển kinh tế Đức.

Không có lao động nước ngoài, kinh tế Đức khó trụ nổi

Theo các chuyên gia thuộc Đại học Constance và cơ quan liên bang về lao động, trong tình trạng dân số lão hóa như hiện giờ, từ nay đến năm 2050, mỗi năm nước Đức trung bình cần 400 nghìn lao động đến từ ngoài Liên Hiệp Châu Âu. Tình trạng thiếu nhân công càng trở nên trầm trọng khi mà tăng trưởng kinh tế đang mạnh trong nhiều năm qua.

Ông Andreas Koch-Martin, một chuyên gia về đào tạo nghành nghề ở Berlin thừa nhận : « Không có lao động nước ngoài, kinh tế Đức không sống được. Luật mới đi theo hướng tốt, có thể giải quyết được nhiều vấn đề của kinh tế Đức »

Phân biệt giữa di dân kinh tế và xin tị nạn

Với chuyên gia Matthias Mayer thuộc quỹ Bartelsmann, dự luật là « một bước tiến » nhưng « không phải là bài thuốc thần ». Chuyên gia này giải thích thêm : « Sức hấp dẫn của một đất nước là hết sức quan trọng. Nó nao gồm cả sức hấp dẫn về ngôn ngữ, mức lương cao, thuế khóa và trợ cấp phúc lợi xã hội. Đó là những vấn đề tổng thể mà chính phủ Đức còn phải nghiên cứu ». 

Theo nhiều điều tra dư luận, xã hội Đức dường như sẵn sàng cho một bộ luật như trên. Chỉ duy nhất có đảng cực hữu là chống quyết liệt. Chuyên gia Matthias Mayer nhận định : « Từ năm 2015, một bộ phân dân chúng lo ngại tình trạng nhập cư không kiểm soát. Với bộ luật mới, chính phủ tạo cảm giác kiểm soát được tốt hơn những người đến Đức ».

Luật cho phép phân biệt giữa di dân kinh tế và người xin tị nạn, những đối tượng phải theo các biện pháp hội nhập đặc biệt. Những người bị bác đơn xin tị nạn, phải rời khỏi Đức, sẽ không được hưởng các quy định mới.

Trong dòng người tị nạn được nước Đức của thủ tướng Angela Merkel đón nhận từ năm 2015, đã có đến 400 nghìn người tìm được việc làm hoặc được đào tạo nghề, theo ông Ingo Kramer, chủ tịch nghiệp đoàn giới chủ Đức (BDA).

Như vậy là lần đầu tiên Đức có được một công cụ pháp lý cho vấn đề nhập cư. Người  sinh ra ở nước ngoài hiện chiếm tới 14,9% dân số Đức, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc. Tuy thế, Đức vẫn e ngại không muốn coi là đất nhập cư.

Ngay từ thập kỷ 1960, Đức đã mở cửa cho những người Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và đông đảo lao động nước ngoài đến làm việc trong các nhà máy của Đức. Khi đó họ được coi như là những « lao động được mời » và được kêu gọi quay trở về nước sau khi kết thúc hợp đồng. Nhưng trên thực tế, rất đông trong số họ đã ở lại định cư lập nghiệp vĩnh viễn tại Đức.