Nước Pháp bước vào một giai đoạn đầy ẩn số (Nguyễn Gia Kiểng -Xã luận)

Chúng tôi đăng lại bài viết cũ của ông Nguyễn Gia Kiểng viết về tân tổng thống trẻ Macron lúc mới đắc cử. Ông đã phân tích sự tàn lụi của các chính đảng Pháp và một tương lai bấp bênh của chính quyền Macron. Macron đã không có bất cứ một dự án chính trị nào cho nước Pháp. Ông thành công vì mô hình "tổng thống chế" và ông cũng sẽ thất bại vì chính lý do đó. Mô hình chính trị "Tổng thống chế" đang tàn phá nước Pháp như chúng ta đang chứng kiến...
 
Người Pháp vừa bầu quốc hội vòng đầu, một tháng sau khi đã bầu một tổng thống mới. Cuộc bầu cử này là một hiện tượng hiếm có tại các nước dân chủ. Nó đã là một thắng lợi áp đảo cho tổng thống Emmanuel Macron, một người trẻ mới có 39 tuổi xuất hiện đột ngột trên chính trường Pháp từ một năm nay. Tuy vậy, trái với sự hân hoan của nhiều người, nó mở ra một giai đoạn đầy bất trắc.
Nhưng trước hết là một vài dòng về thể thức bầu quốc hội tại Pháp.
Cử tri Pháp bầu theo lối đơn danh hai vòng. Các dân biểu được bầu từng người một, trong 577 đơn vị bầu cử. Trong vòng đầu nếu tại một đơn vị có ứng cử viên nào được quá 50% số phiếu thì người đó đắc cử và cuộc bầu cử tại đơn vị đó đã xong. Nếu không phải tổ chức bầu cử vòng hai trong đó chỉ có hai người về đầu gặp nhau trong vòng chung kết, lần này người nào được nhiều phiếu hơn đắc cử. Trong một số đơn vị có thể có ba ứng cử viên ở vòng hai nếu người về hạng ba trong vòng đầu đạt số phiếu cao hơn 12,5% tổng số cử tri trong đơn vị - xin nhấn mạnh là 12,5% tổng số cử tri chứ không phải 12,5% số phiếu bầu.
Trong cuộc bầu cử ngày chủ nhật 11/06/2017 vừa qua chỉ có bốn người đắc cử ngay vòng đầu. Như vậy ngày 18/06 sắp tới sẽ có bầu vòng hai trong 573 đơn vị trong đó có một vài nơi có ba ứng cử viên.
Tinh thần của cách bầu cử này có thể tóm tắt như sau : ở vòng một cử tri chọn giữa các chính đảng hay các ứng cử viên, ở vòng hai họ chọn giữa các khuynh hướng, vì một lý do dễ hiểu là các cử tri đã bầu cho một người bị loại trong vòng đầu thường bầu cho người cùng khuynh hướng chính trị trong vòng sau. Chính thể thức bầu cử này đã khiến đảng cực hữu Front National họa hiếm lắm mới có được một vài người trong quốc hội dù vào được vòng hai ở khá nhiều nơi.
Trở lại với cuộc bầu cử quốc hội vòng đầu vừa qua. Đảng "Nước Cộng Hòa Đi Tới" (La République En Marche, hay LREM) của Emmanuel Macron và đồng minh Phong Trào Dân Chủ (MoDem) được 32,21% và về đầu trong đại đa số các đơn vị. Theo các dự đoán, ông Macron sẽ có hơn 400 ghế trong quốc hội, nghĩa là vượt rất xa đa số tuyệt đối 289 ghế, trừ khi cử tri đổi ý kiến và không muốn cho ông một đa số quá lớn. 
Đảng Cộng Hòa (Les Républicains), mới cách đây sáu tháng còn được coi là sẽ thắng lớn, được 21,56% và sẽ được khoảng 100 ghế. Đảng Xã Hội (Parti Socialiste), đang có đa số tuyệt đối trong quốc hội, chỉ được 9% và sẽ có được khoảng 20 ghế. Đảng cực hữu Front National được 13,2% số phiếu nhưng sẽ chỉ được một vài ghế vì bị cô lập trong vòng hai. Đảng Nước Pháp Bất Khất (La France Insoumise) vừa mới thành lập từ vài năm nay do Jean-Luc Mélenchon, một nhân vật rất hùng biện, được 11% và sẽ được khoảng 20 ghế. Các đảng khác, trong đó có Đảng Cộng Sản Pháp, chỉ đạt những kết quả không đáng kể.
Dư luận và hầu hết các nhà bình luận Pháp chào mừng thắng lợi của Macron như một hy vọng lớn cho nước Pháp. Và họ lạc quan cho tương lai. Nhưng sự lạc quan này có thể là một sai lầm. Nhìn một cách khách quan tình hình chính trị của Pháp đang rất đáng lo ngai.
phap2
Trong đại đa số các dân biểu thuộc đảng LREM của Macron là những người chỉ mới tập sự làm chính trị
Trước hết là chính cái đa số áp đảo mà Macron có thể sẽ có sau cuộc bầu cử vòng hai, chủ nhật 18/06 sắp tới. Trong đại đa số các dân biểu thuộc đảng LREM của Macron là những người chỉ mới tập sự làm chính trị, chỉ mới gia nhập đảng từ vài tháng nay khi thấy Macron sắp thắng. Họ chỉ được bầu nhờ thương hiệu Macron. Trong đơn vị bầu cử của tôi một phụ nữ trẻ đẹp gốc Việt có triển vọng sẽ là dân biểu gốc Việt duy nhất trong quốc hội Pháp từ trước đến nay. Bà gần như chắc chắn sẽ đắc cử vì về nhất rất xa so với đối thủ trong vòng chung kết chủ nhật sắp tới. Bà này mới chỉ cách đây một tháng không ai biết tới và chính bà cũng nhìn nhận là chỉ mới quan tâm tới chính trị từ khi có hiện tượng Macron. Ở một đơn vị bầu cử khác mà tôi theo dõi trên tivi một cô gái nông dân 26 tuổi chưa biết gì về chính trị cũng về đầu. Đó là những chân dung điển hình của những dân biểu LREM tương lai. Họ nợ Macron tất cả và phải tuyệt đối phục tùng Macron bởi vì họ không có một tư cách nào để phản biện những quyết định của Macron. Họ sẽ chỉ là những nghị gật, những cỗ máy dơ tay. Dù vậy, nếu chiếm đa số 3/4, hay 2/3, họ cũng sẽ có quyền sử dụng 3/4  hay 2/3 thời giờ tranh cãi tại quốc hội. Các cuộc thảo luận tại quốc hội còn ý nghĩa gì ? Trên thực tế trong 5 năm tới Pháp sẽ là một nước độc tài. Quyền lập pháp sẽ gần như bị xóa bỏ. Trong mọi chế độ dân chủ đúng nghĩa lập pháp phải ở trên hành pháp, một bên qui định và một bên thi hành, nhưng trong 5 năm tới tại Pháp lập pháp sẽ chủ yếu vâng lời hành pháp. Macron sẽ có mọi quyền hành.
Không ai chối cãi tính hợp pháp của Macron, nhưng tính chính đáng dân chủ (légitimité démocratique, democratic legitimacy) của Macron không cao. Trong vòng đầu ông chỉ được 24% số phiếu, nghĩa là 18% số cử tri Pháp. Trong vòng hai ông được 66% nhưng đại đa số những người bầu cho ông là vì muốn chống ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen. Những người thực sự muốn Macron làm tổng thống chỉ là 18% cử tri Pháp. Chúng ta sẽ nhìn rõ hơn tầm quan trọng của tính chính đáng dân chủ nếu nhìn vào cuộc bầu cử tại Anh tuần trước. Bà thủ tướng Theresa May đang có một đa số 17 ghế trên mức quá bán. Bà tổ chức bầu lại quốc hội để có một đa số lớn hơn. Bà hy vọng sẽ có được một sự chính đáng dân chủ lớn hơn, với từ 50 đến 80 ghế dân biểu trên mức quá bán để có thêm uy tín trong những quyết định quan trọng, như thương thuyết việc Anh rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Bà đã thất bại, thay vì được một đa số lớn hơn bà chỉ còn một đa số mỏng hơn. Mọi quan sát viên đều đồng ý rằng bà sẽ gặp khó khăn lớn. Thực tế chính trị của nước Pháp hiện nay là một tổng thống chỉ được 18% cử tri thực sự ủng hộ lại có toàn quyền quyết định tất cả. Nền dân chủ Pháp sẽ yếu đi.
Đáng lo ngại vì nền dân chủ Pháp vốn đã yếu rồi, như vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, mới cách đây hơn một tháng, đã chứng tỏ. Bốn ứng cử viên về đầu chỉ cách nhau 4%. Chỉ cần một sai lệch 4%, nghĩa là rất nhỏ, người Pháp sẽ phải chọn trong vòng chung kết giữa Marine Le Pen và Jean-Luc Mélenchon, hai nhân vật cực hữu và cực tả, với hậu quả kinh khủng cho cả Pháp lẫn Châu Âu và thế giới.
Một lý do đáng lo ngại khác là sự thờ ơ ngày càng lớn của dân chúng Pháp với chính trị. thể hiện qua tỷ lệ cử tri tham gia quá yếu : 48%, trong đó có 2% phiếu trắng. Khi nhiều người so sánh thắng lợi của đảng Macron trong vòng đầu cuộc bầu cử quốc hội này với một cơn sóng thần họ quên rằng ngọn sóng thần này thật ra không cao, 32% của 46% chỉ là 15% mà thôi. Thực tế là nước Pháp đang lâm bệnh.
Macron sẽ lãnh đạo nước Pháp như thế nào ?
Sự lạc quan của đa số các nhà bình luận, Pháp cũng như quốc tế, có thể thiếu cơ sở. Macron không có đồng đội. Những cộng sự viên thân cận nhất của ông - phần lớn là những người chưa có kinh nghiêm chính trị - cũng chỉ mới biết đến ông từ khoảng một năm nay, thậm chí vài tháng nay. Thủ tướng và hai bộ trưởng quan trọng -kinh tế và ngân sách - cách đây hai tháng còn là đối thủ. Họ không có quan hệ đồng đội và cũng chưa hiểu nhau. Không có gì bảo đảm là họ sẽ làm việc với nhau một cách hiệu quả.
Còn đảng LREM của ông thì đại đa số là những người mới bắt đầu tập sự làm chính trị và mới chỉ theo ông vài tháng nay khi ông có vẻ chắc thắng, thậm chí từ vài tuần nay sau khi ông đã đắc cử. Kinh nghiệm đã chứng tỏ rằng một chính đảng đúng nghĩa chỉ có thể hình thành qua tranh đấu cam go, không ai thành lập được một chính đảng đúng nghĩa một khi đã nắm được chính quyền, vì một lý do giản dị là lúc đó không thể phân biệt những người thực sự có thiện chí với những người cơ hội vụ lợi. Thường thường những kẻ cơ hội lại tỏ ra hăng say nhất. Tại Việt Nam trước đây Đảng Cần Lao của ông Ngô Đình Điệm và Đảng Dân Chủ của ông Nguyễn Văn Thiệu đã tan biến ngay tức khắc sau khi thủ lãnh mất quyền lực, cũng như Tập Hợp Dân Chủ Hiến Định của Ben Ali tại Tunisia hay Đảng Quốc Gia Dân Chủ của Hosni Mubarak tại Ai Câp dù trước đó có hàng trăm nghìn hay hàng triệu đảng viên. Chúng không phải là những chính đảng đúng nghĩa mà chỉ là những đám đông của những người đi theo một người cầm quyền.
Đảng LREM của Macron cũng không khác về bản chất. Các chính đảng đúng nghĩa phải được xây dựng qua một cố gắng bền bỉ trên một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị. Macron không có một tư tưởng chính trị nào cả mà chỉ có một chương trình chính trị khá mơ hồ ngoài một vài biện pháp hành chính và tài chính. Thắng lợi của Macron chủ yếu là ở chỗ ông là một khuôn mặt rất mới và kêu gọi điều mà phần lớn người Pháp cũng muốn là dẹp bỏ các chính đảng truyền thống đã cầm quyền từ lâu và đã thoái hóa. Trên điểm này Emmanuel Macron không khác Donald Trump. Cả hai được bầu trên lập trường chống hệ thống hiện hành, establishment. Họ là sản phẩm của sự chán nản và thất vọng chứ không phải của niềm tin và hy vọng. Đừng nên quên rằng dù có những phương tiện lớn và được sự ủng hộ của nhiều nhân vật rất uy tín, Macron chỉ hơn Mélenchon, một người chủ trương đập phá tất cả, có 4% trong vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống.
Điều nghiêm trọng nhất mà người Pháp hình như chưa ý thức được là sự suy sụp của các chính đảng lớn.
Đảng Xã Hội đang hấp hối. Nó đang có đa số tuyệt đối trong quốc hội nhưng chưa chắc sẽ có đủ 15 dân biểu trong quốc hội sắp tới, với 9% số phiếu trong vòng đầu vừa qua. Điều này cũng có nghĩa là nó sắp phá sản về mặt tài chính bởi vì mất phiếu và mất ghế trong quốc hội cũng có nghĩa là mất tiền. Tại Pháp mỗi lá phiếu đem lại 1,4 Euro và mỗi ghế dân biểu 37.000 Euros mỗi năm tiền tài trợ từ ngân sách quốc gia. Đóng góp từ các đảng viên cũng sụp đổ vì phần lớn các đảng viên sẽ bỏ đảng. Số đảng viên năm 2012 là 173.000, hiện nay chỉ còn 112.000, sắp tới chưa chắc đã còn được 50.000. Đảng Xã Hội đang chuẩn bị khẩn cấp bán trụ sở và sa thải nhân viên điều hành.
Đảng Cộng Hòa không đến nỗi bi đát như vậy nhưng cũng cay đắng không kém. Mới cách đây vài tháng nó còn hầu như chắc chắn sẽ thắng lớn, nhưng rồi vì lãnh tụ Fillon bị tố giác là đã từng lạm dụng công quỹ  nên đã bị loại ngay vòng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống và chỉ hy vọng được khoảng 100 ghế dân biểu trong quốc hội sắp tới theo nhiều dự đoán. Không tan tành như Đảng Xã Hội nhưng cũng bại xụi.
Người Pháp, quần chúng cũng như các nhà bình luận và các cơ quan truyền thông, hình như chưa ý thức được sự nghiêm trọng của sự suy sụp của các chính đảng truyền thống. Có lẽ vì đây là một hiện tượng đã đến một cách chậm chạp và chắc chắn từ nhiều năm nay và không còn gây ngạc nhiên nữa. Và họ nhìn Macron như là giải đáp cho một tình trang bế tắc. Đây là sai lầm lớn. Đảng REM của Macron sẽ không hơn gì các đảng Cộng Hòa và Xã Hội, trái lại nó còn ô hợp hơn. Pháp sẽ không còn các chính đảng đúng nghĩa với những hậu quả rất tai hại. Các chính đảng là lò đào tạo nhân tài chính trị, đó cũng là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến trên những vấn đề lớn. Không có các chính đảng lớn thì tư tưởng và kiến thức chính trị nếu có cũng chỉ lẩn quẩn trong một vài trường đại học hay một vài câu lạc bộ trí thức. Sẽ không có những chính trị gia tài giỏi, dân trí sẽ thấp và nền dân chủ, nếu có, cũng sẽ chỉ là một nền dân chủ bệnh hoạn.
Nhưng tại sao hai đảng truyền thống - Đảng Cộng Hòa và Đảng Xã Hội - lại suy thoái và mất uy tín đến thế?
Giải thích đầu tiên là các đảng này bị tham nhũng đục khoét. Cả hai cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vừa rồi đều bị chế ngự bởi những affaires, những tai tiếng về tiền bạc. Đa số các bạn Pháp của tôi khi nói về nhân sự chính trị đều có một kết luận chán ngấy : ils sont tous corrompus ! (bọn họ đều tham nhũng). Phải nói thẳng đây là một nhận định rất sai. Các chức sắc chính trị của Pháp có trên 100.000 người, nếu chỉ kể các chức vụ dân cử đương nhiệm trung ương và địa phương. Trong hai cuộc bầu cử vừa qua dù đã cố soi tìm bằng kính lúp người ta cũng chỉ thấy không tới mười vụ, nghĩa là một tỷ lệ không đáng kể, với tổng số tiền được coi là có ít hay nhiều lạm dụng khoảng một triệu Euros. Trong bất cứ một môi trường khác nào, dù là doanh nhân, nghệ nhân, văn hóa, giáo dục, thể thao tỷ lệ gian trá cũng cao gấp trăm lần. Môi trường chính trị là mội trường sạch sẽ nhất, hơn xa và hơn hẳn các môi trường khác.
Giải thích thứ hai là các chính đảng truyền thống đã lỗi thời vì không còn ý kiến mới và không thích nghi được với bối cảnh quốc gia và quốc tế mới. Hoàn toàn đúng. Cả hai đảng Cộng Hòa và Xã Hội đều cố bám lấy những nhãn hiệu "hữu" và "tả" có từ thế kỷ 19 và đã trở thành quá nhàm chán. Nhưng tại sao ?
Các chính đảng này cũng không còn là các chính đảng thực sự. Trong cả hai đảng trong cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống vừa rồi các ứng cử viên đã đưa ra những chương trình ngược hẳn với nhau đến nỗi người ta phải tự hỏi tại sao họ vẫn còn ở trong cùng một đảng. Sự chia rẽ còn đạt tới mức độ gay gắt không tưởng tượng nổi khi trong nhiệm kỳ vừa qua 56 dân biểu thuộc Đảng Xã Hội đã vận động để quốc hội bãi nhiệm chính phủ của Đảng Xã Hội. Nhưng tại sao ?
Lý do thực sự cho sự suy thoái của các chính đảng là chế độ tổng thống.
Chế độ này đòi toàn dân bầu cho một người thay vì cho một chính đảng và sau đó dành cho người đó quá nhiều quyền trong một thời gian cố định. Các chính đảng vì không có quyền lực nên cũng không còn nhu cầu thảo luận đến nơi đến chốn những vấn đề nền tảng của đất nước. Thảo luận để làm gì khi mình không có quyền quyết định ? Mà đã không có thảo luận thì không thể có đồng thuận. Hậu quả tất nhiên là bản lĩnh chính trị, đoàn kết nội bộ và sức thu hút suy sụp dần. Sức mạnh ban đầu do hoàn cảnh lịch sử, nếu có, cũng mất dần. Tới một điểm nào đó, đảng sẽ quá suy yếu để có thể chọn lãnh tụ và phải tổ chức những cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ứng cử viên tổng thống. Đó là giai đoạn cuối của tiến trình phân hóa, bởi vì các cuộc bầu cử sơ bộ là một sự vô lý cùng cực trong đó một đảng nhờ người ngoài chọn lãnh tụ cho mình. Trong hai cuộc bầu cử sơ bộ của hai đảng Cộng Hòa và Xã Hội vừa qua trên 90% những người tham gia bầu cử và chọn lãnh tụ cho đảng không phải là đảng viên. (Chính xác là 96% trong trường hợp Đảng Cộng Hòa và 92% cho Đảng Xã Hội). Tại Mỹ những tỷ lệ này chắc chắn còn cao hơn.
Cả hai đảng Cộng Hòa và Xã Hội đã suy sụp nhanh chóng từ khi tổ chức những cuộc bầu cử sơ bộ. Đảng Cộng Hòa năm 2007 có 370.000 đảng viên, năm 2013 còn 315.000 đảng viên, năm 2017 chỉ còn 179.000. Đảng Xã Hội năm 2007 có 257.000 đảng viên,  2012 còn 173.000, năm 2017 chỉ còn 112.000 trong đó gần một nửa không đóng liễm. Người Pháp không tham gia các chính đảng nữa vì họ không thấy sự tham gia này có ích lợi gì khi hầu hết quyền lực tập trung trong tay một người không do đảng chỉ định và do đó không cần tôn trọng đảng. Tại Mỹ các đảng Dân Chủ và Cộng Hòa chỉ còn là những hư cấu.
Sự suy sụp của các chính đảng đồng nghĩa với sự xuống cấp của ý thức chính trị và tinh thần dân tộc, bởi vì các chính đảng là phương tiện để động viên quần chúng đồng thời cũng là cỗ xe chuyên chở tư tưởng và kiến thức chính trị tới quần chúng. Sự xuống cấp này, cần nhắc lại một lần nữa, là hậu quả tất yếu của chế độ tổng thống.  Nó thể hiện qua sự thờ ơ ngày càng lớn của dân chúng với sinh hoạt chính trị như người ta có thể nhận thấy tại Pháp từ khi chế độ tổng thống được thiết lập năm 1958. Năm 1958 số cử tri tham gia bầu cử quốc hội là trên 80%, năm 2007 còn 65%, năm 2012 còn 57%. Năm 2017 chỉ còn 48%. Tại Mỹ không ai ngạc nhiên khi tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu ở dưới mức 50%.
Chế độ tổng thống tàn phá sinh hoạt chính trị ở những nước đã có dân chủ và ngăn cản sự thiết lập dân chủ ở những nước chưa có. Nó đã là nguyên nhân của hai thảm kịch thế giới mà hàng tỷ người trong nhiều thế hệ đã là nạn nhân : Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh. Tất cả các quốc gia thuộc hai khối này sau khi giành được độc lập đều đã chọn chế độ tổng thống và đều chìm đắm trong nội chiến, bạo loạn và nghèo khổ, Châu Mỹ La Tinh từ hai thế kỷ, Châu Phi từ hơn nửa thế kỷ. Tất cả đều vẫn chưa thoát ra được. Trong mọi nước khác các chế độ tổng thống đều đã chỉ đem lại bế tắc, trì trệ, độc tài và tham nhũng.
Hoa Kỳ được coi là trường hợp duy nhất mà chế độ tổng thống đã thành công nhờ lý tưởng công bằng bác ái của Thiên Chúa Giáo và ý chí rất mạnh lúc ban đầu của những con người ra đi tìm tự do và nhờ tổ chức tản quyền, nhưng với thời gian chế độ tổng thống cũng đã làm công việc tàn phá của nó. Chính trường dần dần trở thành kịch trường. Từ 25 năm qua, Hoa Kỳ đã chỉ có những tổng thống rất kém hoặc về khả năng hoặc về đạo đức, với cao điểm là Donald Trump. Trong một chế độ dân chủ đại nghị những người như Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama, chưa nói Donald Trump, không có hy vọng nào để trở thành thủ tướng.
Phải kết luận dứt khoát : dù không độc hại như các chế độ cộng sản, nhưng chế độ tổng thống cũng là một tai họa cho các dân tộc.  
Một lời sau cùng cho Việt Nam.
Một người bạn thân, giáo sư đại học, gần đây bảo tôi : "Mày bỏ hơi nhiều thời giờ để biện luận về các chế độ đại nghị và tổng thống, nhưng vấn đề hiện nay chỉ là làm sao thoát khỏi chế độ cộng sản". Tôi dành câu trả lời cho bài này.
Nếu trước năm 1945 chúng ta biết đặt câu hỏi thoát khỏi ách ngoại thuộc để xây dựng đất nước như thế nào và theo chế độ nào thì chắc chắn chúng ta đã không như ngày nay. Những vấn đề trọng đại nếu chỉ trả lời khi bị bắt buộc phải trả lời thì người ta sẽ trả lời sai. Và trả giá đắt.
Nguyễn Gia Kiểng
(16/06/2017)