"Đi bão": bánh mì và rạp xiếc thời hiện đại ? (Hoa Nghi)

Cứ nhìn vào bóng đá ra hình dung ra xã hội Việt Nam trong tương lai. Vẫn những con người đó nhưng nếu có một người lãnh đạo có tài, có tâm, có tầm dẫn dắt và lãnh đạo thì hoàn toàn có thể mang lại chiến thắng. Nếu thay đảng cộng sản VN bằng một tổ chức chính trị khác có tầm nhìn, có kiến thức và có năng lực thì Việt Nam nhất định sẽ thành công trong việc đổi đời. Hãy hy vọng là một ngày nào đó đám đông khổng lồ này sẽ xuống đường ủng hộ cho một "tổ chức lãnh đạo mới" để mang lại chiến thắng cho toàn thể dân tộc VN.  
 
Tối ngày 16/12, đội tuyển Việt Nam vô địch giải AFF cup 2018. Hàng triệu người xuống đường để vui với chiến thắng lần này. 
Chúc mừng sự nỗ lực của từng thành viên trong đội bóng, vinh quang dành cho các bạn. Nhưng bài viết này muốn chia sẻ một góc nhìn khác của bóng đá, một cái nhìn của một người khao khát nhân quyền.
Bóng đá, một mặt giúp Việt Nam giải tỏa cơn khát huy hoàng, mặt khác, giúp giải tỏa sự ức chế trong con người Việt qua trạng thái "đi bão". Bóng đá, cũng khiến cho nhiều người dân quên đi cái thua và kém của quốc gia, để có thể mơ tưởng nhiều hơn đến những ước vọng vô dịch khác. 
Việt Nam vô địch với những trận bão xuyên đêm thu hút hàng triệu người không khác gì xã hội La Mã cách đây 2118 năm về trước. Khi mà để chuyển sự chú ý của công chúng khỏi tham lam chính trị và tham nhũng - và đặc biệt, là khoảng cách gia tăng giữa người giàu và người nghèo. Julius Caesar đã tuyên bố : Hãy cho bọn chúng bánh mì và rạp xiếc. 
Bóng đá không giống như tượng đài, nó khiến con người thực sự quên đi cái đói và cái khát về cả vật chất lẫn tinh thần.
Mới đây, nhà báo Mai Quốc Ấn dẫn lại bài viết về nhà nhân chủng học người Brazil Roberto DaMatta trong đó ông giải thích rằng sự phổ biến của bóng đá thể hiện một khao khát tự nhiên về tính hợp pháp, bình đẳng, và tự do.
Và thực sự là như vậy. Việt Nam vô địch đem lại nhiều suy niệm về cái giá trị hào nhoáng đó. Bên trong một số đông không nhỏ mong ước có thể biến cả hệ chính trị Việt Nam trở thành một hệ bóng đá, nơi mà người dân có thể thuê lãnh đạo về để cải tạo mọi thứ và đem lại giá trị vô địch về kinh tế, nhân quyền, xã hội. Một bộ phận không nhỏ đó khát khao sự thay đổi và mong muốn sự thay đổi, bắt nguồn từ hiện thực đầy khốn nạn : tình trạng minh bạch xếp hạng 105 ; tự do báo chí hạng 175 ; môi trường hạng 123 ; GDP hạng 134 ; tiền mất giá hạng 2 ; và các tệ nạn khác,… 
Một bộ phận không nhỏ cần một sự vô địch mang tính cải cách thể chế, bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội để sự vô địch đó không mang tính chớp nhoáng, mà được duy trì và trải rộng đến hàng thế hệ sau. Bởi lẽ, vô địch bóng đá cũng sớm qua đi, còn cơm áo gạo tiền luôn chực chờ tăng giá ; khoảng cách giàu nghèo đang tăng và sự hội nhập về chính trị - kinh tế đang chậm lại. Vô địch bóng đá có thể đến lần sau, nhưng bỏ lỡ đi đầu trong phát triển kinh tế - chính trị - xã hội tức bỏ lỡ cơ hội của hàng thế hệ, trên sự mất mát của tiềm lực quốc gia. 
Con thuyền 4.0 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn ngày ngày hô hào sẽ khó có thể vượt qua khỏi ao làng, nếu như nó dựa trên tư duy chính trị - kinh tế 0.4. Thế nhưng điều này không hề dễ dàng, bởi những đầu óc cổ lậu vẫn đang thao túng và đang tìm cách kiềm chặt sự phát triển trở lại. 
Mới đây, báo Quân đội Nhân dân đăng bài viết của tác giả Đào Xuân Dũng : Muốn phát triển kinh tế thị trường càng cần định hướng xã hội chủ nghĩa. 
Đây là quan điểm của tác giả, với sự lồng ghép giữa kinh tế thị trường và lý luận Mác-Lenin, và dài hơn 3.000 chữ. Nhưng tác giả sẽ không thể trả lời được câu hỏi, nếu không mâu thuẫn với những tiêu chí kinh tế thị trường hiện đại thì tại sao đến giờ EU và Mỹ vẫn chưa công nhận ? Và ngay cả phần viết cũng không chỉ rõ được nhóm tiêu chí của kinh tế thị trườngT hiện đại thì làm sao để có thể nói là mâu thuẫn hay không mâu thuẫn. Cái dở nhất của bài là trích dẫn quan điểm của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : Lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là sự gán ghép chủ quan giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội, mà là sự nắm bắt và vận dụng xu thế vận động khách quan của kinh tế thị trường trong thời đại ngày nay. Một quan điểm sáo rỗng và giáo điều ; một quan điểm đến từ sự nhận thức chủ quan què quặt mà bỏ qua giá trị khách quan đối sánh về kinh tế thị trường. 
Những bài viết thừa chữ nhưng thiếu căn cứ như vậy đầy rẫy trên các trang báo và được dán mác "bình luận, chính trị, xã luận". Và tác dụng duy nhất của nó lại chính là để tô hồng cho những lý luận đã không hợp thời, một sự gượng ép và thô cứng đáng kinh sợ. 
Giá như Đảng cộng sản Việt Nam không phải là lực lượng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của nhà nước, hoặc giả như có là như thế - thì người đứng đầu phải là nhà kỹ trị - kinh tế, phải là nhà tư tưởng thực sự, một nhà lý luận sống động thực sự. Thế nhưng, đa phần các đời Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam lại là những nhà xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam trên nền tảng ghi và chép. Những gì đã diễn ra hàng thập niên trước, thậm chí hàng thế kỷ trước tiếp tục được "chép và dán" vào đời sống chính trị, bất cần biết đúng hay sai, chỉ cần biết hồng hơn là chuyên. Và đáng ra, những người với tầm nhìn manh mún, giáo điều và cóp vá đó chỉ nên giữ vị trí thủ kho hoặc thủ thư, thay vì là nhà lãnh đạo. Bởi họ có tầm nhìn gì đâu mà lãnh đạo ? 
Một thời sao chép mô hình Liên Xô, từ luật pháp cho đến cấu trúc chính trị. Và giờ đây tiếp tục sao chép Trung Quốc, từ cấu trúc chính trị cho đến luật pháp, kinh tế. 
Thế nên, nền chính trị và kinh tế không có cơ hội bức phá. Cuộc cách mạng 4.0 được đặt trên con thuyền giấy 0.4, làm liên tục đến một bánh vẽ hơn là một sự thực tâm. 
Giấc mộng Việt Nam vô địch về hội nhập và phát triển vì thế ngày một xa vời, càng xa vời hơn trong những năm gần đây. 
Và người dân phải cắn răng mà khen, bởi chê thì đồng nghĩa với bạo lực, nhà tù.
"Đi bão", vừa là bánh mì, vừa là rạp xiếc thời hiện đại. Nhưng nó lại vừa là sự thể hiện khát vọng tự do không ngơi nghỉ của người Việt.

Hoa Nghi

Nguồn : VNTB, 17/12/2018