COP24 : Thế giới đứng trước tình hình khẩn cấp về khí hậu (RFI)
Điều đáng buồn là cho tới nay dân tộc ta chưa có đóng góp gì đáng kể cho nền văn minh của nhân loại, dù với với dân số xấp xỉ 100 triệu người - một trong những dân tộc đông đảo nhất trên thế giới. Trong khi nhiều quốc gia khác đã bước vào kỷ nguyên dân chủ, đã đưa loài người vươn lên để chinh phục vũ trụ, đã không ngừng hành động để giúp nhân loại chống lại đói nghèo và bệnh tật, và đang tiếp tục đấu tranh để chống lại các hiểm hoạ toàn cầu mà biến đổi khí hậu là một ví dụ... thì chúng ta vẫn chưa có những quyền làm người cơ bản nhất. Thực tại đau lòng này phải chất vấn mọi người Việt Nam, nhất là tầng lớp trí thức - tầng lớp đại diện cho trí tuệ của một dân tộc.
Những dấu hiệu đã quá rõ : Trái Đất đang nóng dần lên, thiên tai liên tục xảy ra tại nhiều nơi. Trước tình hình cấp bách này, khoảng 200 nước họp tại Katowice, Ba Lan từ ngày 02 đến 14/12/2018 cố gắng xúc tiến hiệp định khí hậu Paris, trong bối cảnh không mấy thuận lợi.
Với hiệp định Paris năm 2015, quốc tế cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ là 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học nhấn mạnh từ nay đến năm 2030 phải giảm 50% việc phát thải khí CO2 so với năm 2010. Các nước phát triển cam kết tài trợ 100 tỉ đô la/năm từ nay đến 2020 cho chính sách khí hậu của các nước nghèo, nhưng nhiều nước đang phát triển đòi hỏi phải cụ thể hóa lời hứa.
Một ngày trước hội nghị Katowice, chiều hôm qua các nhà đấu tranh lại biểu tình chống than đá ở Berlin và Köln tại Đức, theo lời kêu gọi của nhiều hiệp hội bảo vệ môi trường. Từ Berlin, thông tín viên Nathalie Versieux tường thuật :
« Sáu ngàn người biểu tình tại Berlin, theo cảnh sát, còn theo các nhà tổ chức là 16.000 người ; 10.000 người xuống đường tại Cologne (Köln). Số lượng người tham gia ít hơn so với cuộc biểu tình chống lại than đá hồi tháng Sáu trước đây.
« Bầu trời xám làm nóng tương lai của chúng ta! », « Than đá ? Không, cám ơn ! ». Có thể đọc được những câu như thế trên những biểu ngữ giăng ra tại cổng Brandebourg, và Dinh thủ tướng ở thủ đô nước Đức.
Cặp sinh viên Mark và Angelika tham gia tất cả các cuộc biểu tình vì môi trường. Mark nói : « Tôi có mặt ở đây vì muốn gởi đi một dấu hiệu rõ ràng cho việc chấm dứt sử dụng than đá ». Còn đối với Angelika : « Đó là vì tôi tin rằng với những người trẻ tuổi, việc đấu tranh cho môi trường đặc biệt quan trọng ».
Các nhà hoạt động ở Berlin và Köln đòi hỏi chính phủ Đức tại Katowice phải cam kết giảm mạnh việc phát thải CO2. Theo tính toán của các tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường, ngay từ năm 2020 Đức phải đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng than đá gây ô nhiễm nhất, để giảm bớt 100 triệu tấn khí thải CO2. Theo họ, đây là biện pháp duy nhất để cố đạt được mục tiêu đã được xác định trong hội nghị khí hậu Paris. »