Cam Bốt nới lỏng gọng kềm với phe đối lập (RFI)
Tình hình tại Cam Bốt nhắc lại một điều mà chúng ta cần phải rất lưu ý, đa đảng không đồng nghĩa với dân chủ. Sức mạnh của một tổ chức chính trị phải xuất phát từ tư tưởng chính trị được thể hiện trong một dự án/ cương lĩnh chính trị của tổ chức đó. Một tổ chức mà không có tư tưởng chính trị thì không đủ sức mạnh để đánh bại chế độ độ tài và thiết lập dân chủ cũng như không có khả năng lẫn tư cách để lãnh đạo đất nước. Đây là trường hợp của các đảng phái đối lập tại Cam Bốt, họ từng được tự do hoạt động trong thời gian dài nhưng Cam Bốt vẫn không có dân chủ. Họ không có dự án gì cho đất nước, họ chỉ chống Hun Sen, khi Hun Sen thân Việt Nam thì chống Việt Nam, khi Hun Sen thân Trung Quốc thì quay qua chống thêm Trung Quốc. Cách làm chính trị như thế này không thể thành công được.
Chính quyền Cam Bốt ngày 03/12/2018 tuyên bố các nhà đối lập đang lưu vong nước ngoài từ khi đảng của họ bị cấm, có thể hoạt động trở lại.
Văn phòng các đài phát thanh Mỹ như Châu Á Tự Do RFA và Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA được mở cửa lại, tờ báo độc lập Cambodia Daily được phép tái bản.
Theo hãng tin Pháp AFP, lý do đã đến các quyết định trên là việc chính quyền Hun Sen lo ngại bị Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt và xét lại thỏa thuận thương mại với Cam Bốt.
Từ khi đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt – CNRP bị giải thể cách đây một năm, cả trăm thành viên của đảng này bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm, và một số đông đã đi lưu vong, trong lúc chủ tịch đảng Kem Sokha bị bắt giam với tội danh « âm mưu lật đổ chính quyền ». Truyền thông nước ngoài và báo chí độc lập đã bị đóng cửa.
Tình hình này khiến Châu Âu cũng như Hoa Kỳ lên tiếng đe dọa trừng phạt Cam Bốt. Sau cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 7 năm ngoái, với việc chỉ có Đảng Dân Tộc của thủ tướng Hun Sen chiến thắng, Liên Hiệp Châu Âu vào tháng 10, đã dọa xem xét lại thỏa thuận thương mại đã dành nhiều ưu đãi cho Phnom Penh.
Theo AFP, sau cuộc bầu cử mà ông toàn thắng, thủ tướng Hun Sen đã trả tự do cho một số nhà hoạt động, nhà báo từng chỉ trích chính phủ, nhưng những cử chỉ đó không thuyết phục được Châu Âu.
Cho dù vẫn tuyên bố là sức ép nước ngoài không có ảnh hưởng gì, nhưng thủ tướng Hun Sen cảm thấy vẫn nên hòa dịu với Châu Âu để tránh thiệt thòi, mất đi cả tỷ đô la trong ngành may mặc Cam Bốt.
Bộ Ngoại Giao Cam Bốt vào hôm qua, thông báo : « Để cổ vũ hơn nữa nền dân chủ và Nhà Nước Pháp Quyền, Quốc Hội đang xem xét việc sửa đổi luật để cho phép những người bị cấm hoạt động chính trị có thể tiếp tục trở lại ».
Tuy nhiên thông báo trên không nói rõ là việc truy tố một số người như với ông Kem Sokha có được bãi bỏ hay không. Phe đối lập tỏ ra rất thận trong trước thông báo trên.
Theo Mai Vân
Theo Mai Vân