Đà Nẵng: Ngập lụt do lỗi quy hoạch (RFA)
“Bởi vì quá trình đô thị hóa quá nhanh đồng thời qui hoạch chưa
được chặt chẽ lắm làm cho hệ thống thoát ước không theo kịp việc xây
dựng các công trình và cơ sở hạ tầng tại những tòa nhà. Quá trình đô thị
hóa nhanh mà không có qui hoạch bền vững thì các nơi gọi là khu chứa
nước điều hòa, lẽ ra mưa dâng lên thì xuống những hồ đó rồi từ từ thoát
đi, thì bây giờ những hồ đó bị lấp hết cho nên ngập ở những chỗ khác
thôi. Có lẽ thành phố nên xem xét lại qui hoạch của mình, đồng thời
nhanh chóng mở lối để nước mưa thoát nhanh ra biển hay ra sông thì cũng
giải quyết được phần nào.” (Huỳnh Tấn Vinh)
Cơn mưa tầm tã mấy ngày cuối tuần làm hai thành phố Đà Nẵng và Hội An
ngập trong nước. Nước tràn vào nhà vào sân với tốc độ nhanh chóng,
nhiều công trình bị ngập úng và nhiều trường học phải đóng cửa.
Có thể nói đây là lần đầu tiên tình trạng nước ngập do mưa xảy ra
trên diện rộng đồng thời ở Hội An và Đà Nẵng. Một cư dân Hội An, bà Thu
Thủy, cho biết:
“Không phải lụt, không phải là nước từ trên nguồn xuống mà là mưa
quá lớn. Mưa hai hôm rất nặng hạt, liên tục như vậy cho nên nước ngập
đường cống rồi dâng lên toàn thành phố. Nước ứ đọng vô trong nhà, ngoài
hiên, ngập hết nửa bánh xe. Tất cả các điểm du lịch ngay trung tâm là bị
hết, trong phố cổngay bờ sông thì không bị vì nó không phải nước lụt mà
là nước ngập.”
Tại Đà Nẵng, xe cô, đường xá, các trục giao thông lớn và nhà cửa
cũng như các chợ trong thành phố đều bị ngập nước. Báo chí đăng hình
ảnh người dân có thể bơi từ nơi này sang nơi khác như bơi trên sông,
ngay các trường học trong thành phố đều đóng cửa trong ngày thứ Hai.

Đường phố Đà Nẵng hôm 9/12/2018
Courtesy FB
Lượng mưa ghi nhận trong 24 giờ hôm thứ bảy 8/12 tại Đà Nẵng đạt mức cao kỷ lục 635mm/ngày, cao nhất kể từ năm 1975 đến nay.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Đà Nẵng cho biết :
“Cũng tùy khu vực, nhà tôi thì nước chỉ vào tới sân thôi. Cái này
không phải nước sông dâng mà do nước trong thành phố không thoát kịp.
Nếu nhà nào quá thấp thì nước vào cả trong nhà, cũng làm ảnh hưởng việc
đi lại, sinh hoạt của gia đình, các thiết bị điện này kia. Ở một số
chung cư thì các tầng hầm bị nước ngập, xe cộ ô tô bị hỏng.”
Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, tình trạng ngập nước hay ứ nước trong thành
phố khi mưa lớn sẽ còn xảy ra nữa, mà nguyên nhân xâu xa chính là quá
trình đô thị hóa:
“Bởi vì quá trình đô thị hóa quá nhanh đồng thời qui hoạch chưa
được chặt chẽ lắm làm cho hệ thống thoát ước không theo kịp việc xây
dựng các công trình và cơ sở hạ tầng tại những tòa nhà. Quá trình đô thị
hóa nhanh mà không có qui hoạch bền vững thì các nơi gọi là khu chứa
nước điều hòa, lẽ ra mưa dâng lên thì xuống những hồ đó rồi từ từ thoát
đi, thì bây giờ những hồ đó bị lấp hết cho nên ngập ở những chỗ khác
thôi. Có lẽ thành phố nên xem xét lại qui hoạch của mình, đồng thời
nhanh chóng mở lối để nước mưa thoát nhanh ra biển hay ra sông thì cũng
giải quyết được phần nào.”
Qui hoạch sai, thiếu cân nhắc, đã dẫn đến hậu quả ngập nước trên diện
rộng trong thành phố mỗi khi có mưa lớn, là câu trả lời của kiến trúc
sư Hồ Duy Diệm, nguyên trưởng Ban Qui Hoạch thành phố Đà Nẵng.
“Thứ nhất, qui hoạch của thành phố Đà Nẵng là một qui hoạch không
tốt. Qui hoạch đó làm cho nước của thành phố bị ngập, Vì sao? Vì người
ta lấp những vùng hồ ao, những vùng trũng, là những nơi để làm những hồ
chứa nước, những hồ tiêu thủy tự nhiên khi mùa mưa về hay khi nước trên
nguồn đổ xuống. Mà sông Hàn khi nước biển dâng lên thì có chỗ để nước
mưa , nước tiêu dùng đổ xuống đó và tích tụ nằm lại đó chờ khi nước
triều xuống thì nó tuôn ra và như thế là thanh phố không bị ngập.
Bây giờ những chỗ đó người ta nâng cao lên, người ta đắp lên thành
những khu đô thị mới, những khu này cao hơn khu đô thị cũ, vây hết đô
thị cũ, và nó làm cho nơi để tiêu nước, giữ nước cho thành phố không
còn. Thành phố cũ trở thành vùng lòng chảo, nước thì bao giờ cũng chảy
vào chỗ trũng cả.”

Đường phố Đà Nẵng trong mưa ngày 9/12/2018
Courtesy FB
Tác nhân thứ hai, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm giải thích tiếp, là việc bê tông hóa đi đôi với qui hoạch kém:
“Trước kia thành phố Đà Nẵng nhà người ta có vườn, có cây, chung
quanh có ruộng, có đồng, có nhiều nơi chứa nước. Bây giờ bê tông hóa
hết, nước trên mái nhà chảy xuống ra đường ra phố cũng bị bê tông,
không có chỗ nào cho nước thấm hết thì nó phải dồn lên đường, dồn mãi
hoài như thế thì trở thành ngập lụt không thoát ra được.
Đường phố là để giao thông nhưng thực ra trong qui hoạch đô thị
đường còn nhiều chức năng nữa. Con đường còn là cái lòng máng, lòng
cống, là cái mương để cho nước thoát ra bởi vì nước mưa ở trên xuống là
chảy luôn ra sông, mà với đường phố như Đà Nẵng thì phải ra sông Hàn,
ra những bờ sông những bờ hồ, chứ cống không bao giờ đủ sức tiêu những
trận mưa lớn. Cống chỉ tiêu những cơn mưa nhỏ và những cơn mưa đầu thôi,
còn những cơn mưa sau, nếu lớn lên thì 15 hay 20 phút, nửa tiếng đồng
hồ sau thì tất cả nước sẽ chảy trên mặt đường.”
Cho đến lúc này thì nước ngập tại Đà Nẵng đã rút đi nhưng hậu quả sau
đó lại nặng nề vì rác rưởi ứ đọng. Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm giải thích:
“Dân mình có rác rưởi xà bần gì đều đổ xuống cống. Năm nay lũ 23
tháng Mười không về, do đó người ta chủ quan không nạo vét, tất cả
cống rãnh trong thành phố Đà Nẵng bị bít hết. Nước không đủ sức thoát ra
được. Trong mấy ngày hôm nay khi mưa xuống nó ứ, nó dồn thì người ta
nạo vét, người ta mở mấy cái miệng cống đó ra thì nước đã chảy và đã
thoát, chứng tỏ công tác quản lý đô thị cũng như quản lý người dân sống
trong đô thị không kịp được trình độ của người văn minh.”
Đã thấy được nguyên nhân thì cũng sẽ thấy được cách giải quyết, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm khẳng định:
“Nhưng mình không thể nâng cái nền của đô thị lên được nữa vì họ ở
cả trăm năm nay rồi. Như vậy chỉ còn cách khác là đào hồ, đào mương
thoát nước, phải tìm hồ chứa để những cơn mưa, cơn lũ hay lụt có chỗ
chứa trong khi nước triều lên và khi nước triều xuống có chỗ thoát ra.
Phải dùng hệ thống máy bơm, tất cả những biện pháp kỹ thuật đều có thể
giải quyết được cả.”
Không nên lấp đi các ao, hồ, ruộng và những nơi chứa nước tự nhiên.
Nói một cách khác, phải nên bảo vệ sinh thái tự nhiên và cảnh quan tự
nhiên, vốn đã bền vững cả trăm năm nay rồi. Nếu phá vỡ sinh thái tự
nhiên, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm nhấn mạnh, có nghĩa là phá vỡ tiến trình
qui hoạch đô thị.