Đà Nẵng ngập do quy hoạch sai (Người Lao Động)

Vùng trũng chứa nước của cả Đà Nẵng vào mùa mưa bị san lấp làm khu đô thị, quy hoạch hệ thống đường sai khiến đường thành đê ngăn nước thoát.


Thành phố Đà Nẵng vừa trải qua cơn ngập lịch sử gần như 100 năm qua chưa từng thấy. Chỉ sau 1 đêm mưa, cả TP chìm trong biển nước, hàng trăm nhà dân bị ngập. Cái này không phải do TP Đà Nẵng chỉ chịu được lượng mưa 100 mm mà là do sai trong quy hoạch, lỗi của cơ quan quản lý và cả của người dân.

Lấp ruộng làm khu đô thị

Nguyên nhân ngập nước của Đà Nẵng trong ngày 9-12 không phải là do TP Đà Nẵng chỉ chịu được lượng mưa 100 mm như ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Cấp và Xử lý nước thải TP, nói. Đà Nẵng hơn 100 năm nay không hề có chuyện mưa không thoát nước gây ngập. Lượng mưa 100 mm hay 200 mm không phải là vấn đề mà mấu chốt nằm ở mưa bao lâu và chỗ thoát nước được bao nhiêu?

Quy hoạch của TP Đà Nẵng có nhiều sai lầm dẫn đến sự cố ngập nước như vừa qua. Thứ nhất, vùng chứa nước tự nhiên của TP Đà Nẵng là phía Nam sông Cẩm Lệ thuộc phường Hòa Xuân, Hòa Quý không còn. Trước đây, vùng này là vùng đồng ruộng, thấp hơn so với độ cao của TP Đà Nẵng và là nơi chứa nước khi mưa lớn. Nay TP quy hoạch, đắp toàn bộ khu vực này cao hơn mặt bằng của TP để làm khu đô thị, dù toàn TP Đà Nẵng ngập vào ngày 9-12 nhưng Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân không ngập chứng tỏ hồ chứa nước đó không còn nữa và toàn bộ nước dồn về TP theo nguyên tắc "nước chảy chỗ trũng". TP HCM vừa qua cũng xảy ra sự cố ngập toàn bộ khu vực trung tâm. Nguyên nhân là do các khu vực phía Nam Sài Gòn như quận 7, quận 8, quận 2, lẽ ra là vùng sinh thái và cũng là nơi chứa nước của TP. Nhưng sau quy hoạch, các vùng đó được nâng nền xây cao ốc, đô thị khiến cho khu vực TP thấp hơn và dẫn đến sự cố ngập nước.

Sai lầm của Đà Nẵng là đắp ruộng Hòa Xuân, Hòa Quý và cả Hòa Liên ven sông Trường Định khiến cho nước không thoát được. Thêm nữa, bên trong TP Đà Nẵng không còn hồ chứa nước, không còn công viên, mảnh vườn mà thay vào đó là bê - tông hóa, nước đổ xuống nền bê - tông không ngấm xuống đất. Bên cạnh đó, Đà Nẵng dù được đánh giá là thuận lợi về quy hoạch hệ thống đường do có sông Hàn thấp, dù TP có thấp hơn Hòa Xuân nhưng vẫn cao hơn mặt sông Hàn. Trong khi đó, nguyên tắc của thiết kế đô thị là con đường không chỉ phục vụ cho giao thông mà còn để thông gió, phục vụ cho cây xanh 2 bên đường. Khi mưa lớn, nước không thể đổ hết xuống cống, mặt đường trở thành mương thoát nước. Tuy nhiên, quy hoạch đường sai, nhiều đường tuy cao hơn mặt sông nhưng không dốc ra sông hoặc bị đường gần sông cao hơn chặn dòng thoát nước. Đơn cử, đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu và khu vực các đường ngang cắt với đường này ngập nặng là do đường 2 Tháng 9 cao hơn chặn nước thoát ra sông Hàn.

Quy hoạch của chúng ta sai về mặt vi mô lẫn vĩ mô: Đắp ruộng, phá công viên, ngăn dòng chảy… Ngoài ra, còn một sai lầm đáng kể nữa là do nhiều người vứt rác bừa bãi làm bịt cống, cơ quan chức năng thì chủ quan, không nghĩ mưa ngập nên không huy động khơi thông cống vào mùa mưa.

Không khó sửa sai

Khi thiết kế hệ thống cống rãnh thì các nhà làm dự án đã tính đến việc đô thị sẽ chịu được lượng mưa bao nhiêu và cho phép ngập ở tần suất nào đó. Trong đó, các đô thị có chức năng như: du lịch, khoa học, công nghiệp, thủ đô… thì phải khoanh vùng để không ngập hoặc 1 năm chỉ được ngập một lần. Còn các khu vực công viên, vườn hoa thì được phép ngập khi trời mưa.

Nhưng khi mưa lớn, các cửa xả ở khu vực biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn lại đổ ra biển đen ngòm. Cái này là do công tác quản lý không khoa học và tạm bợ. Ngày thường, hệ thống cống ở các cửa biển dù được xây nhưng lại bị bịt để nước thải không thoát ra ngoài. Trời mưa, nước đổ ra ào ạt xé toạc các cửa xả và tuôn ra biển. Giải pháp cho vấn đề này thì hàng trăm đô thị trên trến giới đã và đang áp dụng. Theo cách nước mưa cho chỗ thoát riêng, 10 phút đầu nước mưa cho đổ vào hệ thống cống còn sau đó nước đã sạch thì có thể đổ ra biển. Toàn bộ nước thải bẩn thì đổ vào hệ thống cống, xử lý sạch mới được bơm xả ra biển.

Trong khi hệ thống cống của TP Đà Nẵng từ đường Ông Ích Khiêm và đường Hùng Vương nối ra sông Hàn do quỹ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ rất lớn dù lượng mưa lớn nhưng cũng không thể thoát hết nước. Tuy nhiên, nước ở các cống nhỏ bị kẹt không thể chảy ra cống lớn và gây ngập. Những giải pháp tạm thời là khơi thông cống rãnh, đào dẫn dòng… như Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo trong ngày 9-12 có thể tạm thời dẫn thoát nước và làm cho TP hết ngập.

Về giải pháp lâu dài, phải tìm biện pháp thay thế, cần tìm khu đất trũng để biến thành hồ chứa nước thay cho các khu vực vùng trũng trước kia đã thành khu đô thị. Phải tính toán lượng nước của TP Đà Nẵng là bao nhiêu để lựa chọn dung tích hồ chứa phù hợp nhằm tích nước cho đô thị khi mưa lớn. 

Phải dành đất cho công viên để chống ngập

Quy chuẩn thiết kế đô thị của Việt Nam là 1 người/100 m2 đất. Đà Nẵng vào những năm 1970, TP có khoảng 40.000 người và quỹ đất ở 5.000 ha, bảo đảm giao thông thông thoáng, thừa cây xanh… Hiện Đà Nẵng có khoảng 1 triệu người nhưng quỹ đất tới 25.000 ha trong khi chỉ cần 10.000 ha là đủ. Trong số này, phải dành 200 ha đất ở, 200 ha công viên cây xanh, 200 ha cho giao thông và 200 ha dành cho các công trình lớn của nhà nước. Tuy nhiên, TP Đà Nẵng đã thương mại hóa, phân lô bán nền. Muốn thay đổi, phải dành đất cho các công trình công cộng, công viên, cây xanh… mới có thể đủ giải quyết việc thoát nước, không ngập về lâu dài.
 
KTS HỒ DUY DIỆM