Aung San Suu Kyi bị Ân xá Quốc tế tước giải thưởng cao nhất (BBC)

Bà Aung San Suu Kyi là một biểu tượng chứ không phải là một chính trị gia thực thụ. Bà đã không hề có một tư tưởng hay Dự án chính trị nào cho đất nước nên dù nắm được quyền lực vẫn không biết làm gì. Đây là bài học nhắc nhở người Việt rằng, một tổ chức chính trị phải có một Dự án Chính trị và một đội ngũ chính trị. Chúng ta cần đề cao những tổ chức có tư tưởng và viễn kiến thay vì những hành động hời hợt gây tiếng vang nhất thời.


Tổ chức Ân xá Quốc tế sẽ tước giải thưởng cao nhất họ đã trao cho vị lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi - Giải thưởng Đại sứ Lương tâm. 

Chính trị gia và người nhận giải Nobel được trao giải này vào năm 2009, khi bà đang bị quản thúc tại gia. 

Tổ chức Ân xá Quốc tế nói họ thất vọng sâu sắc về chuyện bà không lên tiếng bảo vệ cho người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi. 

Khoảng 700.000 người trong số họ đã chạy khỏi Myanmar sau khi bị quân đội tấn công. 

Đây là giải thưởng mới nhất trong một loạt giải thưởng của bà Suu Kyi, 73 tuổi, bị tước mất. 

"Chúng tôi thất vọng sâu sắc rằng bà không còn là đại diện cho một biểu tượng của hy vọng, lòng can đảm, và sự bảo vệ nhân quyền bất diệt," Tổng Thư ký của AI, ông Kumi Naidoo viết trong một bức thư gửi nhà lãnh đạo Myanmar. 

"Sự phủ nhận mức độ của thảm họa [chống lại người Rohingya] có nghĩa rất ít khả năng tình hình được cải thiện," ông Naidoo nói. 

Tổ chức này một thời từng ca ngợi bà như một ngọn hải đăng của dân chủ, tuyên bố quyết định của mình nhân dịp kỷ niệm tám năm ngày bà Suu Kyi được thả tự do. 

Bà Suu Kyi lên làm người đứng đầu chính quyền không chính thức của Myanmar, một đất nước của đại đa số Phật tử vào 2016.

Kể từ đó, bà đã phải đối mặt với nhiều áp lực quốc tế, kể cả từ Tổ chức Ân xá Quốc tế, về việc buộc phải lên án các sự tấn công tàn bạo của quân đội Myanmar đối với người Rohingya. 

Tuy nhiên, bà đã từ chối làm như vậy. Bà cũng đồng tình với việc bắt giữ hai nhà báo Reuters, người điều tra các vụ giết hại người Hồi giáo Rohingya.

Lần cuối cùng bà Suu Kyi nói chuyện với đài BBC là vào tháng 4/2017, bà nói: "Tôi nghĩ rằng thanh trừng sắc tộc là cụm từ quá mạnh để mô tả về những gì đang xảy ra".

Chính phủ của bà tuyên bố sẽ bắt đầu chào đón các nhóm người tị nạn đầu tiên vào cuối tuần này trong một phần của thỏa thuận với Bangladesh, theo các báo cáo của LHQ và các cơ quan viện trợ.

Cơ quan tị nạn LHQ muốn các gia đình Rohingya có thể trở lại các ngôi làng cũ của họ và tự quyết định nếu họ cảm thấy họ có thể sống ở đó một cách an toàn và được tôn trọng.